Chuyện kể rằng: Ở một ngôi làng nọ, có một người phụ nữ mỗi ngày làm bánh nướng ăn, đều làm một chiếc để ngoài bệ cửa cho những người nghèo đi qua tự lấy ăn. Khi làm điều tốt lành đó, bà luôn thì thầm cầu nguyện cho đứa con trai của mình đang đi làm ở phương xa được trở về nhà bình yên.
Đều đặn mỗi ngày, một ông già lưng gù cứ tới lấy bánh. Tuy nhiên, trước khi rời đi, không bao giờ ông ta nói lời cảm ơn bà chủ mà chỉ lẩm bẩm: “Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai”. Ông ta cứ lặp đi lặp lại hành động đó khiến người phụ nữ cảm thấy khó chịu. Một ngày kia, không kềm được tức giận, bà quyết định bỏ độc vào trong chiếc bánh nướng dành cho ông ta để ông ta biến mất và không còn quấy rầy bà. Tuy nhiên, lúc đem bánh đi nướng, bà lại nhớ đến câu nói đáng ghét của ông lão: “ác giả ác báo, thiện giả thiện lai” nên đã quăng chiếc bánh đó vào lửa và làm lại một chiếc bánh mới, đặt ngoài cửa sổ. Như thường lệ, ông lão lưng gù lại tới lấy chiếc bánh và lẩm bẩm câu nói quen thuộc: “Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai”.
Tối hôm đó, bà chủ nhà nghe có tiếng gõ cửa. Lúc mở cửa, bà vô cùng kinh ngạc khi thấy con trai mình đứng dưới hiên nhà với dáng vẻ mệt mỏi và quần áo lấm lem. Nhìn thấy mẹ, người con trai nói: “Mẹ ơi, con có thể đứng ở đây, đúng là một kỳ tích! Trên đường về nhà, con bị kẻ cướp tấn công. Con may mắn chạy thoát được nhưng khi còn cách nhà mình vài dặm, con đói tới mức ngã xuống đất ngất xỉu, con nghĩ mình sẽ chết. Lúc đó, có một ông già lưng gù đi qua. Ông ấy thật tốt bụng khi cho con nguyên một cái bánh nướng. Nhờ cái bánh đó mà con có đủ sức để về tới nhà mình”.
Nghe tới đó, người phụ nữ thảng thốt, đứng không muốn vững. Bà đứng tựa vào cửa, và nghĩ đến chiếc bánh bà làm có bỏ độc hồi sáng. Nếu như bà không ném nó vào lửa mà trao cho ông lưng gù thì người trúng độc chính là con trai của bà. Lúc này, bà mới thấm thía câu nói “Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai” của ông già lưng gù đó.
Quý vị và các bạn thân mến,
“Gieo nhân nào gặt quả đó” là lời mà người ta thường nhắc nhở nhau để giúp nhau tránh những hành vi không tốt và gia tăng cách cư xử đúng mực để có được một cuộc sống tốt lành và yên vui. Không biết vô tình hay cố ý, câu nói gây sốc và khó chịu của ông lão lưng gù lại trở thành một lời cảnh báo hữu ích, giúp cho người phụ nữ trong câu chuyện bên trên biết hối hận và dừng lại hành động độc ác của mình. Nhờ đó, con trai của bà đã tránh được cái chết có nguy cơ đến từ chính tay của bà. Thái độ biết lắng nghe, đón nhận và dám sửa chữa những điều chưa hay, không tốt của mình sẽ mở ra cho con người lối đường đi vào sự thiện.
Chúng ta đang ở trong Mùa vọng và bắt đầu một năm Phụng vụ mới. Năm phụng vụ giúp chúng ta nhận ra được sự hiện diện rất mầu nhiệm nhưng sống động của Thiên Chúa không chỉ trong lịch sử cứu độ mà ngay trong cuộc sống của chúng ta. Ngài có đó và hiện diện với chúng ta nơi các bí tích và các cử hành phụng vụ, nơi những dấu chỉ của thời đại, và ngay trong mọi biến cố xảy đến trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chúng ta sẽ làm gì để có thể nhận ra Ngài và gặp được Ngài?
Năm Phụng vụ mới mở ra một chặng đường mới của hành trình tìm kiếm và gặp gỡ Chúa trong cuộc đời chúng ta. Nơi sa mạc của lòng mình, lời mời gọi của thánh Gioan Tẩy Giả vẫn đang vang lên thúc giục chúng ta: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” (Mc 1, 3). Ước mong lời mời gọi ấy trở thành một quyết tâm hoán cải mạnh mẽ của chúng ta trong suốt Mùa vọng này để trở thành một con người mới và hân hoan gặp được Đấng Cứu Độ của đời mình.
Lạy Chúa, xin ban ơn giúp chúng con lấy lòng khiêm tốn mà san bằng những đồi núi kiêu căng, đem sự tha thứ mà lấp đầy thung lũng oán hận, và dùng sự công bằng, chính trực mà uốn thẳng lại những lối đi quanh co, gian dối và sai lầm trong cuộc sống của mình. Nhờ đó, chúng con sẽ chuẩn bị được một con đường tỏa ngát hương yêu thương, khiêm nhu và trung tín để đón chờ Chúa đến. Amen.
Duy An
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org