Trong Giáo hội, có nhiều bậc sống khác nhau. Có người sống ơn gọi tu trì, có người sống đời hôn nhân gia đình, có người lại sống độc thân tự nguyện. Dù ở bậc sống nào, tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Trong tông huấn Hãy Vui Mừng và Hoan Hỉ, Đức Thánh cha Phanxicô diễn tả vẻ đẹp của Giáo hội biểu hiện chan hòa trong đời sống của mọi thành phần dân Chúa. Sự thánh thiện của Giáo hội không giới hạn ở một bậc sống nào, nhưng tất cả mọi tín hữu đều được mời gọi nên thánh. Người nói “Tôi thích chiêm ngưỡng sự thánh thiện đang hiện diện trong sự kiên nhẫn của dân Chúa: nơi những người cha người mẹ đang dưỡng dục con cái của họ với tình yêu thương bao la, nơi những người nam nữ làm việc cực nhọc để phụ giúp gia đình, nơi những người đau bệnh, nơi các tu sĩ cao niên mà vẫn không bao giờ đánh mất nụ cười trên môi. Tôi nhận thấy sự thánh thiện của Giáo hội đang chiến đấu trong sự kiên trì hàng ngày của họ. Sự thánh thiện còn được tìm thấy nơi những người láng giềng ngay bên cạnh chúng ta hàng ngày, đó là những người đang sống giữa chúng ta, họ chiếu tỏa sự hiện diện của Thiên Chúa” (GE 7).
Tuy nhiên, để đạt đến sự thánh thiện như Thiên Chúa muốn, chúng ta đừng cầu mong sự dễ dãi, nhưng cần một chút hy sinh và cố gắng. Chính Thiên Chúa là Đấng nhân hậu và khôn ngoan, Người biết chúng ta đang cần điều gì. Người sẽ bổ khuyết những chỗ còn thiếu nơi chúng ta. Người sẽ lấp đầy mọi hố thẳm tội lỗi và yếu đuối nơi chúng ta.
Quý vị và các bạn thân mến,
Hôm nay phụng vụ Giáo hội cho chúng ta kính nhớ thánh Giáo hoàng Piô thứ X. Thánh nhân có tên gọi là Giuse Sarto. Ngài sinh năm 1835 tại làng Riêsê, nước Ý. Vốn bản tính cần cù và thông minh, ngài học nhanh hiểu rộng. Được ơn Chúa thôi thúc, ngài xin gia nhập tiểu chủng viện Pađua và thụ phong linh mục vào năm 1858 khi mới 23 tuổi. Ngài được chọn làm cha phó giáo xứ Tomholo, sau đó làm chánh xứ Salzanô. Ngoài ra ngài còn giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo triều Roma. Là người có tài đức, ngài được Đức Thánh cha phong làm Giám mục giáo phận Mantôva vào năm 1884. Nơi đây, ngài đã chu toàn trách nhiệm của một chủ chăn, chuyên lo đào tạo hàng giáo sĩ, yêu thương và chăm lo cho những người nghèo khổ. Hết lòng phục vụ Giáo hội và chăm lo cho đoàn chiên, năm 1893, ngài được phong làm Hồng y, kế tiếp là làm thượng phụ giáo chủ Vênêxia. Và vào năm 1903, ngài được bầu làm giáo hoàng thứ 259 của Hội Thánh sau khi Đức Giáo hoàng Lêô XIII qua đời. Vốn bản tính đơn sơ, khó nghèo và can đảm, ngài đã chọn thánh hiệu là Piô X với đường hướng mục vụ là “Canh tân mọi sự trong Chúa Kitô”.
Với trách nhiệm của một chủ chăn, thánh Giáo hoàng Piô X đã hết lòng bảo vệ đức tin tinh tuyền của Hội Thánh, củng cố đức tin cho mọi người, lên án chống lại phái duy tâm và các nhóm ly giáo. Ngài nghiên cứu soạn thảo sách giáo luật đặt nền tảng vững chắc cho tu sĩ, khuyến khích các tín hữu yêu mến cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể, siêng năng rước lễ và cho phép trẻ em được rước lễ sớm hơn thường lệ.
Không chỉ quan tâm đến những vấn đề trong Giáo hội, thánh Giáo hoàng Piô X còn đồng cảm với con người khi chiến tranh thế giới xảy ra khiến cho bao nhiêu người phải chịu cảnh đau thương chết chóc. Ngài đã cảm thông trước cảnh nghèo đói khốn cùng của con người. Ngài đã xác tín rằng “Tôi học sự khôn ngoan và khiêm nhường nơi thánh giá. Tôi được sinh ra trong cảnh nghèo, tôi sống trong cảnh nghèo, và tôi mong ước sẽ được chết như một người nghèo”. Sau một đời phục vụ đoàn chiên, ngài đã được về với Chúa trong an bình vào ngày 20 tháng 8 năm 1914. Một năm sau đó, Đức Giáo hoàng Piô XII đã tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Giáo hoàng Piô X trí khôn ngoan siêu việt và lòng dũng cảm để người bênh vực đức tin công giáo, xin cho chúng con biết quy hướng trí lòng mình về với Đức Kitô, nỗ lực vươn tới sự thánh thiện trọn hảo theo như ý Chúa muốn. Amen.
Phương Anh
Trích nguồn: vietnamese.rvasia.org