Một người góa phụ ở bên bờ sông với mong muốn tìm đến cái chết, may mắn được ông lái đò đi ngang qua cứu vớt. Ông lái đò hỏi người góa phụ: “Tại sao lại muốn tìm đến cái chết?”, người góa phụ nói: “Bởi vì chồng của tôi đột ngột chết nên tôi cũng không thể sống nổi nữa.”
Ông lái đò hỏi: “Cô kết hôn được bao lâu rồi?”
Người góa phụ trả lời: “Được 3 năm.”
Ông lái đò lại hỏi: “Lúc chưa kết hôn, cô làm nghề gì?”
Người góa phụ trả lời: “Tôi làm nghề nhuộm vải trong thôn.”
Ông lái đò lại hỏi: “Khi ấy cuộc sống của cô thế nào?”
Người góa phụ trả lời: “Cũng hài lòng.”
Người lái đò lại hỏi: “Lúc đó cô chưa có chồng, tại sao cũng sống được tiếp vậy?”
Người góa phụ im lặng và hiểu mình cần làm gì để có cuộc sống hạnh phúc.
Quý vị và các bạn thân mến !
Ông lái đò đã cho người góa phụ lời khuyên rất minh triết rằng: “Hãy tìm về chính bản thân mình khi chưa kết hôn đi, lúc đó cô có một mình, chẳng phải cũng vẫn cảm thấy hạnh phúc sao?” Quả thực là nỗi khổ của con người thực ra không liên quan gì đến sự tồn tại hay thiếu vắng những gì mình đã từng sở hữu, mà nó có liên quan đến sự quyến luyến của con người đối với sự vật, sự việc hay con người – những điều chúng ta cho rằng mình nhất định phải có trong cuộc đời. “Đời vắng em rồi vui với ai ?”, mất một điều gì đó khiến con người đau khổ, cảm thấy cuộc sống mất đi niềm vui là vì người ta đã quá quen thuộc đến nỗi trở thành thói quen hay phụ thuộc vào sự tình, sự vật, con người đó… Vì thế, khi những thứ đó bị mất đi thì mục đích sống của họ tiêu tan, ý nghĩa cuộc đời của họ không còn. Họ rơi vào bế tắc và thất vọng vì không thể chịu đựng được sự mất mát, sự thay đổi
Trong đời đại internet này, có lẽ điều khiến con người sợ mất nhất đó là “mất mạng”. Quả thật nếu mất internet, cuộc sống của con người sẽ bị đảo lộn hoàn toàn. Không có mạng thì thói quen truy cập mạng tìm kiếm thông tin sẽ phải dừng lại, không có mạng chẳng thể kết nối gia đình bạn bè, mua sắm, đặt đồ online … Đúng là không mất gì đau khổ hơn “mất mạng”. Thế nhưng sự thật có phải là không có internet thì con người sẽ không sống vui vẻ hạnh phúc được hay không? Dĩ nhiên là không. Chúng ta có thể đi ra thư viện, vào hiệu sách tìm toàn bộ những cuốn sách liên quan để truy ra thông tin tìm kiếm. Không còn email hay tin nhắn gửi và nhận trong tích tắc, chúng ta dành thời gian thăm viếng, gặp gỡ trò chuyện trực tiếp với nhau. Cứ thế, tất cả đều rộng mở và sáng sủa hơn nếu chúng ta chịu thay đổi khía cạnh nhìn nhận, thay đổi ý niệm của mình. Đừng mặc định những thứ mà mình “nhất định phải có” trong cuộc đời, đó chính là mấu chốt của tự do. Nói cách khác, một khi “thói quen” đó được cải biến, những điều trước đây “nhất định phải có” đã không còn là nhu cầu phải có nữa, thì chúng ta sẽ thấy mình được tự do và không còn bị ràng buộc bởi nó.
Hãy tìm về chính bản thân khi chúng ta đến trong cõi đời này. “Dưới ánh sáng đức tin, chúng ta biết rằng Thiên Chúa tạo dựng chúng ta không như các đồ vật, nhưng như những người được yêu thương và có khả năng để yêu, tức là giống hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27). Như vậy, Thiên Chúa đã ban cho ta một phẩm giá độc nhất, mời gọi chúng ta sống hiệp thông với Ngài và với anh chị em chúng ta trong khi tôn trọng tất cả tạo vật. Trong mối hiệp thông này, Thiên Chúa ban cho ta khả năng sinh sôi và bảo vệ sự sống (x. St 1,28-29), khả năng lao tác và chăm sóc trái đất (x. St 2,15; LS, 67)”. Đây mới là giá trị và hạnh phúc đích thực của mỗi nhân vị hiện diện trên cõi đời này. Vì thế, chúng ta chỉ mất hạnh phúc khi không còn sống trong ơn nghĩa Chúa.Tựa như “Hoa Lan ở nơi hẻm sâu, dẫu cô độc vẫn ngào ngạt, Hoa Mai gặp cảnh trái ngang, dẫu tịch mịch vẫn toả hương,” không một nghịch cảnh nào khiến chúng ta trở nên bất hạnh hơn khi phải tách ra khỏi lòng mến của Đức Kitô.
Lạy Chúa, Ngài đã yêu thương chúng con từ trước muôn đời và mãi còn hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể để luôn kề cận chăm sóc mỗi phận người chúng con, xin cho chúng con luôn xác tín điều này để biết đón nhận mọi nghịch cảnh trong cuộc đời mình với lòng tin yêu phó thác. Amen.
Bình Minh
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org