Quý ông bà và anh chị em thân mến,
Albrecht Dürer là một họa sĩ người Đức nổi tiếng ở Châu Âu vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI. Mặc dù qua đời khá sớm vào lúc 57 tuổi, Dürer đã để lại cho nhân loại một sự nghiệp nghệ thuật đồ sộ gồm hàng trăm bức tranh. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đó là bức tranh “Ðôi tay cầu nguyện”. Có một câu chuyện về xuất xứ của bức tranh này được kể lại như sau:
Họa sĩ Albrecht Dürer được sinh ra trong gia đình nghèo có 18 người con. Cha của ông là một người thợ kim hoàn phải làm việc quần quật gần 20 tiếng đồng hồ mỗi ngày để nuôi gia đình. Dürer là người con thứ ba, và cùng với anh trai mình, cả hai đều có năng khiếu vẽ từ nhỏ và ấp ủ giấc mơ được trở thành họa sĩ. Nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cả hai anh em không thể cùng thực hiện ước mơ của mình. Vậy là Dürer và anh trai đã thỏa thuận với nhau một trò chơi thắng thua qua việc tung một đồng xu. Người thua sẽ làm thợ mỏ, dùng toàn bộ thu nhập để chu cấp cho người thắng đi học. Còn người thắng, sau bốn năm học, sẽ chu cấp tài chính cho người còn lại đi học. Kết quả là Dürer thắng cuộc và được đi học còn người anh trai thì đi tới vùng mỏ làm lụng trong suốt bốn năm để kiếm tiền chu cấp cho Dürer ăn học. Điều tuyệt vời là những tác phẩm của Dürer rất đẹp nên được nhiều người ưa thích. Đến khi tốt nghiệp, ông đã bán được khá nhiều tranh và dành dụm được một khoản tiền.
Trở về nhà, Dürer cảm ơn người anh trai đã hy sinh bốn năm giúp mình hoàn thành được ước mơ và nói với anh mình rằng: Bây giờ đã đến lượt anh theo đuổi ước mơ của mình. Em sẽ lo toàn bộ chi phí và chăm sóc gia đình. Nhưng anh của Dürer mỉm cười, rồi bật khóc:
– Không, bây giờ thì anh không thể. Bởi vì sau bốn năm làm việc trong hầm mỏ, không còn ngón tay nào của anh là lành lặn. Thậm chí bây giờ anh còn bị thấp khớp ở tay phải nặng tới mức không thể nâng nổi một chiếc ly, nói gì đến việc cầm cọ vẽ. Cảm ơn em, nhưng bây giờ đã quá muộn rồi…
Thế rồi trong niềm biết ơn sâu sắc và kính trọng, Dürer đã vẽ lại đôi bàn tay của anh trai mình, với lòng bàn tay hướng vào nhau và những ngón tay gầy guộc hướng lên trời. Ông chỉ gọi bức tranh đó đơn giản là “Đôi tay”, nhưng cả thế giới đều đặt tên cho kiệt tác đó là “Đôi tay cầu nguyện”.
Quý ông bà và anh chị em thân mến,
Mặc dù chỉ là một bộ phận bé nhỏ của thân thể nhưng đôi tay lại có những chức năng và vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống của con người. Với đôi tay, chúng ta có thể tự chăm sóc, làm việc này việc nọ cho chính mình và người khác. Với đôi tay, chúng ta có thể đón nhận và trao gửi những yêu thương qua những cái nắm tay, chạm nhẹ hay vỗ về. Người ta thường ưa thích ngắm nhìn và cầm lấy những đôi tay thật đẹp và mềm mại, nhưng sẽ phải ngưỡng mộ, nghiêng mình trước những đôi bàn tay gầy gò, chai cứng, sần sùi và trở nên xấu xí vì những hy sinh, lao nhọc cho hạnh phúc của người khác. Có lẽ đôi bàn tay của anh trai họa sĩ Dürer cũng đã từng rất đẹp, nhưng sau một thời gian vất vả làm việc, anh đã đánh đổi bàn tay đẹp của mình thành đôi bàn tay gân guốc đầy vết nhăn và thương tích để hiện thực hóa giấc mơ thành họa sĩ tài ba của em mình.
Nhìn lại đôi tay của mình và những đôi tay chúng ta gặp được trong cuộc đời, chúng ta cũng thấy được nơi đó bao dấu ấn của tình thương và những hy sinh thầm lặng. Đôi tay chai sần của cha vì lam lũ làm việc, đôi bàn tay gầy gò đầy những vết sẹo của mẹ do quán xuyến công việc nhà và vất vả chăm sóc con cháu. Và chúng ta cũng nhớ đến đôi bàn tay của Chúa Giêsu đã không ngần ngại chạm đến người bệnh tật, nâng đỡ người tội lỗi và rửa chân cho các môn đệ để trao gửi cho chúng ta bài học lớn lao về tình yêu vô vị lợi và thái độ khiêm nhường phục vụ. Đôi tay đó của Người sau khi phục sinh vẫn hằn sâu những vết đinh làm chứng tích tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì những người bạn mà Người hằng yêu thương đó là chính chúng ta và cả nhân loại. Ước mong rằng những đôi bàn tay của chúng ta cũng trở nên những đôi bàn tay cầu nguyện khi biết chắp lại tôn thờ Thiên Chúa, là những đôi tay phục vụ biết mở ra chia sẻ những chén cơm, ly nước cho người đói khát và là những đôi tay an ủi xoa dịu những đau khổ, thương tích của phận người.
Lạy Chúa, giữa một thế giới mà nhiều đôi tay đang chới với trong vô vọng, mất phương hướng, xin cho đôi tay chúng con biết hướng về Chúa để được Chúa nắm lấy và dẫn dắt trên đường ngay nẻo chính. Giữa một xã hội mà nhiều bàn tay chỉ biết nắm lại để giữ cho riêng mình, xin cho đôi tay chúng con biết mở ra để nối kết và lan tỏa yêu thương cho tha nhân qua sự hy sinh phục vụ và những việc bác ái chân thành. Amen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTG Chợ Quán
Trích nguồn: vietnamese.rvasia.org