Sáng ngày 1/3/2021 vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến năm mươi thành viên “Trung tâm Phanxicô liên đới” ở thành phố Firenze, miền trung Italia. Ngài cám ơn và khích lệ tất cả tiếp tục công tác bác ái theo tinh thần thánh Phanxicô Assisi.
Trung tâm này được thành lập cách đây 38 năm (1983), do các thành viên dòng Phanxicô tại thế, thực hiện dịch vụ lắng nghe, liên đới và trợ giúp người nghèo, những gia đình ở trong tình trạng kinh tế và xã hội khó khăn, kể cả việc phân phối y phục.
Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha nhắc đến tấm gương của Chúa Giêsu, khi đến trần thế để loan báo Nước Thiên Chúa, đã gần gũi và cảm thương với những vết thương của nhân loại, gần gũi với những người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề và loại bỏ, những người bị bỏ rơi và áp bức, biểu lộ tâm hồn của Thiên Chúa Cha, bảo tồn, bênh vực và thăng tiếng phẩm giá của mỗi người con, và Chúa cũng kêu gọi chúng ta kiến tạo những điều kiện nhân bản, xã hội và kinh tế để không ai bị loại trừ hoặc bị chà đạp các quyền căn bản, không ai phải chịu đau khổ vì thiếu bánh vật chất hoặc chịu cô đơn”.
Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng: “Trong công việc của mình, các bạn được soi sáng nhờ chứng tá rạng ngời của thánh Phanxicô Assisi, người đã thực thi tình huynh đệ đại đồng và nhất là “đã gieo vãi hòa bình và tiến bước cạnh những người nghèo, những người bị bỏ rơi, người bệnh, người bị gạt bỏ và những người rốt cùng” (Fratelli tutti, 2). Khi tìm cách theo gương thánh nhân, từ gần bốn mươi năm nay, các bạn thi hành dịch vụ này, là một dấu chỉ cụ thể về niềm hy vọng, và cũng là dấu chỉ trái ngược trong thành phố nhộn nhịp ở Firenze, nơi có bao nhiêu người lẻ loi với sự nghèo khổ của họ. Đó là một dấu chỉ đánh động lương tâm ngái ngủ và mời gọi hãy ra khỏi sự dửng dưng, cảm thông những người bị thương tổn, cúi mừng trên người bị gánh nặng của cuộc đời đè bẹp”.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Các bạn thân mến, hãy can đảm tiến bước trong công việc của các bạn. Tôi cầu xin Chúa nâng đỡ công việc này, vì chúng ta biết rằng lòng tốt và sức riêng nhân trần của chúng ta không đủ… Đứng trước một người nghèo, chúng ta được kêu gọi hãy có tình thương làm cho chúng ta cảm thấy họ là người anh chị em của chúng ta, và điều này chỉ có thể nhờ ơn của Chúa Kitô, Đấng hiện diện trong người nghèo ấy”.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org