Làm Chủ Bản Thân

“Chiến thắng là một bông hoa khắt khe

không dành cho tất cả các mảnh đất,

nó chỉ nở dưới ánh nắng mặt trời của ý chí .

Raymond de st Laurent

Ngựa có cương. Thuyền có lái. Xe có thắng. Chúng ta có gìBiết làm chủ bản thân mới có thể điều khiển đời mình theo ý muốn được.

Mỗi người đều cần biết mình muốn gì, đâu là thế mạnh, thế yếu của mình và cần luôn tự chất vấn bản thân xem đời mình sẽ đi về đâu? Ước muốn vẫn luôn tốt lành và cao đẹp, nhưng không phải cứ muốn là có thể làm được mọi sự, vì chính trong bản thân mình, chúng ta còn có nhiều lực đối kháng.

Tự bản chất, thân phận làm người chúng ta vừa là “con” vừa là “người”. Lực của nhân tính luôn đôi co với luật của thú tính. Chúng ta vừa là thánh nhân vừa là tội nhân. Cái xấu, cái tốt hay điều thiện điều ác vẫn luôn tranh chấp từ bên trong mỗi người. Thánh Phaolô, một vị tông đồ siêu quần bạt chúng như thế mà vẫn phải trăn trở chiến đấu với bản thân và Ngài đã nói lên một điều mà ai trong chúng ta cũng đã từng cảm nghiệm:

Điều tôi muốn, tôi lại không làm, mà tôi lại làm điều tôi không muốn…” (Rm 7, 15)

Thật vậy, con người có thể làm chủ phần nào thiên nhiên, thống trị người khác, nhưng thắng bản thân mình, làm chủ và điều khiển nó có lẽ là điều cần nhiều quyết tâm và nỗ lực nhất.

Làm chủ bản thân là biết điều khiển đời mình, biết điều tiết mọi sự cho quân bình, đúng mức, biết khi nào cần tiến hay lúc nào nên lùi, biết dừng đúng lúc hay khi nào khoan, khi nào nhặt, khi nào cần chậm lại. Làm chủ bản thân là đôi khi tạm dừng nhưng nhiều phen chạy nước rút hay trở lui và bắt đầu lại…

Làm chủ bản thân là một đặc nét của người trưởng thành, biết lèo lái đời mình theo ý muốn và hướng về CHÂN THIỆN MỸ. Nếu không làm chủ bản thân, chúng ta có thể hành động theo bản năng và vì thế, dễ trở nên một kẻ bốc đồng, sống vô định hướng và sống như những con rối, bị điều khiển bởi nhiều lực nội tại hay ngoại giới tạo nên nhiều mâu thuẫn nơi chính bản thân.

Làm chủ bản thân là làm chủ suy nghĩ, cảm xúc và hành vi; làm sao cho có sự hoà hợp cân đối giữa tiếng nói của lý trí và con tim. Cảm xúc được ví như nguồn nước. Một khi dùng đúng nó sẽ đem lại nhiệt điện, sự tươi mát cho con người và hoa màu cây trái. Nếu không điều khiển được, nước sẽ là lực tàn phá, gây lũ lụt hủy hoại sự sống con người và thiên nhiên, công lao vất cả của con người.

Người biết làm chủ mình là người có thể chọn cho mình cảm xúc mình muốn, siêu thăng và chuyển hoá cái tầm thường trở nên những điều giá trị cho cuộc sống. Những áng thơ hay, những khúc nhạc tuyệt vời, hay những tác phẩm nghệ thuật lừng danh, há chẳng phải là thành quả của những phút cảm xúc dâng trào đó sao?

Làm chủ bản thân sẽ giúp chúng ta sử dụng tối đa những tiềm năng của mình để đem lại lợi ích trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, những khả năng mà trời đã phú cho con người một cách hào phóng, mà cho đến nay chúng ta có thể còn đang để nó ngủ yên.

Làm chủ bản thân là có thể chế ngự được các sự kiện trong cuộc sống thay vì để cho hoàn cảnh và các sự kiện chế ngự mình.

Lắm lúc trong đời chúng ta có những cơ may, hay hoàn cảnh thuận lợi. Những người bản lãnh thường nắm bắt ngay được nó, còn những người yếu đuối thì để cho nó qua đi. Những người không làm chủ bản thân thì cũng sẽ không làm chủ được số phận, trái lại đôi khi còn tự biến mình thành nạn nhân của chính mình. Những người biết làm chủ bản thân thường sống với ý chí, nghị lực, họ đấu tranh với những khó khăn và vượt qua trở ngại, nhờ làm chủ chính mình.

Nếu tỉnh thức và suy ngẫm chúng ta có thể nhận ra rằng trong nhiều tình huống, chúng ta có thể làm tốt hơn, nhưng vì thiếu sức mạnh của ý chí, vì bị sự kìm hãm của bản năng, của tự ái, của lười biếng cộng với áp lực bên ngoài, chúng ta gặp khó khăn, thất bại. Lắm phen chúng ta không thắng được tính nhút nhát, mặc cảm hoặc những nỗi sợ hãi do định kiến, do kinh nghiệm thất bại trước đó làm ta tê liệt và yếu mềm. Chúng ta không tự chủ được mình và để cho những lực tiêu cực ấy cuốn hút mình theo.

Trở về với tuổi trẻ. Biết bao nhiêu người đã đánh mất, bán rẻ hay làm hỏng đời mình vì:

Lao vào con đường nghiện hút chỉ vì không thắng nổi bản tính tìm sự dễ dãi, nhất là những lời mời mọc, khích bác, thách thức của bạn bè.

Lao vào tình dục vì không thắng nổi những sự tò mò hay cảm xúc dâng trào hoặc những ham muốn nhất thời.

Bỏ bê việc học vì không thắng nổi tính ươn lười, sự mọc mời của các trò giải trí khác và sự chán nản mệt mỏi khi phải cố gắng.

Không làm việc hay học hành, bỏ cuộc trước những thách đố của trách nhiệm vì không thắng nổi những tháng ngày kham khổ hoặc sự đơn điệu và độ dài của thời gian.

Dễ dàng buông xuôi trước những khó khăn, nghịch cảnh hay thất bại, hoặc những đòi hỏi của bổn phận, của chữ nhân, chữ tín …

Chúng ta cần bắt đầu sớm tiến trình giáo dục chính mình, càng sớm càng tốt. Chúng ta cần chuẩn bị cho mình một đời sống kỷ luật và điều độ. Một sự tập luyện bền bỉ sẽ tạo những nếp sống, nếp nghĩ và hành động vững chắc và tích cực. Làm chủ bản thân bắt đầu bằng làm chủ những cách nghĩ của mình, là tạo cho mình một cái “thắng” hay cái “phanh”, đồng thời tập:

Biết suy nghĩ trước mỗi chọn lựa lớn nhỏ trong ngày và trong đời, biết dừng khi thấy mình lạc lối.

Biết thôi không nói thêm một lời, không hút thêm một điếu thuốc hay uống một ly bia.

Biết từ chối một cuộc hẹn hò hay một lời mời mọc mà chúng ta cảm thấy bất an.

Có thể ngưng một cuộc trò chuyện vô bổ hay dừng xem truyền hình đang đến hồi gay cấn để học bài hay làm một bổn phận cần thiết.

Suy nghĩ, hình thành thói quen phân tích lợi – hại khi làm hay nói một điều gì.

Làm chủ bản thân là tập ý thức và điều khiển những cảm xúc đang tràn ngập trí lòng:

Trước những cơn xúc động mạnh mẽ, đừng nói gì hết, đừng viết gì hết, đừng quyết định điều gì. Nói cách khác, tạm thời ngưng lại những hành vi cụ thể đang bị ảnh hưởng tai hại của những cơn xúc động…

Sự thinh lặng giúp ổn định, thăng bằng nội tâm, làm cho trí phán đoán sẽ khách quan hơn. Khi đó, tâm trí chúng ta sẽ trở nên sáng suốt hơn

Vận dụng năng khiếu và tâm lý, chịu khó suy nghĩ, ta sẽ tìm được cho mình một cảm giác tự tin.

Làm chủ bản thân đòi buộc mỗi người

 “Cần phải suy nghĩ, và đừng vội gặt lúa non, để phải cầm chắc sự thất bại. Đối với những người không làm chủ được bản thân họ dễ thất bại, và rồi sự thất bại ấy sẽ dìm họ vào sự suy sụp tinh thần.  Raymond de St Laurent

Tập làm chủ bản thân là tập sự trầm tĩnh vì trong trầm tĩnh chúng ta có thể dễ nhận thấy bản thân và kiểm soát mình hơn. Sự trầm tĩnh chính là một sức mạnh lớn lao đủ ngăn không cho nguồn nghị lực của chúng ta bị phân tán và tiêu hao một cách vô ích.

Kẻ nào có sự trầm tĩnh và sự suy nghĩ, kẻ ấy luôn chiến thắng”

Hãy làm chủ bản thân qua việc tập luyện cho mình thói quen như R de St Laurent nhắc nhở: “Luôn chuẩn bị sẵn cho mình những điều kiện để đối phó với những khó khăn có thể gặp phải, vạch cho mình thái độ ứng xử phù hợp với mỗi tình thế.  Tập làm chủ bản thân là tập cho mình sự chịu đựng những trái ý, những thiếu thốn; chấp nhận những điều không thuận lợi; kiên trì làm việc đến cùng với tinh thần trách nhiệm dù sự việc xảy ra không như dự tính hay lòng mong muốn.

Những gương sống sau đây và biết bao gương sống khác từ những người thân, từ những người mà ta yêu mến, kính phục có thể là một động lực giúp chúng ta xoay chuyển và thắng được những áp lực nặng nề của bản thân.

Garcia Moreno đã đến ngồi trên những tảng đá nhô ra thẳng đứng trên cao có nguy cơ bị sụp đổ để rèn luyện lòng can đảm.

Gueslin kiên trì khổ luyện xoá bỏ những cơn bộc phát của cảm tính.

Desmosthene đến bên bờ biển, ngậm những hòn sỏi trong miệng để sửa chữa cách nói năng tồi tệ của mình.

Còn các bạn trẻ, bạn đang cần tập luyện gì đây để có thể trở nên những người biết làm chủ bản thân?  Biết mình muốn gì và đi đâu có nghĩa là chủ động về đời mình chứ không như câu chuyện “Lúng túng của Alice” sau đây:

“Trong tác phẩm nổi tiếng “Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên” của Lewis Carroll, có một đoạn kể về cô bé Alice khi bị lạc vào xứ sở thần tiên, cô sợ hãi bỏ chạy, chạy mãi cho đến khi gặp một con mèo. Alice hỏi con mèo: Tớ đi đường nào bây giờ?

Con mèo trả lời: Điều đó tùy thuộc vào việc cậu muốn đến đâu chứ?

Alice đáp lại: Tớ thật sự chẳng quan tâm lắm về cái nơi mà mình muốn đến.

– Thế thì cậu cũng không cần quan tâm là nên đi đường nào! Một khi mà cậu đã không quan tâm đến cái nơi mà mình tới thì đi đường nào mà chẳng được!

Sự lúng túng của Alice có làm ta phải suy nghĩ: mình sống để làm gì, ý nghĩa của cuộc đời mình nằm ở nơi đâu?

Tôi phải làm chủ cuộc đời tôi chứ, tôi biết mình đang đi đâu!

 

Nữ tu Marie-Thecla Trần Thị Giồng, CND-CSA
Trích nguồn: https://dongducba.net

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube