Tin Vào Bản Thân

“Người bản lãnh thì tin vào bản thân mình,
Người tầm thường thì trông chờ vận may.”

Benjamin Dỉaeli

Nếu chúng ta luôn dựa dẫm hay trông chờ nơi người khác sự giúp đỡ, hỗ trợ, đó chính là cơ nguy, vì nếu như một lúc nào đó họ từ chối hay không có thể giúp chúng ta được nữa thì sao? Đời mình sẽ trở nên như thế nào? Nếu cha mẹ luôn để cho con lệ thuộc vào mình thì tương lai chúng ta sẽ ra sao? Abraham Lincoln, một vị tổng thống tuyệt vời, khởi đầu cuộc đời chẳng mấy may mắn cả về bản thân lẫn gia đình, đã dựa trên kinh nghiệm sống của chính mình mà khẳng định như sau:

“Thành đạt không phải do sự giúp đỡ của người khác, mà do lòng tự tin.”

Những nhà tâm lý luôn nhấn mạnh đến trách nhiệm của bản thân trên cuộc đời mình, đến tinh thần tự lập, tự quyết của một người trưởng thành, cũng đã nhắc nhở chúng ta rằng:

“Đem thành bại của bản thân ký thác ở người khác thì thật đáng chê trách!”

Phải, ngoài những hành trang khác, xin phụ huynh chuẩn bị thêm một loại hành trang không thể thiếu nữa cho con vào đời – đó chính là lòng TỰ TINlòng tự tin giúp con em có thể làm chủ và nắm lấy vận mệnh đời mình. Dù cảnh đời như thế nào đi nữa. Bản thân của chúng ta vẫn là tác giả, đời tôi chính là sản phẩm của bản thân tôi chứ không phải là của ai khác.

Lòng tự tin chính là cột sống cho cuộc đời của con em quý vị bởi vì:

  • Chính bản thân con em mình phải đối diện với những thách đố, những cạm bẫy, những khó khăn hay những cám dỗ từ bên ngoài cũng như những xu hướng tiêu cực từ bên trong con người mình.
  • Chính con em phải dấn bước vào đời bắt tay vào việc, trong tương lai, phải mang trách nhiệm không những cho bản thân mình mà còn cho vợ/ chồng, con cái lắm lúc phải gánh vác cả cha mẹ, anh em nữa.
  • Chính con em quý vị phải làm việc, phải sáng tạo, phải tương quan với những người mà cuộc sống gửi đến…

Làm sao con em chúng ta có thể hiên ngang, yên tâm để làm ngần ấy thứ, để bước vào cuộc đời này, nếu chúng không tự tin và không có sức mạnh nội lực? Những nhà khôn ngoan đã thường bày tỏ rằng:

“Chính niềm tin của chúng ta dệt nên cuộc đời của mình
và cho hoàn cảnh một ý nghĩa.”

  • Với lòng tự tin, người ta mới dám làm, dám nói cũng như dám bày tỏ con người, ý nghĩ và tâm tình của mình.
  • Với lòng tự tin, người ta mới sống thật với con người của mình mà không sợ bị phê phán.
  • Với lòng tự tin, người ta không sợ thất bại hay dám bắt đầu lại, dám trỗi dậy sau những lần té ngã hoặc gặp phận rủi ro.
  • Với lòng tự tin, con em quý vị mới dám từ chối làm theo những lời khiêu khích, thách thức hay mời mọc của bạn bè xấu.
  • Với lòng tự tin, con em mới dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo mà không sợ thất bại hoặc chê bai.

….

Lòng tự tin chính là một nguồn lực đẩy chúng ta tiến tới.

Lòng tự tin cho phép chúng ta sử dụng hết được tiềm năng, và dồn hết năng lực của bản thân vào hành động.

Lòng tự tin giúp chúng ta dám bắt tay vào thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình. Với kinh nghiệm hành động, trẻ sẽ có thêm sự khôn ngoan, làm cho cuộc đời trở nên phong phú. Và qua những thành bại, con người mới thực sự “lớn lên”. Vì “ai nên khôn, không khốn một lần!” Cái khác nhau giữa chúng ta là “dậy mà đi” mà chỉ có những người tin vào bản thân mới dám dậy mà đi thôi!

“Trong đời có một điều tệ hại hơn thất bại, đó là không dám thực hiện”
(Franklin Roosevelt)

Lòng tự tin được xây dựng không phải do trí thông minh, cũng không có đầy đủ những phương tiện vật chất hay giàu có, cũng không do vận may. Với con em quý vị, lòng tự tin có được chính là ở cách giáo dục, và ứng xử của người thân.

. Nếu thái độ, cách ứng xử của cha mẹ đối với con cái luôn tế nhị, tôn trọng, sẽ giúp trẻ thêm tự trọng và phát huy lòng tự tin.

. Nếu trẻ sống trong bầu khí thương yêu, trẻ thấy mình quan trọng và có giá trị, chúng sẽ tự tin vào bản thân.

. Nếu trẻ được chấp nhận như mình là vậy, chúng sẽ an tâm làm những gì chúng muốn.

Câu chuyện sau đây sẽ minh chứng cho những gì đã được nêu ở trên.

Một cô sinh viên rất xinh đẹp, thông minh, và là học sinh xuất sắc suốt thời cấp II và cấp III, con duy nhất của một giáo sư, thế nhưng cô lại phải đến tìm tư vấn vì lý do bị mặc cảm.

Điều gì đã khiến một con người có đủ điều kiện khách quan như thế trở nên một đối tượng cần tư vấn?

Đó chính là sự chờ đợi và cách ứng xử của bố mẹ: gia đình luôn mong muốn và thúc đẩy cô học tập. Họ không bao giờ hài lòng với những gì cô đang có, mà muốn con phải tiến hơn nữa, kết quả cao hơn, phải hơn người, phải đứng đầu… Từ nhỏ đã cố gắng nhiều, nhưng chẳng bao giờ được cha mẹ tỏ ra hài lòng, thừa nhận những kết quả đó, trái lại cô gái cứ thấy mình chưa đạt. Phải, đối với người khác, cô ta đã đạt quá nhiều thành quả, nhưng trước sự ham muốn của bố mẹ thì cô vẫn là người chưa làm họ hài lòng. Cô chỉ được nghe “chưa được, chưa đạt,…” Vì thế, cô vẫn mang trong lòng một sự bất an, và cho rằng mình là một người chẳng có giá trị, chẳng làm được gì! Dần dà những tư tưởng ấy thống trị trong đầu óc non nớt của cô cho đến lớn và mặc cảm hình thành từ đó. Những lời động viên, thừa nhận khả năng và cố gắng của con dường như vắng bóng nơi bố mẹ cô.

Bên cạnh đó, một cậu bé con bà bán bún ngoài ngõ hẻm, bé mới học lớp 4. Ngày ngày, bố mẹ vất vả bận rộn với việc sinh nhai. Bé thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng bé không thiếu sự nâng đỡ và cảm thông. Thấy ai, bé cũng mỉm cười. Hỏi gì, bé cũng trả lời với vẻ đầy tự tin. Bé học không giỏi, nhưng bé cởi mở, hồn nhiên và dạn dĩ, dám làm, dám nói, không mặc cảm về thân phận mình. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt này?

Đó chính là bé thấy mình quan trọng, mình “có giá trị” đối với bố mẹ. Đây là một điều nhỏ giúp chúng ta hiểu tại sao cậu bé này lại tự tin hơn biết bao trẻ đủ điều kiện sống hơn mình.

Một chiều nọ, đi ngang qua thấy vài bà bạn của má quây quanh nồi bún, ở giữa là chú bé đang đọc bài học thuộc lòng cho các dì, các bác nghe. Thật ra bé đọc chẳng hay ho và suông sẻ gì mấy, nhưng nhìn nét mặt đầy tự tin. Vì trong lúc đọc, bé nhìn má, khuôn mặt bà rạng rỡ. Bà tỏ ra rất hài lòng và hãnh diện về con mình. Bà khen bé đọc hay và khoe với các bạn là bé được 7 điểm.

Một bà mẹ chỉ biết đọc, biết viết, nhưng bà đã biết động viên con, biết thừa nhận những khả năng rất giới hạn của con, biết tỏ ra quý cái vốn ít ỏi ấy, và vui thích với những gì con minh đang có. Bà không thúc ép, nhưng khuyến khích qua thái độ của mình. Cậu bé này đã hạnh phúc và cảm thấy an toàn nội tâm, vì thấy bố mẹ tin và đánh giá cao về mình. Cách dạy dỗ, thái độ và bầu khí gia đình đã đem lại cho bé lòng tự tin ở bản thân. Bé vui vẻ lớn lên, tự tin đi vào đời!

Tóm lại, trẻ lờn lên trong một gia đình giàu có, học thức không quý bằng được nuôi dưỡng trong bầu khí khích lệ, đông viên, chấp nhận và thương yêu. Chính trong chiếc nôi này mà lòng tự tin đã được hình thành, được nuôi dưỡng. Và lòng tự tin là chính hạt mầm của sự thành công và vui sống trong đời người.

Nữ Tu Marie-Thecla Trần Thị Giồng
Trích nguồn:https://dongducba.net

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube