Phút cầu nguyện: Đức tin và khoa học

 Louis Pasteur: “Một ít khoa học làm ta xa rời Chúa; nhiều khoa học làm ta quay về với Chúa.”

Trên tuyến xe lửa đi về Paris, có một thanh niên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ rút trong túi áo ra một chuỗi mân côi và chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội.

Sau một hồi lâu, xem chừng không thể chịu nổi, anh ta mạnh dạn lên tiếng: “Thưa Ông, Ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí thế à?”

Cụ già thản nhiên trả lời: “Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?”

Người thanh niên xấc xược trả lời: “Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào những chuyện nhảm nhí ấy được, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi và hãy học hỏi những khám phá mới của khoa học, rồi ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến nay đều là những chuyện nhảm nhí hết.”

Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên: “Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được chúng không?”

Người sinh viên nhanh nhảu trả lời: “Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi sách vở đến cho ông, rồi ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học cho mà xem.”

Cụ già từ từ rút ra trong túi ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi: “Louis Pasteur, Viện Nghiên cứu Khoa học Paris.

Kính thưa quý vị và các bạn thân mến,

Mối liên hệ giữa đức tin và khoa học đã được đề cập đến rất nhiều trong các bài nói chuyện cũng như các bài luận của nhiều tác giả. Hầu như các ý kiến đều chứng minh đức tin và khoa học cả hai có mối liên hệ bổ xung và không có sự đối nghịch nhau. Thật vậy, thế giới chúng ta đang sống được mệnh danh là thời kỳ công nghệ khoa học, nhờ những chứng minh và khám phá của khoa học đã chỉ cho chúng ta thấy, thế giới này vô cùng rộng lớn và vô cùng kỳ diệu. Có những thứ kích thước lớn hơn trái đất của chúng ta vài chục ngàn lần nhưng cũng có những thứ rất nhỏ bé tinh vi đến nổi phải phóng to vài chục ngàn lần kích thước tối thiểu mắt thường chúng ta mới trông thấy được. Cho nên giữa vũ trụ mênh mông bao la so với sự hiểu biết của con người chỉ như hạt cát trong sa mạc. Thêm vào đó, khoa học càng chứng minh, càng khám phá chúng ta nhận ra rằng tất cả mọi thứ trong vũ trụ này đều có sự liên đới logic với nhau, những khám phá của chuỗi thức ăn trong tự nhiên, nói cho chúng ta biết rằng không có loài nào tồn tại mà không có sự hữu dụng, sự tồn tại của loài này quyết định đến sự sống của loài kia và nhiều mối dây liên kết khác. Trong thông điệp laudato Si của Đức Giáo Hoàng Phanxico, ngài kêu gọi chúng ta hãy bảo vệ ngôi nhà chung vì sự nóng lên của trái đất là nguyên nhân của môi trường bị phá hủy. Những khám phá khoa học chứng minh cho chúng ta thấy thế giới này là một thể thống nhất, một kiệt tác tuyệt vời, một chương trình được vận hành bởi một bàn tay quyền năng. Nếu đặt sự hiểu biết khoa học trong hành trình khám phá niềm tin dưới hướng dẫn của Lời Chúa trong sách sáng thế, chúng ta sẽ nhận ra hình ảnh của Một Thiên Chúa Duy Nhất quyền năng như thế nào? Ngài là vị thần của mọi sự tốt lành. Sự thánh thiện của Ngài hiện diện nơi lòng khao khát sự thiện hảo của mỗi người và mỗi thọ tạo. Ngài là Chúa Tể của mọi vẻ đẹp, thế giới này đang phản ánh lại một phần vẻ đẹp của Ngài. Sự vĩ đại và phức tạp của vũ trụ chứng minh cho chúng ta thấy được quyền năng của Thiên Chúa vô cùng, vô tận biết dường nào không có sức mạnh nào của con người có thể chiến thắng được….

Thật vậy, nhờ khoa học chúng ta khám phá và nhận diện ra sự hiện diện của Thiên Chúa được rõ hơn, còn giới hạn của khoa học là lãnh vực của đức tin để hiểu biết về Thiên Chúa. Bởi khoa học chỉ chứng minh được những dấu tích của sự hiện diện của Ngài trong thế giới hữu hình còn sự hiện diện vô hình khoa học không thể chứng minh được. Cho nên đức tin bổ xung những gì khoa học chưa vươn tới. Giống như nhà khoa học Pasteur, nếu có sự hiểu biết sâu rộng về khoa học thì sẽ đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn và biết mình nhỏ bé, yếu đuối mỏng dòn thế nào trong vũ trụ này, để sống khiêm tốn và cộng tác tích cực hơn với ơn Chúa.

Hôm nay chúng ta mừng kính Thánh Tôma tông đồ, một con người có óc tìm tòi và yêu thích học hỏi, ngài được mệnh danh là vị tông đồ của lý lẽ, của thực tiễn khoa học. Khi Chúa phục sinh hiển ra thì không có ngài ở đó. Mặc dù các tông đồ đều làm chứng và kể lại nhưng ngài không tin lời các ông, ngài muốn được kiểm chứng. Chúa Phục sinh đã chiều lòng ông, nhưng khi chứng kiến mầu nhiệm Phục Sinh ông không dám kiểm chứng mà hoàn toàn suy phục “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,27-28).

Thánh nhân đã công khai tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa, với một niềm tin vững vàng mạnh mẽ, giúp cho mọi người tin thật Chúa Giêsu đã sống lại. Nhờ lòng tin mạnh mẽ đã giúp thánh nhân nhiệt thành rao giảng đạo Chúa ở Ấn độ, và chịu chết đổ máu ra làm chứng cho Chúa trên nước này.

Noi gương thánh Tôma, chúng ta quyết tâm tìm tòi học hỏi về Chúa để đức tin thêm vững mạnh và hăng say loan báo Tin Mừng, đặc biệt giúp cho những người cứng lòng được tin thật Đức Kitô là Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ trần gian.

Lạy Chúa, mặc dù chúng con là người Kitô hữu, có đức tin nhưng đôi khi trong cuộc sống chúng con quá tự hào và tự mãn với bằng cấp, với khả năng của mình, chúng con trở nên kiêu căng tự phụ, không cậy dựa vào Chúa, không nhận ra được ơn thánh mà Chúa đã thương ban. Xin Chúa thứ tha những lỗi lầm chúng con trót phạm và xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa qua sự khiêm tốn, nhìn nhận được giới hạn của mình. Amen.

Bích Liễu
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube