Quý vị và các bạn thân mến,
Trang báo điện tử thanhnien.vn ngày 14/11/2020 vừa qua, có đưa tin về một thanh niên người Việt lâm bệnh nặng, qua đời ở Nhật Bản và gia đình chưa biết cách nào để đưa thi thể anh trở về quê nhà. Người thanh niên ấy chỉ mới 24 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Nam. Gia cảnh khó khăn. Vì muốn có điều kiện kinh tế khá hơn để lo cho vợ con, cuối năm 2018, anh đã đành lòng từ giã người vợ trẻ và đứa con thơ mới hơn một tháng tuổi để đi lao động ở Nhật Bản. Sau một cơn bạo bệnh không qua khỏi, anh đã trút hơi thở cuối cùng nơi đất khách mà không kịp nhìn mặt người thân, bỏ dở cả lời hứa sẽ trở về đoàn tụ cùng gia đình và tổ chức sinh nhật ba tuổi cho đứa con thơ. Gia đình anh được thông báo cần khoảng 400 triệu đồng để có thể đưa thi thể anh trở về. Nhưng số tiền đó là quá lớn với gia đình, mẹ và vợ của anh đều không biết làm cách nào xoay xở để có thể đưa thi thể anh trở về quê nhà từ xứ sở hoa anh đào.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đau lòng về người Việt Nam qua đời ở nước ngoài trong thời đại dịch Covid-19. Cái chết đã khép lại những ngả đường thực hiện những ước mơ của họ, liệu có mở ra lối đường nào cho họ trở về quê hương hay không?
Quý vị và các bạn thân mến,
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự di cư quốc tế là một vấn đề có tính phổ biến và cần thiết liên quan đến sự phát triển kinh tế và xã hội của con người. Theo nhận định của Bộ Ngoại giao vào ngày 20/8/2019, mỗi năm, đất nước Việt Nam chúng ta có hơn 100.000 lao động di cư ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thời hạn và khoảng hàng chục nghìn người du học hay kết hôn với người nước ngoài. Từ đầu năm 2020 cho đến nay, đại dịch toàn cầu Covid-19 vẫn đang gieo rắc những hiểm họa chết chóc và nỗi sợ hãi cho con người ở hầu hết các quốc gia. Đối với những người đang sinh sống ở những đất nước khác vì chuyện học hành, công việc lao động, hay đã hoàn tất mọi việc mà vẫn chưa trở về quê nhà được do các chuyến bay hồi hương bị giới hạn, ngoài những nỗi lo toan về vấn đề an sinh và kinh tế thì cái chết là nỗi lo lắng và sợ hãi lớn nhất của họ. Cái chết dưới bất cứ nguyên nhân gì trong thời gian này sẽ mang đến cho họ sự cô quạnh không thể nào diễn tả được bởi thiếu vắng người thân và bao khó khăn khác vì thân xác khó mà được đưa trở về quê nhà.
Đối với những người phải sống xa quê hương xứ sở, niềm ước ao lớn nhất của họ chính là được trở về quê hương và trút hơi thở cuối cùng bên gia đình yêu thương và gửi gắm xác thân vào giữa lòng đất mẹ. Nhạc sĩ Hoài An đã diễn tả nỗi niềm đó ngay ở những ca từ đầu tiên trong nhạc phẩm “Nếu chỉ còn một ngày để sống” của mình: “Nếu chỉ còn một ngày để sống, người đưa tôi về đến quê nhà, để tôi thăm làng xưa nguồn cội, cho tôi mơ mơ tiếng mẹ cha”. Quê nhà ấy là nơi ai đó đã được sinh ra và lớn lên, là nơi có bóng dáng thân yêu của cha mẹ, vợ chồng và con thơ của mình. Quê nhà ấy ấm áp tình thương đến như vậy làm sao mà người ta lại không bồn chồn, khao khát và ước mơ được gặp thấy nhau, dù trong nghẹn ngào nước mắt tử biệt. Người ra đi, dù muốn hay không và trong hoàn cảnh nào, thì cũng đã ra đi. Chỉ còn lại nỗi đau của người ở lại quê nhà cứ đau đáu một bóng hình ở phương trời xa.
Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes mời gọi chúng ta không đứng bên ngoài những nỗi đau đớn, khắc khoải đó của con người hôm nay. Những ưu sầu và lo lắng của họ, nhất là những người nghèo và đau khổ vì cô đơn, bất lực trên những nẻo đường đời, cũng chính là ưu sầu và lo lắng của chúng ta – những người môn đệ của Chúa Kitô (GS, 1). Trong những phút cầu nguyện này, chúng ta tưởng nhớ đến những người đã qua đời nơi đất khách quê người, mà thi thể họ không thể được đưa về với gia đình và quê hương xứ sở. Chúng ta cầu xin Chúa mở lối cho họ đi vào lòng thương xót của Chúa và thương đón đưa linh hồn họ về quê nhà vĩnh cửu.
Lạy Chúa, xin thương xót linh hồn những người đã qua đời nơi đất khách quê người mà không được đưa về quê hương vì tình hình đại dịch hiện nay. Xin Chúa sớm đẩy lui cơn đại dịch này để moi người được sớm trở về với cuộc sống bình yên và nhà nhà lại vui vầy sum họp. Amen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ.
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org