Kính thưa quý vị, các bạn thân mến!
Tại Indonesia đã xảy ra một phiên tòa như sau:
Trong phòng xử án, chủ tọa trầm ngâm suy nghĩ trước những cáo buộc của các công tố viên đối với một cụ bà vì tội ăn cắp tài sản. Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu Rupiah. Lời bào chữa của bà lý do ăn cắp vì gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bệnh, đứa cháu thì suy dinh dưỡng vì đói. Nhưng ông chủ quản lý khu vườn trồng sắn nói bà ta cần phải bị xử tội nghiêm minh như những người khác.
Thẩm phán nhìn ngắm bà cụ đói khổ và nói: “Pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của Pháp luật nên phải xử nghiêm minh. Nay tôi tuyên phạt bà bồi thường 1 triệu Rupiah cho chủ vườn sắn. Nếu bà không có tiền bồi thường, bà buộc phải ngồi tù 2 năm rưỡi.”
Bà cụ run run, rướm nước mắt, bà đi tù rồi thì con cháu ở nhà ai chăm lo. Thế rồi ông thẩm phán lại nói tiếp:
“Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. Tôi tuyên bố phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên tòa này 50.000 Rupiah vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một cụ bà ăn cắp vì cháu mình bị đói và bệnh tật.” Nói xong, ông cởi mũ của mình ra và đưa cho cô thư ký: “Cô hãy đưa mũ này truyền đi khắp phòng và tiền thu được hãy đưa cho bị cáo.”
Cuối cùng, bà cụ đã nhận được 3,5 triệu Rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 Rupiah từ các công tố viên buộc tội bà, một số nhà hảo tâm khác còn trả giúp 1 triệu Rupiah tiền bồi thường, bà lão run run vì vui sướng. Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên tòa trong hạnh phúc của tất cả mọi người.
Quý vị và các bạn thân mến!
Phiên tòa trong câu chuyện nêu trên là một phiên tòa nghiêm minh và cảm động, vì là vị thẩm phán không chỉ xét xử phiên tòa bằng luật pháp mà còn bằng cả trái tim. Khi tuyên phạt công dân có mặt trong phiên toà phải nộp 50.000 Rupi “vì họ đã sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một cụ bà ăn cắp vì cháu mình bị đói và bệnh tật”, vị thẩm phán có ý nhắc đến trách nhiệm của chúng ta đối với những người anh em sống xung quanh mình.“Đừng tỏ ra là người xa lạ với nhau, đừng dửng dưng về số phận của các anh em”[1]. Và chúng ta thực sự có lỗi nếu không chu toàn trách nhiệm đó trong khả năng của mình.
Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô có viết: “Giá như tôi có nói được tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xong xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và biết được hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến cũng chẳng ích gì cho tôi”. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, sự yêu thương, thông cảm luôn là lựa chọn hàng đầu, là kim chỉ nam cho mọi quyết định, hành động của con người đối với nhau. Nếu cứ “san ngay, sổ thẳng” theo quy định, theo lề luật mà đi ngược với tinh thần bác ái yêu thương là một điều nên tránh vì khi yêu thương, bác ái đối với nhau, chúng ta không cần lý luận gì cả. Một xã hội, một cộng đồng tuân giữ một cách máy móc những quy định mà bỏ qua tình yêu, sự thông cảm thì xã hội đó, cộng đoàn đó sẽ trở thành một bãi tha ma hoang vắng, lạnh lùng vì không còn hơi ấm từ nhịp đập của những trái tim biết yêu thương.
Lạy Chúa, xin cho những người có chức năng và quyền hạn luôn biết dùng đức mến như một nền tảng cơ bản để hành xử và giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi và cuộc sống của người khác. Vì một xã hội hạnh phúc và an bình phải được xây dựng bởi những trái tim nồng ấm tình người chứ không thể là những trái tim lạnh lùng vô cảm, cho dù xã hội đó có tuân thủ một cách chắc chẽ bao nhiêu quy định đi nữa. Amen.
[1] Trích Sứ Điệp Mùa Chay 2012, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16
Bình Minh
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org