Đức Cha Lambert trong những bước khởi đầu của đời linh mục

Để chuẩn bị chịu chức linh mục, Thầy Pierre Lambert thực hiện một cuộc “hành hương khổ nhục”[1] từ Caen đến Rennes, khoảng một trăm hai mươi cây số. Thầy cải trang thành người quê mùa, cắt tóc ngắn, ăn mặc rách rưới để được người ta khinh chê, sỉ nhục. Thầy đến kính viếng và cầu nguyện chín ngày nơi ngôi mộ vị tu sĩ nổi tiếng thánh thiện Dòng Carmêlô: Jean de Saint Samson.[2]

Sau khi thụ phong linh mục ngày 27.12.1655 tại Coutances, Cha Pierre Lambert tới phục vụ ở Rouen. Tại đây, ngài cộng tác với em ruột là Thầy Nicolas Lambert de la Motte lập một chủng viện, trao cho các tu sĩ Dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria của Thánh Jean Eudes điều khiển. Đồng thời, ngài hăng say dạy giáo lý cho trẻ nhỏ, thành lập một cô nhi viện và một trung tâm tiếp đón những thiếu nữ hư hỏng. Ngài được Hiệp Hội Thánh Thể đặt làm giám đốc trung tâm xã hội Rouen để tạo công ăn việc làm cho những người thất nghiệp.

Nhân dịp đi công tác tại Paris cho trung tâm năm 1657, nhờ sự giới thiệu của Thầy Đại Chủng sinh Nicolas, ngài làm quen với “Nhóm Bạn Hiền”.[3] Nhóm này do Cha François Pallu đứng đầu, được nghe Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) trình bày cho biết về trình trạng Giáo hội Đông Á, và điều cha thỉnh cầu với Toà Thánh là gửi vài vị Giám mục Đại Diện Tông Toà sang đó điều khiển công cuộc truyền giáo và thiết lập hàng giáo sĩ địa phương. Cha Lambert được Thầy Nicolas cho đọc lá thư của Cha Pallu viết tại Marseille, trong khi chờ tàu trẩy đi Rôma vận động cho chương trình Châu Á. Ngài nhận thấy lá thư mang đầy tinh thần siêu nhiên, nên tự hỏi Chúa có kêu gọi mình đi truyền giáo tại miền Viễn Đông xa lạ thay vì đi Canada không?

Trở về Rouen, ngài bàn hỏi với Cha Linh Hướng Hallé về ơn soi sáng mới xuất hiện trong nội tâm. Sau ba tuần cầu nguyện và gặp Cha Linh Hướng lần thứ hai, ngài thấy rõ ý Chúa và quyết định xin gia nhập “Nhóm Bạn Hiền” để vận động cho chương trình Viễn Đông. Ngài tình nguyện tháp tùng các vị Đại Diện Tông Toà tương lai trong tư cách một nhà thừa sai bình thường.[4]

(Còn tiếp)

 

 

[1] Cuộc “hành hương khổ nhục”:

Ngày 25.07.1655, sau 30 ngày tĩnh tâm, Thày Pierre đi bộ đến Rennes làm cuộc “hành hương khổ nhục”. Ngài cải dạng thành người nghèo khổ, hèn hạ và dốt nát: cắt tóc ngắn, ăn bận tồi tàn, đội chiếc mũ cũ kỹ, đeo giày thô kệch, thắt lưng bằng sợi dây thừng. Ngài đã trở nên đề tài đàm tiếu cười nhạo cho tất cả những ai gặp ngài trên đường phố.
Việc đầu tiên của ngài lúc tới Rennes. Là làm tuần cửu nhật bên mồ tu sĩ Jean de Saint-Samson, trong dòng nam Camêlô. Ngoài cha phó bề trên dòng là linh mục giải tội cho ngài, không còn tu sĩ nào biết ngài là ai, với áo quần lạ lùng như vậy. Cũng vì cái vẻ lạ lùng thái quá (extravagance) bên ngoài đó mà ngài không được nhà dòng cho phép ngủ lại để làm tuần cửu nhật. Mỗi ngày, ngài dành ra 5 hoặc 6 giờ buổi sáng và 5 tới 6 giờ buổi chiều vào việc suy ngắm cầu nguyện.
Mỗi khi ngài xuất hiện ra bên ngoài, lại không thiếu những kẻ chế nhạo, cười cợt: đàn bà, trẻ con, thợ thuyền. Một lần, có đám thanh niên chận ngài lại và vặn hỏi ngài là ai; ngài khiêm tốn trả lời là một kẻ khó khăn. Một anh trong nhóm thấy vậy bèn thò tay vào túi mình lấy ra một đồng tiền, ngài ngửa mũ đón lấy. Đồng tiền ấy, ngài trân trọng giữ theo mình nhiều ngày tháng sau đó.
Khi mãn hạn định ở Rennes, ngài quyết định đi bộ mà trở về Caen. Hành trình này đã khiến ngài chịu khổ cực về thân xác, nhưng tinh thần ngài lại rất hân hoan, bình an. Qua thành phố Avranches, ngài ghé vào một người quen xin nước uống. Bộ dạng bên ngoài của ngài khiến người ta hết sức kinh ngạc; nhưng phần ngài, đó lại là cách để “chết đi” cho mọi thứ văn minh lịch thiệp nơi con người. Dọc đàng, ngài đến xin ngủ trọ nơi một cha xứ, song cha xứ lại không có giường cho ngài. Bù lại, cha cho ngài hai đồng xu tiền để ngài đến quán trọ trong làng. Bà chủ quán thương hại muốn nhận ngài, nhưng chồng bà lại không chịu. Cuối cùng, người ta cho ngài ngủ đêm giữ đống rơm rạ nơi một chòi vắng. Sáng dậy, bà chủ quán tính tiền ngủ và tiền bữa cơm tối hôm trước là hai đồng xu tiền, vừa chẵn số tiền mà hôm qua cha xứ đã cho ngài.
Rồi ngược với ý định của ngài. Lúc đến thành phố Coutances, một người vị vọng quen biết nhận ra ngài và mời ngài vể trọ tại nhà ông ta. Ngài phải nhậm lời vì không còn cách nào khác, nhưng ngài từ chối dùng ngựa của ông để về lại Caen sau đó.
Cuộc hành hương tại Reunnes này đã giúp ngài bằng khổ nhục mà thoát tục nhiều hơn nũa, cũng như làm tăng lòng đạo đức kính mến Đức Mẹ lên bội phần. (ĐÀO QUANG TOẢN, Đức Cha Lambert de la Motte giai đoạn tại Pháp (1624-1660), Lưu hành nội bộ, 2002, tr. 112-113.

[2] X. H. CHAPPOULIE, Aux Origines d’une Eglise: Rome et les Missions d’Indochine au XVII siècle, Tome I, Paris 1943, p. 140.

[3] “Nhóm Bạn Hiền” là hậu thân của những nhóm mà lịch sử gọi là “Aa” (Assemblée des amis). Những nhóm Aa là một trong những thứ Hiệp hội đạo đức thịnh hành hồi thế kỷ XVII tại Pháp. Nhóm Aa đầu tiên do chính Cha Jean Bagot thành lập tại trường Dòng Tên La Flèche vào những năm 1630-1632. Trích từ tác giả ĐÀO QUANG TOẢN, Đức Cha Lambert de la Motte giai đoạn tại Pháp (1624-1660), Lưu hành nội bộ, 2002, tr. 149.

[4] X. J. GUENNOU, Missions Etrangères de Paris, Fayard, Paris 1968, p. 59.

 

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube