Di cảo số 3 – Thư gửi bà Anê và bà Paula

THƯ GỬI BÀ ANÊ VÀ BÀ PAULA[[1]]

Cửa khẩu Đàng Ngoài, ngày 26 tháng 02 năm 1670

BỨC TÂM THƯ

(Btt)

(AMEP, vol. 677, tr.216; A. LAUNAY, Histoire de la Mission du Tonkin,Documents Historiques I, Téqui, Paris 1927, tr.104-105; CONGREGAZIONE DI PROPAGANDA(Archivio Storico, Fondo S.C. Indie Orientali, Cina, vol.3, tr.547); Les Relations, tr.307-308)

1. Lời giới thiệu

Di Cảo này được Đức Cha Pierre Lambert viết bằng tiếng Pháp khi ở trên tàu ông Junet tại cửa khẩu Đàng Ngoài (có thể là cửa Trà Lý)[[2]], chờ thời tiết thuận lợi để trở về Thái Lan. Ngài có nhiều thời giờ để cầu nguyện và suy nghĩ, có lẽ vì thế mà Di Cảo này tuy ngắn gọn, cô đọng nhưng mang một bố cục chặt chẽ và ý nghĩa rất phong phú sâu sắc với hai phần, không dựa trên hình thức hành văn, nhưng dựa trên nội dung tư tưởng:

  1. Phần I,1-4: Sau lời chào mở đầu, Đức Cha nhắc lại lễ khấn của hai chị Anê và Paula ngày 19.02.1670, ngài nhắn nhủ hai chị về ý nghĩa của lời khấn dòng, đó là hành vi tự nguyện dâng mình trọn vẹn cho Chúa Giêsu để hoàn toàn thuộc về Người (x.Btt 4). Điều này có giá trị chung cho mọi tu sĩ.
  2. Phần II,5-11: Trong phần này Đấng Sáng Lập qui chiếu về bản Luật Tiên Khởi mà ngài đã trao cho hai chị trong lễ khấn, và ngài xác định một cách đầy đủ hơn những yếu tố làm nên đặc sủng và linh đạo của Dòng Nữ Mến Thánh Giá.

2.1. Ở đây chúng ta gặp lại những từ ngữ và những kiểu nói rất quen thuộc của ngài như: những cặp từ kép hiểu biết và yêu mến, suy gẫm và noi theo (x.Ltt II,2.5//Ltk II).

2.2. Ngài nhắc lại Luật Tiên Khởi bằng hai cụm từ:

– Hãy thực thi và trung thành với các nghĩa vụ của Tu Hội (x.Btt 5-6).

– Dâng … các việc làm …(x.Btt 8)[[3]]

2.3. So với Luật Tiên Khởi, Bức Tâm Thư đề cập thêm bốn yếu tố quan trọng trong ơn gọi (mà ngày nay chúng ta quen gọi là đặc sủng hoặc đoàn sủng) của các nữ tu Mến Thánh Giá:

2.3.1. Yếu tố thứ nhất: Việc suy gẫmnoi theo cuộc Thương Khó hoặc Thánh Giá của Chúa Kitô như đã được qui định trong Luật Tiên Khởi chương II (// Ltt II,2.5; V,2), nay được Đấng Sáng Lập viết lại là suy gẫmnoi theo cuộc đời đau khổ (x.Btt 5.8) hoặc cuộc đời lữ thứ hy sinh của Chúa Kitô (x.Btt 9).

2.3.2. Yếu tố thứ hai: Theo Luật Tiên Khởi chương II, việc tưởng nhớ (suy gẫm) và noi theo cuộc Thương Khó của Chúa là phương thế duy nhất để đạt tới sự hiểu biết và yêu mến Chúa. Trong Bức Tâm Thư câu 5, Đức Cha Pierre Lambert thêm phương thế thứ hai là chu toàn các nghĩa vụ của Tu Hội như được mô tả trong Luật Tiên Khởi chương III. Việc thêm phương thế thứ hai này cho thấy Đức Cha Pierre Lambert có một quan niệm rất thực tiễn về sự hiểu biết và yêu mến Chúa[[4]].

2.3.3. Yếu tố thứ ba: Ngài nhắc tới một ý tưởng mới chưa bao giờ đề cập trong các Di Cảo đã phân tích trên đây, đó là tinh thần trung gian của Chúa Kitô (x.Btt 9). Đây là một đề tài lớn có nền tảng phong phú và vững chắc trong Tân Ước mà chúng ta cần khai thác và đào sâu, như chính Đấng Sáng Lập đã gợi ý khi viết: “…muốn thành đạt lớn trong đời sống thiêng liêng thì phải dùng mọi phương thế chứa đựng trong Tân Ước” (1T.Hal 19). Trong văn mạch của Bức Tâm Thư, tinh thần trung gian mà các nữ tu Mến Thánh Giá nhận được từ Chúa Kitô phải được thể hiện trong hai sứ vụ quan trọng: “…tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Chúa” (Btt 9), “…chuyển cầu cho lương dân và các Kitô hữu bất hảo được ơn hoán cải” (Btt 8).

– Sứ vụ thứ nhất nhằm làm cho các nữ tu Mến Thánh Giá thực sự nên một với Chúa Kitô, vì “đã dâng mình trọn vẹn cho Người và thuộc trọn về Người” (Btt 4), và “thực hành mọi việc thay cho Chúa Kitô”, Người dùng họ, do “Người tuyển chọn và ban đầy tinh thần của Người là tinh thần trung gian, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người cho đến tận thế” (Btt 9). Hai khía cạnh tiếp nối làm thay Chúa hoặc để cho Chúa hoạt động trong tôi được Đức Cha Pierre Lambert diễn tả nhiều cách trong một số Di Cảo[[5]].

– Sứ vụ thứ hai là Chuyển cầu. Tinh thần trung gian hoặc chức năng trung gian của Chúa Kitô trong văn mạch Bức Tâm Thư phải được hiểu ưu tiên theo nghĩa trung gian chuyển cầu (x.Rm 8,34; Dt 7,25; 9,24; 1Ga 2,1-2; Ga 17,1-26; Lc 22,32; 23,34…), hơn là trung gian tạo dựng (x.Cl 1,16-17; Ga 1,3), bởi lẽ ở Bức Tâm Thư câu 8 Đức Cha Pierre Lambert nhắc lại nghĩa vụ chuyển cầu của người nữ tu Mến Thánh Giá như đã qui định trong Luật Tiên Khởi chương III câu 1[[6]].

Khi trình bày hai sứ vụ trên đây, chúng ta thấy rằng: Đức Cha Pierre Lambert đã đưa vào Bức Tâm Thư những ý tưởng then chốt, sâu sắc và xác tín nhất của ngài; và như thế, ngài đã chia sẻ cho các nữ tu Mến Thánh Giá điều tinh túy nhất trong kinh nghiệm và quan niệm thiêng liêng của mình. Do đó, chúng ta có thể xem Bức Tâm Thư là Di Cảo rất giá trị, không chỉ dưới góc độ khắc họa căn tính của người nữ tu Mến Thánh Giá, mà còn phản ánh gián tiếp chân dung tinh thần của Đấng Sáng Lập.

2.3.4. Yếu tố thứ tư: Khác với Luật Tiên Khởi, trong Bức Tâm Thư Đức Cha Pierre Lambert nới rộng tầm nhìn về nghĩa vụ chuyển cầu của người nữ tu Mến Thánh Giá ở hai điểm:

– Không chỉ chuyển cầu cho lương dân trong ba miền truyền giáo mà còn quan tâm đến sự hoán cải của các Kitô hữu bất hảo ở khắp nơi;

– Về phương thế cần sử dụng làm nền tảng cho sự chuyển cầu thì, ngoài việc “suy gẫm cầu nguyện, nước mắt và các hy sinh hãm mình” (Ltk III,1), ngài thêm các việc làm tức là các nghĩa vụ do ngài xác định cho các nữ tu Mến Thánh Giá trong Luật Tiên Khởi chương III, câu 1-5, nên họ phải dùng toàn bộ cuộc sống của mình trong chiều kích chiêm niệm cũng như hoạt động, để chuyển cầu cho phần rỗi của tha nhân[[7]].

Tại câu 10 trong Bức Tâm Thư, Đấng Sáng Lập nhắc tới ơn gọi cao trọng của người nữ tu Mến Thánh Giá. Với nội dung vừa trình bày trên đây (x.Btt 5-9), Ơn gọi này đòi hỏi người nữ tu Mến Thánh Giá phải có nếp sống phù hợp, gồm hai phương diện: những điều phải tránh và những điều phải thực hiện.

Đấng Sáng Lập kết thư bằng hai ước nguyện: thường xuyên nghĩ về ơn gọi của mình và cầu nguyện cho ngài (x.Btt 11). Đây là lần duy nhất Đấng Sáng Lập nói rõ ý ngài muốn con cái mình quan tâm tới những điều ngài nhắn nhủ trong một lá thư và là lá thư cuối cùng ngài viết cho họ như di chúc thiêng liêng của người cha để lại cho con cái.

Phương pháp phân tích và đối chiếu văn bản cho thấy rằng Bức Tâm Thư bổ sung cho Luật Tiên Khởi ở một số điểm then chốt, nên chúng ta phải ưu tiên dựa vào Bức Tâm Thư để xác định quan niệm của Đức Cha Pierre Lambert về đặc sủng và linh đạo Dòng Nữ Mến Thánh Giá theo ý muốn của Công Đồng Vaticanô II (x. Sắc lệnh Perfectae Caritatis số 2b).

2.Văn bản

1Pierre Lambert, Giám Mục Hiệu Tòa Bérythe, Đại Diện Tông Tòa do ơn Thiên Chúa và Tòa Thánh Tông Truyền, gửi lời chào và phép lành đến quý chị Anê và Paula thân mến, là hai nữ tu đầu tiên gia nhập Tu Hội Nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô.

2Sau khi các con tuyên khấn công khai vào ngày Lễ Tro trước sự hiện diện của cha, đáng lẽ như lòng ao ước, cha còn phải nói với các con đôi điều về bậc sống cao trọng và sự trọn lành mà các con nhắm tới theo tiếng gọi của Thiên Chúa từ bi nhân hậu; 3nhưng ngày hôm ấy cha gặp tình thế bó buộc phải đi ngay cho kịp chuyến trở về, 4nên cha đã có ý tưởng viết mấy lời này để nhắc cho các con biết rằng các con không còn thuộc về mình nữa (x.1Cr 6,19-20), nhưng hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu Kitô, vì các con đã dâng mình trọn vẹn cho Người. 5Để từ nay chỉ chuyên chú tìm sự hiểu biết và yêu mến Người bằng cách suy gẫm và noi theo cuộc đời đau khổ của Người, và bằng cách thực thi các nghĩa vụ của Tu Hội các con; 6cha hết sức khuyến khích các con hãy trung thành với các nghĩa vụ trên, vì biết chắc chắn nhờ đó các con và toàn thể Giáo Hội này sẽ lãnh nhận lợi ích lớn lao.

7Cha cũng nhắn nhủ các con cách rất đặc biệt là hãy hết sức chăm sóc các tập sinh của các con, và phải xem họ như những kho tàng thánh thiêng Thiên Chúa ký thác trong tay các con[[8]].

8Hãy nhớ năng khắc sâu vào tâm khảm họ điều này: mục đích chính của Tu Hội các con là tiếp nối nơi bản thân mình cuộc đời đau khổ của Chúa Giêsu Kitô và hằng ngày dâng việc suy gẫm cầu nguyện của các con, nước mắt của các con, các việc làm của các con và các hy sinh của các con, để cầu xin Người ban cho lương dân và những Kitô hữu bất hảo được ơn ăn năn trở lại.

9Nhưng điều hết sức quan trọng là phải thực hành mọi việc thay cho Chúa Giêsu Kitô, Người muốn đích thân làm những việc đó mà không thể được, nên dùng một số người do Người tuyển chọn và ban đầy tinh thần của Người là tinh thần trung gian, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ và hy sinh của Người cho đến tận thế.

10Qua những điều vừa nói trên đây, hỡi các nữ tu của cha, chắc hẳn các con thấy được rằng ơn gọi của mình cao trọng dường nào và các con đã chết đi đối với thế gian, nghĩa là đối với các giác quan, bản tính tự nhiên và lý trí người đời, để từ nay chỉ sống bằng những châm ngôn, những thực hành và bằng chính đời sống của Chúa Giêsu Kitô.

11Cha xin các con hãy suy nghĩ liên lỉ về điều đó và đừng quên cha trước mặt Thiên Chúa.

Tại Cửa Khẩu Đàng Ngoài, ngày 26 tháng 02 năm 1670


[[1]] Chúng ta gọi là Bức Tâm thư (Btt). Trong câu mở đầu lá thư, Đức Cha Pierre Lambert gọi họ là Chị em thân mến (CONGREGAZIONE DI PROPAGANDA (Archivio Storico, Fondo S.C. Indie Orientali, Cina, vol.3, tr.547). Trong bản gốc tiếng Pháp, Di Cảo này mang đầu đề: Thư gởi Bà Anê và Bà Paula. Chữ có thể hiểu là Bà Mụ, một danh xưng trân trọng dành cho những mệnh phụ trong xã hội và Bề Trên trong các Dòng nữ của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong các thế kỷ đầu.

[[2]X. PHẠM ĐÌNH KHIÊM, Đóa Hoa Tu Nữ, Gia Định, 1970, tr.19.

[[3]Bên tiếng Pháp hai cụm từ ấy là Les obligations de votre Institut (x. Btt 5-6) và vos emplois (x.Btt 8). Cụm từ vos emplois của Bức Tâm Thư 8 tương ứng với cụm từ le premier des emplois trong Luật Tiên Khởi III,1 của bản tiếng Pháp, được A. LAUNAY đăng trong cả hai quyển: Histoire de la Mission de CochinchineI (1658-1728), sđd.tr.98) và Histoire de la Mission du TonkinI, sđd. tr.102. Nên chú ý: trong  quyển CochinchineI, A. LAUNAY đã tách La fin (Mục đích) và Les emplois (Các việc làm) thành hai chương, đúng như trong bản Latinh, còn trong quyển Tonkin I thì nhập thành một chương với đầu đề tổng hợp Fin de cet Institut (Mục đích của Tu Hội này). Chính trong bản tiếng Pháp của quyển Cochinchine I, ông đã chọn cho chương III đầu đề Les emplois (Các việc làm) tức là các nghĩa vụ (les obligations) của Tu Hội Nữ Mến Thánh Giá (x.Btt 5-6), tương ứng với từ Latinh officia được Đức Cha Pierre Lambert dùng trong văn bản chính thức đệ trình Tòa Thánh. Ngài cũng dùng thêm từ munia đồng nghĩa với officia (x.Ltk IV,13) mà Nhóm Nghiên Cứu dịch thành những nhiệm vụ và những công việc (của Tu Hội). Chắc chắn các từ les obligationsLes emplois, cũng như officia munia đồng nghĩa với nhau và ám chỉ nội dung chương III của Luật Tiên Khởi trong bản Latinh. Các văn bản tiếng Pháp và Latinh của Luật Tiên Khởi không đánh số các chương. Đây chỉ là sáng kiến của Nhóm để dễ quy chiếu chính xác khi trích dẫn.

[[4]] Một trong những điểm nổi bật trong khoa tu đức và linh đạo của Đức Cha Pierre Lambert là tính chất thực tiễn: tình yêu dành cho Thánh Giá Con Thiên Chúa là một tình yêu thực tiễn (x.Ltt II,1), phương pháp tìm sự hiểu biết và yêu mến Chúa (x.Btt 5), cũng như phương pháp sư phạm và hướng dẫn thiêng liêng (x.Btt 8; 1T.Hal 15-23) đều mang tính thực tiễn.

[[5]] Ví dụ:

  • Tôi trao gởi và cống hiến thân xác tôi cho Đức Giêsu-Kitô để Người dùng mà thực hành những việc đền tội hãm mình và Người có thể tiếp nối sự hy sinh lao nhọc hằng ngày trong một thân xác có khả năng chịu đau khổ do Người mượn lấy và tuyển chọn cho mục đích đó” (Bts I,4).
  • “ … Chúa Cứu Thế…không những chiếm lấy các năng khiếu tâm linh (của những người tông đồ), mà còn trở thành chủ nhân của thân xác họ, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ và đau khổ nhờ những hy sinh lao nhọc mà Người thực hiện theo ý muốn qua những lễ vật được thần hóa đó” (Bts VI,9).
  • “… nhóm thứ ba (những người thành toàn) hành động bằng chính hành động duy nhất của Đức Giêsu-Kitô đang hoạt động và chịu đau khổ trong họ; còn họ chỉ đơn giản tự xem mình là thừa tác viên của Người” (Bts VII,25).
  • Chúng tôi xin Người dâng tiến nơi chúng tôi một hy lễ ngoại thường và giống như hy lễ diễn ra ban đêm” (T.Pal III,4).

Những kiểu nói như thế, phản ánh kinh nghiệm và giáo huấn của Thánh Phaolô về ba khía cạnh của đời sống Kitô hữu:

  • Trở nên “đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa” (Rm 8,29);
  • Chấp nhận cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá, để có thể nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20), tức là hoạt động và chịu đau khổ trong tôi.
  • “Hoàn tất nơi thân xác tôi những gì còn thiếu trong các nỗi gian truân Đức Kitô phải chịu cho thân mình Người là Hội Thánh” (Cl 1,24). Câu này được Đức Cha Pierre Lambert trích nguyên văn trong Bài Tự Sự chương I câu 5.

[[6]] Một đoạn trong Bài Xét Mình của một thừa sai Tông Tòa do Đức Cha Pierre Lambert viết vào năm 1666 tại Ayutthaya, củng cố cho cách chúng ta hiểu tinh thần trung gian trong Bức Tâm Thư theo nghĩa tinh thần trung gian chuyển cầu: Đối với Giáo Hội đang chiến đấu, chúng ta có đi vào tinh thần trung gian (ở đây, Đức Cha Pierre Lambert dùng cụm từ esprit de médiateur giống như trong Btt 9) của Chúa Giêsu-Kitô, để xin cho Giáo Hội càng ngày càng được thêm những ân huệ mới không? Chúng ta có cầu nguyện cho Đức Thánh Cha? Cho các Hồng Y? Cho các Giám Mục…? Cầu nguyện cho kẻ tội lỗi và người ngoại giáo được ơn trở lại không?…. Nhìn chung, việc phân tích và đối chiếu văn bản (Btt 8-9; Bts I,4; VI,9; Xm…) cho thấy: hai sứ vụ trên đây là hai gạch nối quan trọng liên kết đặc sủng của các nữ tu Mến Thánh Giá lại với đặc sủng của Đức Cha Pierre Lambert.

[[7]] Hiến Chương Bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá Tổng Giáo Phận Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2000, điều 4 đã phản ánh đúng ý tưởng này của Đức Cha Pierre Lambert khi tạo ra hai cụm từ: chuyển cầu trong nguyện đường và chuyển cầu trong cuộc sống. Ngoài ra, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, “chuyển cầu là một dạng kinh nguyện kích thích chúng ta cách đặc biệt để dấn thân vào công cuộc Phúc Âm hóa và mưu cầu thiện ích cho tha nhân. Chuyển cầu không đưa chúng ta đi xa khỏi chiêm niệm, bởi lẽ chiêm niệm mà không hướng tới tha nhân sẽ trở thành một sự lừa dối” (Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng – Evangelii Gaudium, số 281, ngày 24.11.2013).

[[8]] Thánh Giám Mục Grêgôriô Thành Nit-xê, về vấn đề Giáo Dục Kitô Hữu (PG 46, tr.295-298; Bài đọc 2 Kinh Sách ngày thứ bảy, tuần 26 Thường niên): “Vậy những ai được đặt làm đầu thì phải lãnh phần vất vả hơn những người khác, ăn ở khiêm nhường hơn những người cấp dưới, tỏ cho họ thấy đời sống của mình là một hình ảnh và một tấm gương về người tôi tớ, mà xem những kẻ được Chúa tín nhiệm giao phó cho mình coi sóc như kho tàng Người ký gửi”.Trong Bức Tâm Thư câu 7, Đức Cha Pierre Lambert thêm “thánh thiêng” sau “kho tàng”.

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube