BÀI NGUYỆN NGẮM NGÀY 07 THÁNG 09 NĂM 1662
(2Nng)
(AMEP, vol.116, tr. 553-554.559)
1. Lời giới thiệu
Bài nguyện ngắm ngày 07.09.1662 tiếp tục triển khai đề tài đời sống trổi vượt của Những Người Mến Thánh Giá. Theo Đức Cha Pierre Lambert, đời sống ấy được biểu hiện trong ý thức mình là một “lễ vật hiến dâng” (2Nng 1)[[1]]:
- Ý thức về sứ vụ chuyển cầu và nêu gương cho muôn dân (x.2Nng 2).
- Sống triệt để ý nghĩa của ba lời khấn nội tâm: nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời (x.2Nng 3).
- Và sống khổ chế nhiệm nhặt (x.2Nng 4).
2. Văn bản
1Tôi đã thấy mình được hạnh phúc trở nên một lễ vật hiến dâng, một lễ vật được chiếu nhận và với số phận sẽ bị tan biến vào một ngày nào đó, nhờ lòng thương xót đặc biệt của Thiên Chúa, nhằm làm sáng danh Ngài và cứu độ anh chị em đồng loại. 2Thế nên, không những tôi phải mang trong nội tâm một tinh thần liên lỉ sám hối đền tội, tạ ơn và chuyển cầu hơn nữa cho muôn dân đạt được sự hoàn thiện; hằng ngày dâng hy tế Thánh Lễ cầu nguyện cho họ hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô mỗi ngày một hơn, và xin Người khấng ban ơn soi sáng cho những ai chưa có được hạnh phúc duy nhất ấy; mà tinh thần đó còn phải sinh hoa kết quả thiết thực ra bên ngoài để nêu gương cho mọi người nữa. 3Do đó, ở đỉnh cao của giờ nguyện ngắm, tôi thấy rằng tôi sẽ không đạt được sự trọn lành cao độ mà Chúa Giêsu Kitô đòi hỏi nơi tôi, nếu tôi không thể hiện ra bên ngoài ý nghĩa của ba lời khấn nội tâm mà tôi tuân giữ hết sức mình với sự trợ giúp của ơn thánh Chúa, nghĩa là, đối với lời khấn nghèo khó: chối bỏ, khước từ, đánh mất liên tục và trọn vẹn các năng lực của linh hồn[[2]]; đối với lời khấn khiết tịnh: không bao giờ chấp nhận một sự quyến luyến với chính mình hoặc với một thụ tạo nào khác; đối với lời khấn vâng lời: luôn luôn làm theo sự thôi thúc nội tâm.
4Sau những trực giác đã cuốn hút tôi mãnh liệt từ chiều hôm qua, tôi cảm thấy rằng: aThiên Chúa tốt lành đòi hỏi thân phận sống đời đền tội công khai mà Ngài dành cho tôi do lòng thương xót của Ngài, phải mang lại hiệu quả thiết thực. bNgài ước muốn tôi kiêng thịt và ăn chay suốt đời, kể cả các ngày Chúa Nhật, bởi vì lòng nhân lành của Ngài bị xúc phạm mọi ngày quanh năm, thì không lý gì lại để một ngày trôi qua mà không đền bù phạt tạ; có chăng là trừ các ngày lễ Giáng Sinh, Phục Sinh và Hiện Xuống có thể ăn thịt, vì trong các ngày ấy dường như được phép biến nước mắt sám hối thành nước mắt vui mừng và tạ ơn.
[[1]] Đức Cha Pierre Lambert đã có ý tưởng này trong ngày chịu chức linh mục. (x.J. Ch. BRISACIER, Cuộc đời Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, bản dịch của Cao Kỳ Hương, Đào Quang Toản giới thiệu, 2006, số 69, tr. 42-43).
[[2]] Xem chú thích của Bài Tự Sự chương VI câu 9 về các năng khiếu tâm linh.