Đức Cha Lambert Viếng Thăm Đàng Trong Lần Đầu (P6)

ĐỨC CHA LAMBERT VIẾNG THĂM ĐÀNG TRONG LẦN ĐẦU
Ký Sự của cha Vachet

Chương X
Rời Hội An

 

Rời Hội An.
Mấy ông giáo dân vị vọng xứ Nước Mặn, nơi Đức cha Bêrytê đã bị bệnh, đi theo chúng tôi một thời gian lúc chúng tôi rời đó ra đi. Họ thấy được những việc lành chúng tôi làm tại những nơi chúng tôi đi qua. Trở về xứ, họ phúc trình ra rất tích cực nên người ta viết thư đến Đức cha Bêrytê tha thiết xin ngài hãy trở lại qua đó lúc ngài muốn quay về Xiêm La. Người ta thưa với ngài rằng thật là không công bình khi ngài không ban sự hiện diện và sự giúp đỡ của ngài cho xứ của họ. Bởi vì xứ của họ chỉ được vinh dự tiếp ngài với nỗi ưu phiền vì ngài đau bệnh, chẳng được hưởng lòng nhiệt thành của ngài. Lời kêu van đó được diễn tả bằng những lời lẽ rất cảm động khiến ngài không còn cách nào từ chối được.Chúng tôi lên thuyền xuôi dòng sông ngày 15.02.1672, với ý định làm vui lòng những người dân trung hậu đó.

Thoát một nguy hiểm.

Chúng tôi gặp gió ngược suốt 5 ngày trời. Vào những ngày đó, Thiên Chúa đã giải cứu chúng tôi khỏi một cơn nguy hiểm lớn. Người ta đã chặn con thuyền của chúng tôi tại một hải quan. Người ta hỏi ông thủy thủ chính xem ông có chở người khách nước ngoài nào không. Hơi kinh ngạc trước câu hỏi đó, ông ta cũng cố hết sức để trả lời thoát thân theo khả năng mình. Tuy nhiên, chúng tôi qua được. Nhưng chúng tôi vừa chớm đi xa được khoảng một tầm súng bắn thì người ta bắt chúng tôi phải quay trở lại. Vài nhân viên vào con thuyền chúng tôi để thăm viếng. Nếu họ tinh mắt hơn, chúng tôi đã bị khám phá ra và gặp nguy hiểm nặng nề rồi, bởi vì sự việc sẽ được tấu trình lên nhà vua, chỉ duy có Chúa mới biết những sự gì sẽ xảy ra sau đó. Quả thực là chúng tôi đã cải dạng thành người đi buôn. Nhưng ngoài chuyện chúng tôi không có giấy thông hành, người ta còn dễ dàng nhận ra chúng tôi, nếu người ta mở các gói hành lý của chúng tôi ra và thấy những đồ lễ của chúng tôi. Có thể họ là những người có đạo, bởi vì nếu họ là người ngoại, họ đã khám xét rất kỹ lưỡng rồi. Cuối cùng, sau nhiều vòng đi và vòng lại, chúng tôi xong được chuyện nhờ một chút tiền và rượu bản xứ.

Trở lại Quảng Ngãi.

Ngay khi thoát ra khỏi tay họ, chúng tôi chỉ còn nghĩ tới chuyện phải tới được, sớm nhất có thể, con thuyền mà chúng tôi đã thuê cho hết phần còn lại của chuyến đi Đàng Trong. Chúng tôi đi qua trước nhiều hải quan mà không ai hỏi han gì chúng tôi. Chúng tôi ra tới cửa sông. Sau mấy ngày nắm chờ gió thuận tại đó, chúng tôi ra được ngoài biển.Nhưng gió sớm thay đổi, trở nên vũ bão, khiến chúng tôi phải quay vào đất liền để trú thân tại một vài vùng vịnh mà người ta gập thấy đầy dẫy dọc bờ biển. Chúng tôi ở lại đó không bao lâu, vì chúng tôi mong ước mau đến được bến cảng chính của xứ Quảng Ngãi. Chúng tôi hối thúc các thủy thủ tiếp tục con đường cho dù thời tiết tồi tệ. Họ đã làm để cho chúng tôi vui lòng và đã đưa chúng tôi đến bến cảng mà chúng tôi muốn đến cách bình an.Rất nhiều con thuyền đã ra biển cùng ngày hôm đó với chúng tôi, nhưng đã không gặp may như chúng tôi. Có những con thuyền đã tới nơi sau chúng tôi trong tình trạng thảm hại : buồm thì bay mất, cột buồm thì bị gẫy và bánh lái thì bị bể. Có những con thuyền khác thì bị vỡ đắm ngay trên những tảng đá do sóng biển xô dạt thuyền vào. Có 6 người cùng một con thuyền đã bị tử nạn. Xem đó, tôi không biết phải cảm phục sao cho đủ sự quan phòng của Thiên Chúa trên chúng tôi. Bởi lẽ, cứ theo vẻ bề ngoài thì đúng ra con thuyền của chúng tôi đã bị nạn hơn là những con thuyền khác. Lý do là các thủy thủ của chúng tôi luôn giữ những cánh buồm lớn dù gió thật dữ dội, thay vì dùng những cánh buồm nhỏ như người khác để dễ thích ứng. Tuy nhiên, xem ra họ cẩn thận hơn chúng tôi, nhưng chúng tôi lại may mắn hơn họ.

Dừng chân tại Nước Mặn.

Xuống thuyền, chúng tôi hỏi các chú học trò trẻ ở đâu. Các chú này phải đợi chúng tôi tại một bến cảng nọ để cùng chúng tôi sang Xiêm La. Một người trong nhóm của họ mà họ đã cố tình để lại đó đã báo cho chúng tôi rằng, theo ý kiến của các bậc vị vọng trong giáo hữu, người ta đã cho các chú đi đường bộ trước chúng tôi vào xứ Nước Mặn rồi, với một ông nào đó là người dạy các chú biết đọc và biết viết tiếng bản xứ. Tin này khiến chúng tôi phải trở lại con thuyền của chúng tôi. Bằng đường biển, chúng tôi sẽ đi gặp các chú, nhưng chẳng được mau lẹ như chúng tôi mong ước, bởi vì thời tiết xấu đã cản chân chúng tôi.Chúng tôi ở lại một thời gian tại cửa biển Nước Mặn để chuẩn bị tất cả những gì liên quan tới chuyến trở về Xiêm La. Chúng tôi chấp nhận một con thuyền giống như con thuyền đã chở chúng tôi tới Đàng Trong. Trong lúc người ta sửa soạn con thuyền, Đức cha Bêrytê đi viếng thăm các nơi khác nhau, nơi nào giáo dân cũng rất đông đảo.

Cha chính xứ Nước Mặn.

Giáo dân không còn biết diễn tả niềm vui của họ như thế nào khi họ nhìn thấy vị giám mục của họ mạnh khỏe, sau khi đã từng thấy ngài cận kề với cái chết. Phép thêm sức, phép giải tội và phép Mình Thánh Chúa là công việc liên tục suốt 8 ngày trời, cả ngày cả đêm, bởi vì gần như đừng phải nghĩ tới chuyện nghỉ ngơi một chút nào. Chúng tôi gửi đi 6 chứng thư, cho các thầy giảng cũng như cho những người khác là những người không có tước vị thầy giảng nhưng được đặt đứng đầu các nhà thờ nào đó. Và để cho niềm vui của những người dân này được trọn vẹn, Đức cha Bêrytê đặt cha Giuse, linh mục người Việt, tại giáo xứ chính của họ, để ngài làm cha chính xứ. Ngài còn cho cha thêm, ngoài nhiệm vụ đặc biệt trên, quyền quản nhiệm tổng quát toàn xứ (Nước Mặn). Vị công nhân đáng kính này là người được vinh dự làm linh mục người xứ Đàng Trong tiên khởi. Chắc hẳn, ngài đã nhận lãnh được những hoa quả đầu mùa trong tinh thần linh mục. Ngài là người mang một lòng nhiệt thành nóng bỏng, một đức cẩn thận hiếm có, và một sức làm việc không thể tưởng tượng được. Lòng bác ái của ngài làm cho ngài vui vẻ chịu đựng được tất cả mọi tật xấu của dân tộc ngài. Tính hiền hòa của ngài khiến ngài nên dễ cảm mến đối với tất cả mọi người. Đức khiêm nhường của ngài làm cho chính ngài phải khổ cực lắm khi chịu đựng chính con người mình. Đức vâng lời của ngài làm ngài phục tùng cách tuyệt đối các bề trên của ngài ; cho dù ở nhiều nơi, người ta đã tha thiết muốn có được ngài làm vị mục tử chăn dắt họ, ngài không hề bao giờ tỏ ra ước muốn nào khác hơn là được thi hành ý muốn của vị giám mục của ngài.

Một người thuộc dòng dõi nhà vua.

Sau khi đã nêu ra một chứng từ nhỏ cho một người xứng đáng mà tôi là chứng nhân nhãn tiền, tôi phải nói ra rằng trong lúc Đức cha Bêrytê đi đây đi đó thì tôi, theo lệnh ngài, phải ở lại nơi chúng tôi đã cập bến với tất cả những chú học trò của chúng tôi và với cả ông thầy giảng là người đã giúp tôi trong xứ Quảng Ngãi. Lúc ấy, chúng tôi đang ở vào những ngày đầu tiên của Mùa Chay. Và sự thánh thiện của Mùa Chay đã làm tăng thêm lòng sốt mến của các tín hữu các vùng lân cận. Họ đã tụ họp lại thành từng đoàn bên cạnh tôi. Trong vòng 7 ngày, chúng tôi đã rửa tội cho nguyên một gia đình, ngoài một vài cá nhân ra. Trong số họ, tôi vô cùng cảm kích về một vị quý tộc trẻ 28 tuổi là người được coi là có họ hàng với nhà vua và là người có nhiệm vụ lo các binh đoàn của nhà vua.Đã từ lâu, anh ta tha thiết xin được ân huệ này, anh ta đã tới gặp nhiều thầy giảng. Các thầy đều từ chối mà không dám thổ lộ gì với anh ta cả, vì các thầy sợ anh ta lợi dụng cái dễ dàng của các thầy để làm hại giáo hữu. Nhưng anh ta chẳng hề trách oán ai, âm thầm tìm biết được nơi tôi đang ở, anh ta đến trình bày cho tôi niềm ao ước của anh. Tôi dò xét anh theo tất cả khả năng của tôi xem anh có thực sự thành tâm không. Tôi còn hỏi anh ta xem anh có được học biết về các mầu nhiệm đạo chúng ta không. Tôi đã viết cho Đức cha Bêrytê những điều tôi nghĩ về lòng thành và về các đức độ khác nơi vị quý tộc trẻ tuổi này. Ngài nói tôi hãy rửa tội cho anh ta mà không phải hãi sợ chi. Tôi đặt tên cho anh ta trên giếng nước rửa tội là Phê Rô.

Một dự tính.

Sau đó, anh tân tòng ấy tin tưởng tôi đến độ cởi mở tâm hồn anh ra với tôi một cách thật đơn sơ chân thật. Anh nói với tôi rằng anh cảm thấy rất bị lôi cuốn hiến thân cho Thiên Chúa cách đặc biệt. Anh thấy nhiều nguy hiểm khi trở lại triều đình là nơi anh đã thoát ra khỏi. Ngay khi anh trở về, cha mẹ anh là người có những trách nhiệm hàng đầu tại triều đình, sẽ có thể dùng uy tín bên cạnh nhà vua và quyền bính trên anh mà bắt anh nhận một nhiệm vụ nào đó không thích hợp với việc giữ đạo. Bởi vì, vào một số dịp, những công vụ ấy đòi hỏi anh phải tuyên xưng ngoại giáo như những người khác, hoặc là bị kết tội phản nghịch lại nhà vua.Tôi đề nghị mang anh theo vào số các chú học trò của chúng tôi, và Đức cha Bêrytê đồng ý điều ấy. Nhưng vào lúc chúng tôi khởi hành, anh bị lên cơn nóng sốt suốt mấy ngày trời nên anh không thể theo chúng tôi sang Xiêm La được.Thiên Chúa đã cho phép như vậy để tránh cái ác hại có thể xảy đến từ chuyện trên. Bởi vì luật pháp xứ Đàng Trong kết án tử hình binh sĩ nào ra khỏi vương quốc mà không có phép của nhà vua. Anh ta hẳn nhiên là sẽ gặp nguy hiểm lớn bị nhận diện và bị bắt giữ bởi một vị sứ thần đất nước anh mà chúng tôi đã gặp, và thậm chí vị sứ thần này còn dám chửi bới chúng tôi nữa khi chúng tôi về tới bến cảng Xiêm La, như sẽ thấy ở chương sau đây.

Chương XI

Trở về Xiêm La

Tại bến Nha Ru.

Trước khi rời Hội An, Đức cha Bêrytê đã nhận được thư của cha Mahot xin ngài hãy ghé xứ Phủ Mới để an ủi giáo dân. Vị thừa sai này cho biết ngài thấy tương lai mở rộng cho việc làm sáng danh Chúa Giêsu Kitô. Có những nơi cả làng xin học đạo chuẩn bị chịu phép rửa tội. Ngài gặp một vài người trong dân chúng, cho dù họ còn là dân ngoại, xong đã biết các kinh nguyện của chúng tôi. Dáng vẻ tốt đẹp đó khiến Đức cha Bêrytê quyết định viếng thăm xứ đó lần thứ hai trên đường đi. Chúng tôi chỉ còn cuộc viếng thăm này nữa là hoàn tất những lời mà chúng tôi đã hứa với các tín hữu của những giáo đoàn (églises) khác nhau. Chúng tôi lên đường về hướng bờ biển đó. Nếu Thiên Chúa phù hộ dự tính của chúng tôi, chúng tôi quyết định sẽ đáp thuyền đến bến cảng xứ Nha Ru. Nhưng khi chúng tôi đến gần đó, biển lại rất động đến nỗi xem ra không thể nào mà cập bến mà lại không bị nguy hiểm tới tính mạng của tất cả mọi người trong thuyền. Chúng tôi đành viết thư cho cha Mahot, nhờ một thủy thủ liều lĩnh chèo xà lúp đem tin chúng tôi vào cho ngài, và cho ngài biết chúng tôi không thể nào đặt chân lên đất liền được. Ngài phải chịu một hy sinh hãm mình là không thể ra đến con thuyền của chúng tôi được, bởi vì ngài đang bị đau. Nhưng ngài sai một vài chú học trò ra gặp chúng tôi. Ngài có ý muốn sẽ dạy dỗ các chú này. Dưới sự hướng dẫn của một thầy giảng là thầy dạy của các chú, tất cả các chú đến nhận phép lành của Đức cha Bêrytê. Dáng khiêm tốn của các chú làm chúng tôi rất vui lòng. Các chú ấy cũng học được nhiều nơi cái khiêm tốn của những chú học trò của chúng tôi. Chúng tôi có thể nói rằng thời gian các chú gặp nhau đã khích lệ các chú cả đôi bên. Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều nơi các mầm non này để đạo Chúa sẽ được phát triển tại xứ Đàng Trong.Sau cùng, chúng tôi cho các chú trở vào bến cảng. Chúng tôi từ giã cha Guyart, người đã đi tiễn chúng tôi cho tới tận đây. Đức cha Bêrytê lúc ra đi đã lập ngài làm linh mục tổng đại diện tại vương quốc này, với lệnh phải mau lẹ đi thăm viếng tất cả mọi nơi.Cuộc chia tay này không phải là không đau lòng. Nhưng Đấng Quan Phòng đã định như vậy, tại vì chúng tôi buộc lòng phải mau trở về Xiêm La do thời tiết và do công việc thúc đẩy.

Đường về.

Ngày 29/3/1672, chúng tôi căng buồm ra khơi. Lúc này, mọi sự đều thuận tiện cho việc đi biển. Và ngay chiều hôm đó, chúng tôi không còn nhìn thấy mảnh đất Đàng Trong nữa. Chúng tôi đi tìm những hòn đảo xinh đẹp mà chúng tôi đã thấy rất tiện lợi trong bận đi. Những hòn đảo này chỉ thích hợp cho các con thuyền nhỏ như con thuyền của chúng tôi mà thôi. Còn những con tàu lớn một khi bị gió và luồng nước xô vào, thì không thể quay ra được nữa và đương nhiên là sẽ bị hư hỏng ngay tại đảo.Sau khi đi lênh đênh trên biển cách bình an suốt 25 hay 26 ngày, chúng tôi bị lạc đường lúc gần như kết thúc chuyến đi. Các thủy thủ đã lẫn lộn con sông này với con sông nọ, chúng tôi trễ mất 24 giờ đồng hồ. Họ vào được con sông Xiêm La khoảng 10 tháng sau khi chúng tôi rời khỏi đó. Chúng tôi gặp lại dòng sông này, không những với niềm vui quen thuộc của các khách du hành khi trở lại nhà mình, mà còn có cái thú vị mà người ta hưởng được trên dòng sông, với bao nhiêu là cây cối xanh tươi dịu mát bao quanh, và với tất cả những đồ ăn ngon tươi mà người ta gặp được.

Gặp vị sứ thần Đàng Trong.

Chúng tôi còn ở trong thuyền khi vị sứ thần Đàng Trong nhận ra chúng tôi. Ông đang đi dạo chơi trong thuyền của ông ở khoảng lối vào kinh thành, đối diện với ngôi nhà của những người Hòa Lan, cách nhà chúng tôi một dặm. Cuộc gặp gỡ bất ngờ này đã gây ra cho chúng tôi một nỗi gian truân rất phiền phức. Bởi vì vị sứ thần này bất chợt gặp thấy một cánh buồm của xứ ông chở người Đàng Trong, ông tin dễ dàng rằng đó là những kẻ lẩn trốn, và ông nghĩ rằng ông phải có nhiệm vụ bắt giữ họ với bất kỳ giá nào. Chắc chắn là ông ta sẽ làm việc ấy, nếu như không có một can thiệp của Đấng Quan Phòng giúp giải cứu bất ngờ chúng tôi, trong một tình cảnh mà tất cả những cẩn thận của con người không thể tiên liệu được. Một nhóm người có vũ trang, mà tôi không biết do sự tình cờ nào, lại đang ở gần đó. Họ là những người có đạo. Khi họ nghe ai đó nói rằng trên thuyền có một vị giám mục mà người ta muốn bắt giữ, họ liền chạy tới nơi có tiếng ồn ào. Họ kéo chúng tôi ra khỏi những rắc rối. Sau đó, chính chúng tôi tự mình về tới nhà báo tin mừng chúng tôi trở về bình an.

Lo ngại.

Tuy vậy, chúng tôi vẫn rất lo ngại về những chuyện có thể xảy ra sau vụ này. Thực ra, không phải tại Xiêm La là nơi mà chúng tôi biết rằng nhà vua sẽ không từ chối bảo vệ chúng tôi, nhưng tại Đàng Trong, vì ông sứ thần có thể viết thư về đó, theo cách thức mà ông đã dấy động người ta chống lại đạo thánh chúng tôi.Vì lý do đó, chúng tôi xét rằng phải dùng một vài giải pháp với ông ta để dò xem ý hướng của ông. Đức cha Bêrytê gửi tới ông một người Nhật có đạo để nói với ông thay cho ngài, rằng ngài đã cảm thấy rất bức xúc khi bị chửi rủa tại đất nước này, và tại kinh đô của một vị vua vốn quý trọng bảo vệ các người Pháp cho đến bây giờ, và rằng ngài không tin Đức vua sẽ chấp nhận được cách đối xử tồi tệ của người ta đối với bản thân ngài. Ban đầu, vị sứ thần xin lỗi cách khá lịch sự. Nhưng chúng tôi nhìn thấy những thù hận trong lòng ông qua tất cả vẻ lịch thiệp bên ngoài. Chúng tôi sợ rằng con người này sẽ giữ tất cả hờn giận của ông cho tới lúc ông quay về lại xứ Đàng Trong, (nếu ông chưa trút cơn giận ra lúc đó qua những lời bí mật trong thư từ của ông). Bởi thế, chúng tôi dùng hết cách thức có thể tưởng tượng ra được để lấy lòng ông ta, hầu từ từ cất khỏi ông ý định mà ông có thể đã có là tung tin chống lại các thừa sai mà chúng tôi đã để lại tại Đàng Trong, khi ông được cấp trên gọi trở về bên đó.

Người trung gian.

Tìm ra được một người làm trung gian với vị sứ thần thì không khó khăn. Ông ta có một sứ thần đồng nghiệp mà may thay lại là người có đạo. Ông này sẵn lòng nhận vụ việc của chúng tôi mà ông ta coi như việc của Thiên Chúa vậy. Ông ta xem như một niềm vui được nên hữu dụng cho vinh quang Thiên Chúa khi lo việc ích cho chúng tôi. Ông chẳng quên điều gì trong một cuộc thương lượng rất thánh thiện như vậy. Bởi thế, chúng tôi có thể nói được rằng Thiên Chúa đã ban cho ông ta tất cả mọi phúc lành mà chúng tôi có thể chờ đợi nơi tính cẩn thận và lòng nhiệt thành của ông. Và nếu những vẻ bề ngoài không phỉnh lừa chúng tôi, thì không những vị sứ thần sẽ không làm hại chúng tôi, mà chúng tôi còn hy vọng ông ta sẽ là một người bạn nữa.Tuy nhiên, lúc ban đầu, ông ta không nhường bước ngay. Bởi vì ông ta đã đệ đơn ra tòa chống lại các thủy thủ của con thuyền chúng tôi. Phải khó nhọc mới làm cho ông ta nguôi lại trong vụ này. Nhưng sau cùng, ông ta trấn tĩnh được nhờ Đức cha Bêrytê đề nghị sẽ gửi một thừa sai đi theo ông ta, ngay trên con tàu của ông ta. Qua thừa sai đó, ngài sẽ viết thư đến nhà vua Đàng Trong để tường trình với nhà vua về chuyến đi sang đất nước Đàng Trong của ngài, về lý do tại sao ngài đã không đến triều đình, về nguyên cớ nào khiến ngài mang theo với ngài vài chú học trò người Đàng Trong sang Xiêm La. Chúng tôi chỉ định cha Langlois, linh mục người Pháp, phải sẵn sàng để ra đi. Chúng tôi còn cho một thầy chủng sinh lên thuyền trước, thầy là người sẽ tháp tùng cha Langlois. Nhưng con tàu đã nhổ neo trước lúc chúng tôi đồng ý được với nhau. Thầy chủng sinh ra đi một mình. Cha Langlois trở về lại chủng viện. Một thời gian sau, chúng tôi gửi cha Mahot đi.

 

Ký Sự của cha Vachet

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube