Khái niệm chung về linh đạo

I. ĐỊNH NGHĨA

  1. Theo nghĩa tiếng

Chữ Linh có nhiều nghĩa như thần thiêng, tinh thần, thần khí, thiêng liêng… là tính chất của thần, thánh, hồn… Linh: cũng còn có nghĩa là đặc tính Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh, Đức Giêsu xác định: “Thiên Chúa là Linh hay Thiên Chúa là Thần Khí” (Ga 4,24).

Đạo: có nghĩa là đường để đi. Ở đây có nghĩa là đường lối, phương pháp.

Như vậy, Linh Đạo là con đường thiêng liêng, phương pháp tâm linh, dẫn con người tới Thiên Chúa, tới sự thánh thiện. Trước đây, khi chưa có từ linh đạo, người ta thường dùng những từ ngữ như “đàng thiêng liêng”, “đường trọn lành”, “đường lối tu đức” với ý nghĩa ấy.

Hiện nay, khi dùng từ “linh đạo”, trong đó “linh” cũng có nghĩa là Thần Khí, là Thánh Thần, người ta muốn nhấn mạnh và đề cao vai trò của Chúa Thánh Linh trong việc nên thánh, trong đời sống của linh hồn hay đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu.[1]

  1. Theo nghĩa chung

Trong Từ điển Công Giáo: Linh đạo là con đường thiêng liêng đưa con người đến với Thiên Chúa – Đấng Thánh Thiện – qua Đức Kitô, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần.
Con đường thiêng liêng nầy trước hết chính là Chúa Giêsu (x. Ga 14,6), thứ đến là Hội Thánh, cộng đoàn đang đi theo “con đường Giêsu” (x. Cv 9,2).[2] Hơn nữa, “linh đạo còn là một cách thế sống và thể hiện Tin Mừng. Chúng giống như những phương pháp và những kim chỉ nam, để giúp các Kitô hữu đem hết tâm lực làm cho Giáo Hội, qua con người của họ, thực sự biểu dương Đức Kitô ngày một hoàn hảo hơn cho các tín hữu cũng như cho lương dân”.[3]

Tuy nhiên, theo một nghĩa chặt hơn thì “linh đạo qui chiếu đến sự khôn ngoan về tinh thần được tích lũy bởi loài người xuyên qua các thời đại trong nỗ lực tìm kiếm sự hiệp nhất với siêu việt, thường được gọi là Thiên Chúa. Hoặc linh đạo cũng có thể nói đến kinh nghiệm của một người hay một nhóm người trong cuộc tìm kiếm thăng tiến tâm linh (…). Trong lãnh vực thần học Kitô giáo, linh đạo qui chiếu đến kinh nghiệm sống về một Thiên Chúa Ba Ngôi và suy tư thần học về kinh nghiệm ấy. Nó ‘tập chú không phải trên bản thân đức tin, nhưng trên thái độ mà đức tin ấy khơi lên trong ý thức và thực hành Kitô giáo”.[4] Đặc biệt, theo Rancois Vandenbroucke: “Linh đạo là một khoa học; trước nhất là khoa học về các phản ứng của ý thức tôn giáo khi đứng trước đối tượng đức Tin, điều này thuộc phương diện trí thức; thứ đến, là khoa học về các hành vi nhân linh, qui hướng đặc biệt về Thiên Chúa, tức là khoa tu đức và huyền nhiệm. Nói cách khác, ta có thể định nghĩa linh đạo như một khoa áp dụng Tin Mừng vào đời sống Ki-tô hữu, vừa trên bình diện trí thức, vừa trên bình diện tu đức và bình diện huyền nhiệm đích thực”.[5]

  1. Theo Đức Cha Lambert

Linh đạo là con đường thiêng liêng chính Đức Cha Lambert đã đi trong cuộc hành trình trần thế, kéo dài 55 năm, và gồm ba chặng lớn.

  • Chặng đời giáo dân: 31 năm trong môi trường gia đình, giáo xứ, trường học và xã hội vùng quê hương Normandie (1624-1655).
  • Chặng đời linh mục: 5 năm hoạt động tại Rouen, Paris và Roma (1655-1660).
  • Chặng đời giám mục: 19 năm loan báo Tin Mừng và tổ chức công cuộc truyền giáo tại châu Á (1660-1679).[6]

Linh đạo là con đường thiêng liêng mà Đức Cha Lambert vạch ra cho những người muốn đi theo ngài. Trong số này, phải kể ưu tiên các nữ tu Mến Thánh Giá, những người con tinh thần đã được ngài thiết lập thành một Hội dòng có tổ chức và chương trình sống rõ rệt.[7] Hơn nữa, Linh đạo Đức Cha Lambert tổng hợp kinh nghiệm thiêng liêng và quan niệm tu đức của ngài. Hai khía cạnh ấy gắn liền với nhau và tác động trên nhau. Vì một kinh nghiệm sống của bất cứ ai luôn luôn được thúc đẩy bởi quan niệm của người đó về cuộc sống, và quan niệm sống ấy phải được thể hiện trong thực tế bằng những kinh nghiệm nội tâm và những hành động bên ngoài: chính điều này tạo nên sức thuyết phục và thu hút của một linh đạo.

Vậy, linh đạo Đức Cha Lambert là “hướng cái nhìn và trái tim về Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh, đối tượng duy nhất của lòng trí mỗi người, và dành một tình yêu thực tiễn (được chứng tỏ bằng những việc làm cụ thể) cho Thánh Giá Cứu Độ của Con Thiên Chúa”.[8]

II. ĐẶC ĐIỂM CỦA LINH ĐẠO

  1. Đặc điểm linh đạo Kitô giáo

Trong Kitô giáo, mọi linh đạo đều xuất phát từ nguồn mạch duy nhất là Phúc Âm, tổng hợp kinh nghiệm và quan niệm thiêng liêng của chính Đức Kitô. Phúc Âm của Người có sức thuyết phục và thu hút mãnh liệt vì Người sống triệt để điều Người dạy.

Linh đạo này sử dụng tất cả những phương thế truyền thống trong Giáo Hội. Nó bao gồm cả thể chất, cả con tim, cả tâm linh, cả thực tại. Linh đạo Kitô Giáo là cùng với Chúa Kitô, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, sám hối, khiêm nhường. Sống Hiệp Thông trong Hội Thánh, phấn đấu loại trừ tội lỗi, tích cực dấn thân, hy sinh, yêu thương, phục vụ Con Người và cùng với Nhân Loại đi vào Vinh Quang Thiên Chúa.[9]

Nhìn tổng thể về linh đạo Kitô Giáo, trong năm thời đại, do tác giả John R. Tyson biên soạn và giới thiệu, chúng ta thấy điểm nổi bật nhất trong linh đạo vẫn là tập trung vào Chúa Kitô và Phúc Âm của Người.[10] Tuỳ theo mỗi thời đại, linh đạo có thể nhấn mạnh tới những phương thế linh đạo khác nhau. Tựu trung vẫn là con đường của con tim, của lý trí,  bằng những phương tiện thực hành như cầu nguyện, chiêm niệm, chiêm niệm cảm nghiệm, thần bí siêu biến, Thần Nghiệm.

  1. Đặc điểm linh đạo Đức Cha Lambert

Đặc điểm linh đạo của Đức Cha Lambert cũng như các linh đạo khác trong Giáo hội, là một kiểu nhìn Đức Kitô, sống với Người, bước theo Người, và làm theo lời Người dạy, bằng cách nhấn mạnh đặc biệt một vài khía cạnh của Phúc Âm, chọn một mầu nhiệm hoặc một hành vi của Đức Kitô làm trung tâm điểm thống nhất mọi sinh hoạt của mình.[11]

Nói theo ngôn ngữ Công đồng Vatican II, các linh đạo cũng tương tự như ơn gọi của mỗi dòng tu, tìm cách họa lại những khía cạnh trong đời sống phong phú vô tận của Đức Kitô đang chiêm niệm trên núi, hoặc đang rao giảng Nước Thiên Chúa cho dân chúng, chữa lành những bệnh nhân và kẻ tàn tật, kêu gọi người tội lỗi hoán cải, chúc lành cho các trẻ em và thi ân giáng phúc cho mọi người.[12]

Vậy, để hiểu Linh Đạo của Đức Cha Lambert cách khách quan, quân bình và sâu sắc, trước tiên, cần biết rõ môi trường làm phát sinh linh đạo ấy là Giáo hội Pháp thế kỷ XVII.


[1] X. Trích từ Thơ giới thiệu của Đức TGM Nguyễn Văn Bình, trong “Linh đạo về Chúa Cha, tập I, in ronéo, Tp. Hồ Chí Minh, 1989, tr. 7; x. Trích trong http://www.tamlinhvaodoi.net/giadinhchua.

[2] HĐGMVN, Uỷ Ban Giáo lý Đức tin, Ban từ vựng Công giáo, TỰ ĐIỂN CÔNG GIÁO, nxb Tôn giáo 2016, Mục từ LINH ĐẠO, tr. 533.

[3] Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Bài viết: Dẫn vào lịch sử Linh Đạo. Nguồn: Trang mạng giáo phận đà lạt. Link: http://www.simonhoadalat.com/Hochoi/Namthanh/Doisongthanhhien/52LSLinhdao.htm/  

[4] Mary Milligan R.S.H.M. Bài viết: Linh Đạo Kitô Giáo, do Ngô Công Đức chuyển ngữ. Nguồn: Trang mạng Xuân Bích. Link: https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/04/11/dan-vao-than-hoc-chuong-ix/.

[5] Francois Vandenbroucke, O.S.B. Bài viết “LINH ĐẠO VÀ CÁC LINH ĐẠO”. Nguồn: Trang mạng Thời sự Thần Học. Link: https://tsthdm.blogspot.com/2014/07/linh-ao-va-cac-linh-ao.html.  

[6] X. T.sử 1-33.

[7] X. Ltk và Btt.

[8] X. Ltt II,1-2; Ltk II; T.sử 1.21; 24b.33 ; NNCLĐMTG, Tuyển tập Bút Tích (Di Cảo), năm 2017, tr.26.

[9] Trích từ bài viết: Đặc điểm của linh đạo thời nay của linh mục Gioankim Nguyễn Văn Hinh (D. Min), trong http://mucvugiaodan.org/dac-diem-linh-dao-thoi-nay#_ftn1.

[10] John R. Tyson, Invitation To Christian Spirituality An Ecumenical Anthology, Oxford University Press, N.Y., 1999.

[11] X. LĐLB 2.

[12] X. Giáo Hội 46,1.

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube