Ký Sự Cuộc Hành Trình Của Đức Cha Beryte (Chương 1)

KÝ SỰ CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC CHA BERYTE – Jacques de Bourges

Lời giới thiệu

Jacques de Bourges là linh mục địa phận Paris (Pháp) đã theo đức cha Lambert de la Motte ngay từ buổi đầu để đi rao giảng Tin Mừng cho Trung Hoa, Việt nam…. Rồi sau đó, vâng lời đức cha, từ Ajuthia (kinh đô xứ Xiêm La) cha trở lại Âu Châu lo một số công chuyện. Nhân dịp này, cha xuất bản một tập Ký Sự, mà chúng tôi dịch sang tiếng Việt đây, kể lại cuộc hành trình từ Paris đến Xiêm La (tức Thái Lan ngày nay) của đức cha Lambert de la Motte và hai linh mục phụ tá là cha François Deydier và chính cha Jacques de Bourges. Đó là tài-liệu-in đầu tiên nói về cuộc hành trình lịch sử trên (1660-1662). Xuất bản tại Paris hồi đầu năm 1666, bằng tiếng Pháp.

Viết vào thế kỷ 17, lối văn của tác giả khác với bây giờ rất nhiều. Kể luôn cả một số từ ngữ mà hiện nay không thấy ai còn dùng nữa. Đó là một trong các khó khăn khi làm công việc dịch thuật này. Một giới hạn nữa là vì lưu đầy xa quê nhà đã một thời gian, lại học hành bên Tây này, nên tiếng Việt của chúng tôi không có gì phong phú. Xin hãy thông cảm cái yếu kém này của chúng tôi. Cảm tạ!

Trong khi dịch, chúng tôi cố gắng tránh dùng từ «truyền giáo», thay vào đó, chúng tôi dùng từ «thừa sai» hoặc «sứ vụ thừa sai». Tại sao vậy ? – Trộm nghĩ là trong việc rao giảng Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, người ta phải được «kêu gọi» và được «sai đi». Mặt khác, rao giảng Tin Mừng chưa hẳn đã là rao giảng tôn giáo, tức «truyền giáo». Giáo Hội chưa phải là Nước Trời. Nhưng nói thế là nói cho ngày hôm nay. Chứ vào thời của Jacques de Bourges, rao giảng Tin Mừng là «giảng đạo», là «truyền bá đạo»… dưới sự điều khiển của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin tại Roma.

Còn về khung cảnh lịch sử việc rao giảng Tin Mừng vào những thế kỷ 15, 16 và 17: thế giới Kitô giáo Tây Phương chỉ bắt đầu mở rộng ra từ khi ngành hàng hải phát triển. Trước tiên là việc thám hiểm thế giới «mới», việc thương mại, rồi sau đó là việc đi rao truyền Tin Mừng. Trên tàu vượt đại dương, có lính, có lái buôn và có tu sĩ linh mục thừa sai. Giáo triều Roma ban đầu giao việc rao giảng Tin Mừng cho triều đình Bồ Đào Nha, rồi thêm Tây Ban Nha, chỉ vì các triều đình Công giáo này có tàu bè đi khắp nơi. Sau, do những lạm dụng hoặc bê bối trong các sứ vụ thừa sai, Roma quyết định tự mình trực tiếp điều khiển lấy công việc rao giảng Tin Mừng: «Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin» ra đời năm 1622, ngày 22 tháng Sáu. Và nước Pháp Công giáo thời vua Louis XIV trị vì (1643-1715) đang phát triển lên. Nhờ đó và trong chiều hướng cải tổ việc rao giảng, Roma dùng người Pháp hơn người Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, và chọn linh mục «triều» (linh mục địa phận) hơn là linh mục «dòng» (tu sĩ). Roma có ý hướng riêng của Roma trong mọi quyết định trên, tựu chung cũng là để «đời» đừng chen chân quá vào «đạo». Chính trong tổ chức mới ấy, Giáo Hội Việt Nam đã thực sự thành hình được nhờ các linh mục «triều» của Pháp, tức Hội «Missions Étrangères de Paris» do các đức cha Pallu, Lambert de la Motte và Laneau thành lập vào hậu bán thế kỷ 17.

Chúng tôi cũng xin gửi ít dòng sau đây đến nữ tu các Hội dòng Mến Thánh Giá:

Các Chị Em thân mến,

Đức cha Lambert de la Motte là đấng sáng lập dòng của Chị Em. Dịch và chú giải tài liệu này, chúng tôi nghĩ nhiều tới các Chị Em với lòng cảm mến vì việc dấn thân phục vụ người nghèo của một số người trong các Hội Dòng, và, với ước mong trao đến các Chị Em thêm một chút hiểi biết về đức cha Lambert de la Motte.

Xin chân thành cám ơn sự đón nhận của bạn đọc và các Chị Em thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá.

Chương 1

Những sự việc đã xảy ra tại Roma cũng như tại Paris trước cuộc hành trình của ba giám mục người Pháp được sai sang Trung hoa …

 

Mục đích của chúng tôi khi cho ra đời Ký Sự này là để làm hài lòng một số rất đông người đạo đức, muốn góp phần vào việc truyền bá đức tin với sứ mệnh thừa sai đang hồi thành công của ba giám mục người Pháp đã được sai sang Trung Hoa từ năm năm nay. Họ là những người, sau khi được biết cuộc hành trình bình an của đức cha Beryte (1) (rời Paris trước tiên) tới xứ Xiêm La, xin làm chứng những sự thể đáng kể đã xảy ra. Đúng ra, tôi không cần làm công việc tường thuật này, bởi vì đức cha Beryte và các giáo sĩ theo ngài, suốt cuộc hành trình chỉ chú tâm vào mục đích của sứ mệnh thừa sai, không lo chi đến chuyện quan sát những sự việc mà các khách du hành bình thường vốn cẩn thận ghi chú, không bỏ xót điều gì. Tuy nhiên, vì lòng yêu mến kính phục công việc và muốn am hiển tường tận mọi chi tiết, nên những người đạo đức nói trên đã nhiều lần xin tôi cho quần chúng được rõ về cuộc hành trình của chúng tôi, mục đích là để những ai nhiệt thành với việc trở lại của người dân Trung Hoa và các dân tộc khác tại Á Châu có thể rút tỉa ra được những ích lợi nơi đây.

Trong Ký Sự mà tôi sẽ kể sau đây, bạn đọc sẽ nhận ra, ít nữa, là một tấm lòng can đảm cương quyết với ơn Chúa phù hộ. Cho đến hôm nay, người ta vẫn nghĩ là hành trình sang Trung Hoa là việc không thể thực hiện được đối với người Pháp, nhưng đức cha Beryte đã mở ra một con đường mà cho đến nay, tại Pháp, không ai biết đến, lại là một con đường dễ dàng và an toàn. Hình như Chúa đã thành công khi muốn phá tan những lo sợ nơi mọi kẻ, vì sự bất an và khó khăn trên đường hành trình, đã khiến họ ngoảnh mặt đi trước công trình rất to tát và rất thánh thiện như công trình đem đức tin đến các dân tộc sống nơi rất xa xôi Âu Châu này. Tôi hy vọng rằng nhiều người, qua việc trình bày nơi đây, càng ngày càng hiểu thấu mức độ quan trọng của sứ mệnh thừa sai lớn lao này là việc hoán cải một xứ sở lớn rộng hơn cả lục địa Âu Châu với hơn hai triệu linh hồn, chưa tính đến các xứ lân cận cũng rất đáng kể. Chính là để chinh phục những xứ sở rộng lớn này mà hôm nay Chúa Giêsu Kitô mời gọi lòng nhiệt thành của người dân Pháp (2). Không ai còn có thể nghi ngờ điều này một cách hợp lý nữa, bởi chưng sự kiện Tòa Thánh sai ba giám mục người Pháp ra đi là một dấu chứng tỏ tường rồi.

Và vì Ký Sự này có thể nằm trong tay nhiều người không biết nguồn gốc sứ mệnh thừa sai của ba giám mục ấy, thiết nghĩ là cần kể lại đây những sự thể chủ yếu đã xảy ra hầu làm thỏa mãn bạn đọc.

Lịch sử Giáo Hội cho chúng ta thấy là những sứ mệnh thừa sai lớn lao nhất thực hiện vào những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội để truyền bá đức tin giữa dân ngoại, hầu như tất cả đều khởi sự bằng các giám mục. Ngày nay, với nhận định đúng đắn, Giáo Hội thực hiện sứ mệnh thừa sai một cách khác: Giáo Hội chỉ gửi những giám mục đến các nơi ngoại giáo một khi nơi đây đã có được một số dân Kitô giáo đủ để tạo thành một Giáo Hội.

Đã hơn một thế kỷ, đức tin được truyền bá tại mọi nơi mọi chốn miền Đông Á Châu, nơi có rất nhiều xứ sở và nhiều dân tộc sống tuân phục mọi vua chúa khác nhau (3), và gần như tất cả dân tộc này đều thần phục Ngụy giáo (4). Từ thế kỷ các Thánh Tông Đồ, Giáo Hội chưa thực sự có được con đường nào để phát triển và để lớn rộng ra, cho mãi đến thế kỷ vừa qua với con đường mà nghành hàng hải tạo nên. Đó là xét về địa hạt bao la và sức mạnh của các xứ sở nói trên, hay là về phong tục và trình độ nhân văn của các dân tộc địa phương đó, hay là về thiện chí rao giảng đức tin, hay là về những việc tuyệt vời Chúa đã thực hiện qua các thợ thừa sai hòng thiết lập Giáo Hội ở mọi nơi trên.

Những thành đạt trong việc loan truyền đức tin tại các nơi đó có khác nhau, tùy theo tinh thần sẵn sàng hay không nơi dân địa phương mà các tông đồ thừa sai đã đến gặp gỡ. Tuy vậy, điều chắc chắn mà ích lợi cho Kitô Giáo, là gần như không còn một xứ quan trọng nào nơi phần đất mới đó của thế giới (5) mà không được đức tin chiếu soi, nhờ các vị lo việc tông đồ rao giảng. Bởi đó, lời của Đấng Cứu Thế được coi như đã thực hiện rằng Phúc Âm của Ngài sẽ được loan truyền khắp cả thế gian. Nhưng điều đáng để tâm suy nghĩ là lời tiên báo ấy, đã thành sự thực và qua đó, minh chứng cho chúng ta rõ rằng lời của Chúa chúng ta thực là lời chân lý. Và lời tiên báo ấy đã tỏ hiện hiệu năng rực rỡ, chỉ duy nhất dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội tông truyền Roma, và nhờ các thợ thừa sai mà Giáo Hội đã sai đi trong mục đích ấy. Bởi chưng, Giáo Hội là Giáo Hội duy nhất có được đức tin chân chính và lòng bác ái nhiệt thành lo việc truyền bá đức tin chân chính đó đến cùng bờ cõi trái đất (6).

Mặc dù ơn trở lại đạo phát triển khắp nơi tại Trung Hoa cũng như tại các nước lân cận, từ hơn ba mươi năm nay, ơn trở lại đạo triển nở đặc biệt tại xứ Đàng Ngoài và xứ Đàng Trong (7): những Ký Sự mới đây của các cha Dòng Tên cho chúng ta tin rằng riêng tại Đàng Ngoài, đã có một số lớn các nhà thờ và hơn ba trăm ngàn Kitô hữu: nhưng hai điều khiến việc Phúc Âm bị chậm trễ là số thợ thừa sai quá ít, lại gặp khó khăn khi tìm nâng đỡ và giúp họ lưu sinh nơi những miền hẻo lánh xa xôi trục giao liên của người Âu Châu.

Giữa những thợ thừa sai đã nhiệt tâm vun xới phần đất hoang vu này từ thuở tạo thiên lập địa, các cha Dòng Tên đã đóng vai trò đáng kể hơn bất kỳ ai cả, nhờ ân sủng đặc biệt riêng mà Thánh Phanxicô Xavier đã đạt cho họ qua cái chết của ngài tại đảo Sancian. Nhờ ơn Chúa chúc phúc, công việc các cha đã đem nhiều tiến bộ cho đức tin trên khắp xứ Đàng Ngoài, khiến các cha thấy cần phải trình lên Tòa Thánh nhu cầu sai gửi các giám mục đến những miền trên.

Nhiều lý do cho thấy cần phải thực hiện việc sai gửi này. Nhu cầu thợ thừa sai rất quan hệ cho Đàng Ngoài, nơi dưới sự hướng dẫn của chỉ duy một cha Dòng Tên có tới cả hơn tám ngàn tín hữu rải rác khắp nơi trong lãnh thổ. Xa xôi cách trở nên không dễ sai gửi thợ thừa sai Âu Châu đến nơi. Vả lại, người ta luôn luôn e ngại những vụ bắt đạo xảy ra, khiến các Giáo Hội nơi đó chẳng còn có linh mục. Bởi vì cơn giông tố đầu tiên thường đổ xuống trên các vị rao giảng, là người nước ngoài, dễ nhận diện, nên là những kẻ bị trục xuất đầu tiên. Do đó cần phải ngăn ngừa chuyện trắc trở này bằng cách lo cho xứ Đàng Ngoài và các xứ lân cận những giám mục nhân đức để đào tạo các linh mục bản xứ, đặt các Giáo Hội trên vào tình trạng tự mình lo lấy cho mình (8).

Cha Alexandre de Rhodes, người thành phố Avignon, thuộc Hội Dòng Tên, được ca tụng như đấng sáng lập Giáo Hội xứ Đàng Ngoài. Cha trở về Âu Châu với nhiệm vụ lo đệ trình lên Toà Thánh hiện trạng các Giáo Hội khai sinh trên và nhu cầu giám mục cho các Giáo Hội này: cha đến Roma lo việc, ở lại hơn một năm trời thương lượng, song không tìm được người có khả năng như lòng cha mong đợi. Thánh ý Chúa đã dành công trình này để thực hiện với tinh thần đạo đức của người dân Pháp.

Cha đến Paris, trình bày lý do cuộc lưu hành của cha và nhu cầu khẩn thiết khiến cha đã phải bỏ rơi các bổn đạo tân tòng nơi các xứ sở tuyệt đẹp sẵn sàng đón nhận Phúc Âm ấy. Lúc đó Chúa đã ban xuống cho một số đông những người đạo đức một tinh thần hăng say hết lòng hết sức phục vụ công trình thật thánh thiện và thật vinh hiển cho toàn thể Giáo Hội. Đích thực nơi đây là nơi tìm thấy lòng nhiệt thành lo cơ đồ nói trên và là nơi gặp được những nhân vật đáng kính, cả nam và nữ, đóng góp vào sự thành công cho việc dự tính. Nhưng vì sự kiện này tự nó đã được biểu lộ rõ ràng rồi, và vì tôi không thể xúc phạm tới lòng khiêm tốn nhún nhường của quý nhân vật trên, tôi chỉ có nhận xét này là cha Alexandre de Rhodes, trong vòng vài tháng trời thôi, đã thực hiện mau chóng dễ dàng công việc của cha. Chẳng mấy chốc, cha đã đạt đủ những gì cần thiết để thực hiện chương trình: một mặt, đã có đủ số giáo sĩ mà các giám mục tương lai sẽ được chọn ra từ số đó; mặt khác, người ta đã giúp đỡ những ngân khoản cần thiết phải tiêu dùng cho lộ trình xa hằng năm, sáu nghìn dặm đường trường (9).

Nhưng vì những công trình lớn lao cho danh Chúa cả sảng lại thường gặp những thử thách trăm chiều, sự việc xảy ra đã không tốt đẹp như cái vỏ bên ngoài của buổi ban đầu trong chuyện thương lượng của cha Alexandre de Rhodes: sau hơn 18 tháng trời nhọc nhằn đeo đuổi, đã xảy đến một số chuyện ngăn trở khiến lúc đó người ta coi như công trình dự tính đã hoàn toàn bị bãi bỏ. Ai cũng thất vọng. Chỉ còn duy mình cha Alexandre de Rhodes là không mất lòng can đảm. Vì xác tín rằng không còn gì cần hơn là việc sai gửi giám mục, cha vẫn tin là Chúa sẽ lo liệu cho các Giáo Hội nơi đó bằng cách mỗi ngày mỗi ban cho nhiều kẻ ngoại ơn trở lại đạo (10).

Cha Alexandre de Rhodes đã không lầm khi trông đợi: hai năm trời trôi qua từ ngày công trình bị bỏ rơi, nhưng sự kiện xảy đến đã khiến ta thấy rằng mọi khó khăn có thể trở ngại con người, song không thể trở ngại sự quan phòng của Chúa, rằng công việc xem như không thể được vào lúc nào đó lại trở nên thật dễ dàng khi đẹp lòng Chúa. Chuyện là một vài giáo sĩ, vốn đã dấn thân cho sứ mệnh thừa sai nói trên, đi kính viếng những nơi thánh tại Roma cho thỏa lòng đạo đức. Nhưng các ngài lại có ý, một khi tới Roma, sẽ lưu tâm tìm hiểu những ngăn trở đã khiến công trình dự tính của cha Alexandre de Rhodes bị bỏ dở, và muốn coi xem có cách nào tiếp tục dự tính này chăng.

Ba điểm đã giúp các ngài cương quyết trong ý định trên là:

– Trước hết là những tin tức nhận được trong năm 1656 cho hay mọi tiến triển đức tin tại xứ Đàng Ngoài và nguy cơ mà các Giáo Hội nơi đó đang gặp phải trong cơn bách đạo, các cha Dòng Tên là những thừa sai duy nhất đã phải ra đi.

– Điểm thứ hai là việc Đức Thánh Cha Alexandre VII lên ngôi giáo hoàng, nhiệt thành hứa là sẽ tạo mọi sự thuận lợi cho công việc truyền bá đạo Chúa.

– Điểm thứ ba là lòng tha thiết của những kẻ đã hợp tác với nhau thời cha Alexandre de Rhodes: được tin các giáo sĩ sang Roma hành hương, họ đã thông tin, chỉ dẫn cẩn thận cho các giáo sĩ này mọi phương cách thực hiện để đạt thành công và bảo đảm với Bộ Truyền Bá Đức Tin rằng Paris có thể thực hiện được công trình rất quan trọng đó vì ích lợi các linh hồn và vì danh dự của Giáo Hội.

Các giáo sĩ này gồm 5 vị đã tới Roma và đến trình diện hồng y Alberici, thư ký Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin: được tiếp đón ân cần, các vị chỉ còn chờ đợi thành tựu sẽ đến. Được hồng y cho hay về các giáo sĩ mới đến và ý định của các vị, Đức Thánh Cha đã tỏ ra vui mừng và cho các vị được diện kiến. Một trong các giáo sĩ đã đọc một bài diễn văn nhỏ, trình bày cùng Đức Thánh Cha hiện trạng Kitô giáo của các Giáo Hội tại Trung Hoa và Đàng Ngoài: nơi được hoàn toàn tự do rao giảng đức tin, tinh thần người dân sẵn sàng tiếp nhận đức tin, nhưng sự tiến bộ của Phúc Âm và việc trở lại của các dân tộc này bị trì trệ vì thiếu thợ thừa sai và vì rất khó có thể gửi cho đầy đủ thợ thừa sai Âu Châu đến nơi, do đường xá xa xôi vời vợi. Cách duy nhất để bảo đảm đạo Chúa tại các nơi trên cũng như để gìn giữ các cuộc chinh phục của Chúa (11) là sớm sai gửi các giám mục sang đó. Dự định này có thể trông cậy vào nước Pháp. Chương trình sai gửi ba giám mục đề ra cách đây hai năm về trước đã đình hoãn lại là chỉ để trông chờ Đức Thánh Cha cho hoàn tất.

Đức Thánh Cha không những tiếp nhận lòng nhiệt thành và bài diễn văn của các giáo sĩ, lại còn ngỏ lời cùng các ngài. Thiên Chúa thực đã ban cho ngài ngay từ những năm giáo hoàng đầu tiên một ơn hướng lòng đặc biệt về việc trở lại của các dân ngoại, nhất là những dân mà các giáo sĩ vừa trình bày ra. Lên ngôi giáo hoàng, ngài lo lắng thực hiện việc truyền bá đức tin, gửi bản dự án (12) mà các giáo sĩ đệ trình sang cho năm vị hồng y mà ngài cắt cử lên. Các hồng y đã nhóm họp ba lần để bàn thảo sự việc. Và sau khi Đức Thánh Cha đã hiểu rõ tầm quan trọng của dự án và được các hồng y bá cáo, ngài truyền cho các giáo sĩ lo tìm giới thiệu lên ba linh mục người Pháp để được thánh hiến giám mục.

Công việc liên hệ đến sứ mệnh thừa sai của ba giám mục trôi chảy dễ dàng tại Roma như thế. Tin mau chóng đưa về Paris. Những người trước đây hai năm đã nhiệt tâm nay lại càng thêm sốt sắng vì thành công bất ngờ này. Họ không nghi ngờ gì nữa khi nhận ra mọi đường nẻo và mọi dấu chứng giúp họ an tâm rằng đây chính là công trình của Chúa. Người ta kháo nhau về cái thận trọng tỉ mỉ tại Roma khi phải nghiên cứu một công việc mang tầm cỡ quan trọng như thế, và tìm hiểu xem đức giáo hoàng đã nhìn nhận và chứng thực như thế nào dự án trên. Mỗi người lại thêm xác tín rằng Chúa đã muốn thực hiện công trình này của ngài qua lòng đạo đức của người dân nước Pháp (13).

Ba chuyện còn lại phải làm là: tìm được ba giáo sĩ để được thánh hiến giám mục, tìm được những trợ giúp cần thiết cho phí tổn cuộc hành trình, và sắp đặt con đường mà ba giám mục phải đi, hoặc là đường biển hoặc là đường bộ.

Cha Pallu, là kinh sĩ tại thành Saint-Martin de Tours, đã được giới thiệu tại Roma lên đức giáo hoàng để lãnh chức giám mục, chức vị mà trước đây ba năm mọi người trong cuộc đã nhất loạt đồng ý tại Paris năm 1653. Mặc dầu nổi tiếng khiêm nhường, ngài đã chấp nhận vì tinh thần vâng lời và vì phần ích lợi cao cả của công việc.

Ngài đã được nhận lãnh y phục giám mục tại Roma, từ tay đức giáo hoàng. Đức giáo hoàng đã nhiệt thành khích lệ ngài chịu đựng gánh nặng của mọi khó khăn gian nan trong công việc, trao phó vào tay ngài phần rỗi của mọi dân tộc mà ngài lo việc hướng dẫn. Ngài được thánh hiến tại đền thờ Thánh Phêrô Roma, do hồng y Antôniô, chủ tịch Bộ Truyền Bá Đức Tin, dưới danh hiệu Giám mục Heliopolis: nghi lễ cử hành rất đẹp, lỗng lẫy, do Thánh Bộ chi phí theo lệnh của đức giáo hoàng. Vào dịp đó, đức giáo hoàng đã trao phó cho ngài việc điều khiển công tác to lớn này.

Tôi thấy không thể không kể ra đây một tai nạn đã xảy ra cho đức tân giám mục tại Roma: đang lúc ngài dâng Thánh lễ sắp xong trong nhà thờ Thánh Gioan des Florentins, thì một cái sét đánh xuống, xuyên thủng mái nhà thờ, làm chết một trong những người giúp lễ ngay dưới chân ngài và gây thương tích cho nhiều người khác Phần tân giám mục, ngài không được khỏe lắm trong những ngày đó vì mọi chuyện mới xảy đến cho ngài, đã bị sét làm nghiêng ngửa, song ngài vẫn dâng xong Thánh lễ. Tai nạn trên đã chứng tỏ thêm lòng trông cậy của ngài nơi Thiên Chúa là Đấng gìn giữ ngài cho ích lợi cao cả của Giáo Hội và dùng chuyện này để tăng lòng tin cậy cho những ai muốn hiến mình theo chân đức cha Pallu.

Cha Lambert de la Motte, trước là cố vấn toà án Cour des Aydes tại miền Normandie, rồi giám đốc bệnh viện Hôpital des Valides tại Rouen, được đức cha Heliopolis đề cử ra như giám mục thứ hai, cả hai người đều đã biết nhau. Cha Lambert de la Motte cũng đi Roma trong dịp đó, rất thông hiểu chuyện quan trọng này và đã đưa ra nhiều đề nghị hữu ích tạo dễ dàng cho việc sai phái các giám mục. Đó là khởi nguyên ơn gọi thừa sai tại Trung Hoa của ngài. Nhìn thấy tầm quan trọng của việc sai gửi ba giám mục và thấy Roma muốn hoàn thành việc trên, ngài đã không ngần ngại hiến thân đi theo những người sẽ là giám mục, với tính cách là một thừa sai đơn giản, vì ngài cho là không còn chi cao trọng hơn và ích lợi cho phần rỗi mình hơn là từ bỏ mọi ràng buộc lưu luyến tại Pháp mà ra đi sống một cuộc đời kham khổ giữa đám dân ngoại giáo. Đức cha Heliopolis, sau khi lấy ý kiến của những người hiểu sự dấn thân và nhân đức của cha Lambert de la Motte, đã không chút lo lắng khi đề nghị ngài làm giám mục thứ hai. Nhưng cha Lambert de la Motte đã ngần ngại không kém đức cha Pallu trước đề cử này. Chuyện đã dằn co lâu dài giữa lòng hăng say và tính khiêm nhường của người này kẻ kia. Tuy nhiên, cha Lambert de la Motte sau cùng đã cúi đầu trước nhu cầu của Giáo Hội và các dân tộc. Đức khâm sứ toà thánh Picolomini, tại Pháp, được cho biết về đời sống và đạo hạnh của cha. Ít lâu sau thì cha Lambert de la Motte nhận được thư tông toà bổ làm giám mục, hiệu toà Beryte, được đức tổng giám mục thành Tours thánh hiến tại Paris.

Còn lại là chọn được một giám mục thứ ba. Đức cha Heliopolis đã để mắt đến một người trong số các giáo sĩ đã hiến mình theo ngài cho sứ mệnh thừa sai mà ngài xét là có khả năng hơn cả trong chức vụ trọng đại này. Ngài đã không lầm khi chọn cha Ignace Cotolendi, người thành phố Aix, mà từ nhiều năm rồi làm cha chính xứ một họ đạo khá quan trọng tại thành phố của ngài. Mọi người vốn đều bằng lòng cha Ignace Cotolendi, ngài luôn thể hiện lòng nhiệt thành đạo đức, sự an bình và nhân đức cần để nên người tông đồ: chính nhờ vậy, khi được đề nghị lên, đức giáo hoàng liền chấp nhận ngay. Sau khi bài sai tông toà gửi đến, cha đã được thánh hiến tại Paris, dưới tước vị giám mục toà Metellopolis. Đức tổng giám mục Rouen, lúc đó là chủ tịch các giáo sĩ, chủ tọa lễ Thánh hiến cha Cotolendi, với sự hiện diện của sáu giám mục khác mà đức tổng giám mục đã mời đến cho thêm phần danh dự.

Từ hôm ấy, đức tổng giám mục Rouen vẫn tiếp tục tạo thuận lợi cho sứ mệnh thừa sai này mà toàn nước Pháp đều đã biết đến: đức cha Heliopolis đã phát hành một tài liệu nói rõ nguyên nhân công việc của ngài và những ý định của Toà Thánh. Nhiều giáo sĩ phấn khởi muốn đi theo đức cha để lo công việc rất đáng kính như thế. Nhưng đức cha đã cẩn thận để tâm suy nghĩ đắn đo trong việc tuyển chọn họ. Và để được yên tịnh suy tính, ngài đã đem các giáo sĩ đến một nơi, cách Paris 10 dặm, nơi đó ngài thử thách ơn gọi của họ cũng như để chuẩn bị cho họ bằng việc tĩnh tâm, suy niệm, thử lo việc thừa sai trong các làng mạc lân cận, tập tành công việc đời sống tông đồ. Sự thử thách trên là điều quan hệ, vì không còn gì nguy hại hơn cho bằng việc sống bừa bãi khi vào một sứ vụ khó khăn và đặc biệt, nhất là liên quan đến phần rỗi tha nhân và phần rỗi chính mình. Cuộc tĩnh tâm này đem lại ích lớn cho sứ mệnh thừa sai của ba giám mục. Vì chính nhờ dịp này, các giáo sĩ nào mà không ai biết hạnh kiểm, cách sống của họ và không tập tành cho họ đời sống đạo đức để có thể đảm đương nhiệm vụ, đều không được tiếp nhận vào sứ mệnh thừa sai. Và vào dịp tĩnh tâm này, một dự án thiết lập lên một chủng viện đã được thành hình, nhằm chuẩn bị các giáo sĩ sẽ được Chúa gọi lo việc cải hoá các xứ sở ngoại giáo. Đức cha Heliopolis đã đặt ra một mẫu mực, nội quy đời sống phải theo, nếu Chúa Quan Phòng cho có dịp xây dựng được chủng viện này (14).

Những người đạo đức, phần lớn là quý bà, đã vận động tại Paris tìm tài trợ nâng đỡ cho đời sống từng đấy các giám mục và giáo sĩ đi theo. Chỉ cần nhìn vào khoản chi phí cần dùng trong công trình này là người ta đã đủ kinh ngạc và tìm cách từ chối rồi. Nhưng nếu ai sợ hãi như thế thì đã là nghi ngờ sự lo liệu của Chúa dành cho công việc của ngài vì phần ích Giáo Hội, và nghi ngờ lòng nhiệt thành của những người dân Paris đạo đức đã thực tâm nâng đỡ sứ mệnh thừa sai. Hiệu quả của đức tin và lòng bác ái của những người đạo đức này được ca tụng khắp nơi trên trái đất: đó là chính ba giám mục đã chứng thực. Mọi nâng đỡ rất cần thiết cho các ngài như thế chỉ có thể tìm thấy qua tấm lòng bác ái của dân Paris. Một trong ba vị giám mục đã quyết định đem cho người nghèo mấy trăm quan tiền ê-cu (15) đầu tiên do người ta dâng cúng, tin vào lời hứa trong Phúc Âm rằng của cho đi sẽ trở lại gấp trăm lần. Mà sự thực đã xảy ra như thế, lại thêm được xác tín rằng Chúa không bỏ rơi các ngài. Vị giám mục đã cho tiền người nghèo cũng như tất cả mọi người đã cảm nghiệm rõ từ ngày ấy rằng là ích lợi hơn hết cả khi bỏ mình lo việc sáng danh Chúa và vâng phục hoàn toàn ý Đấng Quan Phòng.

Cái khó khăn hàng đầu là việc các giám mục sẽ phải theo con đường nào. Không dễ quyết định được chuyện này khi chúng tôi chỉ hiểu biết rất sơ xài về các xứ sở sẽ đến rao giảng (16). Trước tiên, chúng tôi nghĩ là có thể theo đường người Bồ Đào Nha, hy vọng được đi trên tàu bè của họ. Do đó, chúng tôi đã xin chiếu khán, nhưng người Bồ Đào Nha xét là vì lý do quốc gia đã không chấp thuận điều chúng tôi yêu cầu.

Là chuyện vô ích khi tìm đi trên tàu Hoà Lan mà Hãng Đông Ấn (17) hằng năm vẫn gửi người và hàng đi. Hơn nữa, họ chủ trương là chỉ chuyên chở những ai đang phục vụ họ mà thôi. Chúng tôi cũng gặp những khó dễ tương tự về phía người Anh, mặc dù trong cuộc hành trình (sau này) chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ ân cần của những người nước này tại các chốn họ đã có cơ sở (18).

Còn lại mỗi một con đường là vượt biển Địa Trung Hải, rồi lên đường bộ đi qua Thổ Nhĩ Kỳ: nhưng xem ra con đường này có vẻ chông gai nhất, lại lâu nhất, nhiều nguy hiểm và rất tốn phí. Thêm vào đó, người ta còn sợ là sau hơn hai ngàn dặm đường trường lại bị rơi vào tay các dân nơi xứ đó, là những người có thể sẽ đối nghịch với công trình của chúng tôi đang thực hiện.

Các khó khăn như thế khiến chúng tôi nghĩ tới việc xử dụng tàu bè của Hãng (19). Hãng vẫn buôn bán với đảo Madagascar, nay gọi là đảo Dauphine. Việc này xem ra dễ dàng, vì tàu bè của Hãng có thể đi từ cảng Madagascar đến cảng Surate và các cảng Ấn Độ khác, vốn dành tự do cho mọi quốc gia và dễ dàng cho việc thương mại. Nhưng Hãng này lúc đó còn yếu, không dám đi xa hơn đảo Madagascar. Bởi thế, chúng tôi phải điều đình với Hãng, qua đó thử liều một dự tính khác là xây dựng hai đội thương thuyền có thể vượt biển ít nữa là đi tới tận cảng Surate (20). Như vậy, Hãng sẽ có thể bắt đầu việc buôn bán giữa miền Ấn Độ Dương và Pháp (21).

Một vài nhân vật chuyên về hàng hải thương mại xem xét vấn đề này và cho là rất có lợi cho xứ Pháp. Họ nghiên cứu đưa ra các đề án cho Hãng, và khi đã được phép của nhà vua cũng như các thư chứng thị của Thượng Viện, rất đông người thuộc các giới đã muốn góp phần vào công chuyện này. Ai ai cũng hân hoan nghĩ tới việc phải mở rộng đạo Chúa và đem vinh dự nước Pháp đến tận những dân tộc xa xôi nhất (22). Quyết định được lấy ngay lúc đó để xây dựng đội thương thuyền cần thiết cho cuộc hành trình. Công việc xây cất thương thuyền chủ yếu của thương đội và mọi sự cần cho thương hành đoàn được xúc tiến bên Hoà Lan (23). Ngay khi thành hình, ngài De Thou, lúc đó là sứ thần của nhà vua đối với các quốc gia, liền lấy tên nhà vua mà đặt cho thương thuyền, tàu Saint-Louis, và treo cờ quốc gia Pháp lên, để cho biết là thương thuyền sẽ dùng để phục vụ nhà vua.

Khi mọi sự đã sẵn để đem tàu về cảng Le Havre của Pháp, nơi chúng tôi sẽ xuống đó ra đi, thì một vài sĩ quan hải quân Amsterdam đã chận thương thuyền lại và cầm giữ trong cảng của họ. Chúng tôi đã hết sức thương lượng để được tự do, vì mùa đi biển đang đi qua. Ngài De Thou được tin liền sang tận Amsterdam, và với mọi lịch thiệp ngoại giao, phiền trách rằng chuyện sẽ nên rắc rối vì họ đã cầm giữ thương thuyền mang tên nhà vua nước Pháp. Sau cùng thương thuyền được trả tự do với lời bảo đảm là sẽ không xử dụng vào việc chiến tranh chống phá công việc của các quốc gia.

Trong khi chờ đợi thời tiết thuận tiện để căng buồm về Pháp, tàu bị nạn chìm tại Texel trong một cơn bão tố, cùng với nhiều tàu bè khác. Tai nạn trên đã gây thiệt hại nhiều cho Hãng non trẻ. Người ta đã giữ tàu quá lâu giữa kỳ bão táp dữ dội nhất của mùa đông là lý do khiến tàu đã bị đắm. Người của Hãng nghĩ là họ có lý do để kiện tụng chống một cách thức làm việc đã vi phạm tự do công cộng và yêu cầu bồi thường thiệt hại họ phải chịu mà không rõ nguyên nhân. Nhưng vì con người vốn dễ gây thiệt hại hơn là đền bù thiệt hại, người của Hãng vẫn chưa đạt đến cùng mục tiêu của họ, cho dù với lý này lẽ nọ đưa ra để làm sáng tỏ sự công bình.

Thế là chuyện buôn bán đường biển với vùng Ấn Độ Dương bị chậm trễ lại, tan một dự đồ đã được suy tính và thực hiện cẩn thận mà tưởng đã phải đem lại những kết quả mỹ mãn.

Nhưng biến cố xảy tới đã giúp chúng tôi nhìn ra rằng Đấng Quan Phòng đã để xảy đến chuyện trên là chỉ có ý dành chương trình rất cao thượng và rất vinh dự cho nước Pháp ấy lại vào thời gian thuận lợi hơn và vào những bàn tay mạnh mẽ hơn. Lần thử nghiệm của chúng tôi đó thực đã được trả công quá trọng hậu, nếu nó đã đem lại một vài ý tưởng cho người giờ đang thi hành quyền bính của đức vua chúng ta với sự chuyên cần của những người thực sự là có khả năng trong vương quốc về vấn đề thương mại.

Tàu đắm trôi mất, không những thiệt thòi cho Hãng mà còn cho cả các giám mục được sai đi Trung Hoa nữa, vì các ngài nghĩ là sẽ xử dụng nó để đến nơi thừa sai. Các ngài lại gặp lại cái nỗi khó giải quyết rằng sẽ phải đi đường nào đây. Con đường mà các ngài đã tưởng là dễ dàng nhất thì đã mất do sự quan phòng của Chúa mà con người không thể hiểu thấu, nhất là đối với kẻ thừa sai. Kẻ thừa sai phải chuẩn bị đón nhận hằng ngàn ngàn thử thách, thường gắn liền trong những cơ đồ to lớn như thế. Họ phải biết vâng phục và đón nhận mọi sự xảy đến cho họ.

Nơi đây, tôi không bàn tới những suy nghĩ khác nhau của đức cha Heliopolis sau tai nạn bất ngờ trên nhằm tìm cách đưa các thừa sai của ngài đến Trung Hoa. Tôi cũng không bàn chi tới giải pháp sau cùng của ngài đã mau chóng và tin tưởng chọn lựa. Chuyện ấy liên quan đến ký sự đặc biệt về cuộc hành trình của ngài mà người ta có thể thực hiện trong ít lâu nữa. Mục đích của tôi chỉ là thực hiện ký sự về đức cha Beryte mà thôi. Do đó, tôi tiếp tục kể lại nơi đây những chuyện liên quan đến ngài.

Năm tháng sau vụ đắm tàu, đức cha Beryte đã được đức tổng giám mục thành Tours thánh hiến tại Paris, như tôi đã kể lại. Ngài đã không chậm trễ chuyện phải lên đường ra đi, nóng lòng vì ước ao đem ánh sáng Phúc Âm đến những xứ sở bao la rộng lớn mà từ bấy lâu nay chìm ngập trong u tối ngoại giáo. Ngài tin rằng vì ích lợi cho sứ mệnh thừa sai tại Trung Hoa, cần phải có ít là một giám mục ra đi đường bộ, dù lắm kham khổ nhọc nhằn. Thực thế, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin vẫn mong chờ, vì lợi ích của các sứ mệnh thừa sai, có ai sẽ thử dùng con đường đi bộ này. Và nhờ kinh nghiệm trải qua, nẻo đường bộ ấy sẽ trở nên dễ dàng hơn. Mục tiêu là để được hoàn toàn độc lập đối với các quốc gia đang thống trị trên đại dương, Thánh Bộ khi có dịp sẽ sai các thừa sai cho Trung Hoa hoặc cho các xứ sở lân cận đi theo con đường này (24).

Đức cha Beryte đã muốn dấn thân thực hiện ý định ấy. Con đường này có những cái bất lợi của nó, nhưng cũng có những cái thuận lợi của nó. Riêng về những cái cho người thừa sai: quen đi từ từ với cái mệt nhọc đường trường, đi cho có thái có độ, nghỉ ngơi từng chặng đường mỗi lúc đừng chân chốn này chốn nọ hoặc xứ này xứ kia, thích ứng với khí hậu các nơi, với mọi thứ thức ăn thực phẩm; cũng như là để tập tành suy luận phán đoán và thu lượm kinh nghiệm nhờ thường xuyên gặp gỡ các thợ thừa sai trên đường đi, mà mình có thể thăm hỏi và học hỏi thật nhiều những điều cần thiết để biết cư xử với khách ngoại quốc, với người ngoại giáo và với những kẻ thù khác của đạo chúng ta. Đường biển thì dẫn thẳng một mạch các giám mục và thừa sai đến tận miền Ấn Độ, không để các ngài có được cái kinh nghiệm công phu này, kinh nghiệm thật hữu ích dọc đường trường dài hơn hai năm trời dòng dã. Tập Ký Sự này từ đây sẽ tường thuật lại cách thức và diễn biến hành trình. Tác giả chủ yếu là tìm đem hữu ích lại cho những ai muốn theo các thừa sai trên lối đường này, biết trước những thiếu xót và những lầm lỡ có thể gặp phải, những ý kiến cần theo và cách thức cần phải giữ. (Còn tiếp)

LM. Giuse Đào Quang Toản dịch và chú thích

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube