KÝ SỰ CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC CHA BERYTE – Jacques de Bourges
Chương 14
Thời Đức cha Beryte ở Xiêm La và buổi đầu sứ vụ thừa sai
Đức cha Beryte vừa đặt chân tới xứ Xiêm La thì tiếng đồn thổi đã vang khắp cả khu vực người Kitô giáo rồi, điều ấy làm ngài phải đến chào hỏi ông cai trưởng khu người Bồ Đào Nha. Ông ta tiếp rước đức cha rất ân cần và sửa soạn ngay cho ngài một nơi cư trú cạnh nhà ông ta (1). Ông ta còn báo tin đức cha đến cho các linh mục và tu sĩ trong thành phố được hay, phần lớn các vị này đều tới kính viếng đức cha theo như thông lệ bản xứ.
Sau các phép tắc xã giao ấy, chúng tôi chỉ còn nghĩ tới việc phải lo nghỉ ngơi trong thời gian ở tại thành phố này. Đã hơn một năm nay, chúng tôi chỉ biết có đi mà thôi, với thật nhiều mệt mỏi và xao lãng tinh thần. Bởi thế nên chúng tôi tin là phải tránh các cuộc chuyện trò qua lại và lo sống thanh vắng yên tịnh. Đức cha Beryte là người đầu tiên đã cho chúng tôi một gương sáng bằng một cuộc cấm phòng dài một tháng trời. Suốt thời gian ấy, ngài chuyên chú lo tiên liệu và sắp đặt mọi sự liên quan tới sứ vụ thừa sai mà ngài lãnh nhận trách nhiệm, sứ vụ mà ngài đang ở bên cạnh rồi. Phần chúng tôi, chúng tôi cũng bắt chước theo ngài.
Sau khi đổi mới con người lại phần nào nhờ việc cấm phòng, mọi ưu tư và lo toan của chúng tôi là dốc toàn lực tập đọc và học hỏi tiếng bản xứ Trung Hoa và tiếng bản xứ Đàng Trong (2), nơi mà chúng tôi chỉ còn cách xa ba tuần lễ mà thôi. Nhờ ơn Chúa, chúng tôi gặp được hai Kitô hữu người hai xứ nói trên, họ hiểu tiếng Bồ Đào Nha và sẵn lòng dạy cho chúng tôi hai thứ ngôn ngữ ấy.
Hai người Kitô giáo tốt bụng này đã cho chúng tôi hay là tại Xiêm La có nhiều người Đàng Trong lắm: kẻ thì là Kitô hữu, kể thì theo Ngụy giáo, một vài kẻ thì chẳng theo tôn giáo nào cả. Lần đầu tiên khám phá ra chuyện đấy, đức cha Beryte tin rằng ngài có trách nhiệm phải khởi sự sứ vụ thừa sai của mình bằng cách giảng dạy cho các người xứ Đàng Trong này là những bổn đạo của ngài (3). Bởi vì lẽ đó, sau những lần phải tìm kiếm, ngài đã gặp được hơn một trăm người Đàng Trong: tức khắc, chúng tôi lo liệu phương tiện hầu dạy cho họ hiểu biết về Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã chịu đóng đinh trên thập giá, là điều hệ trọng cho sự sống đời đời.
Với niềm vui mừng và sự kính trọng, đức cha Beryte đến cho ông cai trưởng khu người Đàng Trong, là người Kitô giáo, rõ các ý nguyện của đức cha, và cho nhiều người khác, là những người đã nhận được quà biếu của đức cha (4), được hay là ngài đến lo việc phần rỗi đời đời với họ. Trong mục đích ấy, họ và chúng tôi cùng thỏa thuận dùng một căn nhà làm nơi đức cha Beryte đến dâng Thánh lễ nửa đêm. Ngài cho họ một huấn từ bằng tiếng Bồ Đào Nha là tiếng nhiều người hiểu được. Sau đó, vài thông dịch viên đã giải nghĩa cho những kẻ không hiểu tiếng Bồ Đào Nha.
Những buổi ban đầu ấy tuy nhỏ bé song đã để lại những tiếp nối khá vui mừng, ân thưởng cho các khó nhọc và công việc mà chúng tôi đã chịu để đến được xứ Xiêm La. Ta sớm nhận ngay được hoa quả của lời Thiên Chúa khi mà ta rao giảng vì yêu mến Ngài. Đoàn chiên nhỏ bé người xứ Đàng Trong ấy, tụ hợp lại như tình cờ như ngẫu nhiên nơi một thành phố xa lạ (5), đã tỏ ra một lòng khao khát khôn tả muốn nghe giảng về các mầu nhiệm trong đạo của chúng ta: lòng khao khát đó thể hiện rõ nơi sự trung kiên và chính xác của họ khi họ phải đến trong những ngày đã định để nghe giảng dạy nơi ngôi nhà nguyện mà chúng tôi đã cho dựng lên. Mặc dầu họ nghèo túng hoặc bận bịu công việc buôn bán, họ cũng bỏ tất cả để đến nghe chúng tôi giảng dạy.
Tôi khó nói ra hết được niềm vui sướng của chúng tôi nhìn thấy nơi những người ngoại giáo này một tinh thần sẵn sàng đến thế và nói ra hết được nỗi hăng say của chúng tôi tìm nâng đỡ nhiệt huyết mà họ thể hiện ra. Nhờ đó, chúng tôi bắt đầu nếm hưởng hạnh phúc của ơn gọi chúng tôi, bắt đầu hiểu ra rằng những kẻ đã muốn chúng tôi quay đầu đi trước công việc của chúng tôi khi chúng tôi còn ở Pháp là họ đã lầm lẫn biết chừng nào, và bắt đầu nhìn rõ là các lý luận họ đưa ra để kích bác lập trường của chúng tôi là thực vô ích và vô căn cớ. Những kẻ ấy đã cảnh cáo chúng tôi về khó khăn đường xá, mà chúng tôi vẫn thực mạnh khỏe sau khi đi đến cùng. Họ nói với chúng tôi là chúng tôi bỏ công việc vững chắc đi lo những công trình bấp bênh, mà chúng tôi lại nghiệm thấy khác hẳn với sự dễ dàng trong việc cho dân Đàng Trong tại Xiêm La nếm mùi ngọt ngào của các chân lý ơn cứu rỗi.
Hẳn sẽ có người tò mò xem coi chúng tôi đã giới thiệu những điều trong đạo cho dân Đàng Trong này bằng cách nào và xem coi chúng tôi có xử dụng tới những luận lý uyên thâm và cao siêu chăng. Chắc chắn là chúng tôi khó mà xử dụng được những luận lý trình độ trên, chúng tôi chỉ cắt nghĩa qua người thông dịch bằng tiếng Bồ Đào Nha là tiếng chúng tôi chỉ biết có phân nửa, chúng tôi không thể đem ra áp dụng những bài thuyết giảng mỹ miều mà chúng tôi mượn được trong nền thần học và đã được chuẩn bị từ hồi còn ở Pháp. Chúng tôi trong tình trạng cần kíp phải đặt cái đơn sơ giản dị của đức tin lên trên hết. Cái nghệ thuật hùng biện trở nên vô ích đối với chúng tôi, chúng tôi tự ý loại bỏ cái nghệ thuật ấy đi để tin cậy nhiều hơn vào Thiên Chúa. Chỉ có mình Ngài mới đánh động lòng con người và ban hiệu quả cho lời rao truyền trong danh Ngài và vì vinh quang của Ngài. Chúng tôi nhận xét là những đề nghị rõ ràng đơn giản về các lẽ đạo thánh chúng ta, tự chúng, đã mang ấn tượng thần linh rồi, đến đỗi tinh thần dân ngoại vốn phản loại và đầy u mê lầm lạc đã bị rung động một cách kỳ lạ. Nếu có ai cưỡng chống lại thì chẳng phải là do lòng kém tin phục chân lý, cho bằng là vì lòng phản kháng thầm kín bên trong bởi họ đã liều mình vào tình cảm đồi trụy và bê bối.
Tuy nhiên có ba điều quan trọng hơn cả đối với dân ngoại: thứ nhất là về cái hư không, phàm hèn và vô luân nơi Ngụy giáo; thứ hai là nhận biết sự thánh thiện của phép tắc Kitô giáo; thứ ba là những kẻ giảng dạy phép đạo ấy đừng vì hành vi mình mà làm hư hại đến sự thánh thiện nói trên. Trái lại, đời sống, lời giảng dạy và cách cư xử của họ phải diễn tả trung thành ra sự tinh tuyền, thánh thiện và nhân đức mà Chúa Giêsu Kitô đã đòi hỏi hay khuyên dạy. Do lòng nhân từ của Ngài, Ngài sẽ không quên soi lòng những kẻ mù quáng đáng thương, bằng các ân sủng không thể diễn tả ra được, để họ nhận biết chân lý nơi những điều được loan truyền. Kitô giáo hàm chứa những sự tuyệt vời cả thể khiến con người nhận ra ngay đó là công trình của Thiên Chúa. Cũng đã tạm đủ nếu mình mở mắt ra mà chiêm ngắm vũ trụ để xác nhận sự hiện hữu và khôn cùng của Tác Giả vũ trụ này. Khi lòng mình, nhờ ân sủng Chúa, đón nhận những chân lý mà đấng Cứu Thế đã đem đến cho chúng ta, thì sẽ khám phá ra những dấu hiệu thầm kín của Chúa ban. Khi đã kính cẩn, tin tưởng và tuân theo những chân lý ấy, con người cảm nhận ra rằng chân lý đem lại hiệu quả mầu nhiệm trong lòng, hiệu quả do những nguyên nhân siêu nhiên đưa tới.
Do đó, một cách thực tiễn đối với dân gốc xứ Đàng Trong này, chúng tôi mời họ nhìn biết Thiên Chúa là đấng Tạo Hóa, tôn thờ, phụng sự và yêu mến Ngài. Chúng tôi chỉ dẫn họ nhìn ra sự quan phòng của Chúa, vừa tuyệt diệu vừa bao la, đã cho họ tràn ân huệ nhằm kêu mời họ đến tình yêu Ngài. Thứ đến chúng tôi dạy họ một ít ý tưởng về lề luật thánh thiện của Thiên Chúa cũng như sự cần kíp phải khuất phục những lề luật rất công bình thánh thiện ấy hầu đạt sự sống đời đời. Sau nữa, chúng tôi loan báo về Chúa Giêsu Kitô: sự giáng sinh, cuộc đời, những phép lạ, giáo lý của Ngài, rồi những mầu nhiệm thương khó và tình yêu vô biên Ngài ban cho con người, cho kẻ tội lỗi, cho kẻ ngoại đạo, khi Ngài chết cho phần rỗi của họ, chủ yếu là Ngài tiêu diệt trên thế gian này những sự phượng thờ vô đạo của Ngụy giáo, triệt hạ cái danh dự của chúng mà đúng ra là của Thiên Chúa Cha của Ngài, Chủ Tể muôn loài muôn sự.
Những người dân Đàng Trong này tỏ lòng khao khát được giảng giải sâu rộng về chân lý các sự thể nói trên. Họ cư ngụ xa cả dặm đường, song mỗi tuần ba lần, họ đi đến học giáo lý với chúng tôi. Mới sau một thời kỳ dạy dỗ, một số trong họ đã công khai xin chịu Phép Rửa Tội và xin được học hỏi riêng về các điều trong đức tin chúng ta. Thực tình mà nói, nếu chúng tôi muốn nhượng bộ và thỏa mãn ước mong vô cùng của các dự tòng tốt lành này, chúng tôi đã có thể ban Phép Rửa Tội sau hai hoặc ba ngày trời dạy dỗ. Tuy nhiên nhiều nhận định khác nhau đã buộc chúng tôi phải hành động cách khác. Bởi chưng rửa tội một cách dễ dàng những kẻ ngoại giáo là điều sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng (6).
Cẩn thận như trên, đối với chúng tôi, lại càng có vẻ cần thiết hơn nữa tại các chốn này là nơi cánh cửa trở lại Ngụy giáo và các thói xấu luôn luôn mở ngỏ, là nơi mà đạo bị nhiều thành kiến vì những kẻ hời hợt đã bỏ đạo, hay đã làm gương xấu do đời sống thác loạn và thường trở nên kẻ thù của đạo, gây mất tín nhiệm và làm lạc đường kẻ khác. Chúng tôi chỉ chấp nhận Phép Rửa cho ai mà chúng tôi thấy thực sự đã dược dạy dỗ, ao ước trở lại và đã tỏ ra kiên cường.
Theo phương châm ấy, chúng tôi nhận là thời gian đã đủ đối với ba người xin rửa tội trước tiên, đầu tiên là anh tên gọi Giuse: anh ta khoảng 30 tuổi, chúng tôi thấy có sự kỳ diệu nào đó nơi anh. Từ ngày được rửa tội, anh luôn luôn tiến bộ trong đàng nhân đức: có lẽ coi được là vì anh là người con đầu tiên của sứ vụ thừa sai nên anh hưởng được đặc ân thường ban cho quyền trưởng tử.
Sau khi đã chu đáo chuẩn bị cho những người xin Phép Rửa Tội, chúng tôi thấy không còn gì ích lợi hơn cho phần rỗi của họ là dạy họ những việc đạo đức vững vàng của các Kitô hữu: như các cách thức khác nhau khi cầu nguyện, các kinh thờ lạy kính mến Chúa, các kinh dục lòng ăn năn tội, cũng như cách suy ngắm về ơn lành của Chúa, về lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu Kitô, lãnh nhận các bí tích Chúa đã lập nên để thánh hoá chúng ta.
Họ hưởng nếm những lời dạy dỗ ấy với lòng trìu mến và đem thực hành ngay. Nhờ thường xuyên như vậy, họ càng ngày càng trở nên sốt sắng và gắn bó với đạo mà họ vừa lãnh nhận, được thêm sức mạnh chống trả cơn cám dỗ trở lại Ngụy giáo.
Một thời gian ngắn sau khi tập tành thói quen trên, nhiều kẻ ngoại đã dến trình bày với chúng tôi những điều họ còn nghi ngờ và xin lãnh Phép Rửa Tội. Có ba má kẻ ngoại nọ đến nói với chúng tôi là họ ước ao làm người Kitô giáo, và để làm chứng lòng thành mình, họ xin chúng tôi rửa tội cho đứa con duy nhất của họ trong lúc đợi chờ ngày họ được lãnh nhận Phép Rửa Tội mà họ hết dạ mong muốn. Chúng tôi rất vui mừng chấp nhận lời xin chính đáng ấy.
Lòng nhân từ Chúa tiếp đó còn mở mắt cho nhiều dân ngoại khác. Có sáu người trong họ cùng cầu xin được rửa tội như thế. Sau khi dạy bảo và biết họ thực tâm trở lại, chúng tôi rửa tội cho họ theo thói quen xưa của Giáo Hội vào thứ bảy Tuần Thánh, Phép Thêm Sức vào hôm sau, rồi Rước Lễ lần đầu vào chúa nhật kế tiếp. Chúng tôi lưu lại nhiều người khác vì họ chưa học hỏi đủ.
Một sự việc cho chúng tôi thấy rõ ràng hành động của Chúa và chút hành động của con người trong việc cải hoá các linh hồn là thái độ người dân ngoại đón nhận đức tin.
Một vài dân ngoại vừa mới nghe nói về những chân lý đầu tiên trong đạo, chẳng xem xét chi cả, đã xin tin nhận đức tin. Vì chúng tôi chưa hề quen với cách thức đưa đẩy trên của Chúa Thánh Thần, chúng tôi chỉ mới tạm tin họ. Về sau này, chúng tôi mới yên tâm hơn. Thực là không hiểu quyền năng của Chúa Giêsu Kitô và những gì Ngài đã làm xưa kia khi nghi ngờ hiệu lực sự soi sáng thúc dục của Ngài. Lúc gọi một trong các Thánh Tông Đồ, Ngài chỉ nói có một tiếng: «Hãy theo Ta». Chúa vẫn tiếp tục dùng thứ ngôn ngữ ấy mà nói trong lòng dân ngoại, thầm kín nhưng mạnh mẽ: «Hãy theo Ta, nghĩa là hãy từ bỏ bụt thần mà thờ lạy Thiên Chúa là Thiên Chúa thật».
Thực tình không phải mọi người đễu tỏ ra dễ dàng vâng phục và lẹ làng đâu. Nhiều kẻ đã chống đối rõ ràng ra bên ngoài. Tuy vậy, nhờ chuyên cần đến nghe lời Chúa và cương quyết không để bị thua trận, họ đã nhận lấy ách êm ái của Chúa Giêsu Kitô.
Một thừa sai trong chúng tôi, gặp một phụ nữ ngoại giáo bên cạnh nhà, hỏi bà ta có thích nghe nói về đạo của Thiên Chúa thật và làm người Kitô giáo không. Bà trả lời là bà chẳng hiểu cái đạo của Thiên Chúa thật là gì, nhưng nếu đúng là cái đạo bà muốn trong lòng thì cứ giảng giải cho bà rõ. Chúng tôi cũng đề nghị như thế với một anh chàng ngoại giáo người Đàng Trong đi ngang qua trước cửa nhà, anh chàng đáp là chẳng biết Kitô giáo là gì, song nếu anh chàng được chỉ dẫn và nếu đạo hợp lý thì anh chàng sẽ tin nhận. Chúng tôi tiếp nhận lời anh ta, chỉ định ngày giờ và nơi chốn để nói chuyện với anh ta. Rồi sau nhiều buổi thảo luận, đã đủ thông hiểu, anh bỏ ngoại giáo, nhận Phép Rửa Tội, mang thánh hiệu Lu-ca.
Kitô hữu đầu tiên của chúng tôi, anh Giuse, tỏ ra luôn sốt sắng và trong sạch. Anh cư ngụ bên kia con sông rộng, mỗi lần đến học giáo lý, anh ta lại phải bơi qua sông. Từ ngày được rửa tội, anh thận trọng tránh bỏ mọi tội lỗi. Cái khổ sở nhất nơi anh là khi dọn mình xưng tội, vì anh không thấy phải xưng ra những gì mặc dầu đã xét mình cẩn thận như phải làm.
Tôi sẽ bỏ qua nhiều chuyện loại này liên quan đến việc dạy bảo những kẻ đã chịu Phép Rửa Tội. Nếu tôi đã kể chuyện trở lại của một số ít người ngoại nơi đây là chỉ vì danh Chúa mà thôi và để ai đã cho là lo việc phần rỗi dân ngoại là chuyện rất khó, biết thay đổi ý kiến. Chớ gì họ biết nhìn nhận như Thánh Phanxicô Xavier rằng nếu trên đất ngoại còn lắm kẻ phải mất đi đời đời thì chỉ là do bởi không có người rao giảng chỉ cho họ con đường cứu độ vĩnh cửu.
Sự thực là con người chẳng có phần nào trong công trình hoán cải tâm can người khác, đặc biệt là tâm can người dân ngoại, nhất là trong tình huống mà chúng tôi đã thấy. Chúng tôi tường thuật lại nơi đây là giúp xây dựng cho bạn đọc Kitô hữu, vốn nhiệt thành với việc truyền bá Nước Chúa Giêsu Kitô. Tại xứ Xiêm La, chúng tôi là người ngoại quốc, lại không được một vài người Kitô giáo khác ưa thích vì lý do dân tộc của họ, họ chỉ nhìn chúng tôi cách khó chịu (7). Chúng tôi không hiểu biết tiếng nói dân xứ Đàng Trong, học hỏi được ít tiếng Bồ Đào Nha để bập bẹ về các mầu nhiệm đức tin chúng ta với những người đầu tiên trong số các bổn đạo mà vì cho họ chúng tôi đã được sai đi. Tuy nhiên Thiên Chúa lại đã ban niềm tin cho lòng chúng tôi, xoá tan đi nỗi e ngại, qua những lần thử nghiệm giáo lý đầu tiên đã đem lại kết quả tốt đẹp như thế. Phần lớn những người Đàng Trong trên đã chịu Phép Rửa Tội, và một số lớn dân Đàng Trong ấy vốn đã là Kitô hữu song thiếu dạy bảo hoặc đã quên giáo lý, đều đã được chỉ bảo lại và tất cả đều đã được chúng tôi lo giải tội cho (8).
Về tất cả mọi điều trên, ta rút ra hai hệ quả sau: thứ nhất là có rất nhiều sự tốt lành khi lo việc trở lại cho dân ngoại tại các xứ Đông Phương, nơi mà chúng tôi đã được sai đến; thứ nhì là để thực hiện sự tốt lành ấy, cần thiện chí hơn là cần tài ba tinh thần, trông cậy vào Chúa Giêsu Kitô hơn là vào con người mình. Việc hoán cải dân ngoại sẽ tiến bộ nhiều nếu những ai được gọi vào sứ vụ trên có nhân đức vững vàng, sẵn lòng hy sinh vì Thiên Chúa và quyết tâm bỏ mình vì phần rỗi anh em. (Còn tiếp)
LM. Giuse Đào Quang Toản dịch và chú thích