KÝ SỰ CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC CHA BERYTE – Jacques de Bourges
Chương 15
Tiếp theo những công việc của chúng tôi trên đất Xiêm La cho tới lúc đức cha Beryte đi sang Quảng Đông, hải cảng đầu tiên của Trung Hoa
Bởi vì chúng tôi chỉ nghĩ tới việc sớm xuống tàu để sang những nơi thuộc sứ vụ thừa sai của chúng tôi, nên càng thấy tinh thần sẵn sàng đón nhận đức tin nơi những người gốc xứ Đàng Trong, chúng tôi lại càng cảm thấy niềm mong ước đến xứ sở của họ dâng lên trong lòng mình.
Vào lúc đó, nhiều lái buôn người Kitô giáo từ Tenasserim đến cho hay họ rời Massulpatan hồi tháng Chín sau khi đã để lại đấy một số giáo sĩ người Pháp và có một giám mục đã qua đời tại đấy lúc họ sắp xuống tàu sang Tenasserim. Họ đưa tin cho chúng tôi như thế và kể ra bao nhiêu là sự thể khiến chúng tôi đâm ra nghi ngờ. Chúng tôi đã phải bàn thảo với nhau, vì vào dịp này chúng tôi không hề được thư từ của các bạn bè đã hứa là sẽ viết cho chúng tôi và vì thời gian còn đủ để đi Tenasserim cho rõ tường tận về chuyện người ta đã nói. Chúng tôi quyết định phải cấp tốc ra đi.
Tôi được đức cha Beryte phái ra đi theo đường bộ. Tôi phải mất 20 ngày đường mới đến Tenasserim. Trong thời kỳ đó, suốt mấy ngày trời, tôi phải chịu cực không ít vì một tên người Bồ Đào Nha: hắn tìm cản trở ông «Orãta» là người giúp việc thông dịch cho người ngoại quốc, lo gửi cho tôi giấy tờ thông hành. Hắn có ý không cho tôi gặp lại đức cha Beryte vào đúng ngày giờ để theo ngài xuống tàu sang Quảng Đông là hải cảng đầu tiên của Trung Hoa. Tuy nhiên tôi đã lấy được những gì tôi yêu cầu và buộc tên Bồ Đào Nha trả lại tôi những thư từ của đức cha Beryte mà hắn muốn giữ lấy.
Suốt thời gian tôi vắng mặt, người ta vẫn tiếp tục tận tình lo dạy bảo và lo việc trở lại của đoàn chiên nhỏ bé mà Chúa Quan Phòng đã trao cho chúng tôi. Nhất là lo kéo hai phụ nữ ngoại giáo ra khỏi cái cực kỳ mù quáng của hai bà: đã dòng dã hơn bốn tháng trời, chẳng ai làm được gì cho hai người này, họ tuyên bố công khai là họ nhìn nhận Kitô giáo là đạo ngay thật song thà họ bị án phạt còn hơn là đi theo đạo. Nhưng Thiên Chúa là đấng chinh phục các cõi lòng đã khiến họ phải chịu đầu hàng như sau.
Một trong hai phụ nữ này, đã kết hôn với một người bổn đạo mới của chúng tôi, bị lên cơn sốt kịch liệt. Một trong các thừa sai đến viếng thăm, đã tỏ ra cảm thương bà ta và lo săn sóc bà ta trong những gì có thể. Ngài cắt nghĩa cho bà hiểu đâu là cái nguy hiểm của sự chết đời này và sự chết đời sau, khuyên bà ta thôi đừng phản loạn chống là sự soi sáng của Chúa và nói nếu bà hứa sẽ nhập đạo thì ngài sẽ gửi thuốc thang mà với sự phò hộ của Chúa sẽ giúp bà lành bệnh. Như vậy cũng đã đủ để bà ta không còn công khai chống lại những điều người ta khuyên bảo. Hôm sau, chúng tôi gửi cho bà một gói thuốc to, uống vào, bà khỏi sốt. Ngày hôm sau nữa, người giáo sĩ lại tới viếng thăm. Chẳng cần phải nói thêm nhiều, bà ta cho biết là bà dứt khoát xin theo Kitô giáo, mà bà ta sau đó đã giữ rất trung thành. Chuyện trở lại này làm cho mọi bổn đạo người Đàng Trong được vui mừng và thêm niềm tin cho các thừa sai.
Mười lăm hôm sau đó, người phụ nữ thứ hai, góa bụa và rất tin các dị đoan ngoại giáo, đã đến tuyên bố là Thiên Chúa đã đánh động lòng bà và bà gớm ghét các ngẫu thần cùng các điều dị đoan xấu xa. Bà muốn tôn theo đạo của Thiên Chúa thật.
Niềm vui mừng vì hai cuộc trở lại trên được tiếp nối bằng một niềm vui khác của quãng hai mươi người Đàng Trong. Họ thuộc những người bị đưa ra trận hồi đầu tháng Hai. Trong số đó có nhiều người Kitô giáo mà hai trong số đã được chịu Phép Rửa Tội ngay hôm lên đường. Chuyện ra trận đột ngột ấy của các người lính Đàng Trong mới trở lại đạo đã làm các thừa sai buồn bã không ít vì thấy đoàn chiên bị giảm số xuống và đức tin của các người ra đi chưa được vững vàng. Bởi thế chúng tôi cầu nguyện liên lỷ, chung cũng như riêng, để họ sớm được trở về. Chẳng bao lâu, chúng tôi hay tin họ sắp trở lại, cả Giáo Hội đều hoan hỷ mừng rỡ: lệnh trên cho xuống các đoàn quân trong số đó có những lính Đàng Trong là được trở về.
Chúng tôi được nhẹ đi trong lòng khi các Kitô hữu tốt lành này trở về. Vừa gặp lại một trong các thừa sai, họ liền chạy ngay tới ôm cổ ngài, gọi ngài bằng cha của họ. Còn kẻ ngoại thì kêu lên rằng họ không còn muốn ngụy thần nữa, rằng họ mong ước thành Kitô hữu, rằng họ đã học thuộc các kinh trong đạo, các điều phải tin, Mười giới răn Chúa, và sáng tối họ đã cùng đọc kinh với nhau.
Chuyện trở lại đạo này, sau Thiên Chúa ra thì phải kể đến công của viên đội trưởng người Đàng Trong là người Kitô giáo: trên binh thuyền, mỗi ngày hai bận trước mặt mọi người, ông xướng kinh cầu nguyện cho các binh lính thuộc đạo thánh chúng ta. Khi viên chỉ huy hỏi sao ông lại đi đọc những kinh lạ lùng và vô ích cho đất nước như vậy, thì ông điềm đạm trả lời rằng làm như thế ông không còn sợ hãi súng đạn kẻ địch nữa. Và mặc dù ông đội trưởng này không hề bắt buộc, các binh lính ngoại giáo, vì cảm kích gương sáng, cũng muốn bắt chước lòng đạo đức của ông ta. Họ còn hứa là ngay khi họ có thể trở về họ sẽ xin chịu Rửa Tội.
Xứ Xiêm La không thuộc sứ mệnh thừa sai của chúng tôi (1) và đức cha Beryte chỉ dừng chân ở đó chờ dịp đi Trung Hoa qua đường biển lâu độ ba tuần lễ. Tuy nhiên, đức cha tin là ngài có bổn phận phải hết lòng nâng đỡ việc đạo đức của những bổn đạo mới này mà ngài vừa đem về cho Chúa Giêsu Kitô. Ngài lại trìu mến xem họ như những hoa quả đầu mùa của việc tông đồ ngài. Bởi thế, ngài quyết định xây dựng một nhà thờ nhỏ, rẻ tiền, làm nơi cho đám dân này xem lễ các ngày lễ trọng và hội họp chung để làm việc suy gẫm các chân lý Kitô giáo theo cách thức đã được dạy bảo. Đức cha bỏ tiền mua sắm vật liệu, các bổn đạo nhiệt thành thì ráo riết lo việc xây cất. Nhờ đó, nhà thờ đã thành hình có thể làm phép được trước khi đức cha Beryte lên đường ra đi. Ngài cũng cho dựng thêm một nếp nhà bên cạnh nhà thờ để một giáo sĩ cư ngụ, lo dạy dỗ các tân tòng này, bao lâu còn cần đến, để chuẩn bị họ lãnh nhận các Bí Tích (2). Trong khi đó, đức cha Beryte cắt đặt ngăn nắp mọi sự để có thể xuống tàu ra đi khi tôi từ Tenasserim trở về. Tôi đã đi Tenasserim để đón đức cha Heliopolis mà người ta tin là đã tới đó cùng với bảy hoậc tám thừa sai.
Ngôi nhà thờ mới được đặt sự bảo trợ của Thánh Cả Giuse vinh hiển. Thánh Cả đã là thánh bổn mạng của Kitô hữu đầu tiên của chúng tôi là người đã tỏ ra được nhiều ơn đặc biệt. Bởi vậy, chúng tôi nghĩ là sứ vụ thừa sai sẽ được nhiều ơn phúc, khi các hoa quả đầu mùa của Giáo Hội khai sinh này được đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Cả.
Giữa đám bổn đạo mới này, sống xa quê hương, vài người bị rơi vào cảnh khó khăn đều được chúng tôi giúp đỡ hay cho vay mượn tiền bạc. Cái cách xử sự như thế nhiều ít đã giúp họ hiểu là chúng tôi rời bỏ quê quán mình, vượt đường xa, là chỉ vì tinh thần bác ái, một tinh thần bác ái chỉ thấy có trong Kitô giáo. Kitô giáo dạy phải đặt niềm trông cậy vào Thiên Chúa, các thừa sai lại càng cần tỏ ra không những vô vị lợi mà lại còn phải sẵn sàng lợi dụng mọi dịp để sống nghèo cách vui vẻ để cho kẻ khác thêm giàu có. Mặc dầu cần phải tiết kiệm nhiều sau khi đã tiêu hao suốt hai năm hành trình, đức cha Beryte đã không ngần ngại áp dụng cách ngôn của đấng Khôn Ngoan rằng: «Hãy làm việc thiện nào có thể làm được khi cơ hội đưa đến».
Đấng Quan Phòng đã cho đức cha gặp một cơ hội làm việc thiện mà ngài vui vẻ nhận lấy: một chiếc tàu thuộc vua nước Tây Ban Nha trên đường đi Ternate gặp gió ngược đã phải cặp vào bến Xiêm La. Con tàu tơi tả, rách nát vì chịu giông tố qua đã nhiều ngày trời, chẳng còn lương thực, dụng nghệ, và tệ hơn nữa là chẳng còn tiền còn bạc, chỉ còn chờ cơn khổ ải cuối cùng ập đến. Đức cha Beryte biết chuyện thì nghĩ là ngài phải theo lòng bác ái Kitô giáo mà giúp đỡ con tàu đáng thương này. Ngài sai một giáo sĩ tới trao cho vị thuyền trưởng hai trăm quan tiền ê-cu và ngỏ lời với ông rằng các giáo sĩ người Pháp rất tiếc không thể giúp ông ta nhiều hơn được vì công việc và sứ vụ thừa sai mà các ngài có trọng trách. Vị thuyền trưởng người Tây Ban Nha tiếp nhận quà tặng của các ngài biếu vì thành tâm, và vì biết rằng tiền bạc trên là hoàn toàn dùng vào việc phụng sự Thiên Chúa, chỉ khiêm tốn nhận lấy có phân nửa, nói thêm là ông ta nhận vì quá cần thiết mà thôi. Sau đó, ông ta khoe khắp nơi về hành vi nhân đạo trên của các người Pháp Kitô hữu, và khi vừa trở lại Manila ông liền cho quan toàn quyền và đức tổng giám mục ở đó được hay.
Người ta có thể cho rằng cái cách ban phát như vậy sẽ làm cho sứ vụ thừa sai thêm nghèo túng đi vào lúc mà có bao nhiêu cũng chưa đủ, nếu tính đến những sự phải làm khi thiết lập sứ vụ tại giữa đất Trung Hoa, không được ai nâng đỡ và không hy vọng nhận được trợ cấp từ Âu Châu trong một thời gian dài sắp tới. Nhưng cần xem thấy là những người Tây Ban Nha này không thể tìm vay mượn được, bởi vì theo thói quen bản xứ, người ta chỉ cho mượn tiền nếu cho bảo chứng thật lớn và lấy tiền lãi rất nặng. Hơn nữa có lời nói rằng nếu tự ý nghèo đi một chút thì cũng chẳng tổn hại chi cho kẻ thực lòng muốn tham dự vào tinh thần tông đồ. Mọi thứ ta cho đi trong cái nhìn ấy sẽ lại tăng lên cả trăm lần. Thật dễ mà suy luận rằng, nếu Thiên Chúa đã lo liệu cho đoàn thuyền viên ấy, thì những kẻ đã bỏ mọi sự để phục vụ Ngài mà chẳng may rơi vào cảnh thiếu thốn tương tự, họ không phải mất niềm hy vọng.
Vào thời gian đó, có 9 dự tòng xin chịu Phép Rửa Tội. Người ta chỉ ban Phép cho có 3 người, vì đức cha Beryte sắp khởi hành đi Trung Hoa nên quá vội để rửa tội cho 6 người còn lại mà ngài xét là chưa dạy dỗ họ cho đủ. Ngài dành cho vị giáo sĩ đã đi Ternasserim, mà ngài đã ra lệnh phải lo hoàn tất việc chỉ dẫn họ để giúp họ tham dự vào hồng ân của Chúa.
Đang lúc đức cha Beryte chờ đợi tôi trở về để biết tin hành trình của đức cha Heliopolis và các giáo sĩ theo đức cha thì lại có một dịp thuận tiện để ngài sang được Quảng Đông là một trong các hải cảng của Trung Hoa. Vì chuyến đi này gấp rút lại là chuyến tàu cuối cùng căng buồm đi cảng Quảng Đông, nên đức cha Beryte quyết định không bỏ lỡ dịp.
Ngài đã lỡ mất ba chuyến tàu sang nơi đó vì cứ chờ tin đức cha Heliopolis mà ngài biết là đã tới gần kề. Và đức cha xét là để giải quyết những khúc mắc xảy ra thì phải cho một trong các giáo sĩ của ngài trở lại Âu Châu lo cho công chuyện của sứ vụ thừa sai của họ. Ngài đã để lại các công văn và thư tín mà vị giáo sĩ ấy sẽ là người đưa đi. Nhiều lý do buộc phải gửi người về lại Âu Châu: cần phải xin Đức Thánh Cha và Thánh Bộ (3) quyết định, quyết định cần thiết về những điều khó khăn (đang gặp), để còn hướng dẫn những Giáo Hội sơ sinh này, là nơi rất có nguy cơ xẩy ra những lầm lỡ mà rất khó sửa chữa lại sau đó. Bởi vì những lạm dụng tôn giáo trong xứ này dễ trở thành thông lệ. Không phải là kém quan trọng việc xin quyền bề trên quyết định cho các khó khăn hầu, mỗi người khi đã tuân phục, sự thuần nhất sẽ được tuân giữ (4).
Chúng tôi vô cùng lo buồn vì chẳng nhận được thư từ nào đã ba năm nay từ khi bỏ nước Pháp ra đi. Cũng có lý mà ngại rằng những thư từ mà người ta viết cho chúng tôi đã bị chận lấy, cũng như thư từ mà chúng tôi đã gửi đi từ nhiều nơi khác nhau. Và không phải là kém hữu ích phải chỉ dẫn cho đích thực và chi tiết con đường mà chúng tôi đã theo và ngày qua ngày nhờ người Âu Châu thường xuyên qua lại, con đường ấy sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chúng tôi còn nghĩ rằng thực là quá đơn sơ khi đã bắt đầu sứ vụ thừa sai của các giáo sĩ Pháp (như chúng tôi đã thực hiện). Nếu người ta nghĩ tới phương cách nâng đỡ và bảo tồn sứ vụ thừa sai, thì phải gửi những thợ thừa sai mới sau khi đã chuẩn bị họ kỹ càng vào chức vụ tông đồ. Vì nhận xét như trên, đức cha Beryte buộc lòng phải sai một giáo sĩ của ngài lại vượt đại dương. Tuy nhiên, ngài vẫn sẵn sàng khởi sự đi Trung Hoa và hy vọng đến nơi sau ba tuần lễ nữa.
Hầu không còn để thiếu xót sự gì có lợi cho sứ vụ thừa sai của ngài, đức cha Beryte viết một lá thư kính chào đức tổng giám mục thành Manilla (5) và quan tổng toàn quyền xứ Phi Luật Tân. Ngài cũng viết cho ông toàn quyền Hãng hải thương Hòa Lan, luôn luôn ngụ tại Battavie, để hân hạnh xin sự che chở của ông ta. Đức cha đã cao thượng hứa bảo đảm với ông ta rằng các giáo sĩ Pháp không có cái ý hướng nào khác trong công trình của họ hơn là việc hoán cải các linh hồn và xây dựng việc thờ phụng Thiên Chúa thật. Ngài còn viết cho cha phó tỉnh Dòng Tên ở tại Macao (6) để thông tin cho cha những ý định của Toà Thánh về việc sai gửi các đức cha giám quản tông toà đến những nơi truyền giáo mà do quyền ngài điều khiển. Đức cha cũng viết đến các cha Dòng Tên người Pháp hiện đang làm việc thành công trong những sứ vụ thừa sai to lớn.
Là điều yên ủi cho chúng tôi khi nhìn thấy các cha Dòng Tên của Pháp được nhiều sự kính phục tại các khu vực này. Đó là bằng chứng cho thấy rằng đất nước chúng ta có thể nên hữu dụng trong các sứ vụ thừa sai trên. Các người Bồ Đào Nha lại không được người khác kính nể lắm. Người ta chỉ ca tụng những ai xứng đáng mà thôi. Chúng tôi hết lòng khen ngợi các cha người Pháp (7). Điều khiến các cha rất được quý mến nơi các xứ này là ở hai nhân đức vô cùng cần trong các sứ vụ thừa sai: sự kiên nhẫn và đạo đức hãm mình. Hai nhân đức trên không những cần cho các thợ Phúc Âm mà còn cần để sống giữa các người ngoại giáo, giúp chống trả hai cám dỗ thường gặp là ở không và buông thả. Ở không vì việc hoán cải người dân ngoại gặp khó khăn, người ta nản chí thích tìm nghỉ ngơi hơn là làm những việc mà họ nghĩ là vô ích hoặc đi làm những việc khác. Buông thá hay là kệ mặc cuộc sống nếu mình không chuyên chú canh chừng, ví dụ về đời sống các dân ngoại là dân chỉ biết hành động theo bản tính tự nhiên và theo luật tham lam của cải thế gian. Hòng tránh khỏi hai cái nguy hiển trên, ngay tự ban đầu mình cần chuẩn bị việc tông đồ và quyết tâm không bao giờ bỏ việc thực tập hy sinh hãm mình Kitô giáo, nhờ đó mình mới giữ được các nhân đức.
Với mục tiêu như trên, ngay lúc đến vùng Ấn Độ Dương, hãy nghĩ ngay rằng mình vào trong một cái xứ sở mà không khí mang nặng một quyền lực lạ thường để làm hư hỏng các tinh thần bằng cách truyền nhiễm gương mù gương xấu. Và cũng không kém ích lợi khi ngay từ đầu hãy tập quen bỏ qua nhiều cái mà ở đây hay dùng nên đã thành công khai, như thường đi tắm rửa (8), đi dạo giữa đường hay đến nhà các ông lớn với đám đầy tớ theo hầu, ăn mặc bóng bẩy, hút sách suốt buổi cho đỡ buồn, hết giờ này tới giờ nọ lo uống trà ăn mứt, lúc nào miệng cũng nhai trầu theo kiểu người đời, và sau nữa còn lắm thứ thực hành khác không được chỉnh đốn nghiêm túc sẽ làm giảm niềm tin và lòng quý trọng mà một người thợ Phúc Âm phải gìn giữ. Đó là điều tôi có ý nói qua để chỉ dẫn cho những ai sẽ được Chúa gọi làm việc tại các vùng Đông Phương này.
Tôi xin kết thúc chương này bằng hai ý kiến cho kẻ du hành, tôi chỉ chủ yếu muốn cái ích lợi thôi.
Cái thứ nhất liên quan đến chuyện đổi vàng: quãng 30 «xôn» một quan tiền «pistole» Tây Ban Nha, ở Xiêm La thấp hơn mọi nơi khác tại vùng Ấn Độ Dương. Người ta có lý khi nói rằng càng tiến tới thì giá vàng càng hạ, hoặc bên xứ Đàng Trong hoặc bên xứ Đàng Ngoài, bởi vì người ta đem vàng từ Trung Hoa và từ Manilla sang Xiêm La và các xứ khác. Bởi vậy, phải đổi hết những gì là vàng tại Ấn Độ sang tiền bằng bạc bản xứ, bạc này cũng tinh ròng như bạc mang nhãn hiệu tại Paris (9). Từ chỗ đó, khi vào tiệm bạc nào đó, người ta cứ việc, cân đổi cân, tiền bằng bạc thay cho đồ bằng bạc. Tại Masulpatan cũng có thứ bạc của Xiêm La, cùng chất ròng như bạc của các vùng Ấn Độ Dương, mà không phải trả thêm gì khi đổi. Nên để ý đừng bỏ lỡ cơ hội này, vì tại Xiêm La thì thường phải trả 5% mỗi lần đổi lấy bạc của Ấn Độ, là thứ cũng y như bạc của Xiêm La.
Cái thứ hai liên quan tới chuyện di chuyển mà ta có thể thực hiện trong các khu vực này theo đường các người Anh quốc. Hằng năm, họ vẫn gửi thẳng các tàu bè của họ đến Bantan, rồi từ đó đến Cam Bốt là nơi họ đã lập một thương điếm vào năm 1662. Từ chỗ này, người ta sẽ gặp nhiều dịp để đi tới xứ Đàng Trong và nhiều nơi khác nữa. Khi không có tàu Anh quốc đi Bantan, người ta luôn luôn tìm được tàu đi Achem; rồi từ Achem, không bao giờ thiếu dịp đi Cam Bốt mà hiện giờ là một tỉnh của xứ Đàng Trong. Từ Achem, còn có tàu đi các cảng khác trên bờ biển Á Châu. Thường cũng gặp được tại Bantan, tàu bè đi thẳng tới Trung Hoa. Người ta cũng có thể tìm tàu Hoà Lan và hy vọng vào cái tử tế của quý ngài nước này, miễn là phải thuyết phục cho họ hiểu là mình đi Trung Hoa hoàn toàn vô vị lợi, không tìm buôn bán, không muốn làm giầu, nhưng đúng hơn là để còn nghèo đi, tiêu tiền của và sinh mạng vì phần rỗi các linh hồn và chỉ vì yêu mến Chúa mà thôi. (Còn tiếp)
LM. Giuse Đào Quang Toản dịch và chú thích