Ký Sự Cuộc Hành Trình Của Đức Cha Beryte (Chương 6)

KÝ SỰ CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC CHA BERYTE – Jacques de Bourges

Chương 6

Giám mục Beryte tới Surate và hành trình tại vùng Ấn Độ

Ngày 23 tháng Chạp, chúng tôi đến cảng Suali, cách Surate bốn hoặc năm ngày trời. Tôi xuống Surate theo ông nhân viên người Anh để lãnh ý kiến trước nơi các cha Dòng Capuxanh về cách thức nào bảo đảm chúng tôi trước cái khắc khe của các quan trấn thuế vụ tại thành phố này. Tôi đã nghiệm thấy y như người ta đã nói trước: tôi vừa vào trấn, với vài tay lái buôn người Anh khác, thì họ đã lại phía chúng tôi xem xét chu đáo đến nỗi không có một nếp gấp nào hay kẽ hở nào trên chúng tôi mà họ không lục xét một cách rất khó coi. Họ sẽ gần như lột trần quý vị ra mà xét cho được kỹ hơn. Trước hết, người ta trình ra một cái giương, họ lật ngược ra, trước tiên xem xét cái giương, rồi liệt kê tất cả những thứ trong đó, đánh giá như họ thích. Một tay thư ký ghi chú vào sổ bộ, phải đóng tiền. Họ cắt vụn cả đến miếng xà bông, sợ người ta dấu đá quý hay ngọc trong đấy. Đó là thứ họ tìm kiếm hơn cả, vì họ còn phải trả tiền trả bạc lên những trấn thuế vụ lớn. Cách chữa chạy duy nhất là ráng mà chịu vậy, hoặc là tìm đưa từ Surate ra, bằng lối cong quẹo nào đó, một ông bạn để ông ta sẽ kín đáo đem những thứ quý giá của quý bạn vào thành.

Họ đóng thuế 4% tất cả vàng, vàng bằng tiền hay không bằng tiền; 2%, đồ bạc; 4% tất cả những thứ đánh giá được. Nếu có thứ gì quý giá, khó mà thoát khỏi, hoặc là họ lấy luôn, hoặc là họ trả như họ thích. Chính vào lúc như thế, phải thực hiện từng chữ lời khuyên của Chúa là nếu người ta lột áo sống của ngươi, thì ngươi chớ kháng cự làm chi.

Ngay khi chúng tôi vào Surate, chúng tôi liền đến gặp các cha Dòng Capuxanh người Pháp là những thừa sai duy nhất định cư tại đó. Khi các cha biết là chúng tôi ở đó, các cha liền đến giúp đỡ chúng tôi. Một trong các cha mượn lấy chiếc xe ngựa của viên chỉ huy người Hòa Lan, nhờ lời cha khuyên và nhờ uy tín của cha, chúng tôi thoát được một phần các trấn thuế vụ ác nghiệt trên. Sau đó, cha dẫn chúng tôi về cư trú trong ngôi nhà nhỏ của các cha. Đó là một nhà tế bần dành cho các thừa sai khi qua lại vùng Ấn Độ Dương này.

Chúng tôi học hỏi được rất nhiều khi nói chuyện với các cha, thực tình rất đạo đức và tông đồ. Từ nhiều năm rồi, các cha làm việc tại Surate. Các cha đều được mọi người quý mến, ngay cả người Anh và người Hòa Lan. Cái khiến cho các cha được sùng kính hơn cả là các cha chuyên cần thi hành nghĩa vụ của mình, nêu gương lành gương sáng và xa hẳn những chuyện thế gian này.

Chính vào lúc đó, đức cha Beryte nhận được tin từ Goa (1) là Bồ Đào Nha đã ra lệnh cho các quan toàn quyền vùng Ấn Độ Dương phải chận giữ ba giám mục người Pháp và giải các ngài về Lisbonne (2) ngay vào cơ hội đầu tiên. Tin này không hề làm xao xuyến tinh thần đức cha Beryte chút nào, phần vì ngài không hề cần phải đi qua các phần đất thuộc Bồ Đào Nha để tiếp tục con đường (3), phần vì ngài đã chuẩn bị sẵn cho các tai nạn có thể sẽ xảy đến cho ngài rồi (4).

Vì sợ các lệnh trên, nhiều kẻ đã muốn đe dọa ngài nhưng ngài bỏ qua một bên, không hề ngạc nhiên. Ngài nghĩ là vì Giáo Hội đã trao cho ngài sứ vụ thừa sai Trung Hoa, thì ngài phải chịu đựng tất cả để đến được đến nơi đó. Ngài không hề nghĩ rằng Chúa lại đi bao che những đối kháng mà người ta đang đe dọa ngài.

Từ ngày đó, chúng tôi biết được là những lệnh truyền trên đã được nhà vua Bồ Đào Nha ban ra theo lời nài xin của một vài cá nhân tại Ấn Độ Dương, dưới chiêu bài rằng là một điều nhục nhã cho xứ Bồ Đào Nha khi người ta dùng những kẻ khác hơn là người Bồ Đào Nha để rao giảng đức tin giữa các dân tộc Á Châu. (Những cá nhân này còn nói) rằng việc ngày xưa nước Bồ Đào Nha đã dầy công để thiết lập đạo thánh tại vùng Ấn Độ Dương có vẻ xứng đáng công trạng, nên người ta đã ban cho Bồ Đào Nha một quyền lợi là để tiếp tục việc rao giảng này, người ta chỉ dùng đến Bồ Đào Nha mà loại trừ các nước khác ra (5).

Tôi không phải là người đứng ra xem xét nơi đây cái lòng cao ngạo đó, tôi biết cái kính trọng mà người ta phải giữ đối với các sự đến từ các bậc quyền thế vua quan. Tôi chỉ nói rằng những hệ quả, mà người ta muốn rút ra từ cái gọi là quyền lợi trên, có thể giúp lợi cho quốc gia (6) đưa ra, những cũng có thể phương hại vô cùng cho sự phát triển đức tin vào sau đó. Qua bao nhiêu thí dụ thật thê thảm, kinh nghiệm chỉ có cho thấy toàn là những bất trắc xảy đến, khi người ta để việc cao rao đức tin lệ thuộc vào duy một quốc gia. Việc cao rao đức tin ấy giữa các dân tộc ngoại giáo là những dân hoàn toàn không thần phục cái quốc gia này, bởi vì họ thường xuyên bách hại các nhà rao giảng và triệt hạ họ, không phải vì thù ghét tôn giáo họ cao rao cho bằng thù ghét cái quốc gia hính có vẻ như đã sai họ đi, điều tạo ra ngay những bóng mờ (nghi kỵ rồi). Chính vì vậy, Toà Thánh đã luôn luôn giữ cho mình cái tự do được lần lượt sai gửi các nhà rao giảng vào những quốc gia ngoại giáo là những quốc gia chỉ lệ thuộc vào những vua quan hợp pháp của họ mà thôi. Toà Thánh sai họ đi, theo xét định của Toà Thánh (để chọn) những người đặc biệt (thích hợp) nhất, tùy theo sự cởi mở dễ dãi (nơi quốc gia ngoại giáo) mà Đấng Quan Phòng ban cho. Chính Toà Thánh, khi kêu gọi các giám mục người Pháp vào thời gian sau này, hướng dẫn họ đi qua miền Ấn Độ Dương và gìn giữ họ chống lại những vùng vẫy của các kẻ thù họ giữa nhiều nguy nan, đã cho thấy bằng các chứng cớ rõ rệt rằng Toà Thánh muốn dùng họ cho việc hoán cải những dân tộc tại đại vương quốc Trung Hoa là nơi cửa đã mở cho họ, như chúng ta sẽ thấy trong đoạn tiếp của Ký Sự này.

Trong thời kỳ chúng tôi ở tại Surate, đức cha Beryte đã được các cha Capuxanh mời làm Phép xức dầu thánh Thêm Sức cho khoảng 120 người (7) và ban Phép Rửa Tội cho 3 người ngoại.

Để chỉ dẫn cho kẻ du hành, nên lưu ý là giá vàng tại Ấn Độ khác với giá tại Ba Tư là chỗ chúng tôi đã thiệt cho mỗi quan tiền «pistolle» Tây Ban Nha là 23 xu 6 hào, thay vì ở Ấn Độ chúng tôi lợi được là 3 xu.

Surate là một thành phố lớn , giầu có nhờ vấn đề thương mại, nơi các dân mọi chốn địa cầu đều dồn tới: người Anh hằng năm vẫn gửi tàu bè đến đây. Đó là một điều thuận tiện chắc chắn cho ai muốn đi tới xứ này, hay muốn gửi các gói đồ hay thứ gì khác: họ chỉ mất có 6 hoặc 7 tháng đi biển và không hề làm khó dễ đối với ai cần đến họ. Mặc dù thành phố Surate đầy những lái buôn giàu có, nhưng xây dựng tồi tệ và việc bảo vệ không có, đó là nguyên nhân sự suy tàn của thành phố này: từ vài năm trước đây, có một người tên gọi là Sivagi, thần dân xứ Mông Cổ, đã nổi loạn và tàn phá thành phố năm vừa qua, đến nỗi thiệt hại gây ra tính đến cả 3 triệu quan. Những nhà cửa người Hòa Lan và người Anh xây vững chắc và có bảo vệ, đã thoát khỏi cơn điên cuồng của tay nổi loạn này, nhờ sức kháng cự của họ.

Thật khó mà nói cho chính xác về tôn giáo tại Ấn Độ vì rất nhiều giáo phái khác nhau. Hoàng thân, triều đình và gần như toàn giới quý tộc là tín đồ Mahomed. Những người khác là lương dân, tín đồ Ngụy giáo, dù những kẻ thông minh nhất trong họ nhìn nhận sự hiện hữu và quan phòng của một Thượng Đế mà mọi sự tùy thuộc vào Ngài. Những người này không buông theo sự thờ phượng các ngụy thần. Là một điều ghê tởm khi người ta vào các đền thờ, khi thấy những khuôn mặt quái dị của các ngụy thần với hình hài các thú vật thuộc đủ mọi giống loại. Người ta không còn biết ngụy thần nào quái đản nhất nữa, hay là, khi gặp trên bàn thờ một con thú đầu lợn lòi, sừng bò, đuôi các sấu, chân chim ưng, hay là, khi thấy dân chúng sùng bái kính cẩn một hình tượng gớm ghiếc mà họ đầy sợ hãi nếu tượng có chút cử động và tỏ ra một dấu hiệu sinh động nhỏ mọn nào đó.

Nhà tiên tri nổi tiếng nhất của họ gọi là Ram. Một vài kẻ tôn thờ Ram như Thần của họ; một vài kẻ khác, để chữa chạy cái ngụy tín của mình, thì nói là họ tôn thờ Thần ngự trong con người của Ram. Khi họ chào hỏi nhau, họ gọi đến tên Ram này.

Họ thờ cúng một cái cây nọ có một đặc tính độc đáo: cây mang cành lá dài rủ xuống mặt đất, và cành rễ mọc ra, từ rễ đó lại sinh ra một cây mới; cây mới đó cũng có cành lá dài phát triển như vậy. Cứ như thế, từ cây thứ nhất sinh sản bằng những cành lá dài của nó, tạo nên một khu rừng mà những lương dân tin là có chi đó thần linh.

Họ có một vài nơi rất nổi tiếng mà họ đến hành hương: nhất là họ đến sông Hằng Hà mà họ tin là nước sông có quyền lực rửa sạch tội lỗi. Tại Bengale có một ngụy thần mà họ tin là sẽ trở nên thánh nếu hành hương được tới đó: người ta thờ kính đặc biệt ngụy thần này vào một số ngày: đầy những mê tín dị đoan và kích động, lúc người ta đem ngụy thần ấy ra nơi công cộng, dân chúng lấy làm sung sướng gieo mình dưới bánh xe, tin rằng họ sẽ may mắn nhất trần gian nếu họ bị thương hoặc bị bánh xe nghiền nát. Họ cũng có những cộng đoàn dùng để lo việc thờ phượng các ngụy thần, điều hành bởi các vị bề trên. Chúng tôi đã thấy một cộng đoàn như thế tại Surate mà đối thoại với họ, chúng tôi thấy họ thật hiền từ và chân thành. Các cộng đoàn này có những việc thực hành và những giờ chiêm niệm quy định, nhưng họ không coi là chuyện xao lãng tinh thần trong khi chiêm niệm mà đi lấy thuốc hút.

Luân lý họ dạy khá phù hợp với sự công chính, như không làm hại đến ai, phải từ bi, phải gìn giữ ngũ quan, phải biết sợ khi mở cửa cho kẻ tội lỗi, phải lo thanh tẩy linh hồn khỏi các khuynh hướng xấu, phải chăm lo cầu nguyện và nhất là phải giữ tay mình khỏi lấm máu thú vật.

Họ không tin là có tội nào lớn hơn là tội làm mất nơi thú vật sự sống mà Thượng Đế đã ban cho chúng và người ta không thể hoàn lại sự sống cho chúng sau khi đã giết chúng. Người ta chỉ mới tạm thấy cái đơn sơ và cái dị đoan của họ trong chuyện này dẫn tới đâu: họ phải kềm hãm hơi thở sợ hít trúng vài con muỗi mắt đáng thương bay lại quá gần miệng họ. Cũng vì thế, họ không tùy tiện thắp đèn nến lên sợ con muỗi bất cẩn nào bay qua tự đốt chết mình; kẻ khác còn cẩn thận lau chùi kỹ lưỡng chỗ mình ngồi để xua đuổi đi những con bọ chắt nhỏ mọn nhất.

Một trong các việc lành họ thỉnh thoảng lại làm là mua chuộc lại bằng tiền bạc những con vật mà người Công giáo hay người Mahomed tính đem làm thịt. Vào những ngày lễ trọng, họ đến gặp các quan cầm quyền, biếu xén quà cáp hậu hĩ mà xin quan ra lệnh cấm sát sinh thú vật trong vòng 8 ngày. Khi các người Bồ Đào Nha không còn tiền còn bạc, họ đi bắt vài con chim, đem ra rêu rao ngoài đường rằng họ sẽ làm thịt quay rô ti để ăn chiều. Thế là những kẻ hiền lành, cuồng nhiệt vì cái mê tín của mình, liền đến mua chuộc lấy. Điều này làm cho cuộc sống họ rất thanh đạm và gầy guộc, chỉ sống bằng cơm gạo và rau cỏ.

Các giáo phái của họ phần lớn khác nhau không những về sự sai biệt trong ý kiến và nghi thức, mà còn về cái khổ hạnh. Mỗi giáo phái cẩn thận dò xét giáo phái khác qua các dấu hiệu bề ngoài. Có giáo phái thì chỉ ăn những gì do chính bàn tay họ sửa soạn ra, chính họ làm ra với nhiều huyền hoặc, rất đỗi điên cuồng mà tôi không dám kể ra: phải làm ở nơi nào đó chứ không thể nào ở nơi nào khác được, không để cho một ai trông thấy, họ đóng mình trong một nơi mà họ giới hạn ranh giới bằng một vòng tròn, không dám ra khỏi trong suốt lúc họ chuẩn bị món ăn huyền bí ấy.

Tôi còn bỏ qua nhiều thứ khác sợ làm phiền quý bạn đọc.

Trong tất cả các giáo phái, giáo phái Brachmane (8) là được kính nể hơn cả như giáo phái thiêng liêng nhất. Họ cũng tin rằng mình ở một mức độ quý phái nào đó cao hơn tất cả các giáo phái khác. Để được biết đến, họ mang một dấu hiệu đặc biệt là một cây gậy với một phướn trắng chỉ sự khiết tịnh mà họ khấn giữ. Là chuyện chẳng bao giờ hoàn tất, nếu tôi muốn diễn tả ra những thứ độc đáo của các giáo phái: cái khổ hạnh của giáo phái này hay cái khó nghèo bên ngoài của giáo phái nọ chỉ đầy những hư danh mà họ đem ra khoe khoang phân bì. Chúng tôi nhận ra rõ sự ấy, vì các người khất thực tự nguyện này đến xin chúng tôi, kiêu căng như thể đe dọa chúng tôi vậy. Vị hoàng thân đang trị vì hôm nay tại xứ Mông Cổ đã cho được cái ý mà người ta phải quan niệm về các tu sĩ khuất thực ấy:

Ông ta là một trong những người con trai của hoàng đế, qua nhiều năm khấn làm «fakir», nghĩa là người xuất thế. Vào cuối thời tu tịnh, ông buồn chán nên mang ý đồ chiếm vương quốc, triệt hạ ba người anh anh ruột của ông. Ông tìm được phương cách đưa vào phe phái mình những thầy tu của những giáo phái ấy là những kẻ đã khấn khất thực và khổ hạnh. Ông tạo thành một đạo binh, nhờ đó ông đạt tới các ý đồ của mình và ngày nay đã chiếm lĩnh được các xứ sở rộng lớn nơi đây mà ta gọi là Ấn Độ (9).

Nhưng đây là chuyện đưa ra ngoài đề tài của tôi, tôi xin lấy lại phần tiếp của cuộc hành trình của chúng tôi từ Surate.

Tại đó chúng tôi biết được là khi tháng Ba tới rồi thì không còn nói đến chuyện hành trình tại Ấn Độ được nữa, vì mưa xối xả liên tục sẽ làm đường xá không thể đi được trong vòng bốn tháng trời. Để tránh thời kỳ này, chúng tôi hối hả khởi hành khỏi Surate: những trận mưa gần như liên tục mặc dù tại Ấn Độ mặt trời nóng như lửa. Tuy nhiên đó lại là mùa đông, thật khác với mùa đông bên chúng ta là mùa mặt trời đi xa, ở đây mặt trời lại ở thật gần. Mùa đông chúng ta khiến cây cối mất lá xanh, đất đai mất mùa màng, thiên nhiên như phải ngừng thở vì cái lạnh giá và nước đóng băng liền đó. Nhưng mùa đông Ấn Độ lại đem hiệu quả khác hẳn: mùa đông đem mầu mỡ cho đất, đem lá cho cây, tạo mới cho muôn vật.

Chúng tôi ra khỏi Surate ngày 21 tháng Giêng năm 1662. Trong vòng 41 ngày đi bộ trên những chiếc xe bò địa phương, xuyên qua nhiều tỉnh thành xứ Mông Cổ, chúng tôi đến Massulpatan ngày 6 tháng Ba để khỏi lỡ những chuyến tàu người More đi Tenasserim vào thời kỳ ấy.

Chúng tôi thuê 4 chiếc xe kéo để chở chúng tôi và một đoàn tùy tùng nhỏ: người ta đã khuyên chúng tôi lấy 2 người đầy tớ và 3 người hộ vệ để ban đêm gác xe và chúng tôi nữa khi phải nghỉ đêm tại mỗi trạm, vì dân chúng tại đây không dám tiếp người Kitô hữu trong nhà của họ sợ bị phạm thánh. Xe kéo người ta dùng tại Ấn Độ rất tiện lợi, cũng phủ kín như xe ngựa tại Âu Châu, chỉ có hai bánh để đặt toàn thân xe lên trên, do bò kéo. Bò tại xứ này khéo léo và đi rất nhanh. Để điều khiển chúng, người ta xỏ giây cương vào lỗ mũi của chúng mà người ta đã chọc thủng khi chúng còn bé.

Người Anh và người Hòa Lan tại Surate có những chiếc xe làm theo kiểu Âu Châu, cho bò kéo. Bò ở đây có chân cao, khẳng khiu mà người ta ban ơn cho chúng bằng cách tô điểm cặp sừng chúng với những túm lông đủ màu sắc, đeo vàng, bạc hay đồng lên nữa. Suốt cuộc hành trình, chúng tôi phải cực không ít vì cái mê tín dị đoan của người Ấn Độ không bao giờ muốn bán cho chúng tôi một con gà con vịt nào vì biết chúng tôi sẽ làm thịt ăn. Bởi vậy, chúng tôi đành phải vui lòng với những thức ăn địa phương, cũng tạm đủ khi mình không bị ốm đau gì. Ấn Độ có đầy rẫy làng mạc nơi có lúa gạo, rau cỏ, trái cây và cả bánh mì lúa mạch nữa. Trong những thành phố lớn, người ta tìm được nhiều thứ khác nữa. Người đạo Mahomed bán đồ thỏa thích. Trên đường đi, cho dù người Bagnanes (10) rất khe khắt, nhưng người ta vẫn tìm ra được thịt thú rừng: thú đầy dẫy khắp nơi, người ta săn dễ dàng, và vì xứ nóng nên chúng sinh sản rất nhiều, người lương lại không hề đụng chạm tới chúng vì mê tín dị đoan.

Trên đường đi, chúng tôi gặp nhiều thành trì khác nhau và rất khó mà chiếm được vì (địa thế) thiên nhiên và nghệ thuật (xây dựng), phần lớn đều nằm trên núi đá cao và nhiều chỗ hiểm trở đến nỗi những bức tường thành cũng không thể xây thẳng được. Hiện nay, phần lớn những thành trì này đều đã bị tay phiến loạn Sivagi chiếm, là kẻ mà chúng tôi đã nói phía trước.

Chúng tôi đi đến nơi trông thấy được thành phố Oletabal, xây trên ngọn núi đá tròn vo. Người ta quả quyết với chúng tôi rằng thành phố ấy có ba lớp tường bao bọc chung quanh núi đá: lớp thứ nhất bao toàn thành phố và ngọn núi đá, lớp thứ hai một phần thành phố, và lớp thứ ba phần cao nhất của núi đá là một phần còn lại của thành phố. Như vậy nên coi được là ba thành phố, cái này nằm trong cái nọ, phần cao nhất bảo vệ phần thứ hai, phần thứ hai bảo vệ phần thứ ba. Trên chóp đỉnh, có một gian hàng đầy các loại thực phẩm.

Chúng tôi tới được thành phố Noringabal, chiều dài chiều rộng bằng như nhau, phải mất bốn giờ mới đi qua trọn thành phố. Thành phố chắc lớn hơn thành phố Paris.

Tôi không thể bỏ qua không ghi lại nơi đây cái sắp đặt chu đáo và kỷ luật quân đội của vị tướng Mông Cổ: chúng tôi cắm lều một đêm nọ giữa năm ngàn kỵ binh mà chúng tôi không hề bị nghe một tiếng chửi rủa nào vì chúng tôi là kẻ ngoại lai, chúng tôi cũng không phải lo lắng một tý nào, cũng không hề bị mất đồ đạc hay bị mất giấc ngủ đêm khi nằm an toàn giữa đám xe bò kéo. Khi ra khỏi thành phố, chúng tôi quên không trình giấy thông hành cho lính gác, họ chạy theo chúng tôi, nghi ngờ là chúng tôi làm tình báo; nhưng sau khi đã xem giấy tờ của chúng tôi, họ đối với chúng tôi theo phép lịch sự và vui lòng nhận một chút quà mọn của chúng tôi.

Chúng tôi đến Deder, nhưng thành phố này rất quan trọng và là một chìa khóa của biên giới xứ Mông Cổ, nên chúng tôi không thể vào đó được. Thành phố nằm trên một nơi cao, tường đẹp và cao, bao phủ mọi nóc nhà. Khắp các góc trên tường thành đều đặt súng ống và các khẩu đại bác to lớn một cách khác thường. Giữa các thành phố mà chúng tôi đã nhìn ngắm thì thành phố này chúng tôi thấy có vẻ đặc biệt hơn cả. Ở đây, chúng tôi phải trả cái thuế thường tình cho mỗi chiếc xe bò. Chúng tôi vào xứ của nhà vua Golconde và một lúc sau đó, vào kinh đô cũng mang cùng một tên như vậy.

Xứ này rất tự do cho người ngoại quốc. Do đó, chúng tôi buộc phải bỏ những người vũ trang mà người ta đã khuyên chúng tôi lấy tại Surate để bảo vệ cuộc hành trình. Chúng tôi đã trả tiền tại Golconde à 7 quan tiền «livre» và 10 xu, để có giấy thông hành, để có phép vào và ra thành phố.

Thành phố Golconde là một trong những thành phố đẹp nhất và xây dựng chu đáo nhất của Ấn Độ. Lớn như thành phố Rouen (tại Pháp), nhưng ở nơi có không khí trong lành hơn, các đường xá thẳng thắn và rộng rãi, nhà cửa thì gần giống như nhau cả. Giữa thành phố có cung điện hoàng gia, nơi nhốt kín các bà hoàng hậu như các nộ lệ danh giá. Nhà vua là tín đồ Mahomed. Các bà không bao giờ được ra khỏi nơi đó. Hoàng cung rất cao, có tới ba tầng lầu. Các bà chỉ có một cái tự do duy nhất là được nhìn ngắm con đường lớn thành phố và những gì qua lại trên con đường đó mà thôi.

Phía trên cây cầu, người ta nhìn thấy cung điện nơi nhà vua ở, trên một nơi đất cao. Cung điện trông rất huy hoàng. Người ta quả quyết là hình vẽ, then cài và các song cửa đều bằng vàng khối cả. Điều này có thể tin được vì nhà vua nắm trong xứ một mỏ kim cương, từ đó mà lấy ra của cải tương đương như của cải những bậc hoàng thân vĩ đại nhất.

Cái mỏ kim cương nói trên nằm cách Golconde ba hay bốn ngày đường, tại một nơi khô cần, giữa đám núi non hiểm trở. Để tìm thấy kim cương, người ta lấy loại đất đặc biệt (là loại đất – theo như người ta tin – tạo nên kim cương), màu đỏ lợt, có gây trắng, đầy đá sỏi và đất cục thật cứng. Người ta dọn đều một chỗ đất bằng phẳng gần nơi người ta muốn khai mỏ. Rồi người ta đem loại đất lấy được trong mỏ ra, rải đều ra nhẹ nhàng, để cho khô dưới nắng suốt hai ngày. Khi đất đã tạm khô, người ta giã ra thành bột, rồi sàng đất mà tìm kim cương, nhận diện ra những hạt sỏi nào đã được thiên nhiên đính ngọc. Nhà vua cho mướn những mỏ trên với giá là sáu trăm ngàn quan ê-cu, và giữ trọn quyền các hạt kim cương quá 6 ca-ra. Nhà vua có các binh sĩ để trông coi không để kẻ khai mỏ lường lẫy. Có những hạt kim cương đến 35 và 40 ca-ra. Đó là cả một kho tàng to lớn của nhà vua.

Chúng tôi (phải) quan sát nơi này hầu chỉ dẫn cho các khách du hành: về vụ đổi vàng tại Golconde, người ta có thể lợi được 12 xu cho mỗi quan tiền «pistolle». Người ta có thể lời hơn nữa với quan tiền ê-cu vàng, tiền «lys» của Pháp và tiền cổ «sequin» của Venise. (Còn tiếp)

LM. Giuse Đào Quang Toản dịch và chú thích

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube