Ký Sự Cuộc Hành Trình Của Đức Cha Beryte (Chương 9-10)

KÝ SỰ CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC CHA BERYTE – Jacques de Bourges

Chương 9

Hành trình từ Tenasserim đến Xiêm La

Ngày 30 tháng Sáu, chúng tôi khởi hành đi tới kinh đô xứ Xiêm La, mà tên địa phương gọi là Ioudia, còn chúng tôi thì gọi là Xiêm La (1).

Chúng tôi theo dòng sông trên ba con thuyền nhỏ có mái che bằng tàu lá, mỗi thuyền có ba người đàn ông điều khiển. Những chiếc thuyền như thế thường thường chỉ là một mảnh duy nhất, đẽo ra từ một thân cây lớn mà người ta dùng lửa để khoét thành lòng thuyền, dài có đến 20 bộ. Đó là những con thuyền đặc biệt cho những dòng sông này: vừa nhanh lại vừa dễ nhẩy sóng. Bởi lẽ đó, vì phải lãnh đủ các cơn xô dập tròng trành, chúng sẽ bị vỡ tan ngay nếu được làm bằng nhiều mảnh ván ghép lại. Bên Pháp thiếu loại cây to lớn như thế nên khó mà bắt chước được cái nghề chế tạo thuyền bè ở đây, tiện lợi vì không cầu kỳ.

Chúng tôi đưa cho mỗi thuyền là khoảng 12 quan tiền ê-cu: phải sửa soạn cái ăn, cái ngủ ngay trên thuyền, vì là chuyện quá liều lĩnh nếu xuống khỏi thuyền mà dừng chân trên bờ: rừng rú khắp nơi, đầy những sư tử, lợi lòi, cọp cùng các thú ăn thịt khác. Chúng tôi ngược dòng sông thực cực khổ vì nước chẩy xiết và thác đổ đây đó. Những lúc như thế thì các tay lái đò lại phải dầm mình dưới nước mà ra sức đẩy thuyền đi tới: người thì dùng giây kéo, người thì dùng sào chống, người thì dùng vai gần như vác thuyền lên, vì khó mà ngăn dòng nước chẩy cực mạnh qua các kẽ đá, y hệt như người ta ngăn nước để tạo sức mạnh chạy các cối xay lúa bên mình vậy.

Chính vì lẽ đó mà đã xẩy ra chuyện đắm thuyền chở đức cha Beryte và một trong các giáo sĩ của ngài cùng với những hòm đồ đạc quan trọng của chúng tôi: các tay lái không chịu nổi sức phũ phàng của dòng nước, đã để mặc con thuyền trôi theo triều sóng. Con thuyền trôi dạt, đập tan vào một thân cây lớn ngã đổ trên dòng sông. Phép Chúa ban cho đức cha Beryte gặp được thân cây ấy mà tự cứu mạng mình: ngài ngồi lên thân cây như ngồi trên lưng ngựa vậy, được cái thú mà nhìn con thuyền mình chìm tan vào vực thẳm cùng với mọi thứ ở trong. Tuy nhiên vì thân cây đó rất lớn, cành lá xum xuê rủ xuống mặt nước, nên phần lớn những đồ đạc mắc lại được ở đấy. Người ta kéo lại được những thứ quan trọng, nhất là một cái giương trong đó để nhiều giấy tờ hệ trọng. Đức cha Beryte và người giáo sĩ phải ngồi ở trên thân cây khá lâu, chịu sóng đánh tứ bề. Nhưng Chúa lại muốn ban thêm ơn xuống: một con thuyền xuôi ngàn qua đó, đức cha ra hiệu và thuê họ đưa ngài tới Jalinga, một nơi chỉ cách đó có 3 dặm.

Đối với chúng tôi, cái vụ đắm thuyền trên là một dấu chứng tỏ tường về sự che chở của Thiên Chúa. Bởi chưng nếu chẳng gặp được cái thân cây ấy, đức cha Beryte vốn chẳng hề biết bơi lội đã mất biệt tích rồi. Không đường cứu chữa.

Giữa các thứ mà chúng tôi không vớt lại được, có các giấy thông hành của chúng tôi. Do đó, người giáo sĩ đi theo đức cha Beryte phải trở ngược về Tenasserim để lo làm gửi giấy tờ mới lại (2).

Sau cùng, tất cả chúng tôi đều ở tại Jalinga là một ngôi làng nằm giữa một thung lũng nhỏ phì nhiêu, dễ chịu. Chúng tôi thuê ở đó một căn nhà lá, quá đủ để trú những trận mưa liên tục và để thu xếp lại mọi thứ sau vụ đắm thuyền. Các món đồ quý báu của chúng tôi bị hư hỏng. Chúng tôi có ý kiến là phải để mọi thứ muốn mang theo trong những hòm cứng cát, đóng thật chặt hòng còn chống nổi lại nước và phải để giấy tờ quan trọng trong các hộp bằng kim loại, vì khó mà tránh khỏi chuyện bị đắm thuyền, khi đi theo những con đường hay bị lụt lội hoặc có thác gập gềnh.

Vào những ngày đó, một chuyện bất hoà đã xảy ra giữa người thông ngôn, các tên phu xe của chúng tôi với đám phu xe xay rượu trong làng. Đức cha Beryte vì muốn giải hoà bọn chúng mà đã phải bị một trong những tên xay rượu ấy đập cho ba gậy. Và cũng vào lúc đó, đức cha bắt đầu tỏ rõ ra rằng ngài là thừa sai, bởi vì là một điều phúc đức khi ngài phải chịu sự hy sinh nào đó để chu toàn nghĩa vụ ơn gọi của ngài (3).

Chúng tôi rời Jalinga vào ngày 27 tháng Bảy, ba ngày sau thì tới làng Menam, nơi phải trình giấy thông hành do Tenasserim cấp cũng như giấy của quan toàn quyền Jalinga cấp. Khi không phải là lái buôn thì người ta không phải chi ra cái gì cả. Chúng tôi gặp những khó khăn mới trên đường bộ và lại còn bất ngờ hơn cả những khó khăn mà chúng tôi đã gặp trên đường sông nữa.

Chúng tôi gần như luôn luôn phải cuốc bộ: những chiếc xe bò mà chúng tôi đã sửa soạn cho chuyến hành trình thì thực là gây phiền toái hơn là trợ lực cho khách đường. Chúng trở nên như các xe chở đám táng hơn là xe kéo chở hàng, bởi vì các loại «máy móc» ấy chỗ rộng rãi nhất thì mới được quãng 3 bộ, và chỗ hẹp thì chưa tới mức đó. Cứ phải đóng hộp cả trong ấy. Xe nằm trên một cái trục xuyên ngang hai bánh xe lớn. Hai bánh xe thì thường luôn bị bẻ cong quẹo vì đường lồi lõm. Chiếc xe được kéo đi, chẳng còn nhờ vòng bánh xe lớn nữa, mà là nhờ vào trục giữa bánh xe (4). Cái «máy» ác nghiệt đó luôn luôn bị gãy thứ này gãy thứ nọ đến nỗi chúng tôi thà cuốc bộ qua sình lầy và suối thác còn hơn.

Đêm về, những chiếc xe kéo lại làm quán trọ cho chúng tôi. Thường xuyên, chúng tôi cắm lều giữa chốn nước lầy: người đời có thể chẳng tin nổi vào cuộc «chiến tranh tàn khốc» mà chúng tôi phải chịu do bọn muỗi mòng gây ra đâu. Ở cái vùng đất nóng nực mà ẩm thấp này, bọn chúng cứ kéo qua kéo lại hằng hà vô số. Chúng tôi bị tấn công liên hồi và không sao ngờ trước được. Bọn chúng lúc nào cũng hút được máu chúng tôi. Cái tổ chức xếp đặt của chúng tôi chẳng có thể nào đủ mà đảm bảo cho chúng tôi được bình yên hoàn toàn.

Chúng tôi còn phải khổ phải sở vì bọn thú dữ nữa: ngày thì chúng gây kinh hồn khiếp vía, đêm thì chúng lại gây trận gây giặc ra. Để tự bảo vệ lấy, đêm nào chúng tôi cũng phải xây thành đắp đồn, cứ lấy các xe bò kéo ra mà quân vòng tròn hay vòng tam giác, rồi để bò kéo và hành lý vào giữa đó. Thường thì chúng tôi còn phải kiên thủ thêm thành lũy bằng vài hàng rào gai nữa. Chúng tôi chẳng muốn phải nghe tiếng thú dữ lượn vòng quanh chúng tôi: sư tử, lợn lòi, tê giác và nhất là bọn cọp độc ác. Các con cọp là bọn liều mình gây chiến ác liệt với các con bò kéo xe đến nỗi đám bò đáng thương hại ấy cứ khiếp vía cả lên mỗi lần có cọp đến. Chúng tôi phải nổ súng và phải đốt lửa suốt đêm mà xua đuổi bọn chúng. Mỗi người trong chúng tôi phải thay phiên nhau mà canh gác. Tuy vậy, chúng tôi vẫn ngủ nghê say sưa trong những các «quan tài» nhỏ xíu đem theo mình (5), chẳng cựa quậy được nhiều vì không đủ chỗ. Dần dà rồi chúng tôi quen đi với những nhọc nhằn và những bất tiện là những thứ gắn liền theo công việc của chúng tôi.

Ban ngày, chúng tôi cũng chẳng thoát khỏi cái chiến tranh của muôn thú: rất thường gặp voi ở xứ Xiêm La này, chúng liên hồi làm chúng tôi phải náo động lên. Chẳng có thứ gì làm cho bọn thú này sợ hãi cả. Khi mà gặp chúng, mình chẳng nên chống lại cũng đừng trốn chạy: cứ bình lặng hay đi xa xa đường ra một chút, làm như mình kính nể cái con thú quý phái ấy vậy. Thường bọn chúng không để ý đến người ta, cứ theo đường mà đi, dùng vòi mà bẻ gãy các ngọn cây bên đường. Nếu có con nào đến thẳng trước bạn, thì hãy dâng cho nó vật gì đó, như cái mũ, cái áo khoác hay một miếng vải nào đó. Nó sẽ dùng vòi cuốn lấy rồi chơi với vật ấy, ra vẻ như hài lòng về cái tôn kính mà người ta dành cho nó, nó sẽ bỏ đi. Nếu nó nổi giận lên thì phương thuốc duy nhất là đừng bao giờ ngừng chân mà chạy quay quay sau lưng nó, về phía bên trái: theo tự nhiên, nó không quay đầu về phía bên ấy bao giờ, nhưng về phía bên phải. Thời gian mà nó quay mình chậm chạm vì nặng nề sẽ cho mình đủ thú vị mà leo tuốt lên một thân cây thật cao nào đó, hay là nhảy ngay xuống một cái hố sâu, hoặc là leo lên một bờ dốc thẳng đứng nào đó. Bằng như mọi thứ ấy mà thiếu thì phải luôn luôn đứng đằng sau đuôi nó, chạy quay theo nó, nó sẽ mệt và sẽ để bạn có cách mà thoát thân.

Xứ Xiêm La ngang dọc những sông ngòi và suối rộng, mưa xuống làm tràn bờ, thường không còn tìm được đường đi qua, chẳng có cầu cũng chẳng có thuyền bè. Chúng tôi cực chẳng đã phải xuống mà bơi qua, hay là lội đi qua khúc sông cạn chưa ai biết đến mà cũng chẳng được ai hướng dẫn.

Ra khỏi làng Menam, chúng tôi phải bỏ ra mấy ngày trời để xuống một sườn núi dốc, dốc đến độ phải cột giây vào bánh xe bò (mà trì lại). Sau đó chúng tôi tới một xứ rất dễ chịu mà nếu đem so sánh với chỗ chúng tôi vừa đi khỏi thì thực là một thế giới mới: không khí trong lành, đồng ruộng phẳng lỳ, chăm sóc chu đáo và mầu mỡ. Khí hậu đối với chúng tôi rất ôn hòa. Trời nắng cháy đến độ để biết lúc nào là đúng ngọ, chúng tôi chỉ cần ngó cái bóng những chiếc mũ chúng tôi đội giọi đúng trên chân chúng tôi. Và dù mặt trời như lửa đốt trên đầu, chúng tôi vẫn không cảm thấy khó chịu chút nào, dù là đang đi bộ: có lẽ chúng tôi đang thích ứng với cái nóng miền nhiệt đới mà chúng tôi đã sống từ 9 tháng trời nay.

Sáu ngày sau, chúng tôi đến được Couir là một làng nhỏ vuông vức, hào lũy chung quanh bằng ván gỗ, có được đến 200 mái nhà. Ở đây người ta hỏi giấy thông hành của chúng tôi, nhưng không đòi chúng tôi tiền bạc chi cả. Cái tên thông ngôn đạo Mahomed của chúng tôi muốn lấy lòng quan toàn quyền ở đó đã nói với ông ta rằng chúng tôi là người Kitô giáo và là linh mục nên chúng tôi sẽ ban cho những gì người ta xin chúng tôi. Quan đã xin chúng tôi 3 đồng quan «teel», trị giá là 22,10 đồng quan «livre». Chúng tôi đã không cho phép mình bỏ nơi đó ra đi mà không cho đồng quan nào và chúng tôi không hề bị ai theo nài.

Hai ngày sau chúng tôi tới Pram. Lại phải trình thông hành nữa. Thành phố này cũng có vài việc buôn bán nhờ con sông lớn và nằm gần biển.

Từ Pram, đi 5 ngày đường thì chúng tôi tới Pipili hôm 30 tháng Tám. Thành phố này lớn, tường lũy xây bằng gạch. Chúng tôi gần như luôn phải đi trong nước, các xe bò trôi đi hơn là lăn bánh. Chúng tôi hay phải liều mình lội sâu đến ngang lưng ở những chỗ do mưa làm lở ra. Mưa tại những khu vực này mang một sức mạnh tuyệt vời để ngấm vào đất, tưới đẫm cho đất và làm cho đất thành mầu mỡ. Ngay khi chúng tôi tới Pipili, sau khi lo việc trú ngụ, cái lo lắng đầu tiên của chúng tôi là dựng lên một bàn thờ để làm lễ Đức Trinh Nữ Lên Trời (6). Chúng tôi hạnh phúc (được làm lễ đó) đến độ quên hẳn đi một cách nhẹ nhàng mọi thứ nhọc mệt và khổ tâm là những chuyện chỉ có tiếng (để gọi mà thôi); nhưng thực sự cũng là nhờ vì đã nhọc mệt và khổ tâm nên niềm an ủi của chúng tôi càng lớn hơn .

Ngày hôm sau, chúng tôi xuống một con tàu, chủ tâm thuê 15 quan tiền ê-cu để đưa chúng tôi đến Xiêm La, kinh đô của xứ này. Chúng tôi đã đi bộ gần một ngày tròn để ra đến biển; rồi sau khi đã đi trên đất liền quãng 24 giờ đồng hồ, chúng tôi tới cửa khẩu dòng sông Xiêm La lớn và đẹp. Và chúng tôi cứ thế mà ngược dòng cho đến ngày tới nơi là ngày 22 cùng trong tháng đó (7).

Trong lần đi ngắn ngủi này, chúng tôi không phải chịu cực nào khác hơn là cơn «bách hại» của mấy con muỗi nhỏ xíu mà chích rất đau. Mặt trời vừa chớm lặn là chúng đã xuất hiện rồi, và chỉ biến đi vào mãi lúc bảy hoặc tám giờ sáng hôm sau. Suốt những giờ đó, không thể nào mà một người lại có thể nằm ngủ được, vì còn liên tục phải lo tự vệ chống chiến tranh của những con vật tý hon đó mà chúng lại đông đến vô cùng vô tận.

Chương 10

Ký sự đơn giản về xứ Xiêm La

Thời gian một năm trời mà chúng tôi buộc lòng phải ở tại Xiêm La (1) đã cho chúng tôi có thời giờ mà học hỏi được những cái đặc thù của xứ này. Nhờ đó, chúng tôi diễn tả ra được chính xác hơn là các nơi khác mà chúng tôi chỉ có đi ngang qua mà thôi.

Vương quốc Xiêm La dài hơn 300 dặm, từ Bắc xuống Nam, nhưng hẹp hơn từ Đông sang Tây. Phía Bắc, giáp ranh với xứ Pegu; phía Tây với biển Gange (2), phía Nam với một xứ nhỏ gọi là Malaque. Trước tiên, xứ này bị tách khỏi quyền nhà vua Xiêm La do một trong những cận thần của nhà vua, nhưng cận thần này yếu kém không thể bảo vệ xứ mình chống lại người Bồ Đào Nha. Bồ Đào Nha đã thống trị xứ này trên 60 năm. Ngày nay, người Hòa Lan làm chủ pháo đài chủ yếu nhất tại đó mà họ đã chiếm được của người Bồ Đào Nha vào thời chiến tranh Bồ Đào Nha – Hòa Lan. Về phía Đông, một phần là bờ biển, một phần là núi non phân cách Xiêm La với xứ Cam Bốt và Ai Lao.

Địa thế Xiêm La rất có lợi nhờ bờ biển rộng rãi. Và nằm giữa hai vùng biển, Xiêm La mở ra một lối đi cho tất cả các xứ lân cận. Chiều vòng bờ biển là 500 hoặc 600 dặm, người ta đến từ mọi phía: Nhật Bản, Trung Hoa, các đảo Phi Luật Tân, Chàm, Cam Bốt, các đảo Java, Sumatre, Golconde, Bengale và vùng bờ biển Coromandel. Vì lẽ đó, người Hòa Lan có cửa hàng của họ tại đây, và người Anh cũng đã lập thương điếm tại đó vào năm 1662.

Vương quốc chia ra làm 11 tỉnh: Xiêm La, Martavan, Tenasserim, Jansalom, Keda, Pera, Jor, Paam, Patana, Ligor, Siara. Ngày xưa, những tỉnh này đều là các vương quốc, nhưng ngày nay nằm dưới quyền của vua Xiêm La. Nhà vua cử cho mỗi tỉnh các quan cai trị mà nhà vua phế thải như ý nhà vua thích.

Xiêm La là tỉnh chính và tên của tỉnh được đặt cho toàn xứ và cho kinh đô. Kinh đô nằm ở vĩ tuyến 14 rưỡi, bên dòng sông tuyệt đẹp dẫn các tàu bè chở đầy hàng hóa đến tận cửa kinh đô, mặc dù kinh đô xa biển trên 60 dặm.

Tỉnh Martavan nằm ở Tây-Bắc tỉnh Xiêm La, thành phố chính ở đây cũng mang tên là Martavan, nằm ở độ thứ 16. Các tỉnh khác cũng mang tên thành phố chính trong tỉnh. Tenasserim theo bên Martavan, hường về phía Nam và Đông-Nam tỉnh Xiêm La, ở độ thứ 11.

Jansalom nằm dưới độ thứ 8, Keda thứ 6, Pera nằm ở cuối cùng giáp xứ Malaque, ở độ thứ 4, theo đó là tỉnh Jor mà thủ đô (thành phố chính) mang cùng một tên, ở độ thứ 2 và vài phút. Sau cùng, hướng về bờ biển và lên phía tỉnh Xiêm La, lần lượt là các tỉnh Paam, Patana, Ligor và Siara. Bốn tỉnh sau này còn có thể gọi được là vương quốc, nhất là vì các quan cai trị không hoàn toàn lệ thuộc vào nhà vua Xiêm La, nhưng chỉ nộp triều cống mà thôi. Bởi đó, xứ Xiêm La thực sự chỉ chạy từ độ thứ 7 đến độ thứ 18, chỉ rộng có 275 dặm từ Nam đến Bắc mà thôi.

Toàn vương quốc được hưởng không khí khá trong lành, người ngoại quốc thích ứng khá dễ dàng và sức khỏe tạm được, mặc dù trời nóng nực vào một số mùa, nhưng cái nóng không tồi tệ như những nơi khác. Các vùng duyên hải khá đông dân chúng, nơi đây người ta thấy đầy dẫy làng mạc và thị thành mà vấn đề buôn bán tạo nên sầm uất.

Đất đai không những phì nhiêu mà lại còn được canh tác chu đáo, nhờ việc người dân bán được dễ dàng nông sản cho khách ngoại quốc đến mua tại nhiều nơi khác nhau. Nghề đánh cá, thức ăn chính của xứ này, phong phú một cách tuyệt vời. Cái giúp cho xứ sở được mầu mỡ là chuyện lụt lội của sông ngòi do mưa tạo nên. Mưa suốt ba, bốn tháng trong năm, làm cho các cánh đồng khá bằng phẳng bị ngập nước khắp nơi. Đó là cái quy luật chung: lụt càng lớn, mùa màng càng đầy dẫy và sung túc cho dân Xiêm La. Họ chẳng kêu ca vì hạn hán quá lớn bao giờ. Lúa gạo là thực phẩm chính của họ và là lúa mì của họ (3) thì chẳng bao giờ được tưới cho đủ: lúa mọc ngay giữa nước và những cánh đồng họ canh tác lúa thì tựa như ngọn thủy triều hơn là đất đai mà người ta làm lụng bằng cầy bừa. Lúa có cái sức mạnh này là mặc dù nước ngập đến 6 hay 7 bộ trên chúng, chúng vẫn ngoi lên trên được và cái nhánh lúa vượt lên theo mức độ mặt nước đang dìm đắm cánh đồng. Cũng chính vì lý do ấy mà người ta không trồng lúa mì trong xứ này là loại cần đất khô và phải tưới ẩm.

Mặc dù đất đai toàn xứ Xiêm La phì nhiêu, nhưng có nhiều chỗ hoang vu và bỏ ngỏ vì không có người: dân bị giảm rất nhiều vì những cuộc chiến tranh trước đây. Ngoài ra, người Xiêm La vốn là kẻ thù của công việc, chỉ ưa những chuyện dễ dàng và để hoang nhiều cánh đồng thật đẹp mà chúng tôi đã đi qua. Những cánh đồng này có thể sản suất vô chừng và nuôi sống cả một dân tộc lớn nếu người ta biết đặt giá trị của chúng lên. Các bình nguyên bỏ trống ấy và các khu rừng dầy đặc mà người ta thấy trên núi non làm thành nơi trú ngụ cho voi, cọp, bò hoang, nai, mễnh, tê giác và các thú khác, từng đàn từng đàn.

Vốn giàu có của cải mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho, vương quốc Xiêm La mời gọi các thương gia ngoại quốc đến viếng thăm để cho thấy nguồn phú túc của mình. Thật ít gặp được thành phố nào trong toàn Phương Đông này mà người ta thấy lắm quốc gia khác nhau tụ họp lại như tại Xiêm La: ở đây, người ta nói hơn 20 thứ tiếng khác nhau.

Ở Xiêm La, người ta tìm thấy nhiều vàng, nhưng chất lượng thấp, nhiều bạc, đồng, chì, thép, tiêu thạch (4), ngà voi rất đẹp mà thiên hạ buôn bán nhiều, da thú và da nai đã chuẩn bị kỹ lưỡng, cây chàm và cây «sapaon» cho thợ nhuộm (5) đầy khắp rừng. Người ta mua ở đây tiêu, cánh kiến hương, nhựa đặc (6), lúa gạo và vô số các loại trái cây thực ngon ngọt. Cái dồi dào của cải ấy thu hút việc buôn bán vào xứ của họ. Họ cũng chẳng thiếu những thứ sinh sản nơi khác mà do tàu bè bên ngoài đem lại, vì người Xiêm La không phải là những tay thủy thủ tài ba: họ chẳng ra đến biển cả bao giờ.

Dân Xiêm La đón nhận cởi mở thương mại của kẻ láng giềng, và tìm được ngay tại xứ mình những thứ cần thiết, nên họ không chịu khó làm thêm gì nữa: với họ, đó chỉ là thứ thừa thãi phiền toái. Họ chắc chắn là tò mò muốn có được lụa là đã làm sẵn kỹ càng để còn diện vào các ngày lễ lạy và các nghi thức. (Còn tiếp)

LM. Giuse Đào Quang Toản dịch và chú thích

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube