Lòng Thương Xót Chúa Trong Ba Dụ Ngôn Tin Mừng Thánh Luca

Có thể nói, Tin Mừng Thánh Luca chương 15 là đỉnh cao của Thiên Chúa giàu lòng thương xót, một trong những trang Tin Mừng đẹp nhất. Các bản văn trong chương này nói về ba dụ ngôn với cùng một mấu chốt là sự mất mát, lạc mất, sự thiệt hại và niềm vui của người tìm được thứ mình đã mất. Ba dụ ngôn được Đức Giêsu kể trong bối cảnh những người tội lỗi lui tới với Đức Giêsu nghe người giảng dạy. Thấy vậy nhóm Pharisêu, các thầy Kinh sư liền xầm xì, bàn tán trách móc Đức Giêsu kết bạn với phường tội lỗi. Đức Giêsu liền kể ba dụ ngôn: Con chiên lạc, đồng bạc bị mất, người cha nhân hậu, để nói lên tình yêu của Thiên Chúa và lòng thương xót đối với những kẻ tội lỗi. Đồng thời Ngài mời gọi hãy hoán cải, trở về với lòng thương xót của Thiên Chúa.

 Dụ ngôn con chiên lạc

Dụ ngôn con chiên lạc lấy câu chuyện người chăn chiên ngoài đồng, đây là hình ảnh quen thuộc trong Cựu ước, Thiên Chúa chính là người mục tử. Chúa Giêsu chính là hiện thân của người mục tử nhân lành. Người chăn chiên – mục tử chịu trách nhiệm trực tiếp trên đoàn chiên, hi sinh mạng sống để bảo vệ đoàn chiên. Đức Giêsu kể : người mục tử có một trăm con chiên, trong đó có một con đi lạc. Ông để 99 con còn lại ngoài đồng hoang, ông theo dấu vết của con chiên lạc, ông vượt qua núi đồi hiểm trở, đi tìm con chiên bị mất cho kỳ được. Tìm được chiên rồi thì người mục tử vui mừng vác con chiên lạc lên vai để nhanh chóng nhập đoàn cùng với đoàn chiên. Khi về đến nhà thì người mục tử mời bạn bè hàng xóm chung vui với mình vì đã tìm được con chiên lạc.

Dụ ngôn này diễn đạt “Tất cả vì con chiên bị lạc mất”. Niềm vui tìm được con chiên lạc lớn hơn niềm vui 99 con không đi lạc. Niềm vui của Thiên Chúa vì một người tội lỗi hối cải lớn hơn niềm vui vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.

Có một điều phi lý trong dụ ngôn này, người mục tử bỏ 99 con ngoài đồng hoang để đi tìm một con chiên lạc. Cái phi lý này giúp hiểu một cái phi lý khác, Thiên Chúa vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn trở lại hơn là vì 99 người công chính không cần hối cải. Cái phi lý trong dụ ngôn diễn tả một chân lý vĩ đại Thiên Chúa nhân từ hơn loài người. Con người có thể mất hi vọng về một tội nhân nào đó, nhưng Thiên Chúa thì không thể, người yêu mến những con chiên không hề đi lạc, nhưng trong lòng Ngài, có sự vui mừng cực lớn khi một con chiên lạc được tìm thấy và đem về nhà. (William Barclay)

Một hơn 99 (1>99) một phép tính phí lý nhưng nói lên “yêu như điên dại” của Thiên Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa không đặt chỉ số cho sự tính toán mà chỉ thương xót đến kẻ đáng được xót thương.

Dụ ngôn đồng bạc bị mất

Sau khi kể dụ ngôn con chiên lạc, Đức Giêsu kể tiếp chuyện người phụ nữ có 10 đồng quan, không may bà làm mất 1 đồng. “Bà thắp đèn, quét nhà, moi móc, tìm cho kỳ được.” (Lc 15, 8b). Có thể có hai lý do khiến người phụ nữ này sót sắng tìm kiến đồng tiền. Thời đó, 1 đồng tiền giá trị hơn 1 ngày công làm việc tại sứ Palestine. Người dân phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau, luôn bị nạn đói đe dọa… Người phụ nữ muốn tìm cho kỳ được đồng tiền nếu không gia đình bà sẽ thiếu ăn. Lý do thứ hai, Tại Palestine người phụ nữ đội chiếc vòng trên đầu có xâu 10 đồng quan là dấu hiệu người đã có chồng, chiếc vòng này có giá trị như nhẫn cưới. Nếu bị mất một đồng, chị phải tìm nó như bất cứ người nào cũng làm thế khi đánh mất cái nhẫn cưới. (William Barclay)

Vì thế chúng ta dễ hiểu vì sao người phụ nữ này vui mừng khi tìm thấy một đồng quan. Vì đồng tiền này là cái no, cái đói của cả gia đình. Nó còn là nhân phẩm danh dự của người phụ nữ đã có chồng… Chúa Giêsu tiếp câu chuyện đồng bạc bị mất khi ngỏ ý: “Cũng thế, giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15, 10) Thiên Chúa thực sự đi tìm kiếm con người. Theo William Barclay, người Do Thái có thể hình dung một người bò về nhà Chúa với tất cả sự hạ mình, kêu xin thương xót và được xót thương. Nhưng họ không bao giờ có thể hình dung một Thiên Chúa đi tìm kiếm người tội lỗi. Vị Thiên Chúa đầy lòng thương xót đó hiện thân nơi Đức Giêsu – Con Thiên Chúa, Đấng đến để tìm những ai lạc mất.

Dụ ngôn người cha nhân hậu

Để diễn tả sâu sắc hơn về lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Giêsu kể tiếp dụ ngôn “Người cha nhân hậu”. Người cha này có hai người con, đứa con thứ ngỗ nghịch xin cha chia gia tài ngay khi ông còn sống. Nguyện ước xin chia gia tài của nó chẳng khác gì nguyền rủa “cha chết đi”, thằng con thứ muốn cắt đứt tương quan với cha nó. Vì theo quan niệm của người Do Thái xưa, gia đình chỉ chia gia tài khi cha mẹ đã qua đời. Sau khi đã lãnh phần tài sản được chia, “người con thứ góp tất cả rồi trẩy đi phương xa” (Lc15, 13). Sự ra đi của người con thứ là một sự xúc phạm nặng nề, anh ta vứt bỏ mọi truyền thống đáng giá được bảo tồn trong một cộng đồng. Tỷ như lối sống, nếp ở, suy nghĩ truyền thống của gia đình làng xóm…  Anh ta muốn được tự do khám phá thế giới, sống theo cách của mình. (Henri J.M Nouwen)

Người con thứ nhanh chóng tiêu xài hết tiền và kết thúc sự tự do, phóng đãng của mình bằng việc chăn heo, một công việc cấm kỵ đối với người Do thái. Cuộc đời anh ta thê thảm đến mức “anh ao ước đến đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho” (Lc15,16) Thánh sử Luca diễn tả người con thứ rớt xuống đáy của xã hội, anh ta ao ước ăn thức ăn của heo – nghĩa là muốn ngang bằng với heo mà cũng không được. Đến lúc này, anh nghĩ đến cha của mình, đến cuộc sống của những người làm công trong nhà cha. Chỉ có cha mới có thể cứu anh khỏi chết đói. Anh biết anh vẫn là con của cha, nhưng anh tự nhủ anh không xứng đáng được gọi là “con”, anh chuẩn bị nhận thân phận “người làm công” để được sống còn.

Thật bất ngờ cho đứa con hoang đàng, nó còn đang suy nghĩ “liệu rằng cha mình có cho mình là đứa làm công không hay lại đuổi đi?” thì “anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”(Lc 15, 20). Chỉ một câu Tin mừng này thôi, Luca đã tột tả sự mỏi mòn chờ đợi của người cha từ khi nó ra đi, người cha đã ngong ngóng đợi chờ cái giây phút này lâu lắm rồi. Khi vừa nhìn thấy dáng con thất thểu, rách nát từ đàng xa, người cha đã chủ động ra đón con, ông chạy ra đón con mặc cho lưng còng chân yếu, rồi ôm cổ anh ta, hôn lấy hôn để… Lòng thương xót của người cha không đặt bất cứ một điều kiện nào. Ông không để cho con nói lên ước muốn của mình “Xin cha coi con như một người làm công…” Ngay tại nơi ông gặp thấy con và ôm con, lập tức ông cho lại đứa con tội lỗi tất cả phẩm giá và quyền thừa tự, tư cánh làm con cho anh ta… Đứa con tội lỗi này đã ôm mọi thứ ra đi, ông đã sắm mọi thứ để chờ nó về. Trong vòng tay của cha, đứa con được tái sinh. Ông còn chuẩn bị cả một con bê vỗ béo để ăn mừng: “Vì con ta đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”. (Lc 15,24)

Người cha nhân hậu – hình ảnh của Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Thiên Chúa xót thương con người không cần một điều kiện nào, kiên nhẫn đợi chờ trong hi vọng. Thiên Chúa vẫn nuôi hi vọng khi con người lìa xa Ngài. Thiên Chúa không thất vọng về con người, Ngài vẫn luôn mong mỏi, chờ đợi trong tình yêu và lòng thương xót. Một Thiên Chúa đi bước trước tìm kiếm con người. Thánh sử Luca kể rõ chính người cha đi bước trước đối với hai người con của mình. Không những ông ra đón người con “đi lạc” trở về, mà ông cũng chạy ra gặp người con cả, năn nỉ anh vào nhà chia vui cùng gia đình, năn nỉ anh ta đón nhận đứa em “đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc15, 32b) Một Thiên Chúa tự hạ mình để phục hồi nhân phẩm của loài người, chỉ vì Ngài giàu lòng xót thương.

Thiên Di, CND – CSA
Trích nguồn: https://dongducba.net

Tài liệu tham khảo:

  1. WILLIAM BARCLAY. Tin Mừng Theo Thánh Luca. NXb: Tôn Giáo. 2008
  2. HENRI J.M NOUWEN. Người Con Hoang Đàng Trở Về. dg. Nhóm An Tôn và Đuốc Sáng. NXb: Bellarmin, canada. 1995.
  3. An tôn TRẦN THANH LONG, OP.
Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube