ĐC: 523A, Lê Đức Thọ, P16, Q. Gò Vấp, TP. HCM
Email: vanphongnhamemtggv@gmail.com ĐT: (028)38941492
Hiệp định Genève 20.07.1954 chia đôi đất nước, đã chi phối hầu như toàn bộ đời sống sinh hoạt của Hội dòng vì phần đông chị em các Cộng đoàn và Nhà mẹ Lưu Phương đã hoà nhập với lớp người di tản vào miền Nam. Ra đi trong niềm tin tưởng phó thác, chị em đã chia thành từng nhóm nhỏ để tìm cách mưu sinh trong những ngày còn bỡ ngỡ trên mảnh đất xa lạ này. Thực đúng như niềm xác tín vào sự quan phòng yêu thương của Chúa. Một số khá đông gồm cả Thanh tuyển được Mẹ Bề trên cùng Hội dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán thương yêu đón nhận, giúp đỡ về mọi phương diện. Một số các chị khấn khác tạm trú ở Phú Nhuận, chung khu nhà với các Cha và các Chủng sinh Phát Diệm di cư… Số chị em mỗi ngày một tăng thêm, nơi ở quá phức tạp, chật chội, nóng nực, ai nấy phải tự kiếm việc làm nuôi nhau. Mãi đến năm 1956, Mẹ Anna Trần Thị Bạch Hương được Đức Cha Tađêô Lê Hữu Từ cho Cha Quản lý Phanxicô Trần Ngọc Phan dẫn đi xem đất dự kiến để làm trụ sở cho Nhà Dòng. Một tin vui lớn cho chị em! Ai nấy lắng nghe và cầu nguyện tha thiết xin Chúa thương cho Nhà Dòng có một nơi ở riêng biệt. Cha Quản lý đưa Mẹ Bề trên và chị Tổng Quản lý lên Xóm Mới, Gò Vấp – khu đất Nhà Dòng đang ở hiện nay. Thoạt nhìn, ai cũng cảm thấy sợ vì nơi đây, cây cối um tùm, rậm rạp, lại nhan nhản mồ mả nghi ngút hương khói! Mẹ Bề trên lưỡng lự, lo sợ vì nơi đây quá thưa vắng. Nhưng vì không tìm được chỗ nào khác hơn, nên Mẹ đành phó thác nhận khu đất này làm trụ sở thứ hai cho Nhà Mẹ Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm.
Khi nói về biến cố này, mọi người thường hay kể lại câu chuyện của Mẹ Anna Hương: “Ngày hôm sau, Mẹ và một chị nữa lên xem đất. Hai mẹ con đang băn khoăn không biết sẽ đi lễ ở đâu, thì một ông già thợ mộc đeo bị có sẵn cưa đục… như vừa đi làm về, gặp Mẹ ngay ở cổng đám đất, ông hỏi:
– Chứ hai bà đi đâu vậy?
– Chúng tôi định mua đám đất này làm trụ sở Nhà Dòng, mà ở đây không biết có Nhà Thờ nào gần, xin ông chỉ giúp cho.
Ông già vui vẻ nói:
– Hai bà cứ theo tôi, tôi sẽ chỉ Nhà Thờ Hoàng Mai gần đây.
Thế là hai mẹ con răm rắp theo ông tới cổng nhà xứ. Ông nói:
– Mời hai bà vào nhà khách.
Sung sướng bước vào, mẹ con chưa kịp cám ơn, quay lại thì ông già biến đi mất rồi! Mẹ nói: “Đúng là Thánh Giuse đã dẫn đường cho mẹ con mình đấy!”. Mua được đất rồi, qua Đức Cha Lê, Chúa Quan Phòng cho Thầy già Antôn Ven ở Nhà Chung qua để giúp khai phá, cắm cọc chia lô dựng nhà. Từ bấy giờ, Nhà Dòng gọi Thầy là Thầy Đốc (Ven). Thầy rất rành rẽ về việc xây cất nhà cửa, vì thế chẳng bao lâu đám rừng hoang đã được biến đổi thành những nếp nhà gỗ lợp tôn cho tập thể chị em ở. Đồng thời, những đám rau xanh tươi và một số cây ăn trái cũng đã thấy lác đác mọc lên chỗ này, chỗ kia trông rất vui mắt. Làm xong nhà thì di dời Nhà Tập ở Đông Hoà về. Các lớp Tập sinh Dòng Mến Thánh Giá Bùi Chu (Bùi Môn) những năm đầu cũng chung Nhà Tập với các Tập sinh Phát Diệm.
Ngày 21.07.1957, làm phép nhà và khánh thành Nhà Nguyện mới. Từ đó, các cha dâng Thánh lễ hằng ngày trong Tu viện, thay vì phải đi lễ xứ Hoàng Mai như trước. Lúc này, cơ sở vật chất khiêm tốn, nhưng cũng tạm đủ những nhu cầu cần thiết cho chị em. Các sinh hoạt của cộng đoàn cũng từng bước dần dần hình thành.
Về huấn luyện: Việc huấn luyện đào tạo ơn gọi được quan tâm hàng đầu. Các lớp Tập, Tiền Tập được Cha Cố vấn Giuse Maria Vũ Văn Hải và các Cha ở Đại Chủng viện Phát Diệm giúp về Tu đức, Thần học, Thánh Kinh, Luân lý…, cùng với sự cộng tác của Bà Giáo tập và các Chị Giáo phụ trách Tập viện
Về giáo dục: Thời gian kế tiếp, Trường Chúa Hài Đồng – 4 phòng – và nhà nội trú đã được xây cất để có phòng học cho các cháu. Hầu hết là học sinh nghèo ở địa phương, được Tu viện nâng đỡ dạy miễn phí.
Về nghề nghiệp: Sau khi ổn định chỗ ở, một số chị em kiếm nghề sinh sống bằng nhiều nghề như chăn nuôi, trồng tỉa, các nghề tiểu thủ công nghệ. Đồng thời, một số chị em được phân công đi làm việc truyền giáo.
Các chị đi vào các nhà chung quanh Tu viện để thăm viếng giúp đỡ người đau ốm neo đơn, giúp cho những người khô khan, những con chiên lạc trở về. Hoặc đến các xứ đạo trong hạt giúp dạy giáo lý, phụ trách ca đoàn, dạy giáo lý dự tòng, v.v.
Công việc đang êm đềm trôi chảy thì biến cố Mậu Thân 1968 ập đến giữa sáng mồng 2 Tết! – Tu viện trở thành nơi nương ẩn cho tất cả mọi người khu xóm và cả một số các nơi khác đến. Cái Tết được chia sẻ cho tất cả bà con lối xóm thật là ý nghĩa nhưng cũng đầy sợ hãi. Nhà Nguyện cộng đoàn Nhà Mẹ bị 3, 4 trái rốc-két làm sập mái, không còn nơi để đọc kinh cầu nguyện nữa. Nhưng dường như có bàn tay Chúa quan phòng sắp xếp, gặp lúc những nếp nhà gỗ đang xuống cấp trầm trọng, sắp sụp đổ, nhờ ơn Chúa, Hội dòng xây lại khu nhà chính (3 lầu) khang trang rộng rãi và thoáng mát để bảo đảm sức khoẻ và có điều kiện làm tốt những công tác khác. Đồng thời dành hẳn một lầu tầng một làm Nhà Nguyện cho đến khi có Nhà Nguyện mới.
Cũng năm 1969-1970, xây cất Trường Trung học Cấp III dành riêng cho nữ sinh, đặc biệt để cho các chị Khấn và các Thanh tuyển học xong cấp III ở trường nhà. Cô Nhi viện Elisabeth cũng được xây để đón nhận các cháu mồ côi và tất cả các cháu cũng được học chung dưới mái trường Chúa Hài Đồng.
BIẾN CỐ 1975
Biến cố này đã thay đổi toàn bộ cuộc sống và sinh hoạt của chị em. Bao nhiêu ưu tư, lo lắng khiến chị em tự hỏi không biết có thể tiếp tục sống đời tu trì trong hoàn cảnh xã hội mới này không, vì hầu như đa số chị em sống trong ngành giáo dục… Theo quyết định của Nhà nước, chị em từ giã việc dạy học để chuyển sang các ngành nghề tiểu thủ công: thêu, may, dệt len, đan len, móc áo… chăn nuôi, trồng tỉa và nông nghiệp. Hoàn cảnh mới, công việc mới, chị em rất khổ cực vì không quen lao động tay chân. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, chị em đã thích ứng được với môi trường, hoàn cảnh và công việc mới một cách nhẹ nhàng thoải mái. Sau cơn mưa trời lại sáng… Mọi công việc, mọi sinh hoạt của cộng đoàn đã trở lại bình thường. Cho đến năm 2001, hầu như toàn thể trụ sở Nhà Mẹ đã được thay đổi toàn diện: một ngôi Nhà Nguyện nền nã và thanh thoát vươn lên tại trung tâm Tu viện, được Khánh Thành và Cung Hiến ngày 27.12.2000. Ngoài ra, còn khu Nhà Tập, khu nhà Mẫu Tâm dành riêng cho các chị cao tuổi và các chị em về dưỡng bệnh. Thêm vào đó, lại có ngôi trường Mẫu Giáo Dân Lập Duy An 3 lầu rất đẹp đẽ, khang trang, thoáng mát vừa hoàn thành kịp ngày khai giảng niên học 2001-2002. Các nếp nhà cũ cũng được tân trang cho sạch sẽ hơn.
Hội dòng được như hôm nay là nhờ tình thương hải hà của Chúa, lòng thương yêu của Mẹ Maria và sự bầu cử rất đắc lực của Cha Thánh Giuse Bổn mạng. Dưới muôn vàn hình thức, các Ngài đã lo cho Hội dòng.
Mỗi năm cứ vào ngày 14 tháng 9 Lễ Suy Tôn Thánh Giá, thường có cuộc họp mặt gia đình Mến Thánh Giá Tại Thế.
Hằng ngày có đoàn người trẻ đi thăm nom chăm sóc các bệnh nhân tại các gia đình neo đơn, đem Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt tại các gia đình chung quanh.
Xét chung, trình độ văn hoá cũng như nghiệp vụ chuyên môn cần thiết cho đời sống mục vụ đang được từng bước nâng cao.
Là những người kế thừa gia sản quý báu của các bậc Tổ tiên, quý Đấng ân nhân đã và đang còn tiếp tục giúp Hội dòng, chúng ta chỉ biết dâng lời cảm tạ Chúa và thành kính tri ân các vị Bề Trên, quý ân nhân và thân nhân đã nâng đỡ Hội Dòng trong suốt những năm tháng khó khăn.
Noi gương các vị tiền bối, chị em ta nguyện trung thành với Chúa, với Linh đạo của Đấng Sáng lập, để Hội dòng chúng ta mãi vươn lên dưới bóng Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô Chịu- Đóng-Đinh và Phục Sinh Vinh Quang.
Cộng đoàn Nhà Mẹ Gò vấp tính từ năm 1954 đến nay có 02 Mẹ Bề trên và 04 Chị Tổng Phụ trách :
– Mẹ Anna Maria Trần Thị Bạch Hương: 1954 – 1960.
– Mẹ Elisabeth TrầnThị Nhẫn: 1960 – 1984.
– Chị Tổng Phụ Trách Anna Nguyễn Thị Kim Hiên: 1984 – 1990.
– Chị Tổng Phụ Trách Anna Nguyễn Thị Thanh: 1990 – 2010
– Chị Tổng Phụ Trách Têrêsa Nguyễn Thị Bích Thủy: 2010 – 2018.
– Chị Tổng Phụ Trách Anna Phạm Thị Sáng: 2018 – nay.
Hiện nay cách chị em trong tu viện nhà mẹ đang phục vụ tại 14 giáo xứ, công việc mục vu bao gồm phụ trách coi ca đoàn tập hát, đánh đàn, dạy giáo lý, trao Mình Thánh Chúa, tập múa phụng vụ dâng hoa, hoạt cảnh các dịp…
Hình ảnh cộng đoàn Nhà Mẹ hiện nay…2019