Di cảo số 2 – Luật tu hội các trinh nữ và phụ nữ đạo đức…(Phần 1)

LUẬT TU HỘI CÁC TRINH NỮ VÀ PHỤ NỮ ĐẠO ĐỨC
QUY TỤ DƯỚI DANH HIỆU MẾN THÁNH GIÁ
ĐỨC GIÊSU KITÔ CHÚA CHÚNG TA
Tháng 02 năm 1670
LUẬT TIÊN KHỞI
(Ltk)

(Congregazione di Propaganda, Archivio Storico, S.O.C.TR., Indie Orientali, vol.3, tr.152a-154a; A. LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine: Documents historiques I (1658-1728), Téqui, Paris 1923, tr. 97-99; Histoire de la Mission du Tonkin, Documents Historiques I, Téqui, Paris 1927, tr.102-104; Les Relations, tr.298-302)

A. Lời giới thiệu

1. Luật Tiên Khởi có hai ấn bản bằng tiếng Pháp, xuất bản năm 1923 và năm 1927[[1]], và một bản chép tay bằng tiếng Latinh do Đức Cha Pierre Lambert đệ trình Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX để xin phê chuẩn, hiện được lưu giữ trong văn khố Bộ Truyền Giáo[[2]]. Bản văn Latinh này chính xác và đầy đủ hơn hai ấn bản tiếng Pháp và mang tính chất chính thức, nên được chọn làm bản chuẩn để phiên dịch sang tiếng Việt.

2.Nội dung gồm năm chương:

2.1. Chương I do chính Đức Cha Pierre Lambert cung cấp chứa đựng những thông tin rất quý báu, về sự hình thành Dòng Nữ Mến Thánh Giá và bản Luật Tiên Khởi, những thông tin mà ngài sẽ nói rõ hơn trong lá thư đệ trình Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX, ngày 12.10.1670. Theo Luật Tiên Khởi I,4-5, ngài giới thiệu bản Luật Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế cho nhóm phụ nữ đạo đức Đàng Ngoài, nhưng vì họ muốn sống tinh thần bản luật đó theo lối sống của những nữ tu có lời khấn và sống thành cộng đoàn, nên Đức Cha Pierre Lambert đã lấy lại những yếu tố linh đạo trong bản luật này và bổ sung “những quy luật được ban thêm cho họ đúng ý Giáo Hộ i [[3]], nghĩa là những quy định về các đặc điểm của đời sống tu trì như: ba lời khấn, đời sống cộng đoàn, vai trò của Bề Trên, đời sống cầu nguyện, sinh hoạt tông đồ như chúng ta thấy trong Luật Tiên Khởi III-IV,1-7.13-14.

2.2. Những yếu tố linh đạo giống nhau và những quy định pháp lý khác nhau giữa Luật Tiên Khởi của Dòng Nữ Mến Thánh Giá Luật Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế xuất hiện khá rõ trong các chương II-V của Luật Tiên Khởi.

a. Cả hai bản luật đều nêu ra mục đích của hai tổ chức này: hằng ngày suy gẫmnoi theo cuộc Thương Khó của Chúa Kitô (x.Ltt II,1-2//Ltk II)[[4]].

b. Cả hai bản luật đều hiểu rằng việc suy gẫmnoi theo cuộc Thương Khó (hoặc Thánh Giá) của Chúa như là biểu hiện của Tình yêu thực tiễn dành cho Thánh Giá Con Thiên Chúa (x.Ltt II,1-2), và như là phương thế thuận lợi nhất để đạt tới sự hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô (x.Ltk II).

Hai yếu tố vừa nêu làm nên đặc điểm cốt lõi của linh đạo Mến Thánh Giá, là linh đạo tập trung vào Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh, đối tượng duy nhất của lòng trí mỗi người, và dành một tình yêu thực tiễn (được chứng tỏ bằng những việc làm cụ thể) cho Thánh Giá Cứu Độ của Con Thiên Chúa.

c. Cả hai bản luật đều quy định những thực hành cụ thể hầu như giống nhau, để đạt mục đích nêu trên:

        • Hằng ngày suy niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô: nửa giờ theo Luật Tại Thế IV,3; một giờ theo Luật Tiên Khởi IV,8b;
        • Hằng ngày đánh tội trong lúc đọc Thánh vịnh Sám Hối (Tv 50), trong năm ngày đầu Tuần Thánh thì gấp đôi, ngày thứ Sáu Tuần Thánh tăng lên gấp ba (x.Ltt IV,4a-d//Ltk IV,8d);
        • Ăn chay mỗi ngày thứ sáu (x.Ltt IV,5a//Ltk IV,12);
        • Các Nữ tu Mến Thánh Giá kiêng thịt suốt năm trừ ba ngày lễ lớn: Giáng Sinh, Phục Sinh và Hiện Xuống (Ltk IV,11). Còn Luật Tại Thế không đề cập đến.
        • Cử hành ba ngày lễ đặc biệt: Cắt Bì, Tìm Thấy Thánh Giá và Suy Tôn Thánh Giá (x.Ltt IV,5b//Ltk IV,10).

       d. Cả hai bản luật đều nêu lên sứ vụ đặc biệt của các thành viên là chuyển cầu. Luật Tại Thế với tầm nhìn mở rộng: chuyển cầu cho lương dân, cho các Kitô hữu bất hảo, cho Giáo Hội và cho kẻ thù (x.Ltt IV,4c.6b). Còn Luật Tiên Khởi chỉ giới hạn vào lương dân (x.Ltk III,1) trong ba miền truyền giáo: Đàng Trong, Đàng Ngoài và Trung Hoa thuộc trách nhiệm các vị Đại Diện Tông Tòa người Pháp.

       e. Những yếu tố phân biệt Luật Tiên Khởi với Luật Tại Thế nằm trong các quy định pháp lý đặc biệt liên quan tới đời sống tu trì như đã nêu ở trên.

Đây là bản luật khung, ngắn gọn với những yếu tố linh đạo có giá trị vĩnh hằng, nhưng một số quy tắc cụ thể liên quan tới đời sống cầu nguyện, đời sống khổ chế và cơ cấu quản trị thì cần được thích nghi với Giáo Luật hiện hành.

(Còn tiếp)


[[1]] A. LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine I (1658-1728), otr.cit,tr. 97-99; A. LAUNAY, Histoire de la Mission du Tonkin I, tr.102-105; – Ấn bản trước chính xác hơn ấn bản sau ở các câu Ltk I,7; III,1.

[[2]]  X. Archivio storico S.O.C.P, Indie Orientali, vol. 3, tr.152a-154a.

[[3]] T.Clem 27

[[4]] Nên biết Luật Mến Thánh Giá Tại Thế dùng từ suy gẫm, còn Luật Tiên Khởi dùng hai từ tưởng nhớsuy gẫm; Luật Tiên Khởi thay vì dùng từ noi theo cuộc Thương Khó của Chúa thì diễn tả bằng câu thể hiện sự suy gẫm ấy ra bên ngoài bằng một hành động hãm mình phạt xác. Chính Luật Tiên Khởi I,4 cũng diễn tả hai việc suy gẫm noi theo bằng một câu dài hơn: Chuyên chú suy gẫm và chia sẻ những nỗi khổ đau của Người hằng ngày. Những kiểu nói này có thể coi như đồng nghĩa.

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube