Ký Sự Cuộc Hành Trình Của Đức Cha Beryte (Chương 17)

KÝ SỰ CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC CHA BERYTE – Jacques de Bourges

Chương 17

Trở lại Âu Châu bằng đường biển.

Cái chết của giám mục Metellopolis .

Tới Luân Đôn.

Theo lệnh của đức cha Beryte và vì những lý do mà tôi đã trình bày, tôi sẵn sàng trở lại Âu Châu. Với tôi, đó là cả một chuyện đau lòng thấy mình phải rời xa chốn sứ vụ thừa sai của chúng tôi, nơi mà tôi thấy mình đã thật gần gũi và đã cảm nhận được cái dịu dàng ngọt ngào trong sứ vụ thừa sai này. Tuy nhiên tôi không nghĩ là mình sẽ rời xa thực sự, vì mục đích chuyến trở lại Âu Châu của tôi là cho lợi ích và phục vụ sứ vụ thừa sai này mà thôi. Từ khi tôi lên đường trở lại, tôi đã phải hy sinh cố gắng trong lòng để tuân phục mệnh lệnh đã truyền cho tôi. Tôi cảm thấy như tôi không còn là chính tôi nữa và tôi như bị bỏ rơi ngay tại quê hương mình. Tôi chỉ biết tự an ủi rằng sẽ sớm trở về (nơi sứ vụ thừa sai) và với ý cố gắng, trong thời gian tôi còn ở Âu Châu, làm cho người ta hiểu tầm quan trọng của sứ vụ chúng tôi hầu kêu gọi được nhiều thợ thừa sai góp phần vào đó.

Tôi rời Xiêm La ngày 14 tháng Mười, khoảng 8 giờ tối, để ra đến một con tàu người Anh quốc sẽ căng buồn sang Madras, thị trấn thuộc Hãng hải thương Anh quốc. Tôi mất 24 giờ để đi hết 35 dặm trên sông Xiêm La, gặp được con tàu đã lên buồm ngoài cửa khẩu. Con tàu chưa dám khởi hành vì gặp 3 con tàu người Hòa Lan trang bị vũ khí chiến đấu đang lên ngược dòng sông Xiêm La. Hai người Bồ Đào Nha ở cùng với tôi gặp thấy vậy thì quá sợ hãi, vội vàng lấy hành lý ra khỏi tàu người Anh quốc mà họ cho là sắp sửa bị rơi vào tay người Hòa Lan. Một tên đầy tớ mà tôi lấy đem theo tôi thì vừa trông thấy biển hắn đã bỏ tôi rồi; do đó, tôi là người duy nhất trong tàu Anh quốc này theo đạo (Công giáo) và duy nhất có chức vụ (linh mục). Ông thuyền trưởng lúc ấy chưa biết rõ phải hành xử ra sao, phần thì không thể rời chuyến đi lại, phần thì không dám lộ mặt ra trước người Hòa Lan vì chưa biết ý đồ của họ ra sao. Tuy vậy, ông vẫn tiến tới phía con tàu Hòa Lan lớn nhất và chào bằng nhiều phát đại bác. Ông thuyền trưởng được họ cho hay là người Hòa Lan đến đó để buộc nhà vua Xiêm La giải quyết một vài điều phỉ báng mà họ nói là họ đã phải chịu. May mắn cho tôi là gặp được trên những con tàu Hòa Lan này một người bạn. Người bạn tôi đã giúp tôi bằng một lá thư gửi gắm cho quan toàn quyền tại Malacca. Cái bí mật trong những cuộc hành trình này là đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội để gây bạn bè, người ta luôn luôn có dịp cần được phục vụ và giúp đỡ.

Ngày 4 tháng Mười Một, chúng tôi gặp 3 người trên một con đò tồi tệ, họ là những kẻ thoát khỏi tai nạn đắm tàu, trôi theo sóng biển, không hướng không lương thực. Người ta đón họ lên tàu, và chắc hẳn như thế là người ta đã cứu mạng sống cho những kẻ bất hạnh này.

Ngày 13 (trong tháng), chúng tôi đến trước eo biển Sincapur và Petra-Banca (1). Vì gió ngược nên mãi đến ngày 20 chúng tôi mới qua khỏi đó, vào cảng Malacca vào chiều ngày 27.

Vào lúc ấy, người ta thông báo hòa bình đã được ký kết giữa nhà vua Bồ Đào Nha và giới cầm quyền Hòa Lan. Hồi trước tại Malacca cũng như các vùng lân cận, có rất nhiều người Công giáo. Khi người Hòa Lan làm chủ nơi này thì họ đuổi đi gần hết, chỉ còn lại chưa tới 5 hoặc 6 trăm người, lại không được một chút tự do hành đạo và chẳng nhận được giúp đỡ tinh thần nào nữa.

Ít lâu trước khi đến Malacca, chúng tôi gặp một đội tàu Hòa Lan từ Nhật Bản trở lại. Lúc ra đi, 8 tàu thì 5 tới nơi, còn 3 bị đắm; lúc trở lại, 5 tàu thì 2 bị nạn; và 3 tàu còn lại thì các cột buồm đều gãy nát tơi tả. Tuy thế, người ta chắc chắn với chúng tôi rằng vẫn còn khá nhiều của cải trên 3 con tàu đó mà bù đắp vào thiệt hại mà đội tàu trên phải chịu, để khỏi hối tiếc chuyến đi Nhật Bản bao lâu người ta còn tìm được kho tàng trên đảo đó.

Ngày 6 tháng Giêng, tàu chúng tôi vào cảng Massulpatan. Tôi đi chào ngài nhân viên (Hãng hải thương) Anh quốc. Ông tiếp tôi rất lịch thiệp, mặc dù các ông người Anh quốc này đã khó chịu khi tiếp đức cha Heliopolis mà cách đây ít lâu đã đến ban Phép Thêm Sức cho vài gia đình Công giáo cư ngụ kế cận thị trấn Madras. Chúng tôi tới được thị trấn Madras 4 hoặc 5 hôm sau đó theo đường biển. Lên bờ, tôi gặp được cha Ephrem de Nevers là người được tin tôi đến, đã ra trước đón sẵn. Ngài Dom Edouart là quan toàn quyền của người Anh quốc tại Madras, đã tiếp tôi ân cần nhất có thể. Biết ý định của tôi muốn trở về Pháp, ông đã hứa với tôi là sẽ lo chuyến đi cho tôi với các thuyền trưởng của đội tàu biển người Anh đang sắp sửa trở lại Âu Châu.

Tại Madras, tôi hay được hai tin mà một tin đã làm tôi hết sức vui mừng: đó là tin cuộc hành trình bình an của đức cha Heliopolis và ngài đã rời Massulpatan đi Tenasserim. Tôi đoán là chẳng mấy chốc nữa, ngài sẽ đoàn tụ được với đức cha Beryte đang chờ đợi ngài tại Xiêm La và đã phải hoãn việc đi Trung Hoa lại để mong gặp ngài cùng các giáo sĩ theo ngài (2).

Một tin khác đã khiến lòng tôi đau đớn khôn cùng là tin đức cha Metellopolis qua đời, tin đến được trấn Palacol, xa Massulpatan hai ngày đường: cách đây khoảng một năm, vì đức cha bị bệnh tại Massulpatan, người ta đã đem ngài tới trấn này để ông Montval săn sóc. Ông Montval là y sĩ giải phẫu người Pháp đang phục vụ cho các người trong Hãng Hòa Lan. Đức cha đã nhận được trọn mọi sự săn sóc mà người ta có thể trông chờ nơi một y sĩ người Pháp, lại là một người rất lương thiện và là một người Công giáo nhiệt thành. Nhưng cơn bệnh của ngài không còn cần đến thuốc thang nữa: lúc ngài đến Palacol, ngài bị sốt li bì và thổ ra máu khiến sức lực kiệt quệ, tình trạng thập tử nhất sinh. Ngài chỉ còn chuẩn bị chết và kết thúc đời mình như của lễ hiến dâng mà ngài đã bắt đầu từ khi dấn thân vào công cuộc ra đi đến xứ Trung Hoa. Người ta có thể chắc chắn rằng lòng nhiệt thành đã thiêu rụi con người của đức cha: sự nhẫn nhục chịu khó để đi từ Paris đến bờ biển Coromandel này dòng dã gần một năm trời nay lại thêm một đời sống khắc khổ nơi ngài, đã là nguyên nhân cái chết của ngài.

Cái hay của hành trình qua đường biển Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Ấn Độ Dương không phải là đi thật nhanh, nhưng là đi đều đặn, biết dừng chân từng chặng để nghỉ mệt. Con đường này rất đỗi khó nhọc và mới lạ đối với những ai rời Âu Châu mà đến, và có thể làm kiệt quệ những sức khoẻ dẻo dai nhất nếu mình không biết gìn giữ sức mình.

Đức cha Metelloplis qua đời ngày 16 tháng Tám năm 1662, sau hai mươi ngày bị bệnh, và một năm sau khi rời nước Pháp. Ngài được an táng tại Palacol. Ngài đã lãnh nhận các Bí Tích sau cùng từ tay một trong các giáo sĩ theo ngài. Giáo sĩ này đã chứng thực rằng đức cha đã trung kiên và nhẫn nhục, rất đạo đức, khi biết tin mình sắp qua đời. Hơn nữa, lại qua đời giữa vùng đất xa lạ, nơi ngài thấy mình không còn biết trông cậy vào sự cứu trợ nào nữa nơi người phàm trần. Ngài vẫn thường hay lập lại luôn rằng chẳng có gì phải phàn nàn khi chết đi sau cả một đời cố gắng phụng sự Thiên Chúa. Suốt thời kỳ bệnh hoạn, ngài không bao giờ bỏ dâng Thánh lễ, trừ ra ngày cuối cùng, ngài chịu Lễ vào sáng sớm và qua đời lúc sáu giờ, mắt nhìn thẳng lên trời, tay cầm tượng Chịu Nạn và tâm hồn chìm vào trong sự an bình, thanh tịnh tuyệt vời. (Trong lúc hấp hối), ngài thỉnh thoảng lại nói: «Thực là tốt thay được phụng sự Thiên Chúa khi ta còn có thể». Người ta đã bảo rằng trong khi tình yêu cực thánh xâm chiến ngài đến tột cùng thì con người ngài dịu dàng rời khỏi chính mình để buông vào trái tim của Đấng đã tạo dựng nên ngài. Thật khó mà diễn tả hết cái trầm tĩnh tinh thần mà ngài giữ được cho đến hơi thở cuối cùng. Ngài thấy giờ của ngài đang đến, sức lực của ngài bỗng hụt hẫng vì cơn đau sốt lạnh và vì thổ ra máu. «Mọi sự diễn ra tốt đẹp, ngài nói, Vĩnh Cửu đã kề bên, chúng ta sẽ mãi mãi là như chúng ta đã là trong cuộc đời này của chúng ta».

Ngài được 31 tuổi, làm linh mục lúc 23 tuổi với phép chuẩn của Toà Thánh (3) để điều hành nhà xứ chính tại thành phố Aix en Provence. Trong việc điều hành ấy, ngài đã tỏ ra một nhân đức cẩn thận hiếm có, một lòng đạo đức gương mẫu với lòng sốt mến không mỏi mệt vì phần rỗi và vì sự tiến bộ của các linh hồn dưới sự hướng dẫn của ngài.

Người ta có thể xét cái thiệt hại to lớn của chúng tôi qua cái công trạng to lớn của vị giám mục nhân đức này: trong chức bậc rất cao sang, ngài có các nhân đức cần thiết để chu toàn hiệu quả phẩm chức mình. Toà Thánh đã tôn dương ngài khi đặt ngài làm giám mục đầu tiên của kinh thành Bắc Kinh và tỉnh Nam Trung Hoa là tỉnh lớn nhất của đất nước này, nơi có triều đình nhà vua, nơi giới quý tộc và các quan lại quốc gia thường cư ngụ, và là nơi mà Kitô giáo phát triển nhiều nhất.

Vì những nguyên nhân mà chúng ta phải tôn kính, Chúa đã gọi đầy tớ Ngài về với Ngài và ân thưởng cho người đầy tớ ấy giữa lúc cuộc hành trình. Và cũng là để tôi luyện lòng tin tưởng của những kẻ khác và để giúp họ phó thác vào Đấng Quan Phòng cách hoàn hảo, tùng phục, hơn là dùng cái chết này mà làm nhát đảm những người thợ (thừa sai) nhiệt thành. (Kinh nghiệm này) còn giúp cho (những kẻ khác) biết sống theo ơn gọi của mình, mà đặc biệt nhờ đó, họ tiến bộ trên hết mọi sự, luôn sẵn lòng chết cho danh Chúa Giêsu Kitô và vì sự rỗi các linh hồn mà Chúa đã mua chuộc bằng mạng sống và giá máu đổ ra.

Vừa tới Coromandel, đức cha Heliopolis liền đến Palacol, xin phép người Hòa Lan – vì trấn Palacol thuộc quyền của họ – đem xác đức cha Metellopolis về Massulpatan, an táng trong một ngôi thánh đường chờ có dịp sẽ đem cải táng trong một thành phố Công giáo.

Nhưng giờ phải trở lại với cuộc hành trình của chúng tôi. Tôi không có ý xen vào nơi đây những gì có thể bàn về nhân đức của vị giám mục này. Để làm việc ấy, phải có nguyên một ký sự riêng, nhưng việc ấy xin dành cho người nào đó có khả năng hơn tôi để bàn bạc cho xứng đáng.

Dù quan toàn quyền Edouart có tốt bụng mấy đi nữa, ông vẫn gặp cái khó chịu nơi các thuyền trưởng người Anh muốn tôi phải đưa tiền để trả cái ơn huệ mà tôi xin là được trở về Âu Châu với họ. Cuối cùng, tôi thỏa thuận với một thuyền trưởng cái giá là 70 quan tiền «pagode», trị giá 140 quan tiền ê-cu của chúng ta. Giờ khởi hành thật vội vàng khiến tôi chỉ còn có nửa ngày trời để lo lương thực cần thiết cho cuộc đi biển thật dài, chủ yếu là cho thời gian Mùa Chay sắp đến mà tôi sẽ sống một mình theo tôn giáo của tôi, giữa đoàn thuyền viên tất cả đều là tín hữu đạo Tin Lành. Phải phó mình trong tay Chúa. Lúc khởi hành ra đi, tôi nhận được rất nhiều sự ân cần của các người Bồ Đào Nha. Họ tiễn tôi ra bến và nhìn theo chiếc xà lúp chở tôi ra tàu cho tới khi khất dạng.

Tàu căng buồm vào nửa đêm. Và ngày 28 tháng Chạp, chúng tôi đi ngang, trông thấy rặng núi đảo Zeilan, bên tay phải chúng tôi. Sau khi bị trì trệ khá lâu vì các giòng nước mà chúng tôi khó lòng giải thích nguyên nhân, chúng tôi qua được giới hạn ngày 5 tháng Giêng. Tàu phải dừng lại vì trời lặng gió. Mặc dù người ta gặp được gió ở hướng độ 14, (phần chúng tôi), chúng tôi chỉ tìm thấy được gió ở hướng độ 20, điều mà các thuỷ thủ của chúng tôi quả quyết là không bao giờ xảy ra. Do vậy nên chúng tôi hết trông đợi qua được Mũi Hy Vọng và sợ phải qua mùa đông tại đảo Madagascar. Từ đó, người ta bắt đầu tiết kiệm lương thực, nhất là nước ngọt. Sau cùng, chúng tôi rớt vào trong tình trạng là chúng tôi chỉ có thể qua được Mũi Hy Vọng chậm nhất vào đầu tháng Tư, như thế chúng tôi còn lại đúng 30 ngày để đi được một tuyến đường 1500 dặm biển, theo tính toán chính xác của các hoa tiêu của chúng tôi.

Tuy nhiên, ngoài mọi sự trông đợi của chúng tôi, ngày 8 tháng Tư, trời đổ mưa như Chúa đã quan phòng, làm gió thuận đưa tàu đi thẳng một đường; mỗi ngày tàu vượt nhiều dặm biển, cứ tựa như mọi sự đều được dồn lại để cuộc hải hành được thuận lợi nhất.

Ngày 7 tháng Tư, chúng tôi qua Mũi Hy Vọng và bắt đầu vẽ đường về hướng đảo Sainte-Hélène. Chúng tôi nhận ra đảo vào chiều ngày 26, nhưng không dám tới gần vì sợ trời tối. Hôm sau, chúng tôi tới nơi, gặp được 3 con tàu Anh quốc đã chờ đợi chúng tôi khá lâu ở đó để cùng đi chung với nhau cho trọn hải trình. Bởi vì người ta không biết gì về hiện trạng tại Âu Châu và sợ có chiến tranh với những kẻ mà chúng tôi đã để yên lúc mới khởi hành (4), các tàu người Anh thường có thói quen tụ hợp lại tại đảo này mà hiện nay họ làm chủ. Với tất cả các người vượt biển vùng Ấn Độ Dương thì cũng đều như vậy cả.

Đảo Sainte-Hélène là một tảng đá, chu vi chừng 60 ngàn dặm Anh, tức 20 dặm Pháp. Mặt đảo nào cũng không thể cặp tàu vào được, trừ ra hai chỗ mà tảng đá mở ra làm thành hai thung lũng, nước ngọt chảy liên tục. Trong thung lũng lớn nhất, là một pháo đài; trong thung lũng nhỏ, là một đồn trấn nhỏ với vài khẩu đại bác. Trên cao những tảng đá, có vài vùng bình nguyên, đất rất màu mỡ, cung cấp cỏ và rau cho người sống trên đảo – quãng chừng 50 người, đàn ông và đàn bà, tất cả đều là người Anh – cũng như cho các con tàu từ Ấn Độ trở về cặp vào đó lấy nước. Cái phì nhiêu và hiền lành của hòn đảo là cả một sự diệu kỳ: đất chỉ sâu một hay hai bộ phủ trên mặt đá, thế mà người ta đã vun trồng gần như được đủ các loại hạt giống của đất Âu Châu. Dân đảo, dù bị cắt đứt với mọi thương mại của các vùng đất khác vì biển cả bao la, lại sống nhàn hạ ở đây và vui với những gì đất Âu Châu đem đến cho họ.

Đảo có nhiều chanh và nhiều dê, mà người Bồ Đào Nha khi trước còn là chủ nền hải thương Ấn Độ Dương đã đem tới, và từ đó đã sinh xôi nẩy nở rất nhiều. Đó là một trong các thói thực hành của họ là chuyên chở khắp nơi các giống thú có ích lợi cho con người để còn trợ giúp cho hải đội của họ. Cái khổ là họ còn để lại cả chó nữa: chúng sinh sản ra, thành chó hoang, phá quấy người Anh không ít; nhưng cũng tạo dịp cho người Anh tổ chức đi săn chơi vui giữa cái cô đơn trên đảo. Dân đảo chỉ thấy được bóng người Âu Châu một năm một lần khi đội tàu Hãng hải thương Anh quốc từ Ấn Độ trở lại, hay, khi có những con tàu nào khác vì bão, vì gió hay vì cần lấy nước ngọt, phải ghé vào đó.

Việc nghỉ chân (trên đảo) ấy thật vô cùng thú vị mà người ta không thể nào tưởng tượng ra được: sau ba tháng ròng cực nhọc trên tàu biển, nay được đặt chân lên đất liền, được đi lại, được uống nước trong lành, được ăn trái cây tươi và được hưởng canh rau mới hái trong vườn ra. Chính vì lẽ đó mà người Anh đã chiếm hòn đảo này, vì cái thuận tiện của đảo nằm giữa đại dương và lại gần như hòn đảo duy nhất mà ta có thể nghỉ mát thỏa thích.

Sau khi chúng tôi đã lấy nước dự liệu trên đảo Sainte-Hélène, chúng tôi lại lên tàu đến đảo Ascension, và đến nơi ngày 5 tháng Năm và gặp được 2 con tàu Anh quốc đang chờ chúng tôi ở đó từ hai hôm trước.

Đảo Ascension là mảnh đất cằn cỗi, khô khan và cháy bỏng, chu vi là 70 dặm Anh, đầy những núi cao: có một ngọn núi cao tận tầng mây và luôn luôn có sương mù bao phủ. Không ai ở trên đảo này, đảo chẳng có gì là thuận tiện cho đời sống, không cây cối không nước ngọt. Tàu bè có ghé vào chốn này cũng chỉ là để đi săn rùa biển. Săn rùa biển vào muà này thì thật tuyệt vời: giống thú này lên đất liền để đẻ trứng. Suốt đêm, chúng lên khỏi biển và tràn khắp bờ biển như các đoàn lính đổ bộ. Có những con nặng đến 300 cân (5), con khác thì 500 cân. Chúng chỉ lên khỏi biển vào ban đêm, chúng dấu trứng trong những cái hố mà chúng đào thật sâu trong cát, rồi sau đó trở lui lại biển.

Cái bản năng của giống thú này thực là lạ lùng: vì chúng đẻ rất nhiều trứng, chúng khó lòng mà đẻ dưới nước được, vì phần thì cá mú sẽ không bỏ qua, phần khác thì nước lại lạnh. Thiên nhiên đã dạy chúng biết tìm đến nơi an toàn là hòn đảo hoang vu này, có cát ấm, đặc biệt cho việc nở trứng. Rùa con vừa ra khỏi vỏ trứng thì chúng đã tìm ngay đường xuống biển vì sợ chim chóc thường đến tấn công rất nhiều rùa con.

Để bắt được những con rùa lớn, các thủy thủ vào khoảng nửa đêm đến nấp sau các tảng đá, rồi ra hiệu mà chạy ùa ra cùng một lúc, nhanh nhất có thể, khi các con rùa vừa lên khỏi biển hoặc lúc chúng đang bận việc riêng. Họ lật ngửa chúng lên và kệ mặc chúng như thế cho tới hôm sau, bởi vì giống rùa biển nặng nề ấy không thể tự chúng lật ngược mình lại được. Thịt rùa khá ngon và bổ cho sức khỏe, cứ như là ăn thịt bò non. Chúng sống được tới ba mươi, bốn mươi ngày dưới tàu mà không cần phải nuôi, chỉ hơi gầy đi vào những ngày cuối. Các thủy thủ của chúng tôi trong một đêm duy nhất đã bắt được 170 con tất cả. Thường thì người ta chỉ bắt đủ cho 20 ngày; hơn nữa, sau đó chúng chỉ bò loanh quanh và gây bất tiện.

Trên đảo này còn có nhiều dê do người Bồ Đào Nha trước đem tới, nhưng khó mà bắt được chúng vì nhiều tảng đá người ta không thể leo lên được.

Từ đảo Ascension cho tới Anh quốc, hành trình của chúng tôi luôn luôn tốt đẹp. Chỉ gặp có 3 tàu Hòa Lan: hai đi qua Đông Ấn, một đi từ Guinée sang đảo Barbades chuyên chở nô lệ.

Đoàn tàu chúng tôi tới Luân Đôn ngày 20 tháng Bảy. Tôi ở Luân Đôn tìm thiết lập một vài liên lạc viên với vùng Ấn Độ Dương hầu chuyển đồ cần thiết cho các sứ vụ thừa sai chúng tôi. Chính ở đó mà tôi hay được dự đồ vĩ đại và cao cả mà người ta đang hoạch định bên Pháp về việc gầy dựng thương mại với vùng Ấn Độ Dương. Tôi xét là từ nay khỏi cần phải đi tìm vài cái thuận tiện nơi người nước ngoài nữa, khi mà tôi có thể trông chờ nơi Hãng hải thương mới, đã thiết lập tại Paris do lệnh truyền của đức vua về việc đi biển và thương giao với Ấn Độ Dương. Tôi đội ơn Chúa đã soi sáng công trình tuyệt vời ấy cho hoàng thân cao cả (6). Bởi chưng, thành tựu này chẳng những sẽ là nguồn lợi ích cho nước nhà, mà còn là một phương tiện thuận lợi hòng bành trướng đức tin tới mọi nơi hoàn cầu: chẳng có đất nước nào mà lại có nhiều thợ thừa sai nhiệt thành trong việc truyền bá Kitô giáo cho bằng nước Pháp.

Thật là tồi tệ nếu tôi không ngỏ lòng biết ơn đối với thái độ quân tử của quý ngài người Anh quốc. Suốt cuộc vượt biển, họ đã đối xử tốt với tôi nên tôi nghĩ mình có được những người bạn hiền mà trong đó có viên thuyền trưởng con tàu có tôi trên ấy. Ông đặc biệt nhân từ với tôi đến nỗi tôi không thể cám ơn sao cho đủ. Đó là một con người cao thượng nhất, tận tình nhất và chừng mực nhất mà người ta có thể gặp được giữa những người thuộc tín ngưõng này(7). Không những ông cho riêng tôi một căn buồng lớn trong tàu, lo lắng đặc biệt cho tôi, sai đầy tớ dẫn tôi đi thăm tàu mà đích thân ông lại còn đến hỏi xem tôi có cần sự gì chăng. Mặc dù ông không ưa lắm cái Mùa Chay Thánh của chúng ta vì tôn giáo ông theo, ông vẫn lo cho tôi tôm cá suốt thời kỳ ấy, cho thả câu mà bắt cá (cho tôi) (8). Ông trừng phạt nghiêm khắc mọi chuyện thề thốt cãi vả, chẳng ai thoát khỏi mà không chịu hình phạt; sớm chiều ông đều cho đọc kinh, mà chính ông xướng lên cao giọng. Vào những ngày Chúa Nhật, ông tụ họp mọi người lại, cầu nguyện suốt hơn hai giờ đồng hồ, và thay vì bài giảng dạy thì ông đọc hoặc cho đọc các bài giảng in sẵn mà ông đã mang theo trong mục đích này.

Các đức hạnh nơi vị thuyền trưởng cao thượng ấy đã khiến tôi đem lòng yêu mến ông ta và ao ước lo cho phần linh hồn của ông, nên tôi mới vào chuyện bàn luận cùng ông về các sai phải trong đạo. Ban đầu, ông có vẻ thích nghe, nhưng ngay sau ấy thì tôi nhận thấy ông không mấy hài lòng nghe tôi nói, cứ chuyển sang đề tài khác, mỗi lần tôi muốn đào sâu các vấn đề mà rút tỉa ra cho ông thấy cái lầm lẫn của ông. Do đó, tôi chỉ nói chuyện với ông về những điều luân lý và phép tắc trong đời sống Kitô hữu mà ông lắng nghe, hài lòng. Tôi thành tâm khấn cầu Chúa soi sáng cho ông nhìn thấy chân lý của Ngài và cho ông ơn trở lại đức tin thánh của chúng ta.

Lúc ở Luân Đôn, tôi đã vinh dự được giới thiệu lên bà hoàng mẫu của nhà vua Anh quốc. Bà đã có lòng tốt nghe tôi kể về những sự kỳ lạ trong cuộc hành trình của tôi. Tôi cũng được đặc ân gặp quận tước thành Yorc, ngài hỏi thăm tôi về hiện trạng bên Ấn Độ Dương và cho tôi hiểu cách thế trong việc ngoại giao và sự thể các xứ sở xa xôi nhất. Cuối cùng, sau khi cho tôi hưởng được lòng tốt và dịu hiền của ngài mà ngài vẫn đối xử với mọi người được vinh dự gặp ngài, quận tước giới thiệu tôi lên nhà vua Anh quốc mà tôi cũng nhận được một thái độ không kém ân cần.

Tôi rời Luân Đôn hôm 6 tháng Tám và tôi cứ tưởng mình đã chết chìm trong lúc vượt biển từ Gravesinde đến Dieppe, trên hải trình 12 giờ đồng hồ mà nguy hiểm tới tính mạng còn hơn cả hải trình 10 tháng trời tôi vừa đi qua. Suốt hành trình trên biển, Chúa đã thương cho tôi được sức khỏe bằng an, không phải chịu khó khăn nào đáng kể. Chuyện ấy cho thấy rằng những hải hành đường dài không có quá khó và quá nguy hiểm như những ai chưa có kinh nghiệm hay tưởng tượng ra. Nhưng phải nhận rằng việc lèo lái tốt của các thuyền trưởng và việc tiên liệu khôn ngoan của họ giữ phần quan hệ cho một chuyến đi biển an lành. Không một thủy thủ nào bị chết trên 6 con tàu thuộc hải đoàn của chúng tôi. Chúng tôi có thịt tươi, cá câu có sẵn, chẳng thiếu sự gì; và khi tới Luân Đôn, trên tàu vẫn còn gà vịt đem theo từ Anh quốc, sau khi đã đi suốt cuộc hải hành Ấn Độ Dương.

Tôi đã chú thích rằng một trong các nguyên do việc tôi trở lại Âu Châu là để tạo một cơ sở làm hậu thuẫn bền vững cho sứ vụ thừa sai mà chúng tôi thực hiện, nghĩ là chuyện sẽ hoàn toàn vô ích nếu không hy vọng có thể nâng đỡ và tiếp tục công trình thừa sai ấy.

Tới Paris, tôi hay Đấng Quan Phòng đã lo liệu cho cơ đồ ấy nhiều lợi thế: trong lúc các giám mục đang tiến trên hành trình thừa sai thì một vài giáo sĩ đã đứng ra lo lắng liên lạc, theo dõi công việc của các ngài, và đã lo liệu và được các chứng thư nhà vua cho phép mở một chủng viện. Chủng viện này có mục đích riêng là lo nhận và đào tạo các giáo sĩ được Chúa gọi vào việc lo phần cứu rỗi cho các dân ngoại (9). Các sứ vụ thừa sai chúng tôi cần trông chờ một sự trợ lực cao quý của cơ sở này, có được là nhờ hoàn toàn vào lòng đạo đức của nhà vua và tâm hồn nhiệt thành của ngài với việc hoán cải dân ngoại giáo nơi các xứ mà người Pháp giao thương hoặc các nơi mà người Pháp sẽ lập nghiệp.

Đã từ lâu, chúng tôi dự trù dựng cơ sở này vì lợi ích của việc truyền bá đức tin và thực cần kíp cho việc tồn tại của các sứ vụ thừa sai đã được trao phó cho các giám mục người Pháp. Đức cha Bernard de Sainte Thérèse, giám mục hiệu toà Babylone, đã đặt nền tảng và hoàn tất công trình này bằng cách trao ban cho các ngôi nhà mà ngài đã xây dựng từ nhiều năm rồi trong mục tiêu giúp ích chung cho các sứ vụ thừa sai tại Đông Phương. Nhờ đó, ngôi chủng viện nói trên thành hình. Xin lòng nhân lành của Chúa ban ơn cho cơ sở đạo đức này. Đối với vị giám mục hào hiệp ấy, không những Trung Hoa và các xứ sở Á Châu phải biết ơn, mà cả những sứ vụ thừa sai khác sẽ có thể được thành lập sau này ở các chốn khác trên địa cầu nữa.

Ngay khi đến Paris, tôi đã trình bày ra diễn tiến cuộc hành trình của chúng tôi cho những người đạo đức của thành phố lớn này, những người mà tôi biết là đã đóng góp rất nhiều vào những thành công trong sứ vụ thừa sai của chúng tôi. Tôi chẳng hề thấy lòng nồng nhiệt của họ đối với công cuộc này bị nguội lạnh đi, trái lại tôi chúc tụng Chúa khi nhìn thấy lòng kiên cương của họ trong việc trợ giúp nâng đỡ một công trình rất đỗi khó khăn như vậy: mỗi ngày họ lại cho tôi thấy được những dấu chứng mới về đức tin của họ và về lòng bác ái quả cảm và tinh tuyền của họ, lòng bác ái đã thúc đẩy họ tiến tới.

Tôi gặp tại Paris mọi việc thuộc sứ vụ thừa sai chúng tôi trong tình trạng tốt đẹp nhất mà tôi đã có thể ước mơ. Chính vì vậy tôi chỉ còn nghĩ tới việc lên đường đi Roma để sớm thông tin cho các vị hồng y trong Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin vốn giữ việc điều hành căn bản các sứ vụ thừa sai xa xôi: về lý do trở lại của tôi, về sự thể cuộc hành trình của chúng tôi, và về tất cả những gì có thể làm hầu xây dựng đức tin thánh trong những nơi mà chúng tôi đã nghỉ chân, mà chúng tôi đã thăm hỏi cẩn thận để phúc trình lên được một cách trung thực.

Tôi nhận là các hồng y có một ý hướng đặc biệt tìm tạo thuận lợi cho các sứ vụ thừa sai của chúng tôi. Và sau khi được phép hôn chân đức giáo hoàng, tôi đã nhận được từ ngài một thư tông tòa gửi riêng cho các giám mục Beryte và Heliopolis, cho phép các ngài được thánh hiến ngay tại nơi thừa sai một vị kế nghiệp cố giám mục Metellopolis (10).

Tôi hy vọng sớm đoàn tụ lại với hai giám mục ấy nhờ cuộc khởi hành của đoàn tàu Hãng hải thương Đông Phương (11). Tôi đã nhận được nơi các vị giám đốc Hãng hải thương tiếng tăm ấy những nghĩa cử nhân từ và nhiệt thành đối với công cuộc thừa sai của chúng tôi. Tôi sẽ thực tồi tệ nếu tôi không nói lên lòng biết ơn của tôi: họ chẳng những chỉ nghe theo tiếng lòng đạo đức riêng của mình, mà còn theo gương sáng của đức vua, gương đã cho thấy rõ lòng sốt mến thánh thiện và Kitô giáo đã khiến đức vua cổ võ việc phát triển đức tin nơi các xứ Đông Phương, và nhất là nơi xứ Trung Hoa, xứ mà xem ra đã kết giao riêng với nước Pháp từ ngày nước Pháp đã cho họ những giám mục đầu tiên.

Tôi còn lại gì nữa, thưa bạn đọc, nếu không phải là nài xin quý vị khẩn cầu Thiên Chúa chúc lành cho công việc của chúng tôi và xin Ngài gợi lòng nhiệt thành cho nhiều thợ giỏi có thể phụng sự đạo thánh chúng ta nơi các xứ xa xôi ấy. Hình như mọi sự đều đã được góp lại để tạo dễ dàng cho việc hoán cải người Trung Hoa, người ta không thể khuyếch đại lên cái khổ sở đường xá nữa. Cứ can đảm và kiên cường là khắc phục được. Cũng không thể cáo từ vì cái bất trắc của sự thể: kinh nghiệm đã phá tan những chiêu bài do tính lười biếng của chúng ta đưa ra, vì đã thấy là những kẻ ngoại rất nhậy cảm trước lời giảng dạy về đức tin thánh của chúng ta.

Vậy thì sự gì có thể cản chân bao vị giáo sĩ nhân đức, nếu chẳng phải là cái tính tự ái ngăn họ nếm hưởng cái mạo hiểm của một ơn gọi lớn, ơn gọi sẽ khiến họ từ bỏ mọi sự mà theo gương các Thánh Tông Đồ, dõi bước trên dấu chân các đấng, một đời nhọc nhằn đi tìm cái chết đáng kính cho danh Chúa Giêsu và vì phần rỗi các linh hồn.

Những xứ sở bao la và tuyệt đẹp nơi Đông Phương đang mở rộng khắp phía đón chào lòng nhiệt thành của chúng ta: lẽ nào lại chưa đủ việc cho lòng nhiệt thành của ta ? Ai là người đếm được hằng triệu triệu linh hồn hư mất mỗi ngày và mỗi lúc vì thiếu sự giảng dạy, thiếu người chỉ dẫn cho họ trông cậy vào Chúa và biết kêu tên thánh Chúa Giêsu ?

Ngụy giáo thống trị trong các xứ sở ấy, mất đi vương quyền của Đấng Tạo Hóa. Chỉ tạm có được hai mươi hoặc ba mươi nhà rao giảng làm việc dựng xây sự thờ phượng Chúa. Bạn đọc thân mến, chúng ta hãy xin Chúa Cả, bằng những lời than vãn và những giọt lệ của chúng ta, mở mắt cho các dân ngoại thấy được họ đang mù quáng mà đem lòng gắn bó với Đấng Tạo Hóa của họ. Xin cho các nhà rao giảng, các linh mục và tất cả những ai nhiệt tâm với Thiên Chúa nhận ra được những ích lợi lớn lao có thể tìm thấy trong các xứ sở xa lạ qua việc lo cho phần rỗi các người ngoại giáo.

Vì lòng bác ái cảm thông, chúng ta hãy cố gắng cảm nhận nỗi bất hạnh của họ, và hãy thưa lên cho họ và nhân danh họ rằng:

«Lạy Chúa, xin thương đến chúng con. Xin nhìn đến phận hèn mọn của chúng con. Xin chiếu dọi ánh sáng nhân từ Chúa trên bóng tối tăm chúng con. Xin dạy cho các kẻ ngoại đáng thương lòng kính sợ Chúa, là những kẻ cho đến nay chưa hề biết phụng sự Chúa, và chưa hề nhìn nhận vương quyền cao cả của Chúa là Đấng duy nhất đáng được yêu mến và phụng thờ».

Miserere nostri Deus omnium et respice nos, ostende nobis lumen misericordiarum tuarum et immitte timorem tuum super Gentes quae non exquisierunt te, ut cognoscant quia non est Deus nisi tu, ut enarrent magnalia tua, alleva manus tuas super Gentes alienas ut videant potentiam tuam, ut cognoscant te sicut et nos cognovimus quoniam non est Deus praeter te. (Ecclesiast. 30.cap.)(12) (13).

Hết

Chú thích

Ký Sự cuộc hành trình của Đức cha Beryte

Lời giới thiệu

Chương 1: Những sự việc đã xảy ra tại Roma cũng như tại Paris trước cuộc hành trình của ba giám mục người Pháp được sai sang Trung Hoa.

  1. Đức cha Lambert de la Motte có tên hiệu tòa là Beryte. Vì sự kính trọng, tác giả chỉ gọi ngài là Đức cha Beryte.
  2. «C’est à la conquête de ces grands pays que Notre Seigneur Jésus-Christ invite aujourd’hui le zèle des Français» (trang 3 trong nguyên bản).
  3. Vào thời này, xin nhớ là chưa xứ nào có nền dân chủ.
  4. «Ngụy giáo» («ngụy» = sai lầm): idolâtrie (đúng ra, phải dịch là «Ngụy thần giáo»). Theo tinh thần thời đó và dưới ngòi bút của Jacques de Bourges, người Công giáo chẳng những phải lo rao truyền Chúa Giêsu cho dân ngoại (lương dân và tín đồ Ngụy giáo) mà còn phải lo đưa về lại trong Giáo Hội Công giáo các Kitô hữu ly khai nữa (Chính Thống giáo, Thệ Phản giáo tức Tin Lành giáo, Anh giáo, cũng như các lạc phái Nestoriô, Kitô hữu Thánh Gioan… nói tới trong tài liệu này).
  5. («Cette nouvelle partie du monde»): đương nhiên, chỉ là «mới» đối với người Âu Châu mà thôi.
  6. Tinh thần người Công giáo thế kỷ đó là tinh thần «ngoài Giáo Hội Công giáo, không có ơn cứu rỗi» («Hors de l’Église, point de salut»).
  7. Lúc này, Việt Nam chưa được gọi là Việt Nam, chỉ có xứ Đàng Ngoài (Bắc Việt, le Tonkin) và xứ Đàng Trong (Nam Việt, la Cochinchine). Với người Âu Châu chưa biết gì nhiều về Việt Nam như Jacques de Bourges, Đàng Ngoài và Đàng Trong hai nước khác biệt nhau.
  8. Khi sai 3 giám mục người Pháp sang Viễn Đông, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đã trao cho các ngài một sứ vụ chính yếu là: «Nắm lấy trong tay việc giáo dục giới trẻ, bằng tất cả mọi phương tiện và cách thức có thể được, sao cho họ có đủ khả năng lãnh nhận chức linh mục» (xem Huấn thị «Instructio Vicariorum Apostolicorum ad Regna Tocchini et Cocincinae proficiscentium 1659», trong «Rome et les Missions d’Indochine au XVIIè siècle», Bloud et Gay 1943, trang 392-402, của Henri Chappoulie). Sau này, đức giáo hoàng Innocent XI còn nhắc lại với đức cha Pallu rằng: «Ta ao ước được thấy các con truyền chức cho một linh mục tại những miền ấy hơn là biết có năm mươi ngàn người ngoại giáo trở lại đạo» (Guy-Marie Oury, «Le Vietnam des Martyrs et des Saints», Fayard 1988, trang 57).
  9. «Có thực mới vực được đạo»: các thừa sai rất cần sự nâng đỡ tinh thần và vật chất của các tín hữu. Trong Ký Sự này, Jacques de Bourges đã không hề quên điều này.
  10. Cha Alexandre de Rhodes, vâng lời bề trên, xuống tàu tại Marseille ngày 16 tháng 11 năm 1654, sang rao giảng Phúc Âm tại xứ Ba Tư và qua đời tại đó.
  11. «Le seul moyen d’assurer la Religion en ces lieux et de maintenir les conquêtes de Notre Seigneur» (trang 11).
  12. «Le mémorial».
  13. Ngoài việc phải lo cổ động tín hữu của xứ mình tham gia đóng góp vào việc thừa sai, Jacques de Bourges là người Pháp nên yêu mến đất nước Pháp của mình, như ta sẽ thấy trong Ký Sự này. Đó là chuyện thường tình và đương nhiên.
  14. Chủng viện này sau thành hình được, hiện nằm tại Rue du Bac, Paris.
  15. Là loại tiền của Pháp thời vua Louis XIV.
  16. Khi đi rao giảng, các thừa sai người Pháp không hiểu biết gì nhiều về đường xá cũng như các xứ mà họ được sai đến. Lời thú nhận rất thành thực của Jacques de Bourges ở đây cần được ghi nhận để hiểu mà thông cảm hay ngưỡng mộ những chuyện sẽ xảy ra sau này.
  17. Hãng Đông Ấn (Compagnie des Indes Orientales) của Hòa Lan thành lập vào năm 1602.
  18. Bồ Đào Nha là xứ Công giáo nhưng chống đối việc Tòa Thánh dùng thừa sai người Pháp. Hòa Lan và Anh, ngoài lý do cạnh tranh thương mại, là xứ Tin Lành, không ưa người Công giáo lắm. Lúc này, Pháp chưa có tàu bè thương mại lớn vượt được đại dương tới Trung Hoa.
  19. «Compagnie» (trang 20) gọi là «Compagnie de Madagascar» thành lập dưới thời Richelieu (1642).
  20. Tại Ấn Độ.
  21. Hãng hải thương mới này sẽ được gọi tên là «Compagnie de Chine», lập năm 1659.
  22. «Porter jusqu’aux Nations les plus éloignées la gloire du nom Français» (trang 21).
  23. Thời đó, người ta thường vượt đại đương cùng một lúc bằng nhiều tàu bè, vì sợ cướp biển và nhiều lý do khác. Hòa Lan nổi tiếng là tiến bộ trong kỹ thuật hàng hải, đóng tàu biển.
  24. Bồ Đào Nha hoàn toàn chống đối việc Tòa Thánh dùng thừa sai Pháp, mà Pháp thì chưa có tàu đi tới được Ấn Độ hoặc Trung Hoa. Do đó, trong Huấn thị 1659, Thánh Bộ nhắn nhủ ba giám mục rằng: «Hành trình theo đường bộ xuyên qua xứ Syria và Mesopotamia sẽ bằng an cho các đức cha hơn là đường biển Đại Tây Dương và mũi Hy vọng. Và nhất là các đức cha phải thận trọng về những vùng và những nơi mà, cách này hay cách nọ, lệ thuộc quyền bính người Bồ Đào Nha. Đối với họ, xin các đức cha khi có thể thì gần như đừng chào hỏi ai…» (Xem trong sách đã dẫn của H.Chappoulie). Thánh Bộ đã không lầm, như ta sẽ thấy sau này.

Chương 2: Hành trình của đức cha Beryte từ Paris đến Hispaham.

  1. Nhìn vào địa lý của những vùng được trao cho đức cha Lambert de la Motte, người ta không thể không tự hỏi rằng các hồng y tại Roma có tinh thần hiện thực và có hiểu biết gì nhiều về bản đồ thế giới hay không.
  2. Tức linh mục Jacques de Bourges, tác giả Ký Sự này. Về sau, cha làm giám mục Bắc Việt, tức xứ Đàng Ngoài. Tín hữu Bắc Việt thường gọi ngài là «Thầy Gia» (Jacques = Gia).
  3. Nguyên bản bằng tiếng La Tinh.
  4. «Litière»: một loại gường có mái che.
  5. Linh mục François Deydier. Về sau, cha làm giám mục Bắc Việt, tức xứ Đàng Ngoài, cùng với Jacques de Bourges. Tín hữu Bắc Việt thường gọi ngài là «Thầy Phan» (François = Phan).
  6. Trong giới giáo sĩ thời đó, không có sự bình đẳng: có hạng được trọng vọng, có hạng bị coi thường («haut clergé» và «bas clergé»), bổng lộc cũng khác nhau rất xa.
  7. «Grand-Maître».
  8. Cách nói này trong Ký Sự thường mang nghĩa tôn giáo hơn là là sự hiểu biết thông dụng: không biết gì về Phúc Âm và đức tin công giáo.
  9. Tức Hồi giáo, do Mahomed sáng lập.
  10. Thái độ của Jacques de Bourges đối với đạo Hồi và tín đồ đạo này là thái độ tiêu biểu của giới Công giáo thời trước: nhỏ mọn, khinh dể và đối kháng.
  11. «Janissaire»: lính bộ binh thời đó của Thổ Nhĩ Kỳ.
  12. Cũng như người Việt gọi chung các người Âu Châu là người Tây.
  13. «Caravane» có nghĩa là đoàn người họp lại để cùng nhau qua sa mạc, thường là các nhà buôn.
  14. Tên riêng này (chúng tôi không rõ) có thể là nơi đã ký một thỏa thuận nào đó liên quan đến tương giao giữa vùng đất Hồi Giáo và giới du hành người Âu. Danh từ «la Porte» cũng có nghĩa là giới cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ thời đó.
  15. «Capucins» và «Carmes déchaussés».
  16. Jacques de Bourges sẽ được thêm xác tín về kinh nghiệm này trong tương lai tại Xiêm La, rằng việc các tu sĩ thừa sai chia rẽ và chống đối nhau thường xuyên xảy ra và gây thiệt hại tinh thần không sao kể hết được.
  17. Luôn luôn trong ý hướng để lại kinh nghiệm đi đường cho kẻ theo sau, Jacques de Bourges đã ghi chú rất nhiều chi tiết về cách thức đi đứng, các nơi chốn khác nhau, phong tục tập quán địa phương… Do đó, đây còn là một tài liệu rất phong phú về việc đi lại giữa Âu – Á và đời sống cụ thể của các người dân thời đó.
  18. «Romarin»: cây mê điệp (tự điển Đào Duy Anh).
  19. «Pavillon».
  20. Vì đã quá mệt.
  21. «Outres»: loại túi bằng da thú dùng đựng nước, xử dụng trong sa mạc.
  22. «Purifier les vapeurs de la tête» ( trang 41).
  23. Kinh «Misere»: kinh Vực Sâu.
  24. Cà phê không phải là sản phẩm của Âu Châu và vào lúc đó dân Âu chưa biết nhiều đến cà phê, nên tác giả lần đầu tiên biết tới, đã ghi chú cẩn thận như thế.
  25. Tác giả không nói rõ là ai, song đoán là đức cha Beryte và hai giáo sĩ tháp tùng.
  26. «Curiosité»: chỉ những thứ đồ quý, lạ mà các thương khách hoặc thừa sai Âu Châu thời đó hay đem theo để lấy lòng quan quyền vua chúa các xứ Á Đông.
  27. «Ê-cu» là tiền của Pháp thời đó.
  28. Đây là những Kitô hữu đã ly khai khỏi Giáo Hội Công giáo.
  29. Các thừa sai thời đó đã bỏ ra rất nhiều thời giờ và sức lực trong việc rửa tội cho các trẻ nhỏ hấp hối, nhất vào cái thời mà y khoa chưa phát triển nên trẻ em rất khó nuôi. Đó là do niềm xác tín của các nhà thần học hồi ấy rằng ai không rửa tội, không ở trong Giáo Hội, chết sẽ không được cứu rỗi.
  30. «Khoan dung» (tolérer) không có nghĩa là «chấp nhận» (accepter).
  31. Lương giáo («Gentils») chỉ giới người lương thiện, nhưng không hẳn là theo một tôn giáo nào. Còn Ngụy giáo hay Ngẫu Thần giáo («Idolâtrie») chỉ giới người thờ phượng các thần thánh giả tạo, nghĩa là sai lạc, lầm lẫn (tức là «ngụy»).
  32. «Une certaine nation que lhon appelle Chrétiens de saint Jean, auquel ils portent grand respect et plus quhà Jésus-Christ» (trang 53). Chữ «une certaine nation» (một quốc gia nào đó) ở đây cần phải được hiểu như là «một nhóm người nào đó» hoặc là «một giáo phái nào đó».
  33. «Lumière sensible» (trang 53) = ánh sáng hữu hình, ánh sáng vật lý.
  34. Khi Chúa Giêsu còn sống và sau đó vào thời các tông đồ, có những người Do Thái tin vào Thánh Gioan Tẩy Giả và cho ngài là Đấng thiên sai, chứ không phải là Chúa Giêsu. (Sự kiện này có được nói đến trong Phúc Âm thứ bốn và trong Sứ Vụ Tông Đồ). Nơi đây, chúng tôi tự hỏi cái nhóm «Kitô hữu của Thánh Gioan» này có phải do nhóm người Do Thái theo Thánh Gioan Tẩy Giả xưa (les Baptistes) lưu truyền lại hay không. Những quan niệm của họ về «ánh sáng», «Phép Rửa», «hiến tế xá tội», vân vân, làm chúng ta thấy họ rất gần với đám đồ đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả ngày xưa.
  35. Vào thời Mahomed, những người lạc giáo sống trên đất Hồi giáo không thể dung thứ được, hoặc là họ phải theo đạo Hồi, hoặc là họ phải chịu tử hình.
  36. «Le Paganisme» (trang 55).
  37. Vào thời đó, một trong những tư tưởng thần học về vấn đề thừa sai là đem ánh sáng đến cho những người ngồi trong bóng tối tăm, dư âm của thế kỷ «Ánh sáng» (trong triết sử Tây Phương). Bởi thế, chẳng ngạc nhiên gì khi thấy Jacques de Bourges hay coi người khác là không hiểu biết, lầm lạc.
  38. «D’un pied» = một bộ Anh, quãng 30cm.
  39. «Les Ministres» (trang 55) tức là những kẻ lo việc đền thờ. Jacques de Bourges dùng danh từ riêng của Kitô giáo để nói về các tôn giáo khác là chuyện thường xuyên. Đó cũng là điểm cho thấy vấn đề sứ vụ thừa sai hồi đó như thế nào, ví dụ, không hề có chuyện «hội nhập văn hóa» (lhinculturation) như ngày hôm nay.
  40. Nghĩa là những xứ Cận Đông mà du khách sẽ đến: «Le pays du levant».
  41. «Giáo sĩ triều» để tạm dịch chữ «Séculier» là những giáo sĩ, không thuộc dòng tu nào. Trái lại là «tu sĩ», thuộc một dòng tu nào đó («Régulier»). Tu sĩ khấn khó nghèo, còn giáo sĩ không có lời khấn này.
  42. «6 livres 3 sols», đơn vị tiền tệ Anh hồi đó.

Chương 3: Tiết tục cuộc hành trình của đức cha Beryte, từ Bassora đến Hispaham.

  1. «More» hay «Maure» là dân sống trong sa mạc, gần như không có quốc gia.
  2. «Francs»
  3. Đúng ra là «Ramadan».
  4. Đúng ra là «Coran». Sách Coran đối với Hồi giáo cũng như Kinh Thánh đối với Kitô giáo.
  5. Đây còn là một sứ mệnh mà Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin mong đợi nhóm thừa sai người Pháp này thực hiện hầu Thánh Bộ được độc lập hơn đối với triều đình Bồ Đào Nha.

Chương 4: Vài nét đặc thù của thành phố Hispaham, kinh đô xứ Ba Tư.

  1. Hệ thống chữ cho người mù được sáng chế sau này tại Âu Châu, do một giáo sư người Pháp: Louis Braille (1809-1852).
  2. Vì cách hút thuốc này không có bên Âu Châu, nên Jacques de Bourges ghi chú lại cẩn thận, một cách hiếu kỳ.
  3. «La place royale» (trang 86): khó mà biết rõ rằng Jacques de Bourges muốn nói đến quảng trường triều đình bên Pháp hay bên Ba Tư.
  4. Nói một cách dễ hiểu hơn: nơi này không có tòa giám mục thực sự, chỉ có cái tước hiệu mà thôi.
  5. Bởi vì trên đất Thổ, phải ăn mặc như dân Thổ, đeo khăn người Thổ. Jacques de Bourges có vẻ hội nhập khó khăn nơi đất Thổ Nhĩ Kỳ.
  6. Tức là họ giả bộ xem và đếm hàng để mua mà lợi dụng bỏ túi riêng.
  7. «Les sequins de Venize» (trang 87).

Chương 5: Giám mục Beryte khởi hành từ Hispaham đến Gomeron.

  1. Thời ấy người Công Giáo Pháp vốn hay nghi kỵ người Anh là các Kitô hữu ly khai. Do đó, tác giả có vẻ e dè mỗi lần nói tới họ, nhất là khi phải khuyên nên đi trên tàu của họ.
  2. Tác giả gọi ông này là «lương» (gentil), nhưng đúng ra là tín đồ Hồi giáo (trang 96).
  3. Tác giả có vẻ mỉa mai. Nhưng vào thời ấy, chưa phải là lúc người ta biết tôn trọng và khoan dung đối với người khác tôn giáo với mình.

Chương 6: Giám mục Beryte tới Surate và hành trình tại vùng Ấn Độ.

  1. Thành phố cảng tại Ấn Độ mà lúc đó thuộc quyền người Bồ Đào Nha và họ đặt nơi nàymột tòa tổng giám mục.
  2. Kinh đô Bồ Đào Nha.
  3. Vào thời gian này, mặc dù thế lực của Bồ Đào Nha không còn mạnh như xưa, nhưng họ vẫn còn một số thuộc địa tại Á Châu.
  4. Đương nhiên, các thừa sai người Pháp rất ý thức rằng đi rao giảng như thế là đi ngược lại với ý muốn của triều đình Bố Đào Nha. Hơn nữa, chính Thánh Bộ Roma đã cho họ hiểu chuyện ấy.
  5. Bồ Đào Nha dù yếu thế hơn xưa, nhưng vẫn tìm cách giữ lại quyền lợi của họ theo cái gọi là «Bảo hộ Truyền giáo» («Patroado») mà đức giáo hoàng Nicolas V đã ký nhận cho họ ngày 28 tháng Một năm 1455, qua sắc lệnh «Romanus Pontifex». Dựa theo đặc quyền này, Bồ Đào Nha có độc quyền rao giảng Tin Mừng và tổ chức Giáo Hội tại các nơi họ khám phá ra. Theo thiển ý chúng tôi, cái sai lầm tai hại trong sắc lệnh của giáo triều Roma là đã không cẩn thận giới hạn đặc quyền «Bảo hộ Truyền giáo» vào một khoảng thời gian nhất định. Do đó, vào thế kỷ 17 này, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin bắt đầu phải đối phó nhiêu khê với triều đình Bồ Đào Nha.
  6. Bồ Đào Nha
  7. Bản văn ghi là «six vingt personnes» (trang 101).
  8. «Brahmane» nghĩa là các tu sĩ Ấn Độ giáo (l’Hindouisme).
  9. Lần đầu tiên tiếp xúc với các tôn giáo cổ truyền của Ấn Độ, Jacques de Bourges đương nhiên có cái nhìn thiếu xót, lại thêm cái «mặc cảm tự tôn» của các người Công giáo thời đó khiến đoạn tường thuật trên xem ra rất lạc điệu đối với thế giới hiện giờ, kể cả đối với Giáo Hội Công giáo hôm nay. Mặc khác, Jacques de Bourges không hiểu rõ và do đó không giúp ta phân biệt được đâu là Phật giáo và đâu là Ấn Độ giáo mà từ tôn giáo đó đã phát sinh ra Phật giáo.
  10. Tức là tín đồ Ấn Độ giáo.

Chương 7: Tiếp theo cuộc hành trình của chúng tôi tới Massulpatan.

  1. Cây dừa là loại cây miền nhiệt đới, không có bên Pháp.
  2. Các thừa sai Pháp đã nghĩ tới chuyện rao giảng Tin Mừng ở đó trong trường hợp không vào được Trung Hoa.

Chương 8: Xuống tàu tại Massulpatan đi Tenasserim.

  1. Thời đó tàu bè chạy bằng buồm, nên gặp lúc gió lặng, tàu nằm một chỗ trên biển cả, đôi khi kéo dài nhiều ngày trời.
  2. Quần đảo nằm giữa Ấn Độ và Xiêm La (Thái Lan ngày nay).
  3. «Recours aux charmes et aux pacts» (trang 125).
  4. Tức Mahomed, đấng sáng lập Hồi giáo (sinh tại La Mecque quãng năm 570 và qua đời năm 632).
  5. Biết trước sự chống đối của triều đình Bồ Đào Nha, Thánh Bộ Roma đã căn dặn các đức cha thừa sai Pháp như sau: «Sau khi nhận được các huấn thị này từ đức Khâm sứ Tòa Thánh (tại Paris), xin các Đức cha phải ra đi ngay khi có thể và cách kín đáo nhất có thể được. Phải dấu kín những gì liên quan đến cuộc hành trình và quyết định khởi hành của các Đức cha, vì sợ rằng khi những sự ấy bị tiết lộ sẽ gây ra hàng loạt những cản trở ở rất nhiều nơi». (Huấn thị 1659: xem sách đã dẫn của H.Chappoulie, trang 392-402).
  6. «Talapoin, Talapoi, Talapão» là tên mà người Bồ Đào Nha lúc đó dùng để chỉ các tu sĩ Phật giáo tại Xiêm La.
  7. Thái độ này sẽ là thái độ của người Xiêm La, nhất là giới nhà tu Phật giáo, đối với Kitô giáo trong suốt một thế hệ các thừa sai sau đó.
  8. Thực sự, cái tự do tôn giáo tại Xiêm La thời ấy là do cái lợi kinh tế mà Xiêm La tìm thấy nơi việc buôn bán với nước ngoài, chứ không vì lý do nào khác. Jacques de Bourges có lẽ vì mới đến nên tỏ ra hơi quá lạc quan. Rao giảng Tin Mừng trong một xứ Phật giáo Tiểu Thừa như Xiêm La không phải là một chuyện dễ dàng như tác giả đã mơ tưởng.

Chương 9: Hành trình từ Tenasserim đến Xiêm La.

  1. Kinh đô xứ Bạch Tượng thời đó là Ioudia (hay Ajouthia, Juthia), nằm bên dòng sông Chao Phraya (Ménam). Mãi sau này, kinh đô mới chuyển xuống Băng Cốc. Như tác giả đã xác định, tên gọi Xiêm La chỉ kinh đô Ajouthia của xứ Xiêm La, chứ không chỉ toàn cõi xứ Xiêm La.
  2. Với cái lối tường thuật này của tác giả, khó mà biết rõ giáo sĩ nào vừa bị chết đuối hụt với đức cha Lambert de la Motte, và giáo sĩ nào đã trở lại Tenasserim làm giấy tờ: Jacques de Bourges hay François Deydier ?
  3. «Huấn thị 1659» của Thánh Bộ: «Nhất là các Đức cha phải trông chừng trong cuộc hành trình để không ai có thể biết tên các Đức cha và mục tiêu của sứ mệnh các Đức cha. Bởi đó, các Đức cha hãy đổi tên, đổi nguyên quán và đổi cách thức cư xử, và không được nói đến cuộc hành trình của mình, đến đường đi nước bước và nhất là đến mục đích cuộc hành trình này. Điều quan trọng hơn hết mọi sự là không được nói ra cái phẩm chức giám mục của các Đức cha.» (Xem sách đã dẫn của H.Chappoulie).
  4. Có nghĩa là vì đường lồi lõm, bánh xe rơi vào ổ gà nên chỉ còn phần trục bánh xe là nằm được trên đường.
  5. Tác giả muốn hài hước: «Nos petits tombeaux portatifs» (trang 136).
  6. «Pour dire la sainte Messe le jour de lhAssomption de la glorieuse Vierge» (trang 139). Tín điều «Đức Mẹ Hồn xác lên trời» chỉ được đức giáo hoàng Piô XII công bố «ex cathedra» vào năm 1950. Nhưng «Đức Mẹ Mông triệu» đã được các tín hữu Công giáo tin kính từ rất xa xưa rồi; do đó, chúng ta thấy đức cha Lambert de la Motte và 2 thừa sai Pháp làm Lễ Mông Triệu tại Pipili năm 1662.
  7. Hôm đó là ngày 22 tháng Tám năm 1662. Đức cha Lambert de la Motte và hai giáo sĩ đã đi 2 năm, 2 tháng và 4 ngày. Lúc đó, đức cha được 38 tuổi.

Chương 10: Ký sự đơn giản về xứ Xiêm La.

  1. Chương trình của các thừa sai Pháp là đi Trung Hoa.
  2. Tức vịnh Ấn Độ.
  3. Nghĩa là lúa gạo cho người Xiêm cũng như lúa mì cho người Pháp.
  4. «Du salpêtre» (trang 145).
  5. «De lhindigo, du bois de sapaon pour les teinturiers» (trang 145).
  6. «Le benjoin, la gomme laque» (trang 145).

Chương 11: Trái cây xứ Xiêm La.

  1. «Le durion» (trang 146).
  2. Chữ «Thiên Nhiên» mà Jacques de Bourges viết hoa, có tính cách hơi siêu nhiên, hơi tôn giáo một chút.
  3. «Les jacques» (trang 147).
  4. «Les mangoustans» (trang 148).
  5. «Les figues» (trang 148). Trong đoạn này, tác giả ghi rõ là trái «figue» (2 lần trong đoạn văn). «Figue» = trái sung. Nhưng đọc xong những gì tác giả diễn tả, ta thấy nói về trái chuối (banane) và cây chuối (bananier) thì có vẻ hợp lý hơn.
  6. Đơn vị đo chiều dài ngày xưa: 1 «pouce» = 27,07 mm (trang 148).
  7. «Une aune et demie» (trang 149). «Une aune» = 1,888 mètre
  8. «Noisettes» (trang 150).
  9. «Areca» (tiếng Bồ Đào Nha trong nguyên bản. Tiếng Pháp là «arec») (trang 150).
  10. «La muscade» (trang 150).
  11. Có lẽ là trái xoài (mangue). Ở Xiêm La có loại ruột đỏ, vỏ vàng. Ở Việt Nam thì có loại ruột vàng, vỏ vàng hay xanh.
  12. Nguyên bản: «Une poire de bon-chrétien» (trang 151).

Chương 12: Phong hóa và tập tục của dân Xiêm La.

  1. «Olivâtre» (trang 152).
  2. «Avoir peu avec le repos» (trang 152).
  3. Nguyên bản bằng tiếng la tinh.
  4. Xiêm La là xứ Phật giáo Tiểu Thừa.
  5. Rượu đế («lheau de vie de riz», trang 155).
  6. «Cette feuille», tức là trà uống.
  7. «S’enivrer» = say sưa, say túy lý, mê hồn. Từ thực vật, người ta có thể làm ra «rượu mạnh» (eau de vie), «rượu nhẹ li-cơ» (liqueur) hay nước trái cây (jus de fruit).
  8. «Les vapeurs» (trang 156).
  9. «Le Thé fortifie la raison et la dégage des vapeurs qui empêchent ses fonctions» (trang 156): một cách nhìn bình dân về cơ thể con người.
  10. Jacques de Bourges là người Pháp, lần đầu tiên ra khỏi xứ mình, nên để hiểu thiên hạ và để cắt nghĩa cho người đồng hương rõ, chỉ còn một cách thường tình là so sánh với cái của mình. Do đó, đời sống của người Xiêm La thường được diễn tả ở đây theo kiểu so sánh với đời sống tại Pháp lúc bây giờ.
  11. «Plusieurs aunes» (trang 157): xem chú thích số 7 trong Chương 11.
  12. «Les Officiers» (trang 157).
  13. «Non point à la naissance» (trang 159).

Chương 13: Bàn về tôn giáo của xứ Xiêm La.

  1. «Arts» = nghệ thuật. Jacques de Bourges dùng từ này để chỉ các nghề thủ công nghiệp (trang165).
  2. «Leurs Docteurs» ( = các nhà tiến sĩ) , ở đây có nghĩa là những người thông thạo về tôn giáo, như các thầy thông luật trong Phúc Âm.
  3. Các thừa sai đòi hỏi rằng một khi chấp nhận đạo Công giáo là đạo của sự thực thì không thể tin nhận một tôn giáo nào khác, vì «chỉ có một Thiên Chúa nên chỉ có thể có một tôn giáo». Chính Jacques de Bourges đã lập luận như thế.
  4. «L’Unité de Dieu» (trang 167).
  5. «Les Idoles» (trang 168).
  6. «Les couvents des sanctificateurs» (trang 169).
  7. Theo cái nhìn của các thừa sai Công giáo, thờ phượng bất kỳ một thụ tạo nào như Đấng Tạo Hóa (Thiên Chúa) đều là chuyện lầm lạc, sai trái chân lý, tức là tội lỗi. «L’Idolâtrie» (Ngụy Thần giáo, Tà giáo) là danh từ chỉ chung những ai tôn thờ «thụ tạo» như «Tạo Hóa».
  8. «Ce premier Être» (trang 169).
  9. Lối lý luận triết học này rất quen thuộc trong giới các thừa sai người Âu Châu thời đó, vì Kitô giáo Tây Phương đã thường xuyên xử dụng triết lý Hy lạp để trình bày và giải thích niềm tin của mình. Do đó, các bài giảng đạo có vẻ trí thức, nhưng rất khô khan, ít thuyết phục được người khác. Tuy nhiên, các thừa sai Pháp này cũng ý thức được sức mạnh của gương sáng và tinh thần bác ái, chia xẻ, trong công việc rao giảng Tin Mừng như chúng ta sẽ thấy ở sau.
  10. «Les pauvres âmes errantes» (trang 175).
  11. Sau khi đến kinh đô Xiêm La một thời gian, đức cha Lambert de la Motte đã phái thừa sai Jacques de Bourges trở lại Tenasserim đón đức cha Pallu. Chuyện này sẽ được chính Jacques de Bourges kể lại trong Chương 15 sắp tới.
  12. Hình tượng (figure) ở đây mang nghĩa siêu nhiên, như biểu tượng của thần linh vậy.
  13. «La plante d’un pied humain, la plante du pied du premier homme» (trang 178).
  14. Đảo Tích Lan (le Ceylan) nằm trong vịnh Ấn Độ.
  15. Đọc Ký Sự của Jacques de Bourges, nhất là trong chương 13 này và đặc biệt những dòng tiếp theo nơi đây, xin đừng bao giờ quên rằng đang đọc Ký Sự của một thừa sai Tây Phương hậu bán thế kỷ 17, rất nhiệt thành song vẫn là người của thời đại ấy.
  16. «Ces imposteurs» = những kẻ lợi dụng, lừa đảo, gian xảo (trang 181).
  17. Có lẽ, Jacques de Bourges chưa biết tới cái «diệt dục» nơi Phật giáo nên chỉ dùng từ «tiết dục» (continence) là danh từ của Kitô giáo.

Chương 14: Thời đức cha Beryte ở Xiêm La và buổi đầu sứ vụ thừa sai.

  1. Điều đáng ngạc nhiên là đức cha Lambert de la Motte đã được biết rằng triều đình Bồ Đào Nha cho lệnh bắt ngài (xem Chương 6), thế mà ngài lại đến ở trong khu này. Tuy nhiên, ít lâu sau, ngài đã phải bỏ khu vực Bồ Đào Nha mà sang cư trú một nơi khác.
  2. Đức cha được Tòa Thánh bổ nhiệm làm «Giám quản Tông Tòa» cho 3 tỉnh Nam Trung Hoa, đảo Hải Nam, xứ Đàng Trong, Cam Bốt…
  3. «À cette première découverte, Mr l’ Évêque de Beryte crut qu’il était de son devoir de donner commencement à sa Mission, par l’instruction de ces Cochinchinois, qui étaient ses oüailles» (trang 187).
  4. Đây là thói quen của các người Âu Châu thời đó, thương gia hay thừa sai, trong vấn đề giao thiệp.
  5. Có nhiều nguyên nhân để giải thích tại sao những người Đàng Trong này có mặt và định cư bên xứ Xiêm La ngay từ thời đó rồi: buôn bán, chiến tranh, tù binh chiến tranh, chạy trốn cuộc bách đạo bên xứ nhà…
  6. Đã có nhiều người được rửa tội chỉ sau hai hoặc ba lần nghe thừa sai giảng dạy. Có lẽ vì các thừa sai phải chạy trốn, hoặc phải sống lén lút trong thời kỳ bắt đạo. Và nhất là các thừa sai hồi đó cần rửa tội ngay khi có thể, kẻo người ta chết không được lên Thiên Đàng. Xác tín thần học hồi đó như thế. Giảng dạy 8 ngày trước khi rửa tội cho kẻ ngoại như cha Alexandre de Rhodes đã đề nghị ra đã là một tiến bộ rồi.
  7. Có ý nói tới người Bồ Đào Nha.
  8. (Xem chú thích 6 trong Chương 14 này).

Chương 15: Tiếp theo những công việc của chúng tôi trên đất Xiêm La cho tới lúc đức cha Beryte đi sang Quảng Đông, hải cảng đầu tiên của Trung Hoa.

  1. Cho tới lúc đó, xứ Xiêm La chưa thuộc quyền của các đức cha và thừa sai người Pháp. Việc đức cha Lambert de la Motte và 2 giáo sĩ phụ tá giảng dạy và tập hợp các bổn đạo người xứ Đàng Trong lại như thế và vào lúc này là do thiện chí hơn là do nghĩa vụ đã nhận từ Thánh Bộ Roma. Tuy nhiên đức cha đã biết trước việc ngài phải làm. Phải chờ ít năm sau đó, xứ Xiêm La mới chính thức được Tòa Thánh sát nhập vào sứ vụ thừa sai của các đức cha người Pháp.
  2. Theo sự hiểu biết của chúng tôi, đây là lúc đang thành hình một cộng đoàn Việt Nam Công giáo đầu tiên tại hải ngoại: giáo xứ Thánh Giuse tại Ajouthia, kinh đô xứ Xiêm La. Cộng đoàn này sẽ đóng một vai trò không nhỏ đối với lịch sử Giáo Hội Công giáo Việt Nam sau này. Tuy nhiên, chưa thấy tác giả nào nói đến cái giáo xứ Việt Nam Công giáo hải ngoại đầu tiên này, do đức cha Lambert de la Motte thành lập.
  3. Tức là Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin.
  4. Các thừa sai Pháp do Thánh Bộ Roma sai đi chỉ hiểu biết về các xứ Đông Nam Á qua tài liệu (đặc biệt là các tác phẩm của cha Alexandre de Rhodes đã in ra tại Âu Châu) và các tin tức nhận được tại Pháp và nhờ gặp gỡ các thừa sai khác trên đường đi. Đến nơi, các ngài mới khám phá ra nhiều chuyện khác, như chuyện các tu sĩ thừa sai đi buôn, chuyện cạnh tranh quyền bính giữa các quốc gia, đặc biệt là Bồ Đào Nha, vân vân. Trong mọi chuyện tranh tụng xảy ra lúc này và còn kéo dài mãi sau đó, chúng ta cũng đừng quên rằng đức cha Lambert de la Motte vốn đã làm việc tại tòa án Normadie và có một tính khí rất cứng cỏi, ngài đâu sợ những vấn đề kiện tụng.
  5. Phi Luật Tân thuộc quyền rao giảng của triều đình Tây Ban Nha.
  6. Macao (tiếng Việt: Áo Môn) nằm ở cửa sông Tây Giang (Quảng Đông, Trung Hoa), thuộc quyền người Bồ Đào Nha, nơi mà các cha Dòng Tên có xây một học viện lớn. Triều đình Bồ Đào Nha hồi đó đặt một tòa giám mục tại đây (cũng như tại Goa, Ấn Độ). (Xem thêm: Đỗ Quang Chính, «Lịch sử chữ quốc ngữ», Sài Gòn 1972 – Paris 1985).
  7. Nói ngay ra, Jacques de Bourges cũng nên ca tụng các cha Dòng Tên người Pháp một chút, vì họ rất có uy tín tại triều đình vua Louis XIV tại Pháp lúc bấy giờ. (Xem thêm: Dirk Van der Cruysse, «Louis XIV et le Siam», Fayard 1991).
  8. Tắm lội công khai dưới sông.
  9. «Marqué au pinçon de Paris» (trang 212).

Chương 16: Đức cha Beryte khởi hành tại Xiêm La và xuống tàu đi Trung Hoa.

  1. «La partie raisonnable de l’âme et la partie inférieure» (trang 216).
  2. «Ils exécutèrent cette résolution avec une générosité qui est particulière à cette Nation» (trang 217).
  3. Vào năm 1664, 2 đức cha Lambert de la Motte và Pallu, cùng 4 giáo sĩ thừa sai Pháp, đã hội công đồng tại Ajouthia. Đây là một công đồng quan trọng bàn thảo 4 vấn đề then chốt: (1) thành lập Dòng Mến Thánh Giá, (2) soạn thảo «Huấn thị cho các Thừa sai» (quen gọi là «Monita ad missionarios»), (3) lập Trung tâm rao giảng Tin Mừng Đông Nam Á tại Ajouthia và xin Tòa Thánh thẩm quyền rao giảng tại xứ Xiêm La, (4) lập chủng viện Thánh Giuse tại Ajouthia để đào tạo linh mục bản xứ. (Xem thêm: Jean Guennou, «Missions Étrangères de Paris», Fayard 1986).
  4. Đức cha Lambert de la Motte bị những người Bồ Đào Nha tại Ajouthia tìm cách mưu sát. Rồi xảy ra chuyện một thanh niên Bồ Đào Nha vào nhà của đức cha làm khó dễ với ngài. Nhưng được tin này, các người xứ Đàng Trong liền kéo cả khu mình tới can thiệp, giải cứu và đưa đức cha Lambert de la Motte về ở nơi gần khu người Đàng Trong. Từ hôm đó, họ chia nhau canh gác cẩn mật nhà đức cha. (Xem thêm: A. Launay, «Histoire de la Mission de Siam. Documents historiques, Tome I», Téqui-Paris 1920, trang 31, 33-35).

Chương 17: Trở lại Âu Châu bằng đường biển. Cái chết của giám mục Metellopolis. Tới Luân Đôn.

  1. Những danh từ riêng, chúng tôi cố gắng xử dụng y như trong nguyên bản Pháp ngữ của tác giả.
  2. Đức cha Pallu đến Ajouthia cùng với 4 giáo sĩ và 1 giáo dân phụ tá ngày 24 tháng Giêng năm 1664.
  3. Vì chưa đủ tuổi quy định, còn quá trẻ.
  4. Tức người Hoà Lan
  5. «Livre» = cân, đơn vị cân lường ngày xưa.
  6. Tàu Saint-Louis của Hãng hải thương «Compagnie de Chine» bị bão chìm ngày 19 tháng Chạp năm 1660 (Chương 1). Nhưng tài liệu và dự án của Hãng này đã giúp không ít cho việc thành lập một Hãng hải thương mới tại Pháp, dưới thời vua Louis XIV, gọi là «Compagnie des Indes Orientales» (Hãng Đông Ấn).
  7. Anh giáo.
  8. Mùa Chay, không ăn thịt, chỉ ăn tôm cá.
  9. Về lịch sử Chủng viện này, có thể xem thêm: Jean Guennou, «Missions Étrangères de Paris», Fayard 1986.
  10. Ngày 25 tháng Ba năm 1674, cha Louis Laneau được đức cha Lambert de la Motte thánh hiến giám mục tại Chủng viện Thánh Giuse, Ajouthia, cũng mang hiệu toà Metellopolis, được Tòa Thánh Roma bổ làm giám quản tông tòa Xiêm La và tỉnh Nam Kinh (Trung Hoa). Đức cha Laneau thường được coi như người con tinh thần của đức cha Lambert de la Motte, mặc dù ban đầu ngài đã theo đức cha Pallu từ Paris đến Xiêm La.
  11. «Compagnie du Commerce d’Orient» (trang 242), đúng ra phải gọi «Compagnie des Indes Orientales».
  12. Tiếng La tinh trong nguyên bản (trang 245).
  13. Ký Sự của Jacques de Bourges chấm dứt ở đây.

Jacques de Bourges rời Âu Châu ngày 14 tháng Ba năm 1666 và đến Ajouthia tháng Hai năm 1669, rồi sang xứ Đàng Ngoài cũng vào năm đó (1669). Làm giám mục xứ Đàng Ngoài cùng với François Deydier. Đức cha François Deydier qua đời ngày 1 tháng Bảy năm 1693 tại Hải Dương. Đức cha Jacques de Bourges bị trục xuất khỏi xứ Đàng Ngoài và qua đời tại Ajouthia ngày 9 tháng Tám năm 1714.

Phần đức cha Lambert de la Motte, ngài qua đời trong Chủng viện Thánh Giuse tại Ajouthia, vào lúc 4 giờ sáng ngày 15 tháng Sáu năm 1679, (55 tuổi). Nhờ khảo nghiệm tử thi (l’autopsie), người ta khám phá ra «3 hòn hạn lớn dính vào nhau… Và còn khám phá ra bọng đái của ngài đã quá hư thối, làm mủ độc. Một trong 2 quả thận sưng lớn như nắm tay với một mụn ung nhọt đã dậy mủ» (Thư của đức cha Laneau gửi về Paris: xem sách đã dẫn của Adrien Launay, trang 73-74).

LM. Giuse Đào Quang Toản dịch và chú thích

 

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube