Di cảo số 6 – Bài Nguyện Ngắm Ngày 03/11/1663

Di Cảo số 6

BÀI NGUYỆN NGẮM NGÀY 03 THÁNG 11 NĂM 1663

(3Nng)

(AMEP, vol.116, tr.559-560)

 

A. Lời giới thiệu

Trong bài nguyện ngắm này Đức Cha Pierre Lambert nhắc lại kinh nghiệm ngài đã trải qua lúc lên 9 tuổi tại Lisieux (1633): do được Chúa soi sáng, ngài có ý tưởng về một hạng người có đời sống hoàn thiện mẫu mực nhất mang tên Những Người Mến Thánh Giá, khiến ngài ngưỡng mộ và ước muốn gia nhập bằng mọi cách (x.3Nng 3-6), nhưng ước mơ không thành, vì sau cái chết của song thân, ngài lo việc nhà rất sớm, phải dấn thân vào đời và cũng vì ngài chẳng tìm thấy Hiệp Hội ấy trên trần gian này (x.3Nng 7-8).

Ngài nhắc lại kinh nghiệm ấy là để củng cố cho trực giác mà Chúa ban cho ngài ngày 03.11.1663, về việc thành lập một Hiệp Hội mang tính chất tông đồ, để đào tạo những thừa sai truyền giáo cho nước ngoài (3Nng 13-14). Theo ngài, Hiệp Hội này có thể thu nhận mọi hạng người được coi là xứng đáng kể cả các tu sĩ thuộc bất kỳ Hội Dòng nào (x.3Nng 16). Nhưng câu 12 và 14 cho phép hiểu rằng Hiệp Hội mang tính chất tông đồ ấy tiếp nối Hiệp Hội Những Người Mến Thánh Giá được nhắc tới ở câu 5-7, và Hiệp Hội này chỉ thâu nhận nam giới.

Trong Di Cảo này, Đức Cha Pierre Lambert nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đời sống khổ chế (x.3Nng 17) và nguyện ngắm (x.3Nng 18).

B. Văn bản

1Tôi được tỏ cho biết một cách phi thường, với những lời cầu xin hết sức khẩn thiết dâng lên lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, để theo đuổi việc thành lập vĩnh viễn một Hội Thừa Sai Hải Ngoại[[1]]. 2Tôi rất sẵn lòng ưng thuận mệnh lệnh đó, nhưng tôi đã thưa lại rằng tôi là một trẻ con và không biết phải diễn tả lời thỉnh cầu của mình như thế nào (x.Gr 1,6-7).

3Sau chuyện đó, một trực giác rất mãnh liệt đã từng đeo đuổi tôi từ lâu, từ thuở mới lên khoảng 9 tuổi tại thành phố quê hương, trở lại trong tâm trí tôi. Tại đó, một ngày kia, tôi tự hỏi có thể chọn đời sống của một vài tu sĩ nào không, thì tôi nhận thấy mình chẳng thích vào một Nhà Dòng nào cả, vì đối với tôi lối sống của họ xem ra chưa trọn lành đủ. 4Nhưng trong tâm trí tôi xuất hiện ý tưởng về một hạng người khác mà tôi rất mực ưa thích và vì say mê lối sống của họ, nên tôi rất muốn tham gia. 5Họ mang tên Những Người Mến Thánh Giá. 6Tôi thấy đời sống của họ có vẻ rất đáng ngưỡng mộ đến nỗi, nếu gặp thấy họ bất kỳ ở đâu, tôi sẽ làm hết sức mình và với bất cứ giá nào để gia nhập vào Hiệp Hội ấy[[2]].

7Bởi vì chẳng tìm thấy được Hiệp Hội ấy trên trần gian này, nên từ đó, tôi không hề bị cuốn hút đi vào một nhà dòng nào cả, mặc dầu tôi luôn luôn giữ nhiều cảm tình quý mến đối với các nhà dòng sống trong sự tinh tuyền của Hội Dòng mình mà tôi coi như những vườn ươm Thiên Đàng. 8Từ lúc đó, Chúa Quan Phòng đã đưa song thân của tôi ra khỏi trần gian: khi tôi lên mười một tuổi rưỡi thì thân phụ tôi mất, và lúc tôi 16 tuổi thì thân mẫu tôi qua đời. Tôi buộc phải lo việc nhà rất sớm và dấn thân vào đời, đảm nhận những chức nghiệp công cộng theo lời khuyên bảo của họ hàng, với chứng thư chuẩn tuổi của nhà vua[[3]]. 9Vì tôi đã sống một ít năm trong trạng thái vô ơn bạc nghĩa tột độ với Thiên Chúa, nên Ngài thương xót tôi quá bội mà ban cho tôi ơn chán ngán mọi thụ tạo và kêu gọi tôi đến với Ngài trong lúc đời tôi thịnh đạt nhất. 10Tôi đã dấn sâu vào đời và các công việc đến nỗi dầu nhiệt tình đến mấy tôi cũng phải mất năm năm mới thoát ra được. 11Từ lúc ấy, Thiên Chúa nhân lành đã tỏ lòng trắc ẩn đối với thụ tạo mỏng dòn của Ngài và từng bước dẫn đưa tôi đến tình trạng hiện nay[[4]].

12Tôi viết ra điều này chỉ để tập trung vào trực giác Chúa ban cho tôi hôm nay. Trực giác này có lẽ là cách tô đậm thêm bức tranh đã được Chúa tỏ bày cho tôi[[5]]. 13Vậy, tôi phó thác cho ánh sáng và thấy rằng có thể thành lập Hiệp Hội hoàn toàn mang tính chất tông đồ kia[[6]], để có được 72 môn đệ cho Chúa chúng ta sử dụng vào những chức năng tương tự. 14Bề Trên của họ phải luôn luôn là một Giám Mục và từ Hiệp Hội ấy sẽ chọn ra những người cần thiết để gửi tới các miền truyền giáo nước ngoài. 15Nhiệm vụ của họ là truyền giáo tại châu Âu, nhưng đặc biệt tại những đất nước của lương dân, điều này phải là mục đích chính của họ. 16Hiệp Hội ấy có thể tiếp nhận mọi hạng người được coi là xứng đáng, kể cả những tu sĩ thuộc bất kỳ Hội Dòng nào, giả thiết rằng Hiệp Hội thánh thiêng ấy được Tòa Thánh phê chuẩn, bằng không thì đừng nghĩ tới nó làm gì; trong trường hợp Tòa Thánh ưng thuận, thì chắc chắn Hiệp Hội ấy sẽ được đánh giá là hoàn hảo nhất trong các Hội Dòng riêng rẽ khác hiện có trong Hội Thánh, bởi vì nó chứa đựng các ưu điểm của mọi Hội Dòng khác và trổi vượt hơn về tầm nhìn, phương tiện và mục đích.

17Cách sống của những người gia nhập Hiệp Hội ấy sẽ là cam kết kiêng thịt trong sự ăn uống và làm những việc hãm mình đền tội giống như các dòng tu nhiệm nhặt nhất, trừ khi phải thực hiện những cuộc hành trình dài thì cần một chế độ dinh dưỡng thích hợp, để có sức chịu đựng sự vất vả mệt nhọc dọc đường. 18Nhiệm vụ mà họ phải coi là căn bản chính yếu là chuyên cần nguyện ngắm, để qua việc trò truyện với Chúa chúng ta, họ học được phương thế lôi cuốn các tâm hồn tới sự hiểu biết và yêu mến Chúa cách thánh thiện. 19Trước khi gửi họ ra nước ngoài, rất nên thử thách họ trong các tuần đại phúc[[7]] tại châu Âu.

20Đó là bản tóm lược các trực giác đã đến với tôi khi tôi ở trước mặt Thiên Chúa. Chúng rất quan trọng đối với tôi đến nỗi tôi đã chạy đến với tất cả các Đấng chuyển cầu quen thuộc và tất cả những vị thánh mà chúng ta mừng với tuần bát nhật, trước khi trao lời thỉnh nguyện rất khiêm tốn ấy vào tay Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngày hôm nay, với lời khẩn nài xin Người tự hiến tế cho nguyện ước đó.

 

[[1]] Vào tháng 7.1663, vua Louis XIV ký văn thư cho phép thành lập Chủng Viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại, sẽ được Tòa Thánh phê chuẩn ngày 10.8.1664 (x.Jean GUENNOU, Missions Etrangères de Paris, FAYARD 1986, tr. 107-108). Điều này chứng tỏ Đức Cha Pierre Lambert có được trực giác này đồng thời với việc thành lập Chủng Viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris mà ngài chưa biết tin.

[[2]] Đây là lần đầu tiên Đức Cha Pierre Lambert nhắc lại kinh nghiệm lúc lên chín tuổi. Lần thứ hai ngài nhắc lại trong Bài Tự Sự I,26.

[[3]] Sắc lệnh Đặc miễn do Vua Louis XIV ký ngày 30.6.1646 (x.FRANCOISE FAUCONNET BUZELIN, Người cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, tr. 63-64).

[[4]] X. FRANCOISE FAUCONNET BUZELIN, sđd, tr. 90…

[[5]] Qua kinh nghiệm lúc lên 9 tuổi (x.3Nng 3-6; Bts I, 26).

[[6]] Hội Thừa Sai Hải Ngoại được nhắc tới tại 3Nng 1. Dựa vào Di Cảo này, người ta có thể thấy dường như Đức Cha Pierre Lambert muốn rằng các thành viên thuộc Hội Thừa Sai Hải Ngoại phải gồm Những Người Mến Thánh Giá (x.FRANCOISE FAUCONNET BUZELIN, sđd, tr. 355-359).

[[7]Hai từ ngữ tiếng Pháp la missionles missions có thể hiểu như sau:

  1. Nếu là số ít, la mission, theo nghĩa thần học và xã hội học, là sứ vụ hoặc sứ mạng được giao phó cho ai, cũng gọi là sứ vụ thừa sai. Nói theo ngôn ngữ Phúc Âm, đó là việc sai ai đi chu toàn một sứ vụ (x.Ga 20,21), ví dụ: Chúa Cha giao phó sứ vụ cho Chúa Kitô, Chúa Kitô giao phó sứ vụ cho các Tông Đồ; nhưng tùy theo văn mạch, danh từ la mission ở số ít cũng có thể có nghĩa b sau đây, ví dụ: la mission de Kontum là miền truyền giáo Kontum.
  2. Nếu là số nhiều, les missions phải luôn được hiểu theo nghĩa địa lý, là các miền truyền giáo giữa lương dân hoặc những tuần đại phúc, được tổ chức cho một Giáo xứ hoặc một vùng toàn tòng Công Giáo ở châu Âu, theo sáng kiến của Thánh Jean Eudes và Thánh Vincent de Paul ở thế kỷ thứ XVII.
Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube