Vài Trích Dẫn Để Suy Nghĩ Về Đức Cha Lambert (Phần 1)

Ngã ngựa :

(Tại Rouen, thời làm việc tại Toà án).

« Theo tính tự nhiên, ngài thích được trọng vọng, nhưng Thiên Chúa đã giúp ngài thoát khỏi tính háo danh qua một tai nạn do bất cẩn. Ngài đã vui vẻ lợi dụng nó để thắng vượt tính tự nhiên mình. Đó là vào ngày ngài được mời đến dự buổi hội họp để ký giấy hôn thú cho một người bà con sống ở Rouen. Ngài cưỡi ngựa, ăn mặc rất tề chỉnh. Không hiểu sao con ngựa đã sợ hãi lồng lên hất ngài ngã xuống một con suối nhỏ làm ngài dơ bẩn từ đầu tới chân. Trong giây phút đó, ngài chợt nhớ đến chuyện thánh Phaolô ngã ngựa, và tự bảo mình : Thật bẽ mặt cho tính háo danh của ngươi nhé ! Rồi ngài can đảm cứ để vậy đi đến nơi hội họp.

Sau lần chiến thắng được bản thân đó, ngài gần như không còn cảm thấy khó khăn nữa khi thực hành các nhân đức. Với lòng tri ân Thiên Chúa về ân huệ vừa lãnh nhận được, ngài càng thêm quyết tâm tận hiến trọn vẹn cho Chúa, không giữ lại, không bớt xén chút gì. » (Brisacier, 12-13, Amep, tập 122).

 

Vô cảm :

(Thời lo Trung Tâm Xã Hội).

« Ngài đã tránh xa những lời khen ngợi thường xuyên của những nhân vật thế giá nhất. Không có gì ngài không làm để trốn những lời ca tụng.

Ngài tự đặt ra quy luật bất khả xâm phạm là không bao giờ nói gì về những công việc mình đã làm hoặc những ân sủng mình đã nhận, ngay cả những lời đã khuyên ai, thậm chí cả những ý kiến trong những cuộc thảo luận, hoặc những đóng góp vào công việc phục vụ Thiên Chúa và đồng loại. Mặc dầu ngài yên lặng, người ta vẫn khám phá ra điều gì đó và khen ngợi lòng nhiệt tình cũng như đức hạnh của ngài. Những khi ấy ngài cố sức vượt lên chính mình, đến mức độ vô cảm cao nhất.

Ngài phân ra ba mức độ vô cảm :

– mức độ thứ nhất là nghe người ta nói tốt cho mình mà cứ như việc đó không liên quan gì đến mình, hoặc như người ta không nói gì hết ;

– mức độ thứ hai là không kể lại cho ai điều đã nghe được, mà tống táng nó vào cõi quên lãng muôn đời ;

– và mức độ cuối cùng là tự thâm tâm nhận biết mình chỉ là kẻ hèn mạt đáng khinh nhất trên thế gian, đồng thời bên ngoài không biểu lộ ra cảm xúc nào.

Ngài tự xem mình chưa thực hành một cách hoàn hảo ba bài học mà ngài được soi sáng.

Ngài luôn như người chịu đóng đinh ở nội tâm. Ngài thường nói là một con người chiêm niệm tự hài lòng đến đâu đi nữa cũng không thể vui vẻ được, không chỉ vì người ấy thấy hiếm có tâm hồn được tràn đầy ân sủng và hầu như tất cả mọi người đều không biết đến đời sống Đức Tin tinh tuyền, mà còn bởi vì khi xem xét tình trạng tâm hồn bản thân, người ấy thấy nó còn nô lệ cho lắm bất trung và khốn khổ khiến người ấy phải rên siết không ngừng. » (Brisacier, 112, Amep, tập 122).

Chết đuối hụt :

(Hành trình trên đất Xiêm)

Đức cha kể lại rằng :

« Mọi sự đã sắp sẵn xong để lên đường đi tới kinh đô vương quốc Xiêm La mà tiếng địa phương gọi là Judia [sic], còn chúng tôi thì gọi là Xiêm. Các thừa sai rời Tenasserim ngày 30 tháng 6 đi Jalingua trên ba chiếc xuồng nhỏ, có mái lá che trên đầu. Mỗi chiếc xuồng có ba ông lái chèo mà chúng tôi thuê khoảng 12 đồng ê-cu một chiếc. Phải lo ăn uống và ngủ nghỉ ngay trên thứ xuồng đó, vì không thể qua đêm trên đất liền được, bởi toàn là rừng rú đầy cọp beo, cá sấu và các giống thú dữ ăn thịt khác nữa. Chúng tôi tới được Jalinga vào ngày mùng 6 tháng 7 tiếp đó. Chuyến đi này được hạnh phúc vì con xuồng chở giám mục Béryte và thừa sai Deydier bị đắm (Ce voyage fut heureux aux missionnaires par le naufrage que fit le bateau où étaient Mgr de Béryte et M. Deydier). Đó là lúc ngang qua một đoạn sông mà dòng nước chẩy rất xiết. Hai chiếc xuồng kia đã qua khỏi được một hồi rồi ; nhưng con xuồng này thì lại không sao vượt qua được, liền bị cuốn theo dòng nước và bị đập vào một thân cây khô ngã nằm trên mặt sông. Giám mục Béryte, chẳng hề biết bơi biết lội, tự cứu lấy mạng mình bằng cách bám vào mà leo lên ngồi vắt ngang hai chân trên cây khô đó như thể một người đang cưỡi ngựa đi vậy. Rồi cứ ngồi chết ở đó cho tới khi người ta tới cứu đưa xuống. Cùng với thừa sai Deydier, ngài tọa đấy mà ngắm con xuồng của mình bị cuốn vào vực sâu. Sau, có một con xuồng trên đường trở về Tenasserim ghé tới, và chúng tôi thuê đi Jalinga chỉ còn cách đó ba hay bốn giờ đồng hồ. » (« Ký Sự », Amep, tập 121, trang 628).

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube