KÝ SỰ CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC CHA BERYTE – Jacques de Bourges
Chương 11
Trái cây xứ Xiêm La
Không có gì giúp ta hiểu biết cái tốt lành của một xứ sở hơn là cái phong phú, tinh tế và đầy dẫy của trái cây mọc ở nơi xứ ấy: do đó, tôi sẽ kể ra những trái cây mà tôi đã trông thấy và đã nếm thử tại xứ Xiêm La.
Tôi bắt đầu bằng loại trái mà được ưa thích nhất là trái sầu riêng (1). Trái này lớn và mang vẻ bên ngoài như một trái dưa tây quen thuộc, vỏ cứng và lởm chởm gai góc, sinh ra trên cao thân cây, dưới những cành lá. Loại trái này rất khó bổ ra vì vỏ cứng khi đã chín, nhưng Thiên Nhiên (2) lại muốn chúng tự mở ra phía dưới qua 3 hay 4 chỗ, người ta sau cùng dùng sức mình mà bẻ ra. Bên trong trái có những múi thịt mềm và dịu nằm thành thớ nhỏ, trắng như tuyết và ngon ngọt hơn tất cả những gì mà chúng ta cho là ngon nhất tại Âu Châu. Chẳng có loại trái nào của chúng ta gần giống được như vậy. Mỗi trái sầu riêng mang 5, 6, 7 và 8 múi màu trắng, mặt ngoài tựa như một trái hạnh nhân xanh, nhưng lớn hơn cả bốn hay năm lần. Cái đặc thù của loại trái tuyệt diệu này là cái mùi nó thật hết sức khó chịu và khi người ta ngửi đến, ban đầu, sẽ chịu không nổi, y như mùi một trái táo thối. Loại trái này cực kỳ nóng: các người Âu Châu ăn vào nhiều quá sẽ phải bỏ liều đi tắm rửa mà giảm nhiệt xuống.
Một loại trái cây khác cũng không kém được ưa chuộng là trái mít (3), to như trái bí rợ nên chúng chỉ mọc ra trên thân cây. Trong lớp vỏ là thịt màu vàng, rắn và vị vừa chua vừa ngọt rất dễ chịu. Thịt trái cây chứa một cái nhân to như ngón tay cái. Và khi người ta dùng dao bổ trái này thì một chất sữa rất dính sẽ chẩy ra, mà người ta chỉ có thể rửa sạch con dao bằng dầu và đá. Người ta không ăn trái này nếu không được chuẩn bị sẵn. Khi ăn trái này nhiều quá người ta sẽ bị đi tả, và có thể hại cho sức khỏe nếu người ta không cẩn thận dừng lại. Về điều này, Thiên Nhiên luôn khôn ngoan thấy trước, ban cho thuốc chữa trị cái yếu điểm này lại nằm ngay trong cái trái đã gây nên: người ta dùng những hạt cây đã được rang chín lên, những hạt mà thịt trái cây bám vào. Chúng mang công hiệu phi thường. Một trái mít đôi lúc có đến một trăm múi nhỏ.
Trái măng cụt (4) to như một trái cam nhỏ loại thường. Vỏ bên ngoài thì màu đỏ xậm, nhưng bên trong thì lợt hơn. Vỏ nhẵn, mềm, ở trong có nước ngọt và thịt trái giống như cam nhưng ngon hơn rất nhiều. Cam Xiêm La tốt lành hơn cam mà chúng ta có bên Âu Châu, ngay cả cam mà chúng ta gọi là cam Bồ cũng không gần chúng được. Người ta ăn chúng như ăn táo tây, nhưng ít sợ là ăn nhiều sẽ bị phiền phức. Măng cụt có suốt 6 tháng trong năm.
Cũng có những trái sung (5), nhưng khác với loại sung Âu Châu. Trái này sẽ được thiên hạ ưa chuộng hơn, nếu như chúng đừng quá thường tình tại xứ Xiêm La này: ở đây, chúng đầy dẫy, đủ thứ loại đến nỗi như chẳng còn đáng gì. Chúng to nhỏ đủ cỡ, trái thì to bằng nửa bàn tay, trái thì to bằng cả bàn tay, chúng tròn được ba «pouces» (6). Chúng cũng không kém phong phú về mùi vị, ngọt dịu như đường, mùi thơm rất dễ cảm. Tuy nhiên cũng có trái sung chẳng mang mùi thơm nào.
Cây mang trái này có cái đặc thù là nó không hề có cành nào khác hơn là những cái lá lớn nằm ở đầu cùng thân cây. Thường lá rộng cả một thước rưỡi (7). Lá mọc trên thân cây và dính vào thân nhờ một gân lá vững khỏe. Lá xanh và dầy, bởi thế dùng vào được nhiều chuyện như để gói mọi thứ đem ra chợ và thường để làm khăn phủ bàn và khăn ăn. Mỗi lá mọc khỏi thân là như một cành cây. Vài kẻ đã tin rằng ông A-dong đã dùng lá này để che thân. Cây này còn có một đặc tính đáng để ý khác là chúng chỉ cho trái một lần duy nhất; bởi thế hằng năm đều có mầm non mọc lên dưới gốc chúng để nối nghiệp. Cây non mọc lẹ làng nên chưa đầy một năm, chúng đã trở thành một cái cây trọn vẹn, sinh trái vô số và tuyệt hảo theo loại chúng. Bởi vì như thế, cây đổi mới mỗi năm cũng như chết đi mỗi năm, Thiên Nhiên đã sắp sẵn trước cho cây nối nghiệp mọc lên trong vòng một thời gian cực ngắn.
Tôi xin lưu tâm diễn tả ra nơi đây những kỳ diệu của cây dừa, vì tôi không được biết đến các tác giả đã qua xứ Ấn Độ và đã lo lắng kể lại cẩn thận tất cả những đặc tính của loại cây này. Không hề có loại cây nào trong thiên nhiên mà lại có ích cho nhiều thứ và đem lại nhiều công dụng như loại cây này. Thân cây dùng cất nhà cửa, lá cây dùng lợp mái, vỏ cây dùng làm giây dợ, gáo dừa dùng làm ly uống và ly đựng rượu, nước dừa trắng và dễ chịu, thịt trái cứng và tươi ngon tựa như trái hồ đào (8) mà người ta ép được ra dầu ăn rất tốt, sau cùng lá đan được thành giỏ khá bền và tiện để chứa nước. Duy một mình loại cây này thôi đã là một bản tóm lược những kỳ diệu và những tiện nghi cho đời sống con người.
Trái cau (9) là một loại trái lớn và vẻ ngoài giống như một trái mận lớn, vỏ mang nhiều sớ nhỏ, bên trong là nhân khá cứng tựa như nhân trái nhục đậu khấu (10). Vị trái này rất chát và hăng, nhưng lại bồi bổ bao tử. Người ta hòa hợp trái này với lá cây trầu, cộng thêm với vôi làm từ vỏ sò nung ra, người ta nhai trong miệng, và môi hiện đỏ như son. Người Xiêm La và các dân ở những vùng này dùng cau gần như mỗi giờ. Họ xem cau như thứ tuyệt diệu cho sức khỏe, vì nó giúp tiêu hóa, tăng cường nhiệt độ tự nhiên và chữa trị cái độ ẩm trong thức ăn họ thường dùng: cơm gạo lạnh và ẩm, cua cá , trái cây, nước trong dùng làm đồ uống. Người ta thấy kẻ giầu cũng như người nghèo, từ sáng cho tới tối, cứ bận bịu lo nhai loại trái cây này: khi họ gặp nhau, cử chỉ lịch sự đầu tiên là mời nhau loại trái cau này và rồi nhai với nhau.
Trái «manque» (11) là một trong các loại trái mà mùi vị ngon ngọt nhất tại xứ Xiêm La này. Trái này to như một trái lê (12), bên ngoài màu vàng và bên trong màu đỏ. Chúng ta chẳng có loại trái cây nào giống với loại trái cây này.
Tôi không nói gì về trái dứa là loại trái quá đỗi thường tình tại các nơi này. Tất cả các thứ trái cây ở đây đều rất nóng cho bao tử, nhưng bao tử lại cần được bồi dưỡng tại chốn này hơn ở những miền lạnh. Bởi thế Thiên Nhiên đã lo liệu trước bằng muôn vàn trái khác nhau, rất tuyệt hảo trong việc bồi bổ bao tử.
Chương 12
Phong hóa và tập tục của dân Xiêm La
Các dân tại Xiêm La có thân thể cân đối, da xanh lạt (1) chứ không đen, dù họ sống dưới vùng nhiệt đới. Mũi họ ngắn hơi mũi người Âu Châu. Bản tính họ hiền lành, hòa nhã ân cần với người ngoại quốc mà họ kính nể hơn là nghi kỵ mặc dầu đối với họ là người xa lạ.
Họ chuộng sự nghỉ ngơi, chỉ làm lụng khi cần thiết. Họ coi thường những kẻ làm lụng và chỉ coi như nô lệ của họ. Câu châm ngôn lớn nhất của họ là có ít với nghỉ ngơi (2): đối với họ, nghèo nàn mà an bình thì khoan khoái hơn sung túc của cải mà lắm lo lắng. Người ta có thể nói được họ có cùng cảm nghĩ như những kẻ tuyên bố nơi Đấng Khôn Ngoan trong đoạn thứ bốn của sách Giáo Sĩ rằng: «Melior est pugillus cum requie, quàm plena utraque manus cum labore» (3).
Y phục, đồ đạc, nhà cửa và thức ăn của họ eo hẹp vì cái nghèo này: họ luôn luôn đi chân không, đầu để trần. Những bậc vị vọng và người khá giả nhất thì đi voi trên đất hay thuyền dưới nước. Thuyền của họ rất tiện lợi. Họ cũng che đầu với cây dù (cây ô) bằng vải sơn. Y phục của họ không có kiểu cách lắm, chỉ có một tấm vải mỏng manh trắng tinh, hay có hình hoa rực rỡ đủ màu sắc, mà họ dùng để che quấn thân thể, cũng giống như người quấn khăn trên đầu vậy. Họ chỉ che đôi vai bằng một áo choàng bằng vải nhẹ và mỏng từ trên xuống tới đầu gối, tay áo ngắn mà rộng. Họ chỉ mặc áo này ở trong thành phố. Đàn bà ăn mặc cũng gần giống như đàn ông. Họ cạo tóc và nhổ râu: họ rất cầu kỳ giữ mình sạch sẽ, tắm gội thường xuyên trong nước thơm. Khi hội họp thờ phượng, họ trang điểm thêm tấm vải lụa thêu vàng và thêu bạc.
Nhà cửa thường dân rất tiện lợi cho việc xử dụng, rất dễ xây dựng vì nhà chỉ làm bằng gỗ và lá. Tường nhà bằng các thân cây ghép lại với lá phủ, cửa sổ chỉ tạm gọi là có. Nhà đặt trên cột cao để tránh lụt lội mà hằng năm thường tràn ngập xứ sở. Người giầu thì có nhà cửa kiên cố làm bằng gạch và lợp ngói.
Về đồ đạc của họ, chỉ là vài tấm thảm và vài cái gối nệm. Họ hoàn toàn không quen xử dụng ghế, bàn, giường, thảm phủ tường, văn phòng làm việc, tranh treo tường. Nhưng họ càng nhiều đồ đạc, người ta lại càng đáng giá là giầu có. Trong nhà của họ khá sạch sẽ.
Thức ăn bình thường của họ là cơm gạo và trái cây mà đất nước cung cấp cho họ dư tràn. Họ chẳng hề thiếu gà vịt, bò bê, thịt thú rừng, thú săn được. Nhưng vì họ tin là một điều ác khi cất mất sự sống của thú vật nên bình thường họ không hề ăn thịt thà (4): không phải vì họ cho là có tội khi ăn thịt thú vật đã chết, nhưng là có tội khi giết chúng để ăn thịt. Nhưng trong xứ Xiêm La có khá nhiều người coi thường cái mê tín dị đoan này, hoặc là chẳng hề sợ hãi phải mang tội giết thú vật, do đó thịt thà bán khá nhiều: dân Xiêm La đâu có từ chối chuyện ăn thịt thú vật, cứ thế mà rút tỉa cái lợi nơi tội lỗi của anh em mình.
Họ lại không quá đỗi cầu kỳ khi ăn tôm cá, nhất là vì người ta không có cất mạng sống của chúng một cách tàn ác như đối với thú vật. (Vì khi giết thú vật), người ta giết chúng máu me lênh láng, chúng kêu rên thê thảm và người ta lại dùng một cây sắt đâm thọc vào tận ruột gan của chúng. Trái lại, bắt cá thì dùng lưỡi câu và cá chết như tự mình mà chết. Đó là lý luận của người Xiêm La.
Theo nguyên tắc, cá là món ăn quen thuộc của họ. Các món cá, họ có đầy dẫy và rất ngon, nhờ sông nhiều và rộng lớn tưới đẫm trong xứ sở.
Đồ uống của họ là nước trong. Tuy vậy họ cũng tạo ra rượu bằng gạo (5) mà họ để lên giấm trong nước với một thứ lá cây gọi là «nipre» là thứ rất mạnh và làm say y như rượu chát.
Suốt thời gian chúng tôi ở Xiêm La, sau các bữa ăn mà thường là cá, chúng tôi dùng trà. Người ta uống trà rất nóng với một chút đường. Chúng tôi thấy thật là ngon. Công hiệu của trà mà người ta dùng ở xứ này so sánh được với công hiệu của rượu vang: ở những xứ này, dạ dầy bị yếu đi vì sức nóng và hao mòn vì phẩm chất (tồi tệ) của thức ăn: người ta có thể nghi ngờ một trong hai (nguyên nhân) trên (nguyên nhân nào là nguyên nhân chính). Cái thứ lá ấy (6) quá thường dùng trong những xứ ở đây mang đặc tính thượng hạng, nhất là đặc tính làm mình lâng lâng tâm trí (7). Về điểm này, trà khác hẳn với những thứ rượu li-cơ khác mà người ta dùng, và khi dùng nhiều quá độ, người ta sẽ mất hay yếu lý trí đi. (Trái lại), trà sẽ bồi bổ và thanh giải lý trí khỏi những hơi khí (8) làm cản trở mọi chức năng của mình (9).
Vì đời sống không mắc mỏ lắm tại xứ Xiêm La, vì dân tình hiền lành và có khuynh hướng nhàn hạ và vì được tự do rộng rãi hoặc cho tôn giáo hoặc cho thương mại, rất đông người ngoại quốc đã tới đây: kẻ thì làm nghề thủ công, kẻ thì lo buôn bán, người khác nữa thì tìm cái êm ả của đời sống. Nhân đó tôi nhận xét rằng nếu người Pháp chúng ta nghĩ tới chuyện thương mại, muốn xây dựng tại Xiêm La, thì nên gửi đến nhiều thợ thủ công các nghề. Những người này sẽ tạo uy tín cho quốc gia và sẽ làm ăn được nhiều cho chính họ, miễn sao họ phải là những kẻ mực thước, đừng xấc xược.
Người Xiêm La không hề có việc thực tập nào để trở thành điêu luyện trong binh nghiệp, trong việc cưỡi ngựa và khiêu vũ (10). Họ không hề có môn học nào về triết lý, về y khoa, về toán học. Nền thần học của họ chỉ tựu trung vào vài bài ngụ ngôn; tất cả mọi kiến thức khoa học của họ là biết viết và biết các luật lệ của giới cầm quyền và sự công bình. Thay vì có một y khoa hợp lý, họ có kinh nghiệm về các loại thuốc chữa khác nhau mà họ chữa trị khá hiệu nghiệm những bệnh hoạn thông thường. Họ sẵn sàng chạy đến cầu cứu ma thuật khi thuốc thang của họ hết hiệu nghiệm mà chẳng hề buồn tìm hiểu rằng ma thuật là gì: họ xử dụng đến ma tuý, tiền giả, hình ảnh và ngôn ngữ bí nhiệm. Họ cũng tỏ ra rất hiếu kỳ muốn biết tương lai, nhưng họ không tin dễ dàng những tay lừa đảo rêu rao rằng chúng nổi tiếng nghệ thuật tiên đoán tương lai.
Chữ viết của họ khá gần gũi với chữ viết chúng ta, hoặc về chữ viết hoặc về số chữ và cách viết từ trái sang phải. Họ chỉ viết với một cây bút chì trên giấy mỏng, giấy này cần được người ta dám thêm vào một hay hai tờ nữa để có thể gìn giữ được. Một quyển sách lớn thường chỉ là một tờ giấy duy nhất dài hằng nhiều thước (11), được gấp xếp lại cũng gần như tấm bình phong trong phòng của chúng ta vậy.
Toàn thể quốc gia là quân chủ và được cai trị một cách hoàn hảo. Nhà vua là tuyệt đối. Nếu nhà vua có hội họp các quan lại (12) để xử lý công chuyện thì cũng là để tham khảo ý kiến của họ hay cho họ rõ ý muốn của mình hầu họ đi thực hành. Về việc này, họ rất mau lẹ và trung tín.
Cái hay trong việc cai trị của họ chủ yếu là nằm ở chỗ hoà hợp giữa nhà vua và thần dân. Nhà vua truyền cho các quan trong hội đồng của nhà vua biết những ý muốn mình; các quan này cho các quan dưới tỉnh biết; các quan tỉnh cho các quan tùy phụ khác biết; và các quan tùy phụ cho các quan nhỏ biết. Họ gọi các quan sau cùng này là «najas». Mỗi vị «najas» cũng giống như một thủ lãnh được đề ra trên một số người nào đó, nhiều ít tùy theo đặc ân của vị «najas». Vị «najas» phải trả lời cho những người dưới quyền mình, mà những người này phải giữ sự tôn kính đặc biệt đối với vị «najas». Guồng máy cai trị xem ra khá chỉnh đốn và thực hiện được việc áp dụng sức mạnh quân chủ: mỗi người giữ nghĩa vụ của mình và không gì được làm với bạo lực. Những thủ lãnh cấp dưới thiếu xót thì sẽ được bù trừ hay sửa sai theo phán đoán của cấp trên.
Nói tắt một lời, sự lệ thuộc giữa người này người nọ được giữ chính xác, kẻ dưới vâng lời người trên như nô lệ. Vào một lúc nào đó, mỗi người phải phúc trình lên quan lại cấp trên; rồi theo phẩm trật, mọi sự đều lên tới nhà vua. Có hai điều giúp nhiều nhất cho nền hành chánh của xứ được tốt đẹp: một là tất cả các quan lại đều có thể bị đào thải theo ý quân vương là người cất họ lên hay hạ họ xuống tùy theo sở thích của mình. Điều này khiến cho mỗi vị quan phải lo làm tròn bổn phận mình. Hai là trong việc phân chia trách vụ, người ta cốt yếu là nhìn đến công trạng, việc làm và sự phục vụ đã thực hiện, chứ hoàn toàn không nhìn đến chuyện gia truyền con nối (13). Điều này khiến cho mỗi người phải chuyên tâm sao cho xứng đáng với ân huệ nhà vua tính theo công trạng cá nhân mình.
Sự kính trọng mà họ phải có đối với nhà vua thì rất lớn và vượt qua những giới hạn theo điều kiện của một thụ tạo phải giữ: họ tôn thờ nhà vua như thần thánh. Về điểm này, họ tỏ ra sự mù quáng của họ. Họ chỉ thưa trình với nhà vua khi gối quỳ và tay đặt chéo trên đầu, dấu chỉ sự kính nể sâu xa nhất, và tất cả đều cúi mặt sát đất, không dám nhìn thẳng mặt nhà vua. Họ xem nhà vua của họ như vua các vua, chúa các chúa, chủ tể nước non, đấng toàn năng trên đất đai, đấng thống trị đại dương, đấng phán định cho hạnh phúc và vận rủi của thần dân. Đó là những cách nịnh hót của con người dành cho các bậc vị vọng, với những phẩm cách chỉ thuộc về Thiên Chúa.
Kitô giáo dạy những tình cảm khiêm tốn hơn và theo luật Chúa, phải tuân phục các bậc quân vương. Đạo cũng dạy các bậc quân vương phải kính sợ Thiên Chúa và nhìn nhận mình là con người, được Ngài cất lên bậc quyền bính chỉ là để lo sự thiện cho thần dân là những kẻ vâng phục họ.
Điều góp thêm vào việc làm tăng sự kính trọng có tính cách tôn giáo mà người Xiêm La đối với quân vương của họ là việc nhà vua chỉ cho dân chúng gặp mặt một cách rất họa hiếm. Duy nhất vào ít ngày lễ lạy, với đủ thứ lộng lẫy hào nhoáng có thể. Nhà vua bình thường chỉ xuất hiện hai lần trong một năm, một lần trên đất và một lần trên sông. Toàn thể triều đình rực rỡ theo hầu. Khi nhà vua ra ngoài đường, nhà vua ở trên lưng voi, (ngồi) trong một cái tháp sáng chói ngọc ngà, kẻ theo hầu có tới cả mười ngàn người. Nhưng nhà vua khi xuất hiện trên đường nước mới là thực là trang trọng lộng lẫy vì một số rất đông chiến thuyền theo hầu cận. Có tới ba hoặc bốn trăm chiếc, mạ vàng trong ngoài. Mỗi chiếc có ba mươi hoặc bốn mươi người chèo. Một vài người trong họ có tay và vai mạ vàng. Những tay chèo này rẽ sóng với một tốc độ không thể nào tin nổi và hai bờ dòng sông Xiêm La vang vọng thật xa những tiếng sóng động của các mái chèo.
Chiến thuyền chở nhà vua lộng lẫy vàng tinh ròng, vàng mạ cho đến tận dưới nước, trên thuyền người ta đặt một chiếc ngai tuyệt đẹp. Nhà vua xuất hiện trong y phục cao sang và đội một vương niệm toàn bằng vàng, đính đầy những kim cương. Trên vương niệm, có hai cánh phủ xuống hai vai nhà vua. Các bậc lãnh chúa và quan lại triều đình theo nhà vua, mỗi người trong con thuyền của mình, trang hoàng tương xứng theo quyền lực, phương tiện và nhiệm vụ của họ. Hai bên bờ tràn ngập dân chúng, họ chạy theo từng đàn từng lũ, hoan hỷ hô hào inh ỏi.
Nhà vua để xuất hiện không kém phần trang nghiêm, đã không quên đến viếng vài đền thờ nổi tiếng trong những ngày lễ, và dâng cúng những món tuyệt vời cho các thầy tế lo việc phụng tự.
Mục tiêu mà người ta đề ra và kết quả mà người ta đem lại qua các nghi lễ trên là giữ được dân chúng trong sự tôn thờ nhà vua. Điều chắc chắn là nhà vua cần làm cho những đôi mắt (người dân) mù quáng vì cái hào nhoáng lộng lẫy bên ngoài để còn giữ được họ trong sự tôn kính và thần phục đối với nhà vua.
Tôi xin nói một lời về tiền: tại Xiêm La có nhiều bạc. Bạc của đồng tiền chính ở đây rất tinh ròng và có một mặt khá tròn mang dấu ấn nhà vua, gọi là «quan tiền Tical», trị giá 37 xu theo tiền nước Pháp. Có một đồng tiền khác nữa gọi là «quan tiền Mayon», trị giá bằng một nửa quan tiền Tical. Cũng còn có «quan tiền Fouant», trị giá bằng một nửa quan tiền Mayon. «Quan tiền Sampaya» thì trị giá bằng một nửa quan tiền Fouant. Bạc của các đồng tiền này rất tinh ròng.
Chúng tôi đã ghi chú rằng người ngoại quốc đến đây dễ dàng, khắp nơi trong xứ, hoặc là để định cư sinh sống theo luật lệ của người Xiêm La, hoặc là để buôn bán hay là để hành nghề họ đã quen. Tôi xin nói thêm rằng người ta không hề làm khó dễ gì đến họ, miễn là đừng làm chi chống lại quốc gia và quyền hành nhà vua. Để phòng ngừa những chuyện lộn xộn mà người ngoại quốc có thể gây ra, người Xiêm La đã đặt định trước cho mỗi sắc dân ngoại hơi đáng kể (sống tại đây) một người cai trưởng thuộc sắc dân này. Ông ta phải lo cho mọi người thuộc xứ sở của mình. Hơn nữa, nhà vua còn cắt đặt một vị chúa thuộc triều đình hay trong đám quan lại làm người bảo vệ hay làm ông chủ riêng cho mỗi sắc dân. Chính trước vị chúa này mà người cai trưởng nói trên phải đến, hoặc là để biết ý kiến của nhà vua về những phúc trình mà người cai trưởng đã trình lên, hoặc là để rõ những quyền lợi nhà vua và công việc liên quan đến sắc dân của mình.
Ngoài điều nói trên, vì những kinh lạch con sông lớn đã chia kinh đô Xiêm La thành nhiều hòn đảo, người ta cẩn thận sắp xếp và đặt để các sắc dân vào các hòn đảo hay khu phố riêng biệt. Điều này giúp tránh được những xung đột thường hay xảy ra vì nhiều sắc dân lẫn lộn và những đố kỵ tự nhiên với nhau.
Người ta còn bắt buộc những người ngoại quốc đã quen thuộc với xứ Xiêm La hằng năm, vào một ngày trọng thể nào đó, phải tuyên thệ trung thành với nhà vua. Nghi thức được giữ cẩn thận, tất cả các quan triều đình và các người ngoại quốc phải đến tham dự. Nhà vua ngồi trên ngai chấp nhận lời tuyên thệ của mỗi người thực hiện theo phẩm trật. Sau đó, người ta cho họ uống một thứ nước gọi là nước tuyên thệ mà giữa họ, họ coi như là nước thánh, đã được các thầy tế ngụy giáo chuẩn bị sẵn cho việc này. Các thầy tế dúng đầu lưỡi kiếm vào nước này, đọc nhiều lời phù chú chống những lời thề gian xảo, tin rằng tất cả những ai không tuyên hứa trung tín với nhà vua với con tim chân thành sẽ bị chết ngay tức khắc và sẽ bị nước thánh ấy làm ngạt thở. Người ta có thể kết luận rằng hoặc là mọi người đều rất chân thành, hoặc là nước thánh ấy cũng ít công hiệu, vì chưa từng thấy ai bị chết sau nghi lễ trên. (Còn tiếp)
LM. Giuse Đào Quang Toản dịch và chú thích