Ký Sự Cuộc Hành Trình Của Đức Cha Beryte (Chương 13)

KÝ SỰ CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC CHA BERYTE – Jacques de Bourges

Chương 13

Bàn về tôn giáo của xứ Xiêm La

Tôi không tin là có xứ nào trên địa cầu có lắm tôn giáo mà lại được phép thực hành hơn là tại xứ Xiêm La. Những lương dân, Kitô hữu và tín đồ Mahomed, chia ra nhiều giáo phái, tất cả đều được tự do theo việc thờ phượng mà mình coi là tốt lành nhất. Người Bồ Đào Nha, Anh quốc, Hòa Lan, Trung Hoa, Nhật bản, Peguans, Cam Bốt, Malaque, Đàng Ngoài, Chàm và nhiều dân khác phía miền nam đều có cơ sở tại Xiêm La.

Có tới gần 2.000 người Công Giáo, phần lớn là người Bồ Đào Nha, từ các nơi khác nhau tại vùng Ấn Độ Dương, bị xua đuổi nên đến cư ngụ tại Xiêm La, nơi mà họ lập thành từng khu riêng tạo nên ngoại ô thành phố. Họ có được 2 nhà thờ công cộng, một dưới sự điều khiển của các cha Dòng Tên và một do các cha Dòng Thánh Đa Minh cai quản. Họ cũng được tự do giữ đạo y như ở Goa: người ta làm việc thờ phượng, giảng dạy, rước kiệu Thánh Thể. Dân lương giáo không dám nói năng gì đến. Vào thời chúng tôi ở đó, có một tên nọ đã bị coi khinh: hắn nhạo cười người bên Kitô giáo trong lúc họ đang tham dự một nghi lễ phụng tự, rồi không thấy đám Kitô hữu ấy nói gì, hắn phá lên cười cợt. Một tay Bồ Đào Nha cảm thấy bị xúc phạm bèn xông tới đấm đá hắn. Hắn đem chuyện tên Bồ Đào Nha gây gỗ ấy lên khiếu nại trên triều đình, muốn biến thành chuyện quốc sự, nghĩ mình là thần dân nhà vua thì người ta sẽ bênh vực hắn chống lại tên nước ngoài: hắn chẳng nhận được sự gì khác hơn ngoài bài học phải biết mà sống chớ còn bao giờ gây hấn rắc rối đến ai đi chăng nữa trong tôn giáo của họ.

Đôi khi tôi tự hỏi do đâu mà nhà vua Xiêm La lại quá dễ dàng cho phép trong xứ mình và trong thành phố kinh đô mình có từng đấy tôn giáo khác nhau như vậy. Bởi chưng, tôn chỉ nhận được từ những nhà chính trị lão luyện nhất là chỉ cho phép một tôn giáo mà thôi, vì e rằng tôn giáo sinh ra nhiều, cái khác biệt về niềm tin sẽ phân tán tinh thần người dân và tạo nên cơ hội cho những xáo trộn.

Người ta đã trả lời với tôi rằng có một tôn chỉ chính trị khác rằng ông hoàng phải xử dụng sức mạnh. (Thực vậy), nhà vua Xiêm La rút được mối lợi lớn nơi sự hiện diện của người ngoại quốc trong các vùng đất của nhà vua, hoặc trong việc họ làm (1), hoặc nhờ sự tiêu thụ hàng hoá của xứ sở, hoặc do hàng nhập từ bên ngoài vào. Nhà vua ban tự do cho tất cả mọi người và mời họ lập cư tại Xiêm La và tiếp tục việc thương mại ở đây. Thái độ này của nhà vua còn có một lý do khác nữa: theo ý kiến của dân chúng Xiêm La, mọi tôn giáo đều tốt. Chính vì thế họ không hề tỏ ra chống đối một tôn giáo nào, miễn sao tôn giáo có thể hiện diện với luật lệ của chính quyền bản xứ.

Người Xiêm La nói rằng Trời như một Lâu Đài lớn và có nhiều con đường dẫn đến đó. Có những con đường ngắn hơn, có những con đường đông người hơn, có những con đường khó khăn hơn, nhưng tất cả sau cùng sẽ dẫn đến Lâu Đài hạnh phúc mà con người tìm kiếm. Sẽ là một chuyện tranh luận thật khó khăn khi muốn xác định con đường nào trong những con đường ấy là con đường hoàn hảo nhất. Hơn nữa, các tôn giáo thì lại thật là nhiều, phải xét tất cả thì thật là phiền hà, và người ta sẽ phải dùng hết cuộc đời mình trước khi biết giải quyết chọn lựa. Và vì tin có nhiều Thiên Chúa, họ lại thêm rằng các Thiên Chúa, tất cả đều cao trọng, đòi hỏi con người những sự thờ phượng khác nhau và muốn được thờ kính bằng nhiều cách thức khác nhau nữa.

Những người quan sát cẩn thận những cảm nghĩ của người Xiêm La về tôn giáo đã quả quyết rằng cái tính lãnh đạm về điểm này là một trong những phương châm được đón tiếp nhiều nhất và được chứng nhận nhiều nhất giữa các thầy thông thái của họ (2). Cái hiền lành theo bản chất họ, việc lui tới và tiếp xúc thường xuyên của bao nhiêu là người ngoại quốc, vấn dề nhân nhượng chính trị mà họ buộc lòng phải làm cho người ngoại quốc, tất cả đã đưa họ vào cái tư tưởng tai hại ấy: tuyệt vọng trong chuyện đi tìm chân lý, họ chẳng còn lo lắng chút nào về chuyện ấy nữa. Thái độ hờ hững lãnh đạm ấy là một trong những cản trở lớn nhất cho việc trở lại của họ. Bởi vì khi các nhà thông thái Kitô giáo đề nghị với họ đức tin thánh của chúng ta và cắt nghĩa cho họ những lý do làm chứng cho sự thật, họ không nói phản lại. Họ nhận là tôn giáo của các Kitô hữu là tốt. Họ chỉ cho là quá táo bạo liều lĩnh khi loại bỏ các tôn giáo khác, vì các tôn giáo khác có mục đích tôn thờ các Thiên Chúa (3). Phải tin là họ vui nhận như thế. Đó là cách thức mà người Xiêm La lập luận. Đó là cái họ dùng để che đậy sự mù quáng của họ. Bởi chưng cái hờ hững lãnh đạm nơi họ đối với tôn giáo (chúng ta) chỉ là do không hiểu biết về tính đồng nhất của Thiên Chúa (4), là Đấng không thể được tôn thờ bằng nhiều sự thờ phượng mâu thuẫn nhau và đối kháng nhau.

Lãnh đạm, họ không học hỏi về bất kỳ điều gì. Do đó, thái độ lãnh đạm này tạo nên nơi họ cái lạnh nhạt đối với ngay cả những điều mà họ tuyên xưng và họ tỏ ra không mấy xác tín về điều họ tin. Sự này dẫn tới chuyện họ không được tự nhiên khi trình bày những điểm trong tôn giáo của họ. Ngay cả các thầy tế của họ cũng chỉ nói về tôn giáo của mình với sự ngờ vực và muốn quý bạn tìm hiểu trong sách vở của họ hơn là dấn thân trả lời quý bạn.

Người Xiêm La là tín đồ Ngụy giáo. Họ có rất nhiều ngụy thần (5) và số ngụy thần muôn chừng của họ cũng chẳng kém lạ lùng so với hình hài vóc dạng của các ngụy thần này. Quý bạn sẽ thấy trên một bàn thờ có tới cả 50 hay 60 ngụy thần, cao có trên 40 bộ, làm bằng gạch, đá và mạ vàng bên ngoài. Trong các nhà những thầy tế, người ta thấy những dãy dài có đến 300, 400 ngụy thần đủ kích thước, hình dáng, tất cả đều mạ vàng, sáng chói.

Những đền thờ họ xây cho các thần này thật lộng lẫy. Người ta nói được là dân Xiêm La chỉ khéo léo và giỏi giang trong những công việc này: họ mực thước trong sự tiêu xài cho họ và trong những gì liên quan đến họ bao nhiêu thì họ lại càng tỏ ra hào phóng đối với chùa chiền của họ bấy nhiêu. Các chùa chiền này rất vững chắc, cũng gần như những nhà thờ của chúng ta. Lối vào chính là những khuôn cửa thiếp vàng và sơn bên trong đền thờ, ánh sáng chỉ lọt vào được qua những khung cửa sổ hẹp và dài đặt trong những bức tường dầy. Bởi vậy, ánh sáng ban ngày chỉ mới chớm lọt vào được. Bên trong đền thờ, ở nơi xa cửa vào nhất, là bàn thờ. Người ta phải bước nhiều bậc đi lên như trong giảng đường mới tới được bàn thờ, trên đó họ đặt các ngụy thần. Bên cạnh đền thờ là các tăng viện của các thầy tế (6) là những người nói chung được cư ngụ khang trang nhất trong toàn xứ: họ có nhà ngủ và các căn phòng của họ nơi họ sống chung. Họ cũng có những cấm viện giống như cấm viện của các tu sĩ bên chúng ta, chung quanh xếp đầy những bức tượng hình người. Ở giữa cung cấm có một cái tháp rất cao, sáng chói những vàng dán rất khéo vào gạch mà thời tiết không bao giờ làm lu mờ được. Theo tập tục, tro tàn của một vài vua chúa lớn được đặt dưới tháp này.

Dân thường và các thầy Talapoins hội họp nhau vào một vài ngày lễ trong những đền thờ để thờ cúng các ngụy thần của họ. Vì họ tin là một điều ác khi giết thú vật, họ không hiến tế những gì mang sự sống, nhưng họ chỉ dâng lên và cho các vị thần hoa quả của đất đai, cơm gạo và lụa là. Những đồ cúng này, sau khi để trước các vị thần một thời gian, sẽ dùng cho các thầy Talapoins. Thực là một điều đáng thương cảm khi nhìn những người dân bị lừa dối này thờ lạy cung kính trước những tảng đá ấy. Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy lòng sùng kính bên ngoài và các cách tôn kính, chăm chú đạo đức nơi họ đối với các ngụy thần ấy.

Tôi biết rằng một vài người trong họ đã muốn thanh minh cái tội ác Ngụy thần giáo (7) khi nói là họ nhìn nhận và họ tôn thờ một Thiên Chúa, Chúa Cả muôn loài. Và nếu họ có những hình tượng thì chỉ là để gìn giữ hình ảnh và tưởng niệm những bậc vĩ nhân đã sống thánh thiện theo luật lệ tôn giáo của họ. Và khi nhìn đến hình ảnh cùng nhớ đến con người các bậc vĩ nhân ấy, họ thêm lòng bắt chước các nhân đức của họ.

Chính là theo sự thực mà các thầy tu Xiêm La trả lời những người Kitô giáo đã tấn công họ về cái vô đạo trong Ngụy giáo của họ rằng họ cũng chẳng kém gì người Kitô giáo ở việc thờ ngụy thần khi họ làm ảnh tượng và đem ảnh tượng cho dân chúng tôn thờ.

Điều chắc chắn là câu trả lời trên mà họ mượn nơi người Kitô giáo không thể minh chứng cho họ được về việc tôn thờ ngụy thần. Bởi vì, trước hết, rõ ràng là những dân này rất mơ hồ trong niềm tin vào tính đồng nhất của một Thiên Chúa. Họ không có một sự thờ phượng nhất định nào đối với Hữu thể đầu tiên (8), kinh điển của họ không hề có ghi chú chính xác nào về điểm này. Hơn nữa, những tôn vinh thánh mà họ dâng cho các ngụy thần là nhắm tới chính các ngụy thần một cách tuyệt đối; tự chúng, những lời tôn vinh ấy không tìm tới một đối tượng nào khác hơn là chính những ngụy thần của họ. Khi họ cầu đến ngụy thần, họ khấn xin một cách tuyệt đối, chẳng hề có liên quan nào tới Thiên Chúa, xin những sự chỉ thuộc về thánh ý của Ngài, như cuộc sống, sức khỏe và sự thành tựu trong các công việc của họ. Và khi thực sự là họ tôn kính các bức tượng, không phải như đó là các ngụy thần, nhưng là như hình ảnh các vĩ nhân, họ cũng không thể được tha thứ vì đã tôn vinh những kẻ chẳng hề nhìn nhận Thiên Chúa thật, Tạo Hóa duy nhất và Chúa muôn loài. Người Xiêm La vì mù quáng do việc thờ phượng ngụy thần vẫn cứ tiếp tục chẳng biết dâng lên Thiên Chúa việc tôn thờ nào đặc biệt và rõ ràng.

Đó là những điều chúng tôi đã khá biết nhờ các người Kitô hữu thông ngôn của chúng tôi, qua những dịp mà chúng tôi đàm đạo với các thầy Talapoin. Tôi sẽ dẫn ra đây một ví dụ: đức cha Beryte khi ở Tenasserim đã đến thăm một trong các thầy tu chủ chốt tại nơi đó. Một người Bồ Đào Nha làm thông ngôn cho ngài. Sau khi chào thầy tu này theo lối bản xứ, để khỏi gây ngạc nhiên cho thầy, ngài đã hỏi thầy tựa như ngài muốn học hỏi đạo của thầy với thầy vậy. Người đàn ông này bắt đầu bài giảng thuyết mà nói với chúng tôi rằng phải đặt làm nguyên tắc rằng có 7 Thượng Đế, ngự trị trên Trời là đất ngọt ngào ban đầy khoái lạc và là nơi phải đến sau khi chết. Về phía mình, đức cha Beryte trình bày với thầy ấy những điều trong niềm tin của đức cha mà không ngừng bài bác những cái vô lý của thầy. Thầy ấy hài lòng lắng nghe và sau cùng thú nhận là thầy tin rằng đạo Kitô là đạo rất tốt, rằng Chúa của người Kitô giáo và Chúa của họ là anh em với nhau, rằng Chúa của họ là anh cả và mạnh mẽ hơn người Chúa em: điều này đã thể hiện ra rõ trong sự khác biệt chung của hai Chúa anh và Chúa em, thầy tu ấy nói như thế. Cái khác biệt ấy đã buộc lòng hai Chúa phải đấu chiến lẫn nhau và Chúa em đã bị thua, bị bắt và bị tử hình để phạt cái tội nổi loạn.

Đó là câu chuyện mơ mộng huyền ảo mà nhà thông đạo ấy đã kể cho chúng tôi nghe. Xem thế đã đủ để thấy những người dân này còn xa sự hiểu biết về một Thiên Chúa thật biết chừng nào.

Chúng tôi tin chắc chắn rằng cội rễ cái câu chuyện rất đỗi vô lý trên có thể là do họ đã nghe nói đến Thiên Chúa của người Kitô giáo đã bị đóng đinh trên thập tự và chết trên thập tự. Đó là điều họ không thể không biết tới; vả lại, họ còn thấy được trên bàn thờ chúng tôi hình tượng cây Thánh Giá nữa.

Đức cha Beryte nhân cơ hội này đã nói tới sự phục sinh và đưa ra cho thầy tu nói trên một lý luận phản chứng: thầy ấy ngạc nhiên không hiểu tại sao thầy có thể cùng một lúc vừa tin rằng đạo của các Kitô hữu là đạo tốt như thầy đã thú nhận, vừa tin rằng Thiên Chúa mà đạo Kitô tôn thờ đã chết. Thật khó để mà tin được rằng một tôn giáo là tốt khi tôn giáo ấy chẳng hề có một Thiên Chúa. Nếu Chúa của các Kitô hữu đã chết thì Ngài không có nữa; nhưng nếu Ngài có đó thì phải tin rằng Ngài đã phục sinh (9).

Cái phản luận trên được đưa ra như thế là để dẫn thầy tu ấy vào bài giảng về việc Nhập thể của Ngôi Lời Hằng sống và cho thầy hiểu rằng Thiên Chúa của người Kitô giáo chết và bất tử là theo hai bản tính phối hiệp trong ngôi vị thiêng liêng của Ngài. Cái phản luận trên đã làm cho thầy tu ấy bối rối đến nỗi thầy chỉ còn có thể rút lui bằng cách chấm dứt cuộc luận đàm trên và mời chúng tôi đọc những kinh điển bàn về tôn giáo của họ. Tuy vậy, thầy tu ấy lại là một trong những thầy nổi tiếng trong xứ. Thầy là bề trên của nhiều thầy Talapoin khác, trông coi một ngôi đền nổi tiếng. Người ta chỉ chúng tôi đến với thầy như đến với một nhân vật thông thái uyên thâm, là người có thể thỏa mãn những câu hỏi của chúng tôi và giải quyết những nghi vấn của chúng tôi.

Chúng tôi còn dò hỏi mấy người khác nữa. Khi chúng tôi hỏi họ về số lượng các Thượng Đế, chẳng ai đã trả lời là chỉ có một; nhưng kẻ thì nói là bảy, người thì nói là chín, và kẻ khác thì lại đưa ra một con số khác. Điều này chứng thực cho sự chúng tôi đã đề ra rằng người Xiêm La là dân ngụy tín, bởi chưng họ đem sự thờ phượng phải dành cho Thiên Chúa thật sang các ngụy thần của họ mà do tay họ làm ra và sang những con người hữu sinh hữu tử là công trình của một Thiên Chúa cao cả và độc nhất phải được tôn vinh cung kính đến muôn đời.

Người Xiêm La rất kém vững vàng trong tôn giáo riêng của họ. Họ không có những cảm nghĩ lớn lao gì về cuộc sống đời sau. Không thể bảo rằng họ tin vào linh hồn bất tử, vì họ không hề chắc chắn về điều này. Họ cũng chẳng cho là linh hồn sẽ kết thúc với thân xác; trái lại, theo ý họ là thân xác sẽ tồn tại. Chính vì thế, ngay khi còn sống, họ đã lo dự trữ những đồ cần thiết cho đời sau: họ thu trữ tiền bạc, họ tiết kiệm những cái họ co thể và dấu kín ở một nơi xa vắng nào đó với tất cả bí mật có thể, đến độ chồng không nói với vợ, cha không nói với con, bạn hữu không nói với kẻ đáng tin cậy nhất. Người ta không thể nào nói được số tiền bạc mà cái tư tưởng trên đã khiến người ta đem cất dấu mỗi ngày. Có thể lên đến một con số khổng lồ. Và để ngăn ngừa người ta tìm kiếm ra, họ còn tăng cường thêm cho cái tư tưởng ban đầu bằng một tư tưởng khác không kém phần kệch cỡm rằng cái tội phạm thánh lớn nhất mà con người có thể vấp phạm là chuyện ăn trộm tiền bạc của người quá vãng.

Tuy nhiên, họ có thể thoát ra được cơn mê hoặc của tư tưởng trên là cái tạo rắc rối cho họ trong cuộc đời này và chẳng giúp họ được gì sau cái chết, nếu họ quan sát những thời điểm mà họ đã đem chôn dấu dưới đất những món tiền dành cho các oan hồn đáng thương (10) xử dụng: họ sẽ thấy ngay rằng các oan hồn hoặc không hề cần đến những tiền bạc ấy, hoặc là đã quên khuất cái nơi chôn dấu những kho tàng trên, bởi chưng các oan hồn chẳng bao giờ trở về tìm kiếm.

Cái ý tưởng trên không chỉ nằm trong đầu người dân thường, cả những lãnh chúa và quan quyền cũng chu đáo dự trữ cho tương lai, nhưng họ không đi chôn dấu kho tàng trong những nơi hoang vu, họ cho xây những ngọn tháp lớn và xinh đẹp, rồi chôn vùi dưới chân tháp tiền bạc để dành cho họ. Các thầy Talapoin lo canh chừng các ngọn tháp ấy, điều thật tiện lợi cho hồn các bậc vị vọng quá cố có được dấu hiệu và nơi chốn mà tìm lại dễ dàng cái chốn kho tàng của họ.

Qua đó, người ta thấy được rằng người Xiêm La tin có một cuộc sống sau khi chết. Nhưng họ lại nghĩ là phải cần đến tiền bạc để lo những sự cần trong điều kiện sống tương lai. Họ không nghĩ là linh hồn có tính thiêng liêng, và sau khi lìa khỏi xác, không còn cần tới những thứ chỉ được dùng để nâng đỡ cuộc sống mà chúng ta có chung như mọi thú vật.

Các giới răn mà tôn giáo của người Xiêm La đã dạy về phong hóa, phù hợp với luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong linh hồn con người để hướng dẫn hành động của con người. Những giới răn ấy tóm tắt lại hai điều gồm tóm những giới răn khác là tránh ác làm thiện. Về việc tuân giữ giới răn thứ nhất, người Xiêm La kinh tởm sự bất công, họ không phải là người hiểm độc tinh lanh, tàn ác hay giảo quyệt; về giới răn thứ hai, họ rất hăng hái thực hành, làm việc bác ái đối với mọi người, nhất là đối với người ngoại quốc, với kẻ qua đường, với thú vật và với người quá cố.

Sự thực, họ mê tín trong những gì liên quan đến thú vật, họ không hề bao giờ làm ác đối với chúng, không hề giết chúng, lo nuôi nấng chúng. Một vài người, trước khi họ dùng bữa ăn, luôn luôn lo dành sẵn phần cho thú vật mà họ dọn cho chúng trên mặt bàn đã chuẩn bị sạch sẽ, và chim chóc tự do đến đó mà ăn.

Các thầy Talapoin là các thầy tế của họ cảm nhận được lòng bác ái của người ta hơn bất kỳ ai khác: mặc dù các thầy khó nghèo vì lời khấn của mình, các thần lại được chăm sóc hơn hết nhờ của dâng cúng dư đầy mà người ta ban cho mỗi ngày. Người ta ít khi cho các thần tiền bạc, song người ta rất rộng rãi cho các thức nẩy sinh trong xứ sở đến nỗi các thầy còn dư lại để cho kẻ khác nữa. Chính tôi khi đi qua một ngôi nhà của các thầy Talapoin trên đường từ kinh đô Xiêm La tới Tenasserim (11) đã được hưởng biết lòng bác ái của họ: họ cho tôi trú ngụ và cho tôi no thỏa những quà cáp thường tình của họ là cơm, trái cây và các đồ tươi khác. Để thu nhận những đồ dâng cúng, họ sai các thầy Talapoin trẻ đi khắp thành phố, khất thực từ cửa này sang cửa nọ. Vào những ngày lễ lạy thì người dân có lòng sốt sắng đích thân đem đến cho họ, nhất là khi dân đi hành hương.

Suốt thời kỳ có một trận lụt lội tràn ngập thành phố, chúng tôi đã phải rời xa kinh đô Xiêm La một dặm đường, lên một chỗ cao, nơi đó có một ngôi chùa nỏi tiếng. Chúng tôi sống bằng sự giúp đỡ của các người hành hương, họ đem tới nhiều quà cáp để tu bổ đền thờ, ngụy thần và các thầy Talapoin mà không bao giờ bị bỏ quên.

Giữa những thứ mà các dân hành hương tốt lành này sẽ còn gặp lại nơi đền thờ trên là hình tượng (12) một cây «bàn chân người ta» (13), to lớn dị thường, có tới 3 bộ chiều dài và 15 «pouce» chiều rộng. Họ nói rằng đó là hình tượng «cây bàn chân con người đầu tiên», (bàn chân ấy) được in lên một tảng đá được gìn giữ trong đền thờ. Chỉ cần một cái giang chân ra thôi, con người đầu tiên đó đã đặt bàn chân kia lên một đỉnh núi cao nằm ở đảo Tích Lan (14).

Đừng ngạc nhiên vì người Xiêm La có những ngôi chùa cao tới 40 bộ, vì họ tin rằng có một con người đã có thể trong cùng một lúc đặt hai bàn chân mình lên hai ngọn núi cách xa nhau cả hơn một ngàn dặm.

Chúng tôi thích thú nhìn tất cả những kẻ hành hương đạo đức ấy đem lễ vật đến trước cái cây «bàn chân con người đầu tiên» đó. Rồi sau khi được thánh hiến nhờ họ đã dâng cúng lên, những lễ vật này tức thì được chuyển sang tay các thầy Talapoin để các thầy xử dụng.

Người Xiêm La còn thực hành việc bác ái đối với người chết. Họ ăn mặc rất trang trọng trong những buổi lễ an táng. Họ tiêu xài tốn kém nhiều nhất là cho các cuộc lễ an táng. Đôi khi họ bỏ ra cả một năm trọn để lo các thứ cần thiết và dọn dẹp những nơi thích hợp để tiếp đón tro tàn của kẻ quá cố mà họ có một nơi đặc biệt để lo việc tẩm liệm thi hài.

Mồ mả được bao bọc bằng nhiều cái tháp hình vuông, làm bằng gỗ trắc bá và được mặc thêm giấy cứng đủ màu sắc, lẫn lộn với lắm thứ đồ mã trông đẹp mắt. Họ dùng rất nhiều pháo bông phía trên những cái tháp vuông.

Khi mọi sự đã sắp sẵn, một nhóm các thầy Talapoin tham dự vào nghi thức đi tới nơi an táng, một nhóm khác đi lấy xác ở nơi để thi hài. Người ta đặt xác người quá cố trong một quan tài hay trong một cái hòm mạ vàng, trên đó có một cái tháp trang hoàng bằng gỗ chạm trổ mạ vàng. Đôi lúc họ cũng làm quan tài theo những dạng khác nữa. Chúng tôi đã thấy cái quan tài của một thầy Talapoin nổi tiếng mà người ta đã giữ thi hài thầy suốt một năm trọn. Quan tài của thầy làm theo hình một con rồng thật vĩ đại đến nỗi một người đàn ông có thể chui vào miệng con rồng để mở hay đóng bộ máy ấy.

Khi xác đến nơi, người ta đem ra khỏi hòm và đặt lên giàn hỏa táng và các thầy Talapoin đi chung quanh xác nhiều vòng. Trong lúc xác bị lửa thiêu rụi, người ta cho chơi pháo bông và nhạc cụ.

Sau khi xác đã được hỏa táng, người ta cho tro tàn an nghỉ dưới chân tháp. Như vậy, người dân ở đây đã biết cất đi trong buổi lễ an táng những gì là bi ai sầu thảm. Bằng nguyên một bộ máy nghi thức kèm theo, lễ an táng sẽ kém phần tang chế mà nặng phần trình diễn ngoạn mục hầu làm giảm bớt cái kinh khủng của sự chết và giảm sầu kẻ tham dự.

Trước khi kết thúc chương này, tôi xin thêm một vài nhận xét về các thầy tu của người Xiêm La, về các phong tục và sự khác biệt của các thầy này (15).

Người Bồ Đào Nha đã cho họ cái tên gọi là Talapoin. Họ chỉ mặc vải sơn màu vàng, y phục của họ cũng theo kiểu người dân thường; nhưng thay vì áo khoác ngoài, họ đeo một khăn choàng bằng vải đỏ, từ trên vai trái quấn xuống ngang lưng bên cạnh sườn phải. Họ đi chân đất, để đầu trần, cầm trong tay một cái quạt lá mà họ dùng che đầu lúc trời nắng gắt.

Họ sống chung tất cả dưới sự hướng dẫn của một thầy tu trưởng. Thức ăn của họ khó nghèo và khắc khổ, họ chỉ ăn mỗi ngày một bữa, vì ban chiều họ chỉ được phép ăn trái cây mà thôi. Mặc dù việc ăn chay trường rất khổ sở cho họ, nhưng được làm giảm dịu bớt nhờ họ ăn trầu cau mà chúng tôi đã diễn tả trước đây. Ăn trầu cau sẽ đem lại nhiều sức cho ai xử dụng.

Giữa các điểm giáo lý mà các thầy Talapoin thường hay dạy dỗ dân chúng nhiều nhất, là phải làm sự thiện cho các thầy Talapoin: đó là phương cách ngắn nhất và chắc chắn nhất để đạt tới niềm hạnh phúc ở đời sau. Thực vậy, đó là giới điều được xen vào giữa các giới điều khác của lề luật tôn giáo mà các thầy Talapoin lo cắt nghĩa. Dân chúng tin rằng tùy theo lòng thành của họ đối với các ông thầy gian xảo này (16) mà họ sẽ được phần hạnh phúc nhiều hay ít ở bên kia thế giới. Do đó, người dân lo lắng làm mọi việc thiện mà họ có thể cho các thầy tùy theo gia sản của họ.

Các thầy tu này bị bó buộc phải giữ sự tiết dục (17) và tránh việc hôn nhân bao lâu họ còn mặc áo theo lời thệ nguyền của họ. Nhưng vì họ được tự do cởi áo nhà tu, họ có thể lập gia đình khi họ buồn chán đời sống vâng phục. Cởi áo màu vàng ra, họ được tự do khỏi mọi ràng buộc. Chính trong xứ này, chiếc áo làm nên thầy tu Talapoin.

Các thầy Talapoin cũng có những việc thực hành cộng đoàn: ngay khi trời vừa sáng và lúc chiều xuống, họ tập hợp lại theo tiếng chuông để cầu nguyện. Giữa buổi cầu nguyện và trong những lúc nghỉ ngơi, họ lập lại thường xuyên những giới điều quan trọng nhất trong lề luật: giới điều thứ nhất là không hề được sát sinh thú vật, giới điều thứ hai là phải làm sự thiện cho các thầy Talapoin hầu có được một ngày thấy việc thiện mình tăng lên thêm nhiều mà bảo đảm cho đời sau.

Họ vốn cho rằng họ luôn luôn làm việc thiện, họ cũng tỏ ra là người công chính trong việc mà họ muốn kẻ khác thực thi. Vì thế, họ tiếp đón tất cả những ai tìm đến, họ có trước nhà của họ những căn phòng mà trần hình vòm, sạch sẽ ngăn nắp, để họ đón tiếp khách và để họ giới thiệu, một cách khiêm tốn và đạo đức, cho khách biết những gì thừa thãi nhất của họ.

Dân chúng bình thường hay ca ngợi những gì bề ngoài nên rất kính phục các thầy Talapoin. Họ coi các thầy như những đấng mà nhờ các đấng ấy, sau khi chết họ sẽ bảo đảm chiếm được những của cải lớn lao. Cái kính nể đối với các thầy tu này đã ngăn cản người dân nhận ra được những bừa bãi thầm kín trong đám thầy tu này, kết quả đương nhiên của một cuộc sống nhàn rỗi của các thầy. Từ chỗ đó, các thầy tu này còn để những kẻ chất phát ấy trong cái thứ ngu dân thật lớn đến nỗi họ lẫn lộn tất cả các tôn giáo với nhau. Họ đi cầu khấn đủ nơi, khi thì trong đền thờ Ngụy thần giáo khi thì trong nhà thờ Kitô giáo.

Giữa các thầy Talapoin, kẻ thì chỉ sống âm thầm, kẻ thì giữ một vài nhiệm vụ liên quan đến xã hội, kẻ thì lo đền thờ và các buổi lễ lạy. Những thầy sau cùng này được gọi là các thầy «Sancrat» là giới quý phái nhất trong tất cả, họ ở dưới sự quản trị của một thầy «Sancrat» là một nhân vật rất được kính nể. Chính thầy này ở tại ngôi chùa của nhà vua, nằm cách kinh đô Xiêm La hai dặm đường. Vì điều đó, thầy rất được nhà vua vị nể đến độ thầy được vinh dự ngồi cạnh nhà vua khi nhà vua nói chuyện với thầy và thầy chỉ phải chào nhà vua bằng một cái cúi đầu tồi tệ. Đó là đặc ân cho chức bậc cao cả của thầy, trong khi tất cả các vị lãnh chúa lớn nhất của quốc gia chỉ hầu chuyện nhà vua với gối quỳ và mặt cúi sát đất.

Người Xiêm La, thầy tu Talapoin hay dân thường, không nhiệt thành nhiều với tôn giáo của họ là một thứ mê tín đã ăn rễ sâu mà họ đã quen ngay từ lúc mới sinh ra. Mặc dầu thế, theo một nghĩa nào đó, người ta không thể phủ nhận rằng họ gắn bó rất mạnh vào tôn giáo của họ, nên rất khó lòng làm cho họ từ bỏ tôn giáo của họ mà theo một tôn giáo tốt lành hơn được. Như tôi đã nói, không phải là họ quý chuộng tha thiết cái việc thờ tự của họ, hay là họ cho rằng việc thờ tự của họ thánh thiện hơn, bảo đảm hơn việc thờ tự mà người khác đề ra đâu. Nhưng từ muôn thuở, họ vẫn xác tín rằng một việc thờ tự này có thể tốt lành hơn việc thờ tự khác, nhưng không vì vậy mà người ta bị bó buộc phải chấp nhận theo. Họ đặt phương châm, như tôi đã nói, là nhiều tôn giao dù có khác nhau và đối nghịch nhau có thể đều tốt lành như nhau. Nếu họ có cho một vài ưu điểm lên tôn giáo của họ, thì chủ yếu là do tính khiêm tốn nơi tôn giáo của họ là không phán xét, không phải kết án và không phải loại bỏ những tôn giáo khác. Nếu họ có sự oán ghét đối với Kitô giáo thì chủ yếu là vì lý do Kitô giáo đặt nguyên tắc này, mặc dù rất vững vàng, là: bởi vì chỉ có một Thiên Chúa, nên chỉ có thể có một tôn giáo duy nhất là chân thật.

Những ai giao tiếp với người Xiêm La để lôi cuốn họ vào đức tin của chúng ta thì phải giữ cách sống của mình. Chớ có hành động theo đường tranh biện với họ, chớ có tấn công trực tiếp những ý kiến của họ, nhưng thích ứng với họ và chỉ đề nghị với họ những lợi ích của Kitô giáo trên các giáo phái mà họ đã quen thuộc. Người ta giúp họ hiểu cái tuyệt hảo mà Kitô giáo đề nghị ra, hiểu cái thánh thiện của các lề luật Kitô giáo, những việc kỳ diệu đi theo việc rao truyền Kitô giáo trong thiên hạ và tất cả các chứng cớ tỏ tường cho những kẻ đi tìm chân lý rằng Kitô giáo là công trình của Thiên Chúa thật, Đấng duy nhất đã có thể ban cho con người một tôn giáo trọn hảo như thế.

Để nói vắn tắt một lời, người Xiêm La hài lòng mà lắng nghe những bài giảng lôi cuốn họ về vương quyền của Đấng Tạo Hoá, nhưng họ không dễ dàng chịu khổ sở khi người ta giác ngộ họ khỏi những mê tín của họ. Khi họ nhận ra là quý bạn mang tham vọng cho họ hiểu tỉ mỉ cái điều họ đang tin tưởng, họ sẽ chẳng còn cái lỗ tai nào để lắng nghe bạn nữa đâu.

Chớ gì Chúa vui lòng mà soi sáng cho họ bằng ơn sủng của Ngài, ngõ hầu một khi đã trở lại, họ từ bỏ được cái hão huyền của các ngụy thần và gắn bó vào việc phụng sự và thờ phượng Thiên Chúa hằng sống. (Còn tiếp)

LM. Giuse Đào Quang Toản dịch và chú thích

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube