KÝ SỰ CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC CHA BERYTE – Jacques de Bourges
Chương 4
Vài nét đặc thù của thành phố Hispaham, kinh đô xứ Ba tư
Thời gian ba tháng lưu lại tại Hispaham đã cho chúng tôi hiểu được một vài nét đặc thù của thành phố này, thành phố mà hiện nay là kinh đô của vương quốc Ba Tư nổi tiếng. Nằm ở vĩ độ 33, thành phố này là nơi cư ngụ của «Sophi», là chốn an cư của những tinh thần cao cả nhất và hàng quý tộc sang trọng nhất của cái xứ vĩ đại này. Nhờ họ, xứ Ba Tư vượt hẳn lên trên mọi dân tộc miền Á Châu, đó là điều không ai phản đối được, vì cái sang trọng của họ trong y phục và vì cái thanh lịch của họ trong đối thoại. Nói chung, dân chúng Ba Tư nhã nhặn với người ngoại quốc, nhưng nhất là những kẻ trong bậc tuyệt hảo này.
Chúng tôi đã nhận xét là không hề có nơi nào mà nền khoa học lại được đề cao hơn. Người dân ở đây dấn thân vào khoa học cả bằng tinh thần cũng như công việc và sự kiên nhẫn. Khi một người gắn bó vào một bộ môn khoa học đặc biệt, họ tiếp tục hoàn thiện hoá suốt cuộc đời mình. Nhưng cái làm cho thấy lòng say mê nồng nhiệt của họ đến thành tựu và để họ xác tín hơn nữa cũng như để họ không bị quên xót sự gì, họ nghĩ cái chính đáng là trở thành giáo sư, chỉ dạy cho kẻ khác. Khi tiếng tăm của họ chưa đủ biết đến để có được thính giả, họ bỏ tiền ra mua (tiếng tăm). Bằng cách ấy, họ trình bày ra được cái lý thuyết của họ, với thâm tín rằng phương cách có lợi nhất hầu thấu đạt một bộ môn khoa học là đi dạy cho người khác. Nhưng đó chưa hẳn là khuynh hướng tự nhiên duy nhất thúc đẩy họ vào việc nghiên cứu. Lòng ước muốn được nổi tiếng cũng thúc đẩy họ rất mạnh, vì những ai được gọi là tiến sĩ thì được danh dự lớn và nhà vua lại thường ban nâng đỡ trợ cấp nữa. Nói tóm lại, khuynh hướng thích tìm hiểu nơi họ mạnh đến nỗi những lo lắng quan trọng khác không thể nào khiến họ lãng trí ra được.
Vị quan nhất phẩm của đất nước, mà người ta gọi là «Athemat-Dolet», không có được lấy một phút rảnh rỗi trong việc nước, thế mà vẫn say mê nghiên cứu toán học. Thú tiêu khiển thường của ông là cùng với một số đông các nhà kỹ sư, lo thử nghiệm những máy móc mới, tất cả đều do ông sáng chế ra. Ông còn lo cả đến việc nghiên cứu về triết học, thần học và các vấn đề bàn cãi trong tôn giáo. Các hoàng thân triều đình, dù mù loà (theo như tập tục tại Ba Tư, người ta đâm mù con mắt những anh em nhà vua để ngăn chận họ nổi loạn trong quốc gia), vẫn bỏ cả đời mình vào việc nghiên cứu. Càng bị mất ánh sáng ban ngày, họ càng tìm nâng cao ánh sáng tinh thần. Cái đáng kinh ngạc hơn cả và cho thấy sức mạnh tài ba của họ là họ hiểu biết rất tường tận về toán học, bộ môn chủ yếu là tùy thuộc vào đội mắt. Họ tính toán rất chính xác các chuyển động trên trời, các tinh tú và tạo đủ thứ các hình thể trên mặt bàn với một thứ chất sáp mềm đã dọn sẵn. Họ áp dụng các luật lệ toán số học cần thiết cho việc tính toán thiên văn học một cách dễ dàng không thể tin nổi. Để viết các số, họ dùng tới những cây đũa nhỏ bằng sáp dẻo mà họ xếp trong các ngón tay, rồi đặt trên mặt bàn để kê số bằng hình dạng theo như họ quy định. Và để hiểu những gì đã viết, họ chỉ cần rờ tay lên các các chữ các số nổi đó (1). Những ai đã biết sức mạnh của trí tưởng tượng nơi những kẻ không hề bị xao lãng vì nhìn thấy các sự vật, sẽ dễ dàng tin được những sự này.
Nếu người dân xứ Ba Tư có tinh thần thông thái về các khoa học, họ cũng không kém lanh lợi trong các chuyện thương mại và mọi dàn xếp nơi triều đình. Người ta có thể nhìn nhận triều đình xứ Ba Tư như một nhà văn nghệ là nơi trình diễn nhiều vở kịch giá trị và là nơi các nhân tài mỗi ngày đều cho ra những vở điêu luyện mới, gây việc tranh đua không ngớt.
Còn liên quan tới tôn giáo, người dân xứ Ba Tư cũng không kém tìm hiểu lắng nghe, khác với dân xứ Thổ Nhĩ Kỳ là dân khi hỏi về tôn giáo thì chỉ biết trả lời bằng cách im lặng hay đe dọa. Người xứ Ba Tư thì trái lại, lại luôn luôn sẵn sàng đàm đạo với quý vị về các vấn đề khúc mắc nhất trong tôn giáo và sẵn sàng trình bày ra niềm tin của họ. Về chuyện này, để đưa quý vị vào cuộc tranh biện, họ sẽ đặt ra cho quý vị những câu hỏi quan trọng về các mầu nhiệm chính trong đạo (Công giáo) hầu tấn công ngay tức thì sau đó bằng tất cả những lý luận sai lạc mà con người thường có thói quen mượn từ triết học ra, mỗi lần con người muốn xét đoán những điều thiêng liêng theo quy luật của khả năng tự nhiên.
Những ai muốn bàn luận với người Ba Tư cần phải vững vàng và đừng bao giờ tranh cãi với họ nếu như mình không thông thạo ngôn ngữ của họ. Vì vừa tinh tế vừa mưu mẹo, họ sẽ rút tỉa ra từ những câu trả lời của mình những điều, thường vì do cái mập mờ về ngôn ngữ, sẽ bị người ta hiểu trái nghĩa, sinh ra những chuyện nghi ngờ đáng trách làm tôn giáo mình bị nhóm triết gia nguy hiểm này kinh chê và cười nhạo.
Thành phố Hispaham rất quang đãng, rộng ngang với thành phố Poitiers (bên Pháp), đầy những vườn tược. Và vì khí hậu nóng bức, người dân Ba Tư làm những khu vườn họ nên rất hiếu kỳ. Thành phố không đông dân so với tỷ lệ đất đai. Bên ngoài nhìn tới, người ta thấy thành phố như một pháo đài, mỗi mái nhà đều trồng cây cao che khuất nhà đi, để tránh nắng chói chang và để tránh cái nhìn của hàng xóm. Mái nhà xây bằng như làm sân để đi dạo và hóng mát. Nhà cất bằng gạch nung dưới nắng, thiết kế dễ coi, và các luật kiến trúc cũng khá được tôn trọng. Dân Ba Tư rất để ý trang hoàng bên trong nhà, lót thảm sang trọng từ trên xuống dưới.
Cái đáng lưu ý nhất tại thành phố Hispaham và là cái thỏa mãn tính hiếu kỳ của khách ngoại quốc nhất là một công viên rộng, gọi là «Medan», dài rộng bằng nhau. Một phía là cung điện nhà vua có nhiều khẩu súng đại bác đúc đặt đàng trước. Còn các toà nhà khác đều xây theo cùng một kiểu mà phía dưới là một hành lang đầy những cửa hàng các tiểu công nghệ với nhiều thứ đồ dễ thương của chốn Đông Phương và xứ Ba Tư.
Trong nhiều khu khác của thành phố còn lắm ngôi nhà rất khang trang, với những phòng ốc trần vòm cùng các tháp mái tròn là nơi những kẻ sang trọng tụ họp chuyện trò, hút sách và bàn triết sự. Cách thức họ hút sách rất độc đáo và giúp tránh được cái mùi khó chịu: trước khi hút vào, họ đã khéo léo đưa khói thuốc qua một thứ nước rất trong, nhờ một cây cần dài và rỗng mà họ dùng để hút. Do đó, khói đi qua không ngừng trong nước (2).
Vì gần như người Ba Tư nào cũng là dân diễn thuyết, nhà thơ và triết gia, nên thường thấy có ai đó đang trình bày sáng tác của mình trước bạn bè: mỗi người đều lắng nghe tác giả vừa đi qua đi lại giữa căn phòng vừa trình bày tác phẩm của mình, hoặc là vài bài thơ phú, hoặc là vài bài diễn văn về thiên văn, về luân lý, về chính trị, hay về tôn giáo, hay về Thượng Đế mà người Ba Tư nói đến bằng những từ ngữ rất tuyệt vời. Khi bài diễn thuyết chấm dứt, mỗi cử tọa đều được tự do phát biểu cảm tưởng của mình.
Nơi đây, tôi sẽ không tả ra cái lối đi xinh xắn mà người ta gặp thấy trên con đường tại Julfa, một thành phố nhỏ của người Arménia. Tất cả những ai đã viết về Hispaham đều không bỏ quên thành phố nhỏ này. Tôi chỉ kể sơ rằng cái lối (xinh xắn ấy) dài hai ngàn dặm Ý và rộng bằng hai phần quảng trường triều đình (3), dọc lối đi trồng cây thật cao, che rợp bóng mát bốn mùa. (Cây thuộc loại cây có lá lớn). Dọc lối đi ấy, có suối, có vòi nước phun, đây đó lại có nhà nghỉ mát của vua, mặt quay ra lối đi. Cuối lộ là một cây cầu đẹp và thật dài, bắc ngang một con sông; dù nước không nhiều, chưa phủ đầy lòng, nhưng con sông được tô điểm công phu, đáy được xây tráng một mạch, và nước tràn vào làm nên dòng tuyệt vời, vui mắt.
Tôi chỉ có thể nói một lời nhỏ về tình trạng đạo thánh của chúng tôi tại Hispaham: thấy được một số ít các gia đình Công giáo, phần lớn làm nghề tiểu công nghệ hay thương gia ngoại quốc. Chúng tôi chưa hề gặp trên đường chúng tôi đi một thành phố nào mà lại không có thừa sai: các cha Dòng Augustinô người Bồ Đào Nha, các cha Dòng Cát-minh và các cha Dòng Tên đã lần lượt đến định cư tại đó từ mấy năm qua, với sự chấp thuận của hoàng thân, và làm các phận vụ mình với khá nhiều tự do. Các cha Dòng Tên dựng nhà tại Julfa, một thành phố nhỏ cách Hispaham một dặm đường, gồm toàn các người Arménia, tìm được nhiều thuận lợi cho việc lối kéo các Kitô hữu ly khai trở lại. Đó là hoa quả quan trọng mà người ta có thể gặt hái được, không những tại Hispaham, mà còn trong khắp các xứ dân Ba Tư. Tuy nhiên ở nơi này, người ta gặp một trở ngại đặc biệt cho việc trở lại là thái độ chống đối, không muốn học hỏi bất kỳ một thứ gì nơi người nước ngoài. Trước người nước ngoài, họ chỉ biết họ trong mọi sự. Họ có thói quen sống cuộc sống cẩu thả. Dù người ta có chỉ cho thấy những sai lầm của họ, họ vẫn thường tỏ ra ngang ngược hơn và xa cách hơn trong việc hối cải. Những kẻ vốn đi tìm cái hạnh phúc nơi thú vui trần gian này, thật khó mà sống theo được cái tinh tuyền của đạo thánh chúng ta.
Là điều lợi ích và vinh dự cho đức tin Công Giáo khi chăm lo săn sóc cho các người thợ Phúc Âm tại kinh đô một xứ thật lớn như thế này. Cũng vì lý do trên mà Tòa Thánh đã đặt tòa giám mục Babylone thành một tước hiệu và sát nhập thêm vào đó giáo hạt Hispaham, mong tới khi có thể ban một tước hiệu riêng (cho thành Hispaham). Mục đích là để cho sứ vụ thừa sai nơi này có được một giám mục Công giáo hầu phục vụ những dân tộc chỉ biết ca ngợi cái lớn lao của chính mình (4).
Để chỉ dẫn cho những ai muốn du hành theo lối này: họ nên biết là rời xứ Thổ Nhĩ Kỳ là rời một nơi bách hại. Vào xứ Ba Tư, người ta rất có thể ăn mặc theo lối người Pháp, mũ nón che nóng rất bảo đảm (5). Và còn nên giữ tôn chỉ này: tốt hơn là đi vào sáng sớm, ăn uống thanh đạm và chớ nên đi bộ, vì không như thế, khó mà sống được. Người ta còn phải coi chừng cái gian lận của đám người đầy tớ bản xứ mà bình thường là những quân trộm cướp, đếm đồ thì đếm có phân nửa hay hai phần ba hơn là đếm để mua (6). Cách chữa trị hay nhất là đến cư ngụ nơi các tu sĩ thừa sai là những người rất từ thiện và thích phục vụ khi chúng ta xin họ đi mua những đồ cần thiết cho việc đi dường.
Đừng bao giờ đem vàng ra đổi tại xứ Ba Tư, vì giá rất thấp; chúng tôi đã mất cứ mỗi (đơn vị) «pistolle» Tây Ban Nha là 20 hào 6 xu: nếu đổi tiền vàng Venize (7) thì bị mất tương đối ít hơn. Nhưng tốt hơn cả là đổi vàng tại Bassora, vì bị thiệt ít hơn. Nếu người ta có thể đêm theo tiền quan (Âu Châu) thì sẽ không hề bị thất thoát, trái lại đổi tại Bassora sang tiền Ba Tư thì lại còn có thêm lợi chút ít nữa. Nếu ai muốn dùng của đi đường là cẩm thạch hay hoàng phách, họ sẽ được hài lòng. Nếu lo liệu mang theo được vài cái đồng hồ đeo tay thứ tốt thì giá cả (tại đây) cũng như tại bên Pháp vậy. Cái lối buôn bán nhỏ này người ta cần tới để có được dễ dàng một chút tiền bạc địa phương.
Chương 5
Giám mục Beryte khởi hành từ Hispaham đến Gomeron
Theo quyết định của chúng tôi là tiếp tục đi đến Trung Hoa qua Gomeron, Surate, Massulpatan, Tenasserim, vân vân…, chúng tôi rời Hispaham với người nhân viên Anh quốc. Đi luôn luôn vào ban đêm, chúng tôi tới Schiras ngày 8 tháng Mười. Chúng tôi phải khổ sở vì hai thái cực: suốt đêm trời lạnh buốt đến độ nước trong chai đóng thành băng cả, và ban ngày thì trời nóng cháy như thiêu như đốt. Trên đường, thì luôn luôn đi xuống, tuy chúng tôi chỉ gặp có mỗi một hòn núi cao và dốc thẳng đặc biệt. Chúng tôi lần xuống vào ban đêm, ngã lên ngã xuống nhiều lần.
Chúng tôi lưu lại tại Schiras bốn ngày trời.
Chúng tôi đến Lara ngày 20, và sau một ngày nghỉ ngơi, chúng tôi lại tiếp tục đường đến Gomeron vào ngày 30 trong tháng. Chúng tôi mất tất cả trong hành trình này là 30 ngày đi và 5 ngày nghỉ.
Đường từ Hispaham đến Gomeron khá hiền lành và dễ chịu hơn đường vào xứ Ba Tư. Vì đi với nhân viên Anh quốc, chúng tôi không phải lo gì thuế lộ trình. Ông ta không muốn cho chúng tôi ngồi bàn ăn riêng, phải ngồi chung bàn với ông ta, nên chúng tôi không tài nào chống lại cái nhã nhặn của ông ta. Tối nào chúng tôi cũng nghỉ ngơi tại nhà «caravancera» là quán trọ địa phương. Nhà giống như những sảnh đường lớn, chia làm nhiều phòng nhỏ, trong ấy chỉ thấy có chén bát và những thứ mình đem đến.
Người Ba Tư rất hiếu kỳ trong chuyện xây dựng rải rác các nơi những ngôi nhà «caravancera» này. Thường khi họ gần chết, họ để lại của làm phúc để xây những ngôi nhà mới và sửa chữa những ngôi nhà cũ kỹ.
Chúng tôi còn được một cái lợi khác khi đồng hành với quý vị người Anh quốc là không hề lo gì chuyện trộm cướp. Thực sự xứ Ba Tư rất kỹ lưỡng về điểm này: các quan trấn để tâm quét sạch bọn này khỏi nơi họ cai trị và phải giải quyết mọi chuyện trộm cắp xảy ra trên lãnh địa của họ. Chúng tôi đã chứng kiến một chuyện trong cuộc hành trình: một người Bồ Đào Nha biết luật lệ bản xứ bị mất trộm lúc từ Ấn Độ tới Hispaham. Ông ta cầu cứu tới quan trấn, quan chỉ ngọt ngào hứa xuông. Người Bồ Đào Nha này thưa tới quan nhất triều đình nhà vua. Triều đình cho lệnh xuống quan trấn địa phương, vì không tìm ra thủ phạm, phải biếu tặng cho người Bồ Đào Nha ấy hai con ngựa đẹp.
Lara hay Lar là một thành phố lớn và đẹp, xây dựng chu đáo, tường thành bảo vệ kiên cố. Ở đó có một chợ công cộng, gọi là bazar, nổi tiếng để làm chợ phiên. Chợ «bazar» xây rất vững chắc. Tại Pháp, không thấy có cái gì gần giống như vậy. Chợ «bazar» xây bằng gạch, có vô số đường đi đẹp, thẳng, sáng sủa và có mái che hình vòng cung. Tại đấy, các lái buôn vùng lân cận đến họp. Cũng có vô số trái cây, nhưng nước thì lại rất độc, gây ra những bện hoạn ác nghiệt, nguy hiểm tới tính mạng. Người ta cho rằng nước độc, chảy gần tới tận Gomeron, là vì một vài loại sán, thân khá dài, sinh sản trong háng trong đùi, ẩn trong các thớ thịt mà gậm dấm từ từ. Khi mình phát hiện ra chúng, phải mổ ra một đường để tìm thấy đầu của chúng, dùng cái đũa kéo chúng ra bằng cách xoay vòng chúng. Mỗi ngày, cứ xoay vòng vòng thế mà loại chúng ra, chúng dài có đến sáu bộ. Nếu để chúng bị đứt đoạn, phần còn lại sẽ có nguy cơ gây tổn hại nặng. Phương cách đối đầu với nước độc này là uống rượu thay nước, hoặc không uống nước nữa, và phải cẩn thận khi nước thấm vào quần áo.
Ông nhân viên Anh quốc vẫn tiếp tục lịch thiệp và giúp đỡ chúng tôi, và với tính cách bằng hữu, ông cho chúng tôi cư trú trong ngôi nhà thuộc Hãng Anh quốc qua suốt thời kỳ chúng tôi ở tại Gomeron. Ông cho phép chúng tôi được thực hành tất cả việc tôn giáo kể luôn cả chuyện làm lễ mà không hề gây xáo động. Một vài gia đình Công giáo đến dự lễ vào các ngày lễ. Chúng tôi được yên ủi khi dạy dỗ và rửa tội cho một cậu thiếu niên quãng 14 hay 15 tuổi.
Tôi xin nói một lời với những người cùng tín ngưỡng với chúng tôi rằng những quý vị người Anh quốc càng dễ chịu và hay giúp người bao nhiêu thì lại càng tỏ ra khó sống bây nhiêu khi vào những lúc họ cần phải uống. Nhưng phải theo sức mình mà khiêm tốn đối kháng lại, chúng tôi biết là họ vốn kính trọng những người họ gặp thấy xét theo tư cách người đó, và họ thích ép uổng những ai nhẹ dạ để rồi họ quay ra khinh chê sau đó.
Thành phố Gomeron đầy những người thuộc đủ thứ tôn giáo. Khí hậu rất độc và người ta có thể gọi là nhà mồ của người Âu Châu. Mặc dù chúng tôi ở vào tháng Mười Một, song trời nóng đến đổ mồ hôi. Người Hòa Lan bỏ thành phố vào mùa hè đến ngụ tại Lara, trong một căn nhà đẹp đẽ mà họ có tại đó, nơi này chúng tôi có trú ngụ khi đi qua.
Tôi ngạc nhiên thấy mình ở gần đường xích đạo và mặt trời nóng như lửa trên đầu mà khí hậu lại dễ chịu hơn và sức nóng lại ít cay nghiệt hơn ở các vùng ven vịnh Ba Tư là nơi đôi khi gió nóng bức đến độ mình có cảm tưởng như bị nghẹt thở. Ai đã nghĩ là vùng nhiệt đới là vùng không thể ở được thì thực là sai lầm lớn. Họ chẳng biết chi về những bí mật khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa. Ngài đã dùng buổi đêm dài, sương mát, gió nhẹ liên tục, vô số suối thác và mây trời để làm ôn hòa phần địa cầu này cho con người đủ sức sinh sống. Do đó cần ghi nhận rằng nóng nhiều hay nóng ít không phải là do gần hay xa mặt trời, nhưng nhất là tùy theo địa thế nơi đó, địa thế núi non, đất tốt hay xấu và gió các mùa thổi tới.
Dù chúng tôi có ao ước bỏ được vùng khi hậu nghiệt ngã này, chúng tôi chỉ cò thể ra đi vào ngày 29 tháng Mười Một mà thôi.
Thời kỳ thuận lợi để tới Gomeron rồi xuống tàu đi Surate là từ tháng Mười Một đến đầu tháng Ba. Chúng tôi đã biết là những ai muốn đi đường này mà gặp cản trở nào đó không thể tới Bassora vào tháng Mười hầu theo tàu Anh quốc hay tàu nào đó sang Surate, họ không có cách nào mà thay thế lại được. Bởi vì các thuyền bè người More và người lương tại Bassora hay đi Gomeron, và luôn luôn, vào bất kỳ lúc nào, thuyền bè của họ đều đi Banderic và Bandercongo; rồi từ hai cảng sau, người ta luôn có dịp để đi Gomeron. Thực sự đi như vậy không tiện lợi và không an toàn được như đi theo tàu người Anh. Mọi người đều thuyết phục chúng tôi đi trên tàu người Anh. Và cũng đã kinh nghiệm việc đi tàu với những người này, chúng tôi nghĩ là người ta có thể dùng được, trong hoàn cảnh lỡ các tàu bè khác (1).
Phí tổn di chuyển tại Ba Tư rất là rẻ: chúng tôi chỉ phải trả cho việc chuyên chở 100 cân «main», tức khoảng 150 cân xứ Pháp, là 10 quan tiền, từ Hispaham tới Gomeron, mà không phải chi đồ ăn nào cho lừa và người đánh lừa. Một người, nếu đi bộ theo hay vừa trên lưng lừa vừa đi bộ, thì tính là 31 cân; nếu muốn có riêng một con lừa cho mình thì tính là 60 hay 70 cân, tức khoảng hai phần ba số tiền 20 quan rưỡi. Còn về ăn uống, giá cả cũng rất phải chăng, vì ăn cơm, trái cây, rau cỏ, thỉnh thoảng cũng có được gà vịt hay vài miếng thịt dê hoặc cừu.
Người ta trả 15 quan tiền mỗi đầu người, từ Gomeron sang Surate; chưa kể đến chuyện người ta còn phải trả, theo lệ địa phương, chỗ mình ở trong tàu, nhiều ít tùy theo nơi. Chúng tôi đưa cho ông thuyền trưởng là 60 quan trả tiền tàu biển cho 4 người chúng tôi và 21 quan cho chỗ chúng tôi trong tàu. Những ai đi sau chúng tôi phải nhớ giao hẹn với ông thuyền trưởng trước khi xuống tàu.
Ông nhân viên người Anh quốc vẫn giữ lịch thiệp với chúng tôi. Chúng tôi đã nhận của ông nhiều ân huệ, song đức cha Beryte không thể nào ép ông nhận dược tặng vật của chúng tôi.
Trong tàu đi biển đến Surate, chúng tôi đã chứng kiến cảnh tượng khiến chúng tôi vừa cười vừa thương cái đơn sơ dị đoan của một người lương giáo (2). Theo tôn giáo của ông ta, đụng tới thịt heo là một điều ghê tởm, nên để đùa giỡn, một tay thủy thủ Anh liệng ngay một miếng thịt heo vào mặt ông ta. Ông ta tin là mình đã phạm một tội cực nặng, và để trừ tội và thanh tẩy, ông nhất định đâm đầu xuống biển, nhưng người ta cản lại. Những người cùng tôn giáo với ông, thay vào đó, đã lấy không biết bao nhiêu là xô nước mà xối lên đâu ông ta hầu xóa ngay dấu vết và điều ô nhục ông ta đã chịu. Các thủy thủ người Anh tham dự cả vào chuyện này một hồi lâu, chuyện người chẳng được rửa sạch cũng chẳng được xoá tội (3). (Còn tiếp)
LM. Giuse Đào Quang Toản dịch và chú thích