Cuộc đời Đức Cha Pierre Lambert de la Motte nằm gọn trong lòng thế kỷ XVII (1624-1679). Ngài sinh ra và lớn lên dưới triều đại vua Louis XIII (1610-1643). Ngài chọn hướng đi cho đời mình và thực hiện sự lựa chọn đó dưới triều đại vua Louis XIV (1643-1715).
Trong lịch sử nước Pháp và lịch sử Giáo hội, thế kỷ XVII được mệnh danh là “thế kỷ vĩ đại của các tâm hồn”, “thế kỷ các thánh”.[1] Theo tác giả Françoise Fauconnet-Buzelin: “Thế kỷ XVII có nhiều sáng kiến đổi mới, giáo sĩ và giáo dân, nam giới và nữ giới, những nhà thông thái và những người kém học thức kết hợp niềm say mê và lòng nhiệt thành của họ, thành một sự sôi động tôn giáo lạ thường; thế kỷ sáng ngời bởi những khuôn mặt vĩ đại như Đức Hồng y Pierre de Bérulle, bà Acarie, linh mục Vincent de Paul, linh mục Jean Eudes, linh mục Jean-Jacques Olier, ông Gaston de Renty, Giám mục Bossuet, Giám mục Fénelon và bao nhiêu người khác. Các ngài được vô số tâm hồn, tuy đơn sơ giản dị hơn nhưng không kém hăng say ủng hộ, gợi hứng, noi gương hay phục vụ, có người còn được những ơn thần bí đặc biệt, đó là những nữ tu khiêm hạ, những chị chăn chiên hay chăn bò, những cô chủ quán, những người giúp việc, những chị thợ may. Họ là những người độc thân, những người làm cha, làm mẹ, những goá bụa hay mồ côi, lãnh chúa hay mệnh phụ thuộc giới trung lưu ít nhiều khá giả, giới thợ thuyền hay giới bần cùng… Thần Khí thổi theo hướng Ngài muốn và đôi khi chúng ta không ngờ”.[2]
Thật vậy, nước Pháp thời kỳ này đã sản sinh nhiều vĩ nhân. Trong phạm vi văn học, ba tên tuổi nổi bật lên hàng đầu là: Corneille, Racine, Molière. Trong phạm vi triết học, không thể không nhắc tới Descartes và Pascal. Nhưng vinh dự lớn lao nhất của nước Pháp thời đó là đã cống hiến cho Giáo hội hai mươi bảy vị hiển thánh và chân phước như: Thánh François de Sales và Thánh Jeanne Françoise de Chantal, Thánh Pierre Fourier và Nữ Chân Phước Alix le Clerc, Thánh Vincent de Paul và Nữ Chân Phước Louise de Marillac, Thánh Jean Eudes, Thánh Jean Baptiste de la Salle, Thánh Nữ Jeanne de Lestonnac…
Nhìn sâu vào thực tế nước Pháp thời đó, các sử gia phát hiện thêm điều này là vẻ hào nhoáng bề ngoài kia che đậy nhu cầu bức thiết của một xã hội cần được Phúc Âm chiếu rọi, để thúc đẩy mọi người hoán cải và sống công chính thánh thiện. Thật vậy, thế kỷ XVII của nước Pháp được đánh dấu bởi những cuộc hoán cải kỳ diệu và sự thấm nhuần tinh thần Phúc Âm. Cuối cùng “Phúc Âm được người ta am hiểu lần đầu tiên tại nước Pháp”.[3] Điều đó mang lại cho nước này niềm vinh dự đích thực và bền bỉ, đến nỗi thi sĩ Charles Péguy đã mô tả nước Pháp như “một dân tộc làm vườn, vun trồng được những bông hoa đẹp nhất của sự thánh thiện”.[4]
Pierre Lambert de la Motte là một người con của Giáo hội Pháp thế kỷ XVII, chắc hẳn ngài đã đón nhận nhiều và cũng cống hiến phần mình trong gia sản vĩ đại và thánh thiện ấy (x. LĐLB, phần I).
Pierre sinh ngày 28.01.1624[1] tại Lisieux vùng Normandie, phía Tây Bắc nước Pháp. Song thân là ông Pierre Lambert de la Motte và bà Catherine Heudey de Pommainville et de Bocquencey.[2]
Sống trong gia đình đạo đức, cậu Pierre Lambert được hưởng một nền giáo dục chu đáo, “của một đứa trẻ thuộc gia đình tử tế, dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của người cha và sự dạy dỗ của một giáo sĩ”.[3] Thông thường, việc học tại gia thời đó tập trung vào tập đọc, tập viết và học các phép tính cơ bản, có thể học cả tiếng Latinh, song song với việc học giáo lý để chuẩn bị Rước Lễ lần đầu.[4]
Pierre Lambert cũng sớm cho thấy một thái độ trưởng thành đáng ngạc nhiên khiến cậu khác hẳn với những trẻ cùng lứa tuổi. Theo Jean-Charles de Brisacier kể: “Những người có dịp dạy dỗ cậu đều nói rằng nơi cậu không có dấu gì là con nít cả. Từ năm lên tám, cậu có dáng vẻ đạo mạo của một người lớn […]. Cậu rất dễ uốn nắn, chỉ cần được chỉ dạy một lần về một sai lỗi, cậu sẽ không tái phạm. Trong một dịp cha cậu nói cho cậu biết phải làm chủ các sở thích của mình, thay vì bực tức vì bị nhắc không nên làm theo ý riêng, cậu lễ phép đón nhận sự sửa sai và khôn ngoan nhìn nhận rằng đáng lẽ cậu không nên làm điều mình đã làm”.[5]
Sống trong gia đình đạo đức, cậu Pierre Lambert thường hay tiếp xúc với giới nông dân và chia sẻ của cải vật chất cho người nghèo. Cậu thích tản bộ trong rừng vắng để cầu nguyện.[6] Đặc biệt cậu say mê đọc và suy niệm sách Gương Phước, một tác phẩm linh đạo đã ảnh hưởng sâu sắc trên đời sống Giáo hội từ hai thế kỷ trước. Lúc lên chín tuổi,[7] năm 1633, cậu được ơn Chúa soi sáng cho biết: những người yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu nên quy tụ lại thành một Dòng mang tên Mến Thánh Giá, lấy từ đầu đề chương 11, quyển II của tác phẩm đó.[8]
Sớm mồ côi cha mẹ và là trưởng nam trong gia đình gồm bảy chị em, Pierre Lambert phải gánh vác việc nhà, nên không hề nghĩ tới ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ.[9] Tuy nhiên, trong thời gian theo học chương trình trung học tại trường Dòng Tên ở Caen, cậu được Cha Hayneuve, đồ đệ của Cha Louis Lallemant, khai tâm về đời sống cầu nguyện để tìm ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Sau đó, cậu được Cha Hallé Dòng Bé Mọn (Minime) hướng dẫn vào đời sống khổ hạnh, đặc điểm nổi bật của dòng này. Do ảnh hưởng cha linh hướng, cậu sẽ là thành viên Dòng Ba Bé Mọn.[10]
Nhờ vậy, cậu tập được thói quen tốt lành: nguyện gẫm mỗi ngày hai giờ, ăn chay nhiều lần trong tuần và rước lễ hằng ngày, điều hiếm thấy trong thế kỷ XVII.[11]
(Còn tiếp)
[1] F. FAUCONNET-BUZELIN, Le Père inconnu de la mission moderne. Pierre Lambert de la Motte, premier Vicaire apostolique de Cochinchine, Paris, Archives des Missions Étrangères, 2006, p. 35.
[2] F. FAUCONNET-BUZELIN, Le Père inconnu de la mission moderne. Pierre Lambert de la Motte, premier Vicaire apostolique de Cochinchine, Paris, Archives des Missions Étrangères, 2006, p. 35.
[3] Lestocquoy, La vie Religieuse en France du VIIè au XXè, Paris 1964, tr. l67, 169.
[4] D. Poinsenet, France Religieuse du XVIIè siècle, Paris 1952, tr. 12.
[1] Theo HENRI DE FRONDEVILLE, Đức Cha Pierre Lambert đã chịu phép Rửa tội tại nhà thờ Saint Jacques (Lisieux), ngày 16.01.1624. (x. HENRI DE FRONDEVILLE, Pierre Lambert de la Motte, évêque de Bérythe…, Paris, Spes, 1925, p.7, Ghi chú 1. – và xem: A. LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques 1658-1728, Tome I, Paris, Téqui, 1923, p. 1). Tuy nhiên, chính Đức Cha thì ngài lại nói ngài sinh ngày 28.01: “28.-On a eu vue que c’était aujourd’hui le jour de sa naissance. On a été porté de remercier Dieu de l’être qu’on a recu de lui, et de prier N.S de l’applicquer, par son operation immediate, à ce qui’il sera le plus avantageux à la gloire de Dieu et à la conversion des âmes, et pour obterir cette grande de la divine bonté, on a offert le saint sacrifice de l’autel”. (“Nhật Ký” của Đức cha Lambert, ngày 28.01.1677, AMEP, volume 877, p. 595). (Trích trong JACQUES –CHARLES BRISSACIER (1642-1736), Cuộc đời Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục hiệu tòa Bérythe, Bản dịch của Nguyễn Cao Kỳ Hương, Lưu hành nội bộ, 2006, tr. 19.
[2] X. A. LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchin, Documents historiques I, Paris 1923, p. 1.
[3] F. FAUCONNET-BUZELIN, Le père inconnu de la Mission moderne, op.cit., p. 39.
[4] X. ĐÀO QUANG TOẢN, Đức Cha Lambert de la Motte – Giai đoạn tại Pháp (1624-1660), lưu hành nội bộ, 2002, tr. 67.
[5] Vie de Mgr de la Motte Lambert, Jean-Charles de Brisacier, bản đánh máy – Thư khố Thừa Sai Paris (AMEP) 1995, ch.1; X. JACQUES-CHARLES BRISSACIER (1642-1736), Cuộc đời Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục hiệu tòa Bérythe, Bản dịch của Nguyễn Cao Kỳ Hương, Lưu hành nội bộ, 2006, số 2.4, tr. 19.20.
[6] X. B. JACQUELINE, L’esprit missionnaire de Monseigneur Lambert de la Motte, Saint – Lô 1966, p. 219; F. FAUCONNET-BUZELIN, Le père inconnu de la Mission moderne, op.cit., p. 42.
[7] X. J. GUENNOU, Missions Etrangères de Paris, Fayard, Paris 1968, p. 124; X. F. FAUCONNET-BUZELIN, Le père inconnu de la Mission moderne, op.cit., p. 40; x. ĐÀO QUANG TOẢN, Đặc sủng Mến Thánh Giá, Không viết năm xuất bản, tr. 51-68.
[8] X. J. GUENNOU, Missions Etrangères de Paris, Fayard, Paris 1968, pp. 123 -124; X. F. FAUCONNET-BUZELIN, Le père inconnu de la Mission moderne, op.cit., pp. 41-42.
[9] X. F. FAUCONNET-BUZELIN, Le père inconnu de la Mission moderne, op. cit., p.49.
[10] X. J. GUENNOU, Monseigneur Lambert de la Motte, Maitre spirituel, trong Echos de la rue du Bac, 03.1991, p. 36, cước chú 4.
[11] X. JACQUES-CHARLES BRISSACIER (1642-1736), Cuộc đời Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục hiệu tòa Bérythe, Bản dịch của Nguyễn Cao Kỳ Hương, Lưu hành nội bộ, 2006, số 22, tr. 26.