Ký Sự Cuộc Hành Trình Của Đức Cha Beryte (Chương 16)

KÝ SỰ CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC CHA BERYTE – Jacques de Bourges

Chương 16

Đức cha Beryte khởi hành tại Xiêm La và xuống tàu đi Trung Hoa

Đức cha Beryte quyết định sớm sang tới Trung Hoa: sau khi ngài từ giã các người Đàng Trong và sau khi sắp đặt chu đáo nhất có thể cho Giáo Hội phôi sinh của họ tại Xiêm La, ngày thứ 12 tháng Bảy, ngài xuống thuyền trên sông và ngày thứ 17 thì ra tới tàu ngoài cửa khẩu, cách xa bến cảng khoảng 2 dặm. Ngày thứ 21, tàu căng buồm.

Gió thuận, tàu đi êm xuôi tới đêm ngày thứ 30. Nhưng khi quay sang độ thứ 11 là nơi biển Trung Hoa và biển Cam Bốt giao nhau, tàu gặp những luồng nước cực mạnh và cơn gió thổi ngược. Chưa đầy một khắc đồng hồ, người ta đã mất hy vọng thoát được nguy cơ: mọi cánh buồm đều được hạ xuống, mọi thứ không cần đều bị quăng ra biển để làm nhẹ đỡ tàu. Tuy vậy, dù cách nào đi nữa, người ta đều xét là đã hết phương thế thoát khỏi cơn gian nan khốc liệt. Cái khiến cho lòng càng thêm hoảng sợ là, sau khi buông thả tàu nương nhượng gió biển, tàu bị đưa xa bờ một cách phũ phàng vào một nơi đầy nguy hiểm. Và sau khi làm hết những gì có thể được, người ta nghĩ không còn thế nào hơn là để mặc tàu trôi theo chiều gió biết đâu sự thể sẽ thay đổi. Quyết định như vậy, suốt một ngày và hai đêm trong lòng biển động điên cuồng liên tục, con tàu dạt về hướng đất liền. Tàu đã bị vào nước, tưởng vỡ ra ngay được bất kỳ lúc nào.

Suốt thời gian ấy, các thừa sai phải bận lo giải tội và yên ủi các Kitô hữu có mặt trên tàu. Còn riêng họ, các thừa sai đặt mình suy niệm và cố gắng lợi dụng một dịp may không phải ngày nào cũng gặp được, tựa như lúc nhìn thấy cái chết trước mắt, chẳng còn chút hy vọng nơi người phàm. Vào những lúc thật hạnh phúc đó, các thừa sai cảm nghiệm được cái trận chiến giữa phần thượng đẳng và phần hạ đẳng của linh hồn mình (1). Nếu cái cuồng động bên ngoài có lớn vì cơn thịnh nộ của bão biển, thì cái cuồng động bên trong cũng không kém dữ dội vì cái đau đớn nơi con người xác thịt luôn luôn muốn được sống mà lại thấy mình đang kế cận cái chết. Cũng chính vào những lúc đó, con người thiêng liêng nên giống Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta và là mẫu mực của con người thiêng liêng, khi Ngài tự tâm mình hy sinh tất cả những gì là của Ngài để làm vui lòng Thiên Chúa Cha là Đấng nắm sinh mệnh các tạo vật cũng như muôn triều sóng biển.

Biển vẫn động điên cuồng, chẳng mấy chốc đã đưa tàu vào trong đất liền. Người ta dò thấy đáy biển, rồi buông neo. Nhưng chỗ ấy, biển quá tàn khốc và sóng biển quá mạnh nên người ta sợ là tàu vỡ thành mảnh vụn. Người ta phải cho ngay 12 người đi xà lúp vào bờ xin các làng mạc gần đó ra giúp đỡ để xuống hàng và người một cách mau lẹ mà bỏ mặc tàu cho sóng biển hành hung. Ý kiến trên xem ra là ý kiến phải theo, nhưng vô ích, vì chiếc xà lúp vừa vào tới bờ thì đã bị bể tan. Trong nỗi đó, 12 người trên thấy mình không còn có thể báo tin ra được cho tàu, cũng không đem được trợ giúp như mong đợi, bè ra đi báo tin về Xiêm La. Ba ngày trôi qua không còn biết gì về 12 người trên, dân trên tàu nghĩ là nhóm người ấy đã bỏ rơi họ, sung sướng vì thoát ra được khỏi tàu trong tình trạng này.

Trong nỗi cùng cực và nước trên tàu đã bắt đầu cạn, người ta gỡ ván sườn tàu ra làm chiếc đò thứ hai; làm xong, ông thuyền trưởng cùng một trong các thừa sai và năm người khác, dù với giá nào bất kể, đã chèo đò vào bờ tìm cấp cứu. May mắn, họ gặp được bốn hay năm người dân Đàng Trong mà hai là Kitô hữu. Vừa nhận ra người thừa sai mà họ đã thấy ở Xiêm La, họ liền bái phục dưới chân ngài. Hay tin đức cha Beryte còn trên con tàu, ba người trong họ liền lo ra đưa ngài vào bằng một chiếc thuyền nhỏ. Họ đã làm công việc ấy với một lòng cao thượng là cái đặc biệt riêng của người dân xứ họ (2). Ra được 2 dặm ngoài biển và chỉ còn cách tàu 1 dặm, thì một cơn bão nổi lên dữ tợn khiến họ không những phải bỏ thuyền mà thuyền còn bị đánh tan tành và họ chạm chân lại đất liền ngay sau đó.

Nhìn việc xảy ra, người ta bắt đầu mất hẳn hy vọng: chẳng thấy một ai (ra cứu), bão tố chẳng bớt thì chớ lại càng thêm cuồng nộ, đoàn thuyền viên rã rời vì sợ và vì cơn khát hành hạ. Nhưng lòng nhân từ Chúa không bỏ rơi ai kêu cầu Ngài với lòng thành tín hiếu nghĩa: thấy nỗi khốn cùng mà con tàu phải chịu vì chỉ thiếu một chút nước ngọt, Ngài cho hai cơn mưa lớn đổ nước dư đủ cho họ. Rồi vài hôm sau, 2 con thuyền từ Xiêm La đến cứu họ, nhờ được tin của những người đã rời tàu bằng chuyến xà lúp đầu tiên. Hai ngày trước đó, ông thuyền trưởng, đã gặp quan toàn quyền của các làng mạc trên bờ, cũng trở lại tàu với người thừa sai đã theo ông ta vào bờ. Nhờ đó, đức cha Beryte rời được tàu trở lại Xiêm La, lần thứ hai, vào ngày thứ 15 tháng Chín.

Vừa tới nơi, đức cha liền xuống khu người Đàng Trong và gặp thấy được giáo sĩ mà ngài đã sai đi Tenasserim. Đức cha Beryte đã mất 65 ngày đi trên biển Trung Hoa bão tố. Biết tin rằng đức cha Heliopolis đã đến gần Tenasserim, ngài sai hai người đi đón với giấy tờ thông hành cần thiết để tạo dễ dàng cho đường đức cha đi. Ngài quyết định chờ đức cha Heliopolis tại Xiêm La để, họp lại với nhau, các ngài sẽ có thể xem xét và sắp đặt chu đáo hơn việc hướng dẫn các sứ vụ thừa sai của các ngài (3). Mặt khác, cần phải chờ đợi vì thời đi biển năm nay đã qua rồi.

Phần còn lại, đức cha Beryte rút ra bài học không phải là nhỏ sau lần đi biển bên cạnh 40 người Bồ Đào Nha: ngài hiểu là do vài chỉ thị nào đó từ xứ Bồ Đào Nha đưa ra, người Bồ Đào Nha tại Xiêm La không thèm nhìn ngài với con mắt thiện cảm. Ý đồ của họ lại còn đi xa hơn nữa đến nỗi họ lập thành một phe đảng với nhau để triệt hạ ngài mà ngài đã được tin báo cho hay. Đức cha đã phải bỏ khu của họ mà tìm nơi cư trú an toàn tránh ý đồ tham hiểm của họ, tại gần khu người Hòa Lan (4) để tránh ý đồ nham hiểm của họ.

Đức cha đã có thể phải lo sợ khi xuống con tàu mà thấy nhiều kẻ thù địch dù họ không phải là chủ chiếc tàu. Nhưng tin tưởng vào Chúa và không biết hết được những gì xảy ra, ngài không có đối đầu với họ, lại tìm phục vụ họ bằng cách cho họ hiểu cái ý hướng trong sáng nơi các giáo sĩ Pháp, và hiểu rằng không có cớ nào và không thể dưới chiêu bài lợi ích quốc gia mà người ta lại cưu mang ý đồ ác độc cho công việc của các giáo sĩ Pháp. Cái khiến đã khuất phục được họ là việc lo lắng (của các giáo sĩ Pháp) sáng chiều, ngoài lúc bão tố ra, xướng kinh cầu nguyện, ngày lễ thì dâng Thánh lễ, dẫn giáo lý, giảng dạy bằng tiếng của họ, nhân từ nói chuyện với họ về những sự cho phần rỗi đời đời. Những việc nhỏ bé trên cũng đủ để hoán cải họ, từ thù nghịch sang bạn hữu, trở nên dễ đối xử được. Tất cả đều xưng tội và rước lễ; lắm kẻ chịu quá một lần. Chính vào lúc đó, họ đã tuyên bố công khai ra tình thế trong đó họ đã âm mưu chống lại bản thân đức cha Beryte. Họ đã tỏ ra hối tiếc, hứa là nếu trở lại được Xiêm La họ sẽ gợi ý kiến khác cho người đồng hương của họ. Đó cũng là điều chúng tôi trông đợi nơi lòng bác ái và công bình của họ.

Trở lại Xiêm La, đức cha Beryte tìm được an ủi khi nhìn thấy đoàn chiên của ngài đã tăng thêm nhiều người gốc Đàng Trong khác. Từ lúc đấy, ngài lại tiếp tục vun xới Giáo Hội này với nhiều ơn trên ban xuống. (Còn tiếp)

LM. Giuse Đào Quang Toản dịch và chú thích

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube