Đức Cha Lambert Viếng Thăm Đàng Trong Lần Đầu (P3)

ĐỨC CHA LAMBERT VIẾNG THĂM ĐÀNG TRONG LẦN ĐẦU
Ký Sự của cha Vachet

Chương IV
Đức cha ngã bệnh

Cha Barthélémy d’Acosta.
Khi đặt chân xuống đất liền tại bến cảng đầu tiên, chúng tôi được tin cha Barthélémy d’Acosta, dòng Tên, người Nhật, chỉ ở cách chúng tôi 4 dặm đường. Tin này làm chúng tôi vui mừng lắm trong niềm hy vọng sẽ gặp được cha và đàm đạo với cha.
Ngay khi cha ấy biết Đức cha Bêrytê ở rất gần đó, thì cha đến kính chào ngài. Và sau nhiều nghi phép xã giao qua lại giữa đôi bên, vị linh mục ấy nói với chúng tôi rằng người ta rất lo phiền về một chuyến tàu đã lên đường đi Macao năm vừa qua. Trên đó có linh mục Marquez. Có tiếng đồn rằng con tàu đó đã bị đắm. Tai nạn này lại rất đáng lo ngại hơn nữa vì có thể nhà vua Đàng Trong lợi dụng cơ hội này mà bách hại những người thợ Phúc Âm. Lý do là nhà vua đã trao phó cho cha Marquez 10.000 quan tiền êcu để cha này lo một vài công việc được ủy thác. Vì người ta không thể thi hành được lệnh truyền đó, cha Acosta tin rằng người ta sẽ không dám gửi một con tàu nào từ Macao đến đây vào năm này và chắc còn lâu lắm mới có tàu Macao trở lại đây, vì sợ vua Đàng Trong bắt giữ lấy để bồi thường khoản tiền vua đã đưa ra.
Chúng tôi thông cảm chia sẻ chuyện buồn này, nên chúng tôi không vui nhận được những điều an ủi khác như chúng tôi có thể làm. Giáo hữu thì từ khắp nơi nhiệt thành tuôn đến, và ước ao hưởng nhận sự hiện diện của chúng tôi. Điều ấy khiến chúng tôi rất vui mừng sung sướng. Nhưng niềm vui này sẽ vội nhường chỗ cho một nỗi buồn nặng trĩu vì tình trạng nguy kịch của Đức cha Bêrytê. Ngài đã quyết định không dừng chân lâu tại nơi này, nhưng ngoài ý muốn mình, ngài buộc phải lưu lại hơn 6 tuần lễ ròng rã do bệnh hoạn của ngài.

Đức cha đau liệt giường.
Cơn sốt đầu tiên của ngài kéo dài 36 giờ đồng hồ, với những cơn đau dữ dội. Tôi gửi ngay người đi Hội An báo tin cho cha Guyart, một đồng nghiệp của chúng tôi, và xin cha ấy hãy dẫn ông thầy thuốc người Pháp đến ngay đây với cha ấy. Cha ấy và ông này đã rời Xiêm La bốn ngày sau chúng tôi. Dù có khẩn trương đến đâu thì cũng phải mất 7 hay 8 ngày đường đi, và cũng từng đấy ngày trở về. Tôi sợ rằng trợ giúp mong chờ sẽ tới quá trễ. Bởi vì tất cả mọi sự đều góp lại mà làm suy yếu bệnh nhân : thân nhiệt thì mỏng manh, cơn sốt thì phũ phàng, thời tiết thì là mưa và sương mù tại một nơi bao bọc bởi núi đồi và đầm lầy, thuốc thang thì thiếu thốn, và chính ngài thì không thể ăn uống chi được. Và để nỗi đau buồn được trọn, tôi bị loại ra ngoài khả năng phục vụ cho ngài, tại vì chính tôi cũng bị lên cơn sốt nghiệt ngã trước ngài nữa. Lúc tôi vẫn còn bị sốt thì cơn sốt đột nhiên rời khỏi ngài nhờ một đặc ân phi thường của Trời Cao. Sau khi nghỉ ngơi hai ngày trời, ngài nghĩ rằng ngài đã khỏi và ngài buộc một người cấp tốc đi rút lời kêu gọi những người mà tôi viết giấy mời tới. Nhưng người đi nhắn tin này vừa chớm lên đường thì ngài lại rơi vào cơn sốt còn dai dẵng hơn trước. Ngài mất hẳn sức lực.
Phần tôi, dù tôi thấy cơn bệnh của ngài tồi tệ đi từng ngày từng ngày, tôi vẫn luôn tin tưởng vào Thiên Chúa. Tôi không thể tin rằng Đấng Quan Phòng lại muốn cất khỏi chúng tôi một vị giám mục rất đỗi cần thiết như vậy ngay vào giữa lúc sứ vụ truyền giáo của ngài, và vào lúc sắp sửa gặt hái những hoa quả tốt đẹp nhất mà chúng tôi kỳ vọng nơi cuộc thăm viếng của ngài.
Tuy nhiên, để tránh chuyện không ngờ được, tôi đứng dậy cho dù vẫn còn sốt, và tôi đến thưa với Đức cha Bêrytê rằng để tránh tất cả mọi tai nạn, không phải là vô ích khi gửi hai lá thư bổ nhiệm linh mục tổng đại diện theo như năng quyền Tòa Thánh đã ban. Đức cha Bêrytê vui nhận đề nghị của tôi và tuyên bố với tôi rằng ý hướng của ngài là chỉ lập một tổng đại diện cho toàn vương quốc, rằng các cha Guyart và Mahot kế vị nhau trong trường hợp tử vong. Ngài ký tên vào thư và người ta gửi thư đi.
Mấy ngày sau đó, cảm thấy rất đau đớn, ngài bảo tôi rằng ngài chỉ còn nghĩ tới cái chết trong sự kết hiệp mật thiết nhất có thể với Chúa. Thỉnh thoảng tôi lại nghe ngài nói khi cơn đau nổi lên và trong sức mỏi mòn :
« Can đảm, giờ đến gần, hãy chịu đau đớn, bởi vì Thiên Chúa truyền dạy, bao lâu mà Đấng Thánh Cao Cả còn muốn như vậy. »

Một tâm hồn thánh thiện.
Và vì ngài không nghĩ rằng còn có thể phục hồi được nữa, ngài giục tôi hãy ban những bí tích sau cùng cho ngài. Ngài nói với tôi rằng tôi để mình bị bất ngờ, rằng ngài có thể bị mất trí đi trong chốc lát sắp tới vào lúc mà tôi không nghĩ tới. Ngài tha thiết ước muốn chịu phép xức dầu kẻ liệt, trước khi rơi vào tình trạng mà người ta chỉ còn hưởng nhận được một cách nửa chừng, tạm nói như thế, những phương dược của Giáo Hội. Tôi chần chừ kéo dài thêm ba hay bốn ngày nữa. Nhưng sau cùng, phải cho ngài được vừa ý ngài xin, ngài mãn nguyện bao nhiêu thì tôi đau đớn bấy nhiêu trước tình trạng của ngài.
Nếu người ta có thể suy xét tình trạng bên trong của một linh hồn qua những biểu hiệu bên ngoài, thì khó mà thấy một người sắp chết nào mà chuẩn bị vào trận chiến cuối cùng một cách thánh thiện hơn. Tôi khao khát ước muốn thâm nhập vào được sâu tâm hồn ngài để xem thấy tất cả những sinh động nơi đó. Nhưng để kìm hãm ước muốn của tôi lại, tôi nghĩ rằng chỉ có duy nhất một Thiên Chúa mới thấy tỏ tường trong cung đền thánh đó thôi. Còn tôi thì chỉ cho tôi được thấy thỉnh thoảng trên lưỡi ngài và trên đôi mắt của ngài vài tia lửa đang thiêu đốt bên trong nội tâm của ngài.
Tôi rất buồn và rất chán nản, nhưng lại cảm được một sự an ủi lớn khi tôi thấy ngài đầy tin tưởng và trầm tĩnh giữa những nỗi đau đớn. Ngài tràn đầy tin cậy nơi Thiên Chúa, nóng cháy ao ước được sớm nhìn thấy Thiên Chúa nơi Thiên Đàng, nhưng ngài cũng đặt mình vâng theo mệnh lệnh của Thiên Chúa cho sống hay cho chết. Ngài cố gắng nói lên thường xuyên những lời nồng cháy của Đa Vít rằng : «Misericordias Domini in aeternum cantabo». Đến muôn đời con ca vang tình thương Chúa ! Do đó thật dễ hiểu khi thấy tình thương Chúa cuốn hút ngài không ngơi nghỉ, và lòng nhân từ của Chúa lúc đó là nam châm thiêng liêng lôi kéo toàn vẹn tâm hồn ngài với những dịu dàng khôn tưởng.

Hai người từ Hội An tới.
Ngài ở trong tình trạng đó khi hai người, mà tôi đã viết thư cho họ tại Hội An, đến nơi, mười lăm ngày sau khi tôi yêu cầu. Thật là một việc của Đấng Quan Phòng là họ tới bằng đường biển. Bởi vì nếu họ dùng đường bộ, chắc chắn họ đã gặp người đưa tin thứ hai mang lệnh cho họ đừng đến nữa.
Một trong hai người có thể nâng đỡ thể xác bằng nghiệp vụ của ông, đã khéo lo liệu mọi phương thế để từ từ làm bớt cơn nóng sốt của ngài xuống và sau cùng, đuổi hẳn cơn sốt khỏi ngài vào ngày thứ 21, ngày mà người ta lo ngại nhất.
Ngay từ những dấu hiệu đầu tiên cho thấy ngài đang bắt đầu khỏi bệnh, ông [thầy thuốc] xin cáo từ bệnh nhân, với sự đồng ý của bệnh nhân. Rồi để cha Guyart bên cạnh ngài, ông ta trở về Hội An một mình hầu tiếp tục công việc của ông. Chúng tôi rất cảm xúc khi ông ta ra đi, tại vì Đức cha Bêrytê, đối với chúng tôi, chưa hoàn toàn ra khỏi nguy hiểm. Nhưng cha Guyart hiểu biết một chút về thuốc thang, nhờ chuyên chú thực hành từ ít lâu nay và chỉ vào xứ Đàng Trong dưới bộ áo của người làm nghề thuốc, đã khích lệ chúng tôi và cho chúng tôi hy vọng rằng nhờ sự săn sóc nhỏ bé của chúng tôi với sự trợ giúp từ Trời Cao, chúng tôi sẽ chữa lành được cho bệnh nhân của chúng tôi.

Những ngày sau đó.
Chúng tôi sáng chế ra một thứ giường mà trên đó người ta có thể thay đổi y phục và thay đổi thế nằm cho ngài cách tiện lợi. Ngài cảm thấy được nhẹ bớt đi rất nhiều. Lúc ngài bắt đầu nghỉ ngơi được nhiều hơn thì ngài tự nhiên ăn ngon miệng hơn, điều đó khiến tin được rằng chúng tôi sẽ giúp ngài tìm lại sức khỏe trọn vẹn trong ít ngày nữa, nếu như chính ngài muốn được niềm vui tìm lại sức lực của ngài. Nhưng lòng hăng say của ngài lại đối chọi với dự tính của chúng tôi, ngay từ lúc đó ngài muốn nghĩ tới chuyện ra đi tiếp tục việc thăm viếng của ngài. Ngài chắc chắn rằng lên đường vì phần rỗi của đoàn chiên ngài thì vị Hoàng Tử của các mục tử sẽ lo cho ngài mạnh sức, và rằng thay đổi không khí thì sẽ tốt cho ngài hơn, rằng cái mệt chừng mực trong chuyến đi thì không thể nào làm hại chi cho ngài được.
Ngoài ra, nếu ngài còn chút hối tiếc đã qua một thời gian dài không làm chi hữu dụng cho các giáo dân ở xứ mà ngài có mặt, ngài lại được niềm vui biết rằng cha Giuse, linh mục người Việt, đã không làm việc luống công. Vị linh mục đức hạnh đó đã rửa tội cho 72 người ngoại, đã chuẩn bị cho nhiều người khác đón nhận phép rửa tội vào một dịp khác. Ngài đã ban các bí tích sám hối và thánh thể cho rất nhiều tín hữu từ xa đến tìm sự tươi mát đó cho linh hồn họ.
Niềm an ủi cho Đức cha Bêrytê đó còn kèm theo một niềm an ủi khác khi ngài đọc những lá thư mà tất cả các giáo đoàn (les Églises) trong vương quốc viết gửi tới ngài, trong thời gian ngài bị bệnh, để chia sẻ niềm vui với ngài đã tới được vương quốc này bình an. Những niềm vui ấy đến với ngài, mang chi đó rất âu yếm dịu dàng, khiến cho vị giám mục nhận thấy lòng chân thật trong tình thương của các giáo dân, và lòng sốt mến trong niềm ao ước của họ mong được hưởng nhờ sự hiện diện của ngài.

Chương V
Tại xứ Quảng Ngãi

Chuẩn bị lên đường.
Phải thú nhận rằng những người tông đồ sống theo những nguyên tắc khác hẳn người thường. Ai xét chuyến đi mà Đức cha Bêrytê muốn thực hiện theo những quy luật của tính cẩn thận bình thường, thì chắc chắn sẽ kết án chuyến đi này là liều lĩnh. Ngài vẫn còn rất yếu đến độ đi trong phòng thôi vẫn phải vịn vào người khác. Hơn nữa, không thể nào đi đường biển được. Dù ngài có uy tín và dù ngài có hứa phần thưởng, ngài cũng chẳng tìm ra con thuyền nào hay người nào muốn đưa ngài đi, vì là mùa nghịch và vì gió ngược. Sau nữa, hiển nhiên là chúng tôi không thể dùng đường bộ mà không gặp nguy hiểm bị khám phá ra trong một vương quốc mà điều tối quan hệ là phải sống luôn luôn ẩn kín. Bởi vì, sau hết, phải dùng phương tiện nào để cùng nhóm tùy tùng đi ngang qua những phần đất của nhiều vị quan lại đây ? Các ông quan này, do hiếu kỳ và do nhiệm vụ, còn phải canh chừng các hành khách. Làm sao để tránh không bị nhận diện và bị bắt giữ tại nơi nào đó theo lệnh của ai đấy trong các vị quan lại ?
Tất cả những khó khăn trên có thể làm lay chuyển người nào khác hơn là Đức cha Bêrytê. Nhưng ngài luôn luôn kiên vững theo quyết định của ngài. Đó là sử dụng tất cả mọi giải pháp có thể nghĩ ra được để đi tới xứ Quảng Ngãi sớm nhất có thể hầu thăm viếng các nhà thờ tại đây. Sau khi bàn luận mọi sự, ngài xét là phải bỏ đường biển và dùng đường bộ. Để che dấu chúng tôi đang lúc đi đường dưới dạng khách đi buôn, chúng tôi để cha Guyart ở đầu đoàn. Cha đã rời Hội An với sự đồng ý của ông khu trưởng khu phố, cha có thể đi ngang khắp vương quốc mà không sợ gì.

Đường đến Quảng Ngãi.
Một ông người Pháp đã đi trước chúng tôi mấy ngày, ông này cũng đã tạo dễ dàng đường đi cho chúng tôi. Bởi vì người ta được tin từ ông là có một chuyến tàu Pháp ở Hội An, và mấy người trong nhóm họ, đến thành phố đó trên chuyến tàu, đã rời tàu đi lo việc buôn bán, và những người này nay mai sẽ trở lại. Do vậy, xem ra chúng tôi được dễ dàng đi ngang khắp chốn mà không sợ nguy hiểm nhờ tin đồn ấy đã lan rộng khắp nơi.
Ngày khởi hành là ngày lễ Các Thánh, Đức cha Bêrytê đã dâng lễ ngày hôm đó. Dù còn yếu, ngài đã can đảm rửa tội 18 người lớn và thêm sức hơn 200 người mà phần đông đã chịu lễ từ tay ngài. Sau đó, tất cả chúng tôi đều phó mình cho Chúa, vị giám mục vào võng che mà chúng tôi đã chuẩn bị cho ngài, cha Guyart và tôi lên lưng ngựa.
Chúng tôi là quãng 60 người và phải đi ngang qua nhiều làng mạc đầy lính tráng. Do đó, gần như không thể nào mà người ta lại không chận hỏi chúng tôi ở một nơi nào đó. Tuy nhiên, nhờ một sự che chở đặc biệt của Thiên Chúa, chúng tôi chẳng gặp một ai muốn hỏi rõ chúng tôi là ai, chúng tôi từ đâu tới và chúng tôi đi đâu. Sự thực là người ta có hỏi chúng tôi rằng người đang được khiêng đi đó là ai, chúng tôi trả lời rằng đó là ông chủ của chúng tôi, và người ta không hỏi thêm nữa. Còn tất cả những câu hỏi khác của người ta, người ta bằng lòng với những câu trả lời đầu tiên của chúng tôi. Họ không muốn tìm tòi thêm và không có tò mò khám xét hành trang chúng tôi, cho dù lính tráng xứ này thì xấc xược và quan lại thì keo kiệt. Lính và quan có thể dễ dàng lợi dụng chúng tôi, hoặc lúc ban ngày nơi chúng tôi đi ngang, hoặc lúc ban tối tại những nhà trọ nơi chúng tôi nghỉ ngơi. Những nhà trọ này không gì khác hơn là những ngôi nhà xây rải rác dọc đường để cho hành khách tạm trú, không có ai tiếp đón và không có ai cung cấp đồ ăn uống chi cả.

Quảng Ngãi tiếp đón Đức cha.
Trên đường đi, chúng tôi gặp một số khá đông những người có đạo. Họ rất muốn giữ chúng tôi lại gần như ở khắp mọi nơi để được chịu các bí tích. Nhưng chúng tôi tiếc rằng không thể làm vừa ý mọi người được, tại vì chúng tôi phải đến nơi trước những cơn mưa. Mùa mưa thì đã cận kề và mưa dầm dề có thể làm ngưng chuyến đi lại, hoặc gây chậm trễ rất nhiều cho chúng tôi.
Bởi thế, sau 8 ngày trời đi bộ từ lúc khởi hành tại Nước Mặn, chúng tôi vào xứ Quảng Ngãi, trong niềm hoan hỉ của toàn dân có đạo. Những bậc vị vọng của họ, năm 1670, đã viết thư với những lời lẽ rất mạnh và rất cảm động, sau khi các cha Hainques và Brindeau qua đời, để mời Đức cha Bêrytê đích thân đến trợ giúp họ.
Trước đây, họ đã mau chóng gửi con thuyền sang Xiêm La để đón ngài. Bây giờ, họ vui sướng nhìn thấy ngài trong xứ của họ, sau khi ngài đã trải qua biết bao nhiêu là hiểm nguy và chịu đựng biết bao nhiêu là khó nhọc vì lòng quý mến họ. Họ vẫn còn nhớ tất cả những gì cha Hainques và cha Brindeau, những vị mục tử rất yêu dấu của họ, đã nhiều lần nói với họ về phẩm chức giám mục và về những đức hạnh cá nhân của ngài. Trong kỷ niệm đó, hòa lẫn giữa niềm vui và nỗi buồn, nước mắt dàn dụa, họ không thể nào biết tiếp đón cho trọn một người cha cao cả và bác ái đã đến ủi an họ trong nỗi mất mát và sửa chữa lại những đổ vỡ.

Quảng Ngãi.
Niềm an ủi đôi bên cùng hòa lẫn. Chúng tôi thấy lòng rất nhiệt thành và rất thực tâm nơi những bổn đạo mới này. Chúng tôi chắc sẽ tự nguyện vui lòng sống suốt những ngày còn lại của đời mình với họ, nếu như mệnh lệnh của Thiên Chúa không buộc chúng tôi phải chia sẻ với thời gian giữa tất cả những giáo đoàn (les Églises) khác của Đàng Trong. Tôi không biết tại sao giáo đoàn ở xứ Quảng Ngãi lại có nét thu hút rất đặc biệt đối với chúng tôi mà chúng tôi không thể diễn tả ra được.
Các tín hữu tạo thành giáo đoàn này thì sống rải rác ở nhiều nơi. Họ tụ họp lại vào các ngày chúa nhật và các ngày lễ tại ba giáo xứ khác nhau. Một giáo xứ là giáo xứ Đức Bà tại An Chỉ ; giáo xứ khác là giáo xứ Thánh Gia tại Bào Tây ; ba là nhà ở của một thầy giảng tại Chu Mê. Ông thầy giảng này trách nhiệm ba giáo xứ trên khi vắng mặt các thừa sai. Ông đã giữ gìn các tân tòng trong một lòng đạo đức rất sốt mến. Nếu chúng tôi có thể diễn tả cách trọn vẹn tự nhiên chuyện này trong các lá thư chúng tôi viết về Pháp, tôi tin rằng chỉ nội chuyện đó thôi cũng đủ để kêu gọi được hằng hà sa số các thợ làm cho sứ vụ truyền giáo này.
Quả thực, giáo đoàn (chrétienté) này thật xinh đẹp lúc khai sinh đến độ người ta có thể nói về giáo đoàn này như một hiền triết thời xưa đã nói về nhân đức : nếu nhân đức có thể hiện rõ ra trung thực trước mắt người ta, thì chẳng một ai có thể từ chối mà lại chẳng yêu mến. Nhưng tiếc thay ! Bởi nhân đức ít người biết đến, nên chẳng mấy người theo nhân đức. Cũng một lẽ đó, chắc sẽ chỉ có ít người là để mình bị quyến rũ bởi cái đẹp của giáo đoàn (l’Église) mới mẻ này ; hơn nữa, họ chỉ thấy được từ xa và họ chỉ biết được cách mờ ảo.
Phần chúng tôi là những người được diễm phúc thấy giáo đoàn này thật gần, tất cả chúng tôi đều bị quyến rũ. Ở đây, người ta vẫn giữ lòng yêu thương và sự kính phục tuyệt đẹp đối với nhân đức và công việc của các cha Hainques và Brindeau. Lòng tưởng nhớ các ngài được ghi sâu nơi các tâm trí, không bao giờ có thể xóa mờ. Người ta chỉ nói tới các ngài với những tiếng khóc nức nở và những lời kính phục đến độ tôn thờ, khi người ta nhớ lại những ân lành lạ thường mà Thiên Chúa đã đổ xuống trên những công việc của các ngài giữa những cuộc bách hại. Thực sự là gần như luôn luôn bị xô đẩy bởi phong ba bão táp suốt mười năm trường (mà cha Brindeau đã trải qua 2 năm cuối với cha Hainques), các ngài đã tăng một nửa số giáo hữu. Con số hiện giờ là từ 25.000 đến 30.000, theo ước tính mà Đức cha Bêrytê đã cho thực hiện tại chỗ với những người có kinh nghiệm và đáng tin tưởng.

Ký Sự của Cha Vachet

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube