Ký Sự Cuộc Hành Trình Của Đức Cha Beryte (Chương 2)

KÝ SỰ CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC CHA BERYTE – Jacques de Bourges

Chương 2

Hành trình của đức cha Beryte từ Paris đến Hispaham

 

Hoàn tất 8 ngày tĩnh tâm sau khi được thánh hiến giám mục, đức cha Beryte chỉ còn nghĩ tới một điều là rời nước Pháp. Vì theo ngài, Chúa sẽ tính toán tất cả thời giờ mà ngài còn nán lại, chưa đến nơi thừa sai của mình là xứ Đàng Trong, các tỉnh Chiêm Thành và Cam Bốt, ba tỉnh nam Trung Hoa, đảo Hải Nam và các nơi khác (1). Ngài ra đi kín đáo, không cho một ai hay. Ngài buộc lòng phải hành động như thế để khỏi bị người ta ngăn trở, chống đối việc lên đường của ngài. Cũng nhờ đó, ngài tránh được nhiều phiền phức trong giới người thân thuộc và bạn hữu không bằng lòng việc ngài rời nước Pháp. Ngài đã giúp họ khỏi phải ân hận sau đó vì đã không thuyết phục được ngài thay đổi quyết định theo tiếng gọi của Chúa và vâng phục Giáo Hội đã sai ngài sang Trung Hoa.

Người đời thực sự thấy buồn trong lòng trước một con người, vốn nhiều công nhiều việc và được vị nể vì tài năng kinh nghiệm, lại chấp nhận một hành động liều lĩnh: từ bỏ mọi ưu thế ích lợi riêng, ra đi đến giữa đám dân ngoại đạo, cách xa quê hương hằng bốn, năm ngàn dặm đường, và dấn thân vào một cuộc sống liều mình giữa mọi nguy nan, chẳng có một niềm hy vọng nào khác hơn là chịu đau khổ rất nhiều vì Chúa.

Đức cha Beryte không hề nghĩ là phải trả lời mọi chống đối của người thân về công cuộc của ngài: ngài đã để lại một bài học thật đẹp cho những ai tự hiến theo ngài biết phải cư xử ra sao trong tình huống như trên.

Ngài rời Paris ngày 18 tháng Bảy với một giáo sĩ gốc thành phố này (2) và một người tôi bộc. Kinh nghiệm cho biết rõ rằng các người tôi bộc mang theo từ Pháp, nếu họ không có nhân đức vững vàng, thường lại gây phiền toái nhiều hơn là phụ giúp đỡ đần.

Ngay lúc vừa đến Lyon, đức cha Beryte bị sốt không ngớt, phải nằm liệt trên giường suốt 52 ngày. Suốt hai ngày liền, ngài không còn biết sự gì; nhưng Chúa đã cho ngài thấy là chỉ có Chúa là Đấng làm cho chết và làm cho sống: chính vào lúc mà đức cha đã bị thế gian từ bỏ và mọi người chỉ còn chờ giây phút ngài sang một thế giới tốt lành hơn, thì đột nhiên ngài khỏi hẳn cơn sốt, chỉ còn cảm thấy mệt mỏi trong người mà thôi. Chuyện xảy ra như vậy, người ta nói được với Thánh Tông Đồ rằng: «Quasi morientes, ecce vivimus» (3).

Tình trạng khốn cùng mà đức cha đã sống qua giúp ngài cảm nghiệm sự từ bỏ hoàn toàn mà mỗi người cần phải thực hiện liên tục để phó thác chính con người mình cho Chúa, khi dấn thân vào các chức vụ tông đồ. Ông y sĩ đã rất đỗi ngạc nhiên thấy đức cha được khỏi bệnh như thế, đến nỗi chẳng còn dám tin vào mắt mình nữa. Không nghi ngại chi, ông cho là đã do ơn trên hơn là do thuốc thang y học đem lại. Đức cha Beryte đã nhận Của Ăn Đàng và Phép Xức Dầu Kẻ Liệt trong tình trạng không còn thưa đáp được nữa, và ngài cũng đã xin người ta chôn cất ngài như những kẻ nghèo trong bệnh viện, không phúng điếu không danh dự.

Cảm thấy sức khỏe bình phục, ngài rời Lyon không chậm trễ. Vừa đứng dậy được, ngài liền xuống thuyền trên sông Rhône; và vì vẫn còn yếu, ngài dùng võng che (4) để đến Marseille, gặp một giáo sĩ quý mến của cố giám mục thành Toulon, đức cha Pingré, và là người thuộc thành phố này (5). Giám mục Toulon thường mời giáo sĩ trên ghé chân lại địa phận ngài.

Cái hiền hoà của quê hương, cái hy vọng bổng lộc và công việc chức vụ (6), những lời khuyến dụ của giám mục mình, và có thể cái viễn tượng khó khăn nơi kẻ dấn thân lúc sắp khởi sự một cuộc hành trình dòng dã như thế, tất cả có thể làm lung lay ý chí của giáo sĩ này nếu như quyết tâm của ngài không xây dựng trên Chúa. Trước những lời tha thiết của giám mục Toulon, giáo sĩ này chỉ đáp lại bằng một lời duy nhất rằng nếu đức cha ra lệnh, ngài sẽ vâng lời ở lại. Nhưng vị giám mục khôn ngoan và đức độ này vốn nhận biết ơn gọi của giáo sĩ mình, đã không muốn cản trở ngài.

Vì thời tiết và dịp thuận tiện riêng cho việc đi biển đã đến, đức cha Beryte và các giáo sĩ của ngài rời cảng Marseille ngày 27 tháng Mười Một năm 1660.

Buổi đầu trên biển cả thật nguy hiểm vì gặp một trận bão vừa lớn lại vừa lâu ngay lúc họ vừa ra khơi. Hơn nữa, họ không chịu nổi cái dập vùi xô đẩy của con tàu bởi vì chưa hề quen đi biển bao giờ. Trong cơn nguy kịch, viên thuyền trưởng không hề tỏ ra sợ hãi, đợi chờ qua đêm, bằng không cũng như đem tàu vào đá ngầm đảo Sardaigne để bị nạn không đường cứu chữa. Nhưng Chúa kéo họ qua khỏi tai biến đầu tiên ấy. Họ tiếp tục hải hành để đến đảo Malte vào ngày 23 tháng Chạp.

Được báo trước, viện trưởng nhà các cha Dòng Tên cho một cha người Pháp ra đón đức cha Beryte khi ngài lên khỏi tàu và rước ngài về nhà các cha. Đức cha đón nhận nghĩa cử của các cha dòng và lưu lại đó 18 ngày, giữa lòng bác ái ân cần của các cha dòng này. Trong thời gian chúng tôi nằm tại đảo, chúng tôi đã đi thăm viếng hang Thánh Phao-lô và nhà thờ dâng kính ngài, cách thành phố Malte hai dặm đường.

Giám mục đảo Malte hay tin đức cha Beryte đến, liền gửi lời chúc mừng và kính trao ngài tất cả những gì thuộc giới hạn và quyền năng của ngài. Chính giám mục đảo Malte đã đích thân đến thăm hỏi đức cha Beryte và xin ngài chủ tọa lễ Truyền Chức Thánh cho 70 người. Ngài Quan Lớn (7) của đảo cũng đối với đức cha lịch lãm như thế. Về phần mình, đức cha Beryte đối với họ rất lịch thiệp, đến thăm viếng từng người, và từ giã họ để rời đảo Malte ngày lễ Thánh Toma.

Vì tàu gặp gió ngược lúc rời cảng, ngài Quan Lớn đã tử tế cho hai chiếc thuyền ra kéo phụ tàu chúng tôi đi. Người ta đã không quên cho nổ đại pháo tiễn đưa.

Tàu cặp cảng muối Chypre ngày 28 tháng Chạp. Tới nơi, chúng tôi được biết là có các cha dòng Thánh Phanxicô cư ngụ tại đó và trên đảo có một tổng giám mục và ba giám mục; trong số đó có hai vị nhìn nhận quyền Toà Thánh (Roma). Dân đảo sống cực kỳ vô tri vô minh (8) và rên xiết dưới chế độ độc tài.

Chúng tôi rời đảo Chypre ngày 5 tháng Giêng năm 1661, rồi 11 ngày sau thì tới Alexandrette. Theo ý kiến riêng, nơi này khí hậu rất độc vì các ao đầm chung quanh đó và những ai cần ở lại thì nên ở lại trên tàu cho đến khi có dịp đi Alep. Nơi này có một nhà thờ và một cha Dòng Đất Thánh và một phó lãnh sự Pháp.

Từ Alexandrette, chúng tôi đi Bailan, một ngôi làng cách đó 4 dặm đường.

Ngày 21 tháng Giêng, chúng tôi tới Antioche, nơi có một số Kitô hữu ly khai. Thành phố này nằm trên dòng sông Oronte, cách biển khoảng 6 dặm.

Chúng tôi học biết được là ngôi nhà thờ xưa đặt ngai của Thánh Phao-lô, nay là một giáo đường Hồi giáo. Nhìn cảnh phạm thượng trên, lòng chúng tôi thật đau xót. Suốt những ngày chúng tôi đi trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi xót xa nhìn dân đạo Mahomed (9) xâm lấn trên Chúa Giêsu Kitô ở những nơi huy hoàng mà họ chiếm của các Kitô hữu. Giữa những cảnh thê lương ấy, khó cầm được nước mắt tiếng than, mỗi người chúng tôi dâng mình cho Chúa mà đền bù sự công bình và thiệt hại thầm kín trong trái tim Ngài, vì sự ô nhục mà Kitô giáo đã phải chịu khi bị giầy xéo, lăng mạ, do sự phạm thánh của giáo phái vô đạo này; từ nay sắp đi, chúng phải chịu hậu quả lòng kiêu ngạo và vô đạo của chúng (10).

Chúng tôi rời Antioche, đi bộ suốt ngày không nghỉ. Khi chúng tôi thấy gần tới địa điểm vì nhận ra ánh sáng đèn đuốc của ngôi làng mà chúng tôi phải nghỉ lại, thì tên lính bộ (11) dẫn đường lại đi xa khỏi lộ trình, vì bị lạc hay vì mánh lới, đưa chúng tôi đi một hồi lâu trong đêm tối. Chúng tôi chẳng còn biết mình đang đi đâu nữa. Tên dẫn đường cho chúng tôi cắm lều tại một nơi rất hẻo lánh, giữa chốn thiên nhiên như vậy.

Những ai biết suy nghĩ bắt đầu nghi ngờ tên dẫn đường này đã thông đồng với mấy tên Thổ khác, cho nhau điểm hẹn, để làm hại chúng tôi. Do đó chúng tôi bắt tên này phải rời khỏi cái nơi đáng ngờ vực trên. Chúng tôi bỏ nơi ấy, liều mình chịu đi lạc, tìm chốn nào chắc chắn mà chúng tôi may ra sẽ gặp được. Chúng tôi đi như vậy bao lâu mà các con ngựa còn chở nổi chúng tôi; nhưng chúng đã mệt mỏi, chúng tôi dừng lại trên một nơi cao. Mặc dù trời cực kỳ lạnh, chúng tôi không chịu cho tên dẫn đường nhóm lửa lên, vì đó là cách báo cho quân trộm cướp và bọn đồng lõa khám phá ra chúng tôi. Suốt đêm chúng tôi cứ phải thay phiên nhau phập phồng canh chừng. Ở nơi đó, chúng tôi đã nếm thử qua cái cảnh quán trọ của xứ sở này: bữa cơm tối chẳng thành vấn đề với chúng tôi, cũng chẳng có lấy một giọt nước thấm mát sau suốt một ngày một đêm mệt nhọc.

Chúng tôi tiếp tục đi khi ánh trăng vừa đủ soi đường chân ngựa.

Vào khoảng trưa thì chúng tôi tới được Anjare. Nghỉ lại đó cho đến hôm sau thì chúng tôi xuống Alep, ngày lễ Thánh Phao-lô Trở Lại. Chúng tôi đến thẳng cộng đồng người Pháp, là người chúng tôi, tại nhà ông lãnh sự, lúc đó là ngài Piquet. Công việc của lãnh sự quán rất đáng kể tại chốn này mỗi khi ngài lãnh sự, với tư cách cần thiết, đứng ra lo công chuyện. Chúng tôi làm chứng cho thế giá uy tín của ông, không những giữa giới Kitô hữu mà ông là người bao bọc che chở mà còn giữa đám dân Thổ và giới chức trách quan quyền khác của thành phố.

Biết tin, ông ta liền cho người dâng đức cha Beryte căn nhà và văn phòng của ông ta để đức cha xử dụng. Lịch lãm như thế, ai mà dám từ khước, chúng tôi phải nhận lấy cả căn nhà cả văn phòng suốt thời kỳ chúng tôi ở lại thành phố này. Ngài lãnh sự khi hay tại sao chúng tôi đã rời nước Pháp và để tỏ ra kính phục sứ mệnh thừa sai chúng tôi, đã đối xử bác ái lên gấp đôi, giúp đỡ chúng tôi mọi thứ trong giới hạn quyền hành và uy tín của ông ta. Do từng trải, ông ta biết rõ đâu là lòng thành của phần lớn dân Thổ tại các nơi của người Kitô giáo và biết là người ta không thể cẩn thận cho đủ đối với dân này. Bởi vì với họ, lừa đảo được là vinh quang, gây hấn công khai bất công là việc tốt mà họ có thể thực hiện được. Do đó, chính ông ta đứng ra lo dàn xếp trên giấy trắng mực đen với tên binh bộ là xếp trưởng và chủ của nhóm kỵ binh mà lúc chúng tôi đến đã sắp sẵn để lên đường. Người «Phăng» (12), nói theo ngôn ngữ người Thổ, tức là những Kitô hữu Âu Châu đi ngang qua xứ họ, đều được họ coi là những người giầu có. Bởi thế họ tìm đủ mọi cách để tấn công và làm hại những khách đường này mà lấy tiền lấy bạc. Người «Phăng» do đó buộc lòng phải làm ra vẻ nghèo khổ nhất có thể: từ cách ăn mặc, hành lý hoặc trong cách tiêu xài, không bao giờ tỏ ra có tiền của, chỉ sài những đồng tiền mạt như cách kẻ nghèo vậy. Chúng tôi chẳng thấy khó gì khi phải giả làm kẻ nghèo như vậy; bởi vì ngoài cái lợi bề ngoài nghèo túng, chúng tôi còn được cái danh dự sống nghèo nàn nữa vì đó rất thích hợp với chức việc của chúng tôi.

Nhờ được ông lãnh sự gởi gắm, chúng tôi chiếm được cảm tình của tên xếp trưởng nhóm kỵ quân: suốt cuộc hành trình đến tận Babylone, hắn ta luôn luôn là người che chở bảo vệ đặc biệt cho chúng tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi lại chinh phục hắn bằng quà cáp này nọ.

Nói tóm tắt, nếu có một nơi nào trên thế gian này mà ta phải sống lanh lợi, ăn uống độ chừng, tỉnh táo trông coi, ngủ nghỉ rất ít, mắt luôn luôn phải mở rộng và luôn luôn phải gan dạ, thì chính trong những khi đi với đoàn hành trình (13) này. Ở đây, mỗi người phải biết để ý bạn đường mình, coi như hắn là một tên trộm. Ở đây, cái khác biệt về tôn giáo, về phong hóa, về ngôn ngữ, về đất nước, sản xuất ra một thứ lo sợ bị lừa đảo không ngơi.

Trước khi ra khỏi Alep, chúng tôi đã hỏi thăm các cha thừa sai về tình trạng tôn giáo ở thành phố này. Dưới sự che chở của ông lãnh sự Piquet, các cha có được phương tiện hành sự. Người ta không thể quên công ơn của ông ta là người đầu tiên đã dùng quyền thế và khôn ngoan để xây dựng những việc cho đức tin Công Giáo tại các khu vực ấy; ông đã gìn giữ cho các thừa sai những đặc quyền đã được thỏa thuận tại La Porte (14), nâng đỡ họ bằng các giúp đỡ vật chất riêng và che chở họ khỏi những phiền toái thường xuyên gặp phải ở chốn này. Ngoài chuyện đó ra, trong mọi hoàn cảnh, ông ta còn là cha của kẻ nghèo đối với người Pháp cũng như đối với những người ly khai. Do đó, dười thời lãnh sự của ông, người Kitô giáo được hưởng nhiều tự do, điều khiến mọi dân tộc càng thêm yêu mến đất nước chúng ta. Các cha Dòng Tên, Dòng Phanxicô Capuxanh, Dòng Cát-minh Chân-không (15), đều có nhà cửa trong thành phố này từ bảy hay tám năm rồi. Họ làm việc rất hữu hiệu và đoàn kết với nhau. Thật không gì dễ dàng cho bằng việc đưa người ly khai trở lại đức tin tinh tuyền, nếu như các đấng bề trên (các hội dòng) biết hoà thuận với nhau, đừng lầm lạc vì theo lợi ích riêng, tìm theo một cái nhóm nào xuất sắc hơn cả. Đó là điều các thừa sai áp dụng từ thời ông lãnh sự Piquet đến nỗi đã loại trừ một vài phần tử trong họ là một bằng chứng đầy đủ rồi (16).

Các thừa sai nơi đây sống rất nghèo khổ, vì họ không hề nhận gì của các Kitô hữu cũng là những kẻ rất nghèo nàn khốn khổ. Các thừa sai rất ít khi được Âu Châu trợ cấp. Tuy vậy, công việc của các thừa sai rất nặng, vì phải giảng dạy tín hữu từ nhà này sang nhà nọ, biết rằng họ không được phép có một nhà thờ công cộng nào. Là việc vừa dễ dàng lại vừa công bằng, phải giúp đỡ sứ mệnh thừa sai nơi đó, phần vì không quá xa chúng ta (tức Âu Châu), phần vì chính từ những nơi này mà đức tin chân chính đã đạt tới chúng ta. Bởi thế, là chuyện công bình phải lo phương tiện xây dựng đức tin nơi đây cũng như nâng đỡ những cơ hội đưa tới mà chưa bao giờ được thuận lợi cho bằng lúc này.

Trước khi nhập vào đoàn hành trình, chúng tôi phải tháo bỏ mọi thứ là của Pháp ra, ăn mặc như người Thổ và đeo khăn Thổ lên đầu. Cái loại khăn này chưa hẳn đã tiện lợi hơn mũ nón khi hành trình, song nó đem lại ân huệ hơn, nhất là vì loại khăn ấy rất mắc.

Vì tôi chỉ chủ yếu viết tường thuật này để giúp ích cho các thừa sai sẽ được gọi đi theo chúng tôi, hay là cho những ai muốn thực hiện cuộc hành trình này, nên tôi sẽ ghi lại những chi tiết về cách thức khi trẩy đi trong đoàn hành trình (17). Mọi sự xem ra không mấy quan hệ; nhưng phải biết rằng mình đã giúp ích rất nhiều cho một kẻ lữ hành, khi cho họ chỉ một ý kiến mà thôi. Lạc lõng gần như trơ trọi một mình giữa nơi ngoại đạo, ngỡ ngàng thấy chính mình không dám mở miệng hỏi han vì sợ tỏ ra là mình chẳng biết gì cả.

Từ Alep đến Babylone là một hành trình khắc nghiệt nhất vì phải trải qua sa mạc. Đây là quy luật phải giữ: sau khi đã thỏa thuận điều kiện với người hướng dẫn đoàn, phải tới điểm hẹn tập trung thật sớm. Từ sáng sớm đã phải lên lưng ngựa hay lạc đà, và chỉ đặt chân xuống đất vào chiều tối tại nơi dừng chân, chấm dứt một ngày đường và để ăn tối là bữa duy nhất dọn ra. Tuy nhiên, cần chuẩn bị, trước khi lên đường, bánh khô và ít trái cây để ăn đỡ mệt suốt cuộc hành trình một ngày dài. Duy nhất vào buổi tối người ta mới làm bữa ăn, được vui mừng đốt lửa lên và làm bếp. Bếp thì chỉ là nấu cơm với bơ mà thôi. Cái bất tiện nhất là tìm ra củi khô trong chốn sa mạc này. Chúng tôi dùng củi cây mê điệp (18) là loại cây quen thuộc và rất thơm mà suốt nhiều ngày hành trình, người ta gặp đầy rẫy. Khi không còn thứ cây này nữa, thì dùng phân lạc đà khô dưới nắng, thu lại cẩn thận ngay khi vừa tới địa điểm dừng chân của đường hành trình. Cái chất này bắt lửa dễ dàng, đủ để hâm nóng đồ mình muốn ăn. Trong nơi sa mạc này, đừng tìm kiến một mái nhà nào khác hơn là cái lều (19) mang theo trên lưng lạc đà.

Cứ như thế, mỗi ngày người ta phải ngủ giữa thiên nhiên: điều an ủi là khỏi phải chịu cái khó ăn khó ở của hành khách, và phải phiền hà cãi cọ về chuyện tiền nong phải trả (20).

Chúng tôi có được cái lợi là hành trình vào mùa đông nên đi được vào ban ngày. Ở các mùa khác thì chỉ đi ban đêm mà thôi, đó là điều rất đầy đọa cho ai sống một lối sống mực thước. Bởi vì không thể nào nghỉ ngơi được: ban đêm thì phải đi, ban ngày thì bị mặt trời và cát bỏng thiêu đốt. Chúng tôi thoát khỏi cái đầy đọa này, nhưng bị cái khổ ải khác, dù nhẹ hơn, là mưa và lạnh. Suốt ngày, người ta chống đỡ mưa và lạnh bằng vài thứ đồ len làm bên Ba Tư mà được đem đến bán mọi nơi bên Á Châu cho khách du hành xử dụng. Suốt đêm, người ta trú ngụ trong những căn lều mà thường bị đóng băng và trở thành cứng ngắc vì tiết lạnh. Phải chờ nắng lên làm tan băng, chủ nhân mới có thể cuốn lều mình đem theo.

Một trong những bất tiện của cuộc hành trình chúng tôi là thiếu nước. Ở sa mạc này, nước hiếm vì không có rạch có suối. Con người đã cố gắng bù đắp vào đó bằng cách đào giếng mà các người dẫn đường của đoàn biết tìm ra giữa chốn hoang vu này, nơi mà dấu vết đường đi chẳng mấy chốc lại bị xóa mờ vì gió tung cát bụi khắp tứ phía. Ngay khi nhận ra một giếng nước, họ liền chuẩn bị cả đoàn hành trình, lấy đầy các túi nước (21), đủ chừng cần thiết cho mọi người dùng. Lạc đà xử dụng nơi xứ này nhịn khát rất dễ dàng, thực là một điều thuận tiện cho kẻ vượt những sa mạc bao la.

Nước ở những cái giếng thường hay là nước độc và tồi tệ. Để giải quyết cái trở ngại gây ra cho bao tử này, người Thổ dùng một loại đồ uống mà họ gọi là «cà phê», mà nay đã bắt đầu thấy được xử dụng ở các thành phố Âu Châu. Thứ đồ uống này gồm một thứ hạt nhỏ, mọc hằng hà sa số bên xứ Arabia, gần thành La Mecque. Từ đó, người ta chở tới khắp nơi bên Á Châu, gần như đến khắp nơi có người Mahomed là người dùng «cà phê» thay cho rượu chát. Thức uống này cũng có công hiệu tựa như rượu chát vậy, đặc điểm là tăng cường bao tử, giúp tiêu hóa; hơn nữa, còn giúp khỏi chóng mặt (22) choáng váng. Họ rang loại hạt này trong chảo, rồi dùng cối xay nghiền nát thành bột. Và sau khi tách vỏ ra bằng một thứ đồ lọc, người ta đun sôi thứ bột cháy và đen này trong nước lâu độ một kinh «Miserere» (23), sau cùng người ta đem uống, nóng nhất có thể được. Mặc dù thứ đồ uống trên chẳng có cái vị dễ chịu nào, hơn nữa lại còn chát chát, nhưng dân ở đây lại rất yêu chuộng, vì công hiệu của nó. Điều này tỏ ra sự chăm sóc của Chúa đã lo cho mọi xứ sở những thứ cần thiết vì ích lợi con người; ta có thể nghĩ rằng nơi các xứ sở khác cũng có những loại thảo mộc đem lại công hiệu tốt lành như vậy (24).

Những ai đi trong đoàn hành trình phải cẩn thận đừng xa đoàn, bởi vì dân Á Rập chỉ sống bằng đồ lấy được. Họ thường xuyên chạy qua chạy lại để tấn công kẻ qua đường. Khi đoàn hành trình nhiều người thì chúng tấn công vào đằng đuôi và không ai lường trước được. Đừng hy vọng vào kẻ đã đi trước quay lại cứu đỡ người bị tấn công.

Chúng tôi phải tạ ơn Chúa vì sự phù hộ đặc biệt Ngài ban, chẳng bị một tai nạn đáng tiếc mảy may nào, cũng chẳng gặp chi phải lo sợ. Không phải là chúng tôi không đụng người Á Rập, nhưng là vì suốt mùa đông chúng không rời khỏi gia đình, bận lo tìm cỏ nuôi súc vật. Chúng tôi cũng từng thấy một vài nhóm Á Rập dẫn vợ con và bầy thú chở đồ đạc, nhà cửa trên lưng bò lưng lừa, đi tìm nơi cư trú khác. Khi chúng tìm được mảnh đất tốt cỏ, chúng dựng lều trại, lập phố chợ lưu động và ở lại đó bao lâu bầy súc vật còn có thể sinh sống được. Do đó, không phải sợ dân Á Rập quá, vì người ta có thể trả đũa chúng dễ dàng vào những gì quý giá nhất của chúng, đáp lại mọi thứ bạo lực chúng gây ra.

Đó là những điều tôi đã có thể lưu ý về các hành trình trong sa mạc. Nay phải lấy lại cuộc hành trình của chúng tôi đã tạm bỏ dở.

Ngày 3 tháng Hai, chúng tôi cắm lều ở cách Alep một dặm đường giữa đồng trống. Ngày hôm sau, đoàn đến Isabou đợi một ít hàng hóa. Ngày 6, đoàn tiếp tục hành trình đến ngày 14 thì tới gần Dert là một lâu đài với độ trăm nóc nhà, kế cận sông Euphrate. Người cầm quyền nơi này lẽ thường là một xếp người Á Rập. Ông ta bắt mọi đoàn hành trình phải đóng tiền qua sông, cứ ba phần tư quan tiền một lần tải và một món quà. Khi nào không sao qua nổi thì lại biếu ông ta một món quà theo ý ông, rồi ông sẽ giải quyết tùy theo mức độ lớn nhỏ của đoàn hành trình. Chúng tôi dựng lều cách Dert một dặm, hôm sau qua sông Euphrate về phía Mésopotamie: đoàn hưởng được ba ngày bên dòng sông tuyệt đẹp này, nhưng lại ở một nơi xem ra là chốn ẩn náu của sư tử, lợn lòi và các thú rừng khác hơn là nơi con người an cư: người ta thấy dấu vết muôn thú khắp nơi. Chúng tôi lại càng sợ cơn điên của thú dữ vì chúng tôi chiếm mất chốn sinh hoạt chạy nhẩy của chúng. Một người trong đoàn đi hơi xa chúng tôi đã gặp ngay bên cạnh mình một thú dữ đang gầm gừ vượt qua bụi rậm khiến ông phải hoảng sợ lên. Chuyện này giúp chúng tôi càng phải theo lời người ta đã khuyên là đừng bao giờ bỏ xa đoàn hành trình.

Hôm chúng tôi dựng lều, một con lạc đà bị chết; người ta quăng xác nó cách lều không xa, tức thì trở thành mồi ngon cho muôn thú ăn thịt đang đói khát: mấy con sư tử thì chẳng còn biết sợ người sợ súng sợ chó sủa gì nữa, lo ăn thịt con mồi suốt cả đêm.

Đoàn hành trình đã mất ba ngày để qua sông Euphrate trên con thuyền khốn nạn: chúng tôi phải trả cứ ba phần tư quan tiền cho mỗi trọng tải của một con ngựa hay một con lạc đà.

Ngày 18 đoàn tiếp tục đi đến ngày 23 thì tới Anna, trên cùng bờ sông Euphrate, và ở lại đó ngày 24 và 25, và trả hai quan tiền cho mỗi đầu người «Phăng». Đó là quyền của ông cầm quyền sở tại đối với mọi quốc gia, chưa kể còn phải trả năm phần tư quan tiền cho mỗi trọng tải.

Đoàn lại ra đi ngày 26 tháng Hai và ngày 3 tháng Ba tới được Babylone lúc đã khá khuya. Người Á Châu còn gọi nơi này bằng tên Bagdad. Vì mọi cửa thành đã đóng, chúng tôi ngủ cả dưới ánh trăng, bên bờ sông Tygre.

Qua hôm sau, hai trong chúng tôi (25) cùng với người thông dịch tìm vào thành, trong khi người còn lại lo giữ đồ đạc: nhưng người ta không muốn cho vào, lại phải đưa ra hai quan tiền. Ba người vào cổng thành với các túi xắc trên lưng ngựa, đựng mọi thứ quà quý giá trong đó, chẳng ai lục xét. Một lúc sau khi vào thành, một người trong nhóm ba người này đến trạm quan thuế nơi đồ đạc quần áo của chúng tôi đã đem lại đó: người ta chẳng bắt đóng tiền sách và phẩm phục phụng vụ Giáo Hội. Còn các món đồ quý lạ (26) mà theo ý khuyên dạy chúng tôi đã mua sắm ở Paris trước, thì gần như không ai ngó ngàng tới.

Thực ra cái đem lại phúc lộc này cho chúng tôi là ngài Topigi Bachi, tức là quan chỉ huy pháo đội thành phố này. Ông rất đường hoàng, sẵn lòng phục vụ người Pháp và chúng tôi đã nhận được nơi ông hàng ngàn ân huệ. Là người thành Venise (nước Ý), ông công khai giữ đạo Công giáo là đạo ông đã được dạy dỗ. Ông đã đích thân đến trấn thuế vụ, đánh giá là một trăm quan tiền ê-cu (27) những đồ trị giá cả bốn trăm quan ngay tại Paris, rồi tuyên bố mọi thứ quà quý giá là đồ của ông ta: chúng tôi thoát khỏi như không có gì cả.

Bình thường ngài Topigi cư ngụ gần thành Damas, trong đất mà Lãnh Chúa đã ban vì việc phục vụ đắc lực của ông thời chống lại vua xứ Ba Tư, phần đất này trị giá đến bốn hay năm ngàn quan ê-cu. Ông ta còn có thể đạt được cơ nghiệp lớn hơn thế nữa nếu như ông thuận nghe lời đề nghị mà bỏ đạo. Đứa con trai ông, dù còn nhỏ tuổi, đã được nhận vào trách nhiệm của ông. Chúng tôi làm quen với ông, hy vọng sẽ làm ích cho ai đến sau chúng tôi, và chúng tôi có tặng ông ít quà cáp mà ông đã đáp lại bằng cách gửi tới chúng tôi nhiều thứ đồ giải khát của xứ này.

Đến Babylone, chúng tôi xuống nhà các cha Dòng Phanxicô Capuxanh mà bình thường gồm ba hay bốn cha. Đó là các thừa sai duy nhất ở thành phố này. Chúng tôi làm chứng rằng người ta rất quý mến các ngài cũng như hiệu quả công việc các ngài làm khi tìm đem về lại Giáo Hội những người Armêniô, Jacobitô và Nestôriô (28). Hiệu quả ấy thực đáng ca ngợi nếu người ta biết đến cái cứng cỏi và bê tha của phần lớn những Kitô hữu tại cái xứ này. Các ngài cũng đã chinh phục được một số các linh mục trong đám họ và có được khoảng hai trăm người mà hiện giờ đã được dạy dỗ rất chu đáo về các mầu nhiệm đức tin chúng ta. Đó là một trong những kết quả công việc các tu sĩ này. Còn việc khác là rửa tội các trẻ nhỏ người Thổ mà các ngài xét là sắp chết. Các tu sĩ từ bi này có một phương thế rất tốt để làm việc sau này nhờ một cha trong họ nổi tiếng tại thành phố như một y sĩ tài ba. Chắc chắn cha cũng như một người từ thiện nhất. Khi có trẻ em nào bị bệnh, người ta đến xin cha lại cứu chữa hay đem trẻ đến chỗ cha. Phần cha, cha tìm rửa tội cho em nhỏ nào mà nếu cha xét là em khó sống được. Nhờ thế cha gặt được bao là ân phúc vì hiếm thấy em nào còn sống xót một khi cha đã xét là phải ban Phép Rửa Tội cho em (29).

Theo lời xin của các cha dòng, đức cha Beryte đã ban Phép Thêm Sức trong hai ngày 13 và 14 trong tháng đó cho quãng 120 người.

Thành phố Babylone nằm bên con sông Tygre, ở vĩ tuyến thứ 33. Thành phố có tường lũy bao che một cách tồi tệ mà một phía nằm sát cạnh bờ sông cả. Lãnh Chúa trị vì luôn luôn chăm lo đạo binh vì sợ nhà vua nước Ba Tư. Thành phố cũng rộng lớn cỡ thành Orléans (bên Pháp), nhưng thưa dân hơn và chẳng có gì là đẹp đẽ nếu đem so sánh với các thành phố bên Pháp. Thành có được vài ngôi giáo đường Hồi Giáo và vài ngôi chợ lợp mái, nghĩa là những con phố có mái che, vòm cao, nơi lái buôn lo việc thương mại và các nhà thủ công nghệ mở cửa bán hàng. Những nơi này đã được người Ba Tư xây dựng khi họ còn trấn giữ thành phố này. Người ta chú ý ngay tới các ngôi giáo đường Hồi Giáo và các ngôi chợ lợp mái nhờ ở những bức tường bên ngoài bằng gạch vuông nhiều màu, nhìn rất dễ chịu. Thành phố này là thành phố mới so với thành Babylone nổi tiếng thời xa xưa.

Ngày 16 tháng Ba, chúng tôi ra đi đến Bassora nhờ công của ngài Topigi người Venise đã đích thân lo liệu dẫn chúng tôi xuống tàu của một người binh bộ bạn ông ta. Chúng tôi xuống tàu trên sông Tygre. Không ai có thể diễn tả được nỗi vui mừng của chúng tôi khi chúng tôi gặp được trong đám dân ngoại một người lương thiện hiểu tiếng chúng tôi và có cùng một tôn giáo. Ông ta đã đem cho chúng tôi một niềm vui lớn. Thiên Chúa quan phòng đã cho chúng tôi thỉnh thoảng gặp gỡ được những người bạn như thế và thật là một lợi ích lớn trên đường hành trình chúng tôi.

Ngày 29 chúng tôi tới Corna, nơi mà gần đó dòng sông Euphrate và Tygre hợp lại với nhau, nhờ đó mà khúc sông Tygre nơi này trở thành tuyệt đẹp. Nơi này có trấn thuế vụ rất chính xác và rất lớn của quan thành Bassora. Nhờ ơn đặt biệt của Chúa, chúng tôi thoát khỏi trấn này, nhân viên chỉ xem xét hòm sách vở và hòm y phục phụng tự Giáo Hội, phần còn lại họ không ngó ngàng tới.

Trưa ngày 30, chúng tôi rời Corna; chiều tới thì đến con kênh thành Bassora. Hôm sau, chúng tôi báo tin cho các cha Dòng Cát-minh hay: các ngài là người Ý, một vị đã đến đón chúng tôi bằng một con xuồng nhỏ và đưa chúng tôi về nhà của các ngài. Các thừa sai rất hữu ích tại Bassora, hoặc để giúp các Kitô hữu tại đó, hoặc để giúp đỡ các người nô lệ trốn khỏi tay người Ba Tư hay khỏi những vùng lân cận xứ Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc để tiếp đón các thừa sai qua lại hay các Kitô hữu buôn bán tại hải cảng này nơi có nhiều tàu bè các xứ Bồ Đào Nha, Anh và Hoà Lan, các tàu này hằng năm đều đi qua Ấn Độ. Buổi chiều, người ta đến xem các món đồ quý lạ của chúng tôi mà họ cho giá là năm trăm quan, chẳng hơn giá tại Paris chút nào; chúng tôi đã đóng thuế món đồ này là 7,5% tức ba mươi bảy quan rưỡi.

Bassora hay Balsere là một thành phố xứ Arabia sa mạc, nằm ở nam vĩ tuyến thứ 33, bên dòng sông lớn do sông Euphrate và sông Tigre hợp thành. Con sông này khơi nguồn khoảng 35 dặm phía trên Bassora và đổ vào vịnh Ba Tư. Hai bên bờ trông rất ngoạn mục nhờ các rừng lá, có hằng hà vô số những cây trái chà là mà người ta chuyên chở đi khắp nơi.

Đó là một trong những nguồn tài nguyên và phong phú của xứ này. Loại trái ấy rất quen thuộc, vị tuyệt ngon, ăn tươi hoặc khô, tuy nhiên nóng và nhiều đảm trấp, sẽ gây tiêu chẩy cho những ai dùng quá nhiều. Một vài cuốn sách đã ca ngợi cái đặc biệt của loại cây này rằng giữa chúng, có cây thì đực có cây thì cái. Thiếu cây khác giống, chúng không thể sinh ra trái được. Bởi vì cây đực không bao giờ cho trái, vào mùa xuân, chúng chỉ đâm ra phía trên thân cây những nhánh chồi nhỏ, dài độ một bộ. Cũng vào thời kỳ đó, cây cái lại sinh sản ra cũng vào chỗ ấy, nghĩa là phía dưới các cành lá, một thứ nụ nhỏ, phồng lên phía giữa như những bắp tay, và thu lại ở hai đầu, lớn cũng độ một bộ. Để loại cây này kết trái, phải rạch một đường nhỏ trên thứ nụ đó, lấy một nhánh chồi nhỏ của cây đực chen vào đó. Chính từ thứ nụ ấy, sẽ sinh ra những trái chà là với những ngành nhỏ xíu, dài khoảng nửa bàn tay. Mỗi ngành như thế có thể được tới cả 12 trái, và mỗi thứ nụ nói trên sinh ra được 15 hay 20 ngành nhỏ như vậy. Cây chà là cái rất nhiều, vì cây đực chỉ sinh ra các nhánh chồi nhỏ để kết sinh cho nhiều cây cái, cho nên trong một vườn khoảng trăm cây thì cây đực chỉ có khoảng nửa chục mà thôi. Nét độc đáo này khiến ta ngưỡng mộ cái phong phú và muôn hình vạn trạng của thiên nhiên cùng ca ngợi Đấng đã tác thành nên như thế.

Thành phố Bassora khá rộng và đông dân vì nền thương mại lập ra tại đây, nhờ tàu bè gần như của tất cả các xứ kéo đến, từ Âu Châu từ Á Châu. Người Bồ Đào Nha, người Anh và người Hòa Lan đều tới làm giầu ở đây. Tuy lớn, nhưng thành phố lại xây rất xấu và khó coi. Nhà cửa xây bằng gạch nung dưới nắng nên không bền chút nào. Mái nhà là một thứ sân thượng mà người ta đi trên đó thôi cũng đủ biến chúng thành bột cát rồi. Có những nhà khác thì làm bằng tranh hoặc cây sậy. Không khí tốt, nhưng nóng khủng khiếp, đến nỗi vào mùa hè, dân thành phố buộc lòng phải trầm mình dưới nước suốt ngày để tưới mát. Người khác muốn ngủ nghỉ thì phải thấm nước ướt hết chăn chiếu trước. Chúng tôi chẳng gặp được chỗ nào mà mặt trời bớt thiêu đốt hơn nữa, họa may là ban đêm, mà đêm ở đây thì cũng chẳng mát hơn chỗ khác. Bởi vậy nhà cửa cứ nóng âm ỷ đến nỗi người ta có cảm tưởng là bị ngạt hơi hơn là thở hơi, cứ thế cho đến gần sáng mới thấy thoáng mát một chút cho tới lúc mặt trời lên hơi cao khỏi chân trời.

Quan Toàn Quyền thành phố là một «bacha» người Mahomed, mà người ta có thể gọi là ông vua, vì đã từ lâu ông ta chẳng còn vâng phục vị Lãnh Chúa nữa, dù hằng năm vẫn gửi quà cáp theo kiểu triều cống. Ông ta nắm vương quyền trong lãnh địa nhỏ của ông ta. Ông cứ thảnh thơi như thế, vì ông ở cách rất xa thành phố La Porte. Khó mà bắt buộc ông vào được nghĩa vụ của ông, vì không dễ có ai dẫn được các đạo quân vượt qua nổi các sa mạc mênh mông miền Arabia là những sa mạc phân cách các xứ này xứ nọ của vị Lãnh Chúa. Ông lại còn cẩn thận liên giao với người Á Rập để còn dùng khi ông cần đến.

Bassora nằm giữa vùng Ấn Độ và Âu Châu nên là bến gặp cho mọi xứ sở của bên này cũng như bên kia. Do đó mọi thứ tôn giáo đều được khoan dung (30) nơi đây: người Do Thái giáo, Hồi giáo, Kitô giáo thuộc các giáo phái khác nhau, Lương giáo và Ngụy giáo (31) tất cả đều có giáo đường riêng, tu sĩ riêng và đều được tự do làm việc thờ phượng riêng. Đạo Công giáo nơi đây ít được để ý hơn cả. Các cha Dòng Cát-minh Chân-không có một ngôi nhà thờ đẹp xây vào hồi các người Bồ Đào Nha còn mạnh thế trong vùng Ấn Độ Dương, nhưng giờ thì tại Bassora chưa được hơn 20 người Công giáo.

Ở vùng lân cận Bassora và ngay trong thành phố, có một quốc gia nào đó mà người ta gọi là các Kitô hữu của Thánh Gioan (32). Người dân tôn kính Thánh nhân hơn cả tôn kính Chúa Giêsu. Họ nói là chính Chúa Giêsu còn phải đến với Thánh nhân để được rửa tội. Chỉ riêng điều này thôi đã có thể cho thấy cái thần học và cái Kitô giáo của những người đáng thương này đi về đâu rồi. Họ rất sùng kính Thánh giá, mà theo họ nói, nhờ đó đã sinh ra ánh sáng. Về điểm này, họ sẽ đáng được ca ngợi nếu như họ đừng hiểu ánh sáng ở đây là ánh sáng hữu hình (33) chiếu soi cho con mắt chúng ta. Họ kể ra cá ngàn cái mơ mộng về cội nguồn ánh sáng. Họ có các giám mục của họ, linh mục của họ, các nghi thức phụng tự của họ, phụng tự chủ yếu nhắm vào việc thường xuyên rửa tội là phương cách, theo họ tin, để thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi. Họ cũng thực hành việc hiến tế một vài thú vật mà họ đã chúc lành trước, hầu những ai ăn thịt chúng sẽ không bị ô uế, nhưng sẽ được thánh hiến (34).

Thương mại tại thành phố Bassora còn lôi cuốn đến nhiều người lạc giáo miền Ấn Độ nữa. Lãnh Chúa nơi đó, mặc dù là tín đồ Mahomed và bởi thế là kẻ thù của kẻ lạc giáo mà chính kinh Alcoran chê ghét trên lãnh thổ Hồi giáo, nhưng ông lại không bắt bớ gì họ khi họ làm việc thờ cúng đáng nguyền rủa của họ một cách công khai, điều khiến chúng tôi khá ngạc nhiên và thấy ghê tởm (35).

Những kẻ lạc giáo này chia ra nhiều giáo phái nên khó mà cắt nghĩa được cái khác biệt và những sai lầm giữa họ với nhau. Mặc dù đám dân này sống trong vùng tăm tối đầy đặc của Lạc giáo (36), nhưng họ lại rất lanh lợi trong vấn đề thương mại khiến ta thấy là họ không phải là không có tinh thần (37).

Chúng tôi đã tò mò nói chuyện với một vài người mà xem ra họ phán đoán cũng rất hay. Người ta mời chúng tôi đi thăm một trong các ngôi đền thờ của họ. Chúng tôi được dẫn vào một căn phòng mái vòm mà ánh sáng chỉ chiếu vào được qua khung cửa ra vào, không có cửa sổ, làm chúng tôi nghĩ là mình đang vào nhà của Thần Tối Tăm. Người ta thắp lên một ngọn đèn mà ánh sáng mờ khuất vì khói tỏa ra, chớm đủ để chúng tôi thấy được các đồ vật. Vòm đền thờ được trang hoàng bằng vô số các bó hoa, che khuất cả vòm trần nám khói đen. Bên trong được chia ra làm hai phần bằng một cái cột nhỏ xinh xắn. Các nhân viên đền thờ ngăn không cho chúng tôi vào cung thánh, sợ phạm thượng. Rồi ngay khi chúng tôi vừa được phép vào nơi đó, hai nhân viên liền cởi bỏ y phục của họ là một tấm vải rộng một gang (38) quấn quanh mình. Người ta nói với chúng tôi là để thêm tôn kính thần thánh của họ mà họ chỉ đến gần với mình trần. Các nhân viên này cho chúng tôi ngắm một bàn thờ, nằm từ đầu này đền thờ sang đầu bên kia, ở giữa có một tượng thần bằng vàng khối có mặt hình người, được trang điểm bằng rất nhiều thứ đá quý. Trên bàn thờ ấy có một cái giường với những bức màn che, chúng tôi hỏi là cái giường ấy dùng làm chi thì người ta nói là dùng cho bà vợ của vị thần họ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thấy đặt nằm một con bò cái bằng bạc. Con vật này được các kẻ lạc giáo tôn thờ như một thần thánh.

Buồn chán vì những cảnh tượng trên, chúng tôi đã sớm cáo từ các tác viên (39) đền thờ ấy. Khi đi ra, chúng tôi nhận thấy trong một nơi tối nhất, một người đàn ông có một chỗ ở bên một bức tường đền thờ. Người ta nói với chúng tôi rằng ông ta là thầy tế và nhiệm vụ chính của ông là hằng ngày lo cho vị thần của họ ăn uống. Người ta có thể nghĩ rằng nếu ông ta cho là ông đang phụng thờ thần thánh của ông, thì ông cũng tỉa ra được lời lãi chẳng kém chi 70 thầy tế của thần Bel, như đã kể lại ở chương 14 sách Daniel: họ ăn uống thỏa thích những gì đã được dâng cúng cho thần, trong khi họ lại cứ càng bịt mắt đám dân, và ngay cả ông hoàng cùng triều đình, nhờ ở cái tin tưởng lầm lạc của đám người ấy vào ông thần Bel thích ăn thích uống, dùng hết cả thịt thà (dâng cúng).

Các cha Dòng Cát-minh Chân-không nơi chúng tôi cư trú muốn chúng tôi được hít thở không khí tươi mát hơn ở Bassora nên dẫn chúng tôi đến mấy khu vườn gần đó. Có rất nhiều vườn, đầy những thứ cây ăn trái rất đẹp. Nơi chúng tôi đến, hồi đó, là của người dân Bagnanes. Họ đang cử hành một trong những cái lễ lớn nhất của họ, có chút nào giống với Lễ Lều Tạm mà xưa Thiên Chúa đã truyền dạy cho dân Do Thái trong sách Lê-vi chương 23 vậy. Các lương dân thành phố Bassora suốt một tuần lễ liền đã bỏ thành phố đến ở trong những khu vườn nói trên, dưới bóng mát cây cối và trong những cái lều mà họ dựng lên. Suốt thời gian đó là vui chơi, yến tiệc, nhẩy nhót, theo tiếng sáo tiếng kèn và các loại khí cụ khác. Vì chúng tôi nghĩ là nên rút lui khỏi cái ồn ào ấy, những người Bagnanes thấy chúng tôi muốn bỏ đi, liền tới trước chúng tôi, lịch thiệp mời chúng tôi vào dưới lều của họ. Chúng tôi thấy nơi ở của họ rất dễ chịu. Một vài cái làm toàn bằng lụa thêu: mặt đất trải thảm xinh đẹp, mọi người ngồi cả trên đó, nghĩa là xếp bằng chân lại như các thợ may của chúng ta. Liền sau đó, họ đem các bình hương nhỏ đầy than hồng ra, tỏa hương thơm ngào ngạt. Phải đón nhận nghĩa cử của họ, không chống đối, và lấy đặt các bình hương ấy vào dưới áo khoác của mình: người ta phủ áo lên các bình hương và chờ tới khi áo được xông đầy hương thơm. Sau đó, họ đem nước hoa hồng đựng trong các bình nhỏ mạ bạc ra. Vòi bình nhỏ xíu, nhờ đó họ đổ nước hoa từ từ xuống mặt, râu và tay chúng tôi. Họ còn muốn tiếp tục phép lịch sự và sự tiếp đón ân cần của họ và đã gọi ban nhạc gồm các nhạc cụ khác nhau đến gần. Nhưng chúng tôi không tham dự chút nào vào những thú vui của họ, trái lại chúng tôi cảm thấy thực đau khổ vì cái mù quáng nơi họ và cảm thương họ, nhất là vì cái tính đơn sơ của họ. Chúng tôi xin họ cho phép chúng tôi được rút lui để lo công chuyện riêng, họ nhận lời xin chúng tôi với nhiều muối tiếc. Chúng tôi để họ tiếp tục cử hành nghi lễ ồn ào của họ, nghi lễ có vẻ là buổi khiêu vũ hơn là một nghi lễ tôn giáo.

Trước khi vào tiếp câu chuyện này, tôi tưởng là sẽ không vô ích khi nêu ra đây vài ý kiến thực tiễn cho việc hành trình, dành cho những ai sẽ muốn đi theo chúng tôi theo con đường mà chúng tôi đã giữ: phải xuống tàu tại Marseille, từ đó, tháng nào cũng có tàu căng buồm đi Syria. Dù có thể ra đi từ Pháp vào bất kỳ lúc nào, tuy nhiên không kém quan trọng phải lo chọn lấy thời thuận tiện nhất đối với xứ đông (40); bằng không, sẽ phải khó chịu vô cùng vì cái nóng như thiêu như đốt trong những vùng ấy suốt bốn năm tháng trong năm. Cái mùa xem ra thuận lợi nhất là xuống tàu tại Marseille vào tháng Chín. Phải tính hết một tháng đi tàu mới đến được Alexandrette, từ đó đến Alep. Thời gian lưu lại đó chờ có đoàn hành trình mà đi đến thành phố Babylone được cũng cả tháng trời. Chung chung, người ta bỏ ra 6 tuần lễ để đi từ Alep đến Babylone. Còn phải ở lại thành phố này 15 ngày nữa, trước khi có dịp xuống thuyền trên sông Tygre mà đến Bassora. Rồi mất khoảng 15 ngày nữa để đến nơi. Thế là đã gần cuối tháng Giêng rồi. Từ đó, luôn luôn có được thuận tiện để tới Congo, cách Comoron bốn ngày trời đi bộ. Và thường xuyên phải mất 15 hay 16 ngày trên thuyền mới đến được cảng sau cùng này (tức Comoron). Ở đây, để đi Surate, bảo đảm là người ta hằng năm sẽ gặp các tàu bè người Bồ Đào Nha, Anh, Hòa Lan và More, trong một thời gian ngắn, như chúng tôi hy vọng. Cũng gặp được ở đây người Pháp nữa. Trong khoảng từ tháng Mười tới cuối tháng Tư. Tàu bè bắt buộc phải đến Surate trước cuối tháng Năm, bởi vì các cảng vùng Ấn Độ Dương sẽ đóng cửa trong vòng bốn tháng sau đó. Cảng đóng cửa thì không thể nào đi trên biển nơi đó mà lại không bị chìm tàu.

Ngoài cái thuận tiện trên con đường đó ra là đường dễ dàng và an toàn, còn có một đường khác cũng đáng để ý tới là cần tới con người nổi tiếng gốc thành Venise mà chúng tôi đã nói đến trước đây. Vì phận sự của ông là người chỉ huy bộ binh miền đó, hằng năm, từ một nơi cách thành Tripoli của xứ Syria độ một ngày đường, ông ta đi họp ban chỉ huy tại kinh thành Bagdad. Ông chỉ mất có 20 ngày đi đường. Hằng năm, ông ra đi trễ nhất là vào ngày 15 tháng Mười và tới nơi đầu tháng Mười Một. Lợi dụng cái thuận lợi này, người ta có thể đến Bassora vào tháng Chạp, tháng Giêng ở Comoron, hay Ormus, hay Bandarabassi, thì cũng thế. Và cuối cùng, đến được Surate vào tháng Hai là mùa thuận lợi nhất để xuống tàu sang Trung Hoa. Nếu ai muốn đi theo con đường nói trên thì mang theo vài lá thư gởi gắm đến ngài Topigi, ông ta sẽ vui vẻ đón nhận. Lợi dụng được dịp này thì rất có lợi, bởi vì người ta đi trong an toàn, khỏi cần người thông ngôn, khỏi cần cực khổ lo liệu lương thực đi đường, cũng chẳng phải trả thuế má chi, nhờ chút quà mọn biếu ngài Topigi và theo ông như người trong đoàn tháp tùng của ông. Ông ta sẽ vui lòng được danh dự phục vụ như người bạn của dân tộc Pháp và cận thần của nhà vua (nước Pháp).

Những người sẽ tới Alexandrette không được thay đổi y phục chi hết cho đến tận Alep. Y phục đặc biệt nhất và bảo đảm nhất để đi từ Alep đến Bagdad là y phục dân nhà quê xứ Thổ Nhĩ Kỳ, giá rất rẻ. Vì cần cho việc hành trình, các khách đường phải dùng một người thông ngôn, và mượn danh nghĩa người thông ngôn ấy mà tìm cho lọt qua được tất cả những gì của mình, từ đồ đạc đến những quà tặng giá trị. Hầu có được một người thông ngôn trung thành và mình làm chủ đoàn hành trình được, thì phải xử dụng tới thần thế của ngài lãnh sự Pháp, cũng thế đối với người thành Venise và người Hòa Lan. Đó là điều rất đáng lưu tâm.

Khi người ta không muốn đem theo tiền bạc, thì những đồ có lợi nhất mà người ta có thể đem theo cho cuộc hành trình, chủ yếu là nơi những thừa sai «giáo sĩ triều» (41) là những vị khi có dịp có thể đem ra bán đổi, là hoàng thạch ánh nhất, là đá khảm lớn nhất và đẹp nhất. Tiền bạc Âu Châu chẳng có giá trị gì. Không quan trọng chuyện phải sắp đặt (những thứ đồ ấy) như thế nào. Luôn luôn có lợi nếu tìm tránh được tất cả thuế má, mang chúng trong túi trên lưng ngựa hay trong va li. Tiền mà người ta phải đổi (để mang theo) là tiền Tây Ban Nha, được tính như một quan ê-cu tại Marseille, Alexandrette, Alep và Bagdad; còn tại Bassora, người ta sẽ cân rất kỹ lưỡng. Lời được 7 hay 8% tại Alep và Bagdad, 10 hay 12% tại Bassora, nếu là các loại tiền Tây Ban Nha là tiền có giá, chứ không phải tiền Perou là thứ kém giá trị. Cũng thế cho tiền Louis bạc của chúng ta tại Bassora, lời được 10%.

Về những gì là vàng, có lợi lớn khi dùng tiền vàng cổ của Venise và Hung Gia Lợi. Tại thành phố Lyon, người ta đã biếu chúng tôi 6 quan «livre» và 3 xu (42), mà chúng tôi không lấy vì không biết chúng có giá trị gì ở đất Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, chúng tôi đã đặt được 7 quan «livre» và 7 quan 10 xu tại Alep và Bagdad.

Hiểu biết về tiền tệ như thế là một điều hết sức quan trọng trong các xứ sở nơi đây. Chúng tôi đã từng thấy những người Pháp hay các người nước khác, nhờ khéo xử dụng, đã cứu vãn lại được cuộc hành trình của họ từ Âu Châu sang Bassora hơn là đã phải tiêu ra. Nhưng, trừ phi là đã ở xứ này, rất khó mà hiểu biết được cách sinh hoạt trên. Theo lời người ta chỉ dẫn tại Paris, chúng tôi đã đem theo tiền quan Tây Ban Nha mà mỗi quan chúng tôi đã mất đi 10 xu tại Alep và Bassora. Còn nhiều ý kiến khác có thể nêu ra đây, nhưng người ta sẽ biết được ngay khi tới nơi. Cũng đừng quên đem theo vũ khí của Pháp: chúng cần thiết trong những xứ hỗn tạp này, nhất là khi đi trong đoàn hành trình và tại các nơi trú chân trống trải tứ bề, nơi mà người ta mỗi ngày phải cắm lều. Súng «carabine» và súng sáu nòng dài là thứ tiện lợi và tốt nhất. Ban đêm thường hay phải nổ súng để làm bọn Á Rập lánh ra xa.

Chúng tôi nói để an ủi những Kitô hữu và các thừa sai rằng họ có thể tự do đọc kinh cầu nguyện suốt cuộc hành trình, khỏi sợ dân Thổ lấy làm khó chịu. Trái lại, những người ngoại giáo này có vẻ như mời mình cầu kinh khi họ mỗi ngày cầu nguyện theo cách thức của họ, chẳng e ngại gì cả, cho dù hình thức cầu nguyện bên ngoài của họ có vẻ khiêm hạ hơn cách thức của chúng ta. (Còn tiếp)

LM. Giuse Đào Quang Toản dịch và chú thích

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube