Ký Sự Cuộc Hành Trình Của Đức Cha Beryte (Chương 3)

KÝ SỰ CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC CHA BERYTE – Jacques de Bourges

Chương 3

Tiếp tục cuộc hành trình của đức cha Beryte từ Bassora đến Hispaham

 

Mùa đã đi qua, không còn tới được Surate trước lúc thời tiết bình lặng hay thời gió đổi chiều nữa, hoặc nói đúng hơn là Đấng Quan Phòng đã đưa tay dẫn dắt chúng tôi đến chỗ phải quyết định đi Hispaham. Từ Hispaam, hoặc chúng tôi sẽ chờ tháng Chín, tháng Mười là mùa đặc biệt riêng để đi Ormus, rồi từ đó xuống tàu đi Surate, hoặc ở lại thành phố ấy mà sinh hoạt nếu không tìm ra được con đường nào dẫn đến tận Trung Hoa. Nhưng chúng tôi vẫn còn chút hy vọng nhờ gặp được người chỗ này chỗ nọ.

Để thực hiện dự tính trên, chúng tôi rời Bassora ngày 22 tháng Tư, tới Bandaric là một hải cảng của nhà nước Ba Tư, nằm giữa vịnh Ba Tư, cách thành phố Bassora khoảng ba dặm đường.

Chúng tôi đến được Bandaric dễ dàng vào ngày 27 trong tháng, vì sau đi trôi theo dòng sông bốn ngày trời, chúng tôi chỉ qua trên biển chưa trọn 24 giờ đồng hồ là đã tới nơi. Gió mát thổi nhẹ đưa chúng tôi đến Bandaric.

Tôi nói tạ ơn Chúa, và nếu chúng ta luôn luôn phải tạ ơn Ngài thì đặc biệt là phải tạ ơn vào những lúc này: các con thuyền đã đưa chúng tôi đi, được đóng và được điều khiển một cách hết sức vụng về đến nỗi không bao giờ những kẻ thông thái hay yêu đời lại muốn đặt chân lên. Phải từ bỏ tư cách người thông thái cũng như cái tính yêu đời thì mới dám dấn thân vào những hành trình như thế. Chắc chắn là khỏi phải suy tính tới những chuyện chúng ta phải làm trong những lúc ấy rồi, khi trước mắt ta là từng đấy lái buôn cùng theo chung một số mệnh. Những con đò ác nghiệt, nếu ta phải gọi chúng như thế, hay đúng hơn là những cánh gỗ, không có lấy một mái che. Bởi thế chỉ cần một cơn gió nhẹ nổi lên là đủ để cho con thuyền ngập tràn nước biển rồi. Chúng được dựng lên bằng những mảnh gỗ thô kệch cứng nhắc được gắn liền với nhau mà không có lấy một cái đinh hay một con chốt sắt, chỉ cột bó lại bằng mớ giây sợi của một loại cây địa phương mà chỗ nào còn trống thì người ta dùng tới vài con chốt mộc. Đoàn thủy thủ thì cũng như thế thôi: thường thường là người More, dân nhút nhát nhất trần gian (1). Khi giông bão tới là họ khiếp vía cả lên, chui nấp tận đáy hầm con thuyền. Chẳng còn ai có thể kéo họ lên được dù có nạt nộ, đe loi dọa bắn chết đi nữa, họ vẫn cứ nằm lỳ dưới đó, ôm cứng lấy nhau mà chết giấc cả đám, chỉ còn biết khóc lóc than vãn. Ai cũng phải liều mạng nguy hiểm như vậy, ít ra là khi đi Bassora vào tháng Chín.

Chúng tôi hiểu cái vô tâm vô trí của những tay lái thuyền kém cỏi ấy khi từ Bagdad xuống Bassora. Lúc trời đẹp, thả thuyền trôi đàng lái đi trước, bánh lái thuyền thành vô dụng, họ chẳng còn làm chủ được con thuyền nữa, cứ kệ cho gió đưa và dòng nước cuốn. Cứ như thế, mỗi lần xuống thuyền là chúng ta phải chấp nhận như liều phó mạng cho cơn sóng gió, hoặc đúng hơn, phó mình trong tay Đấng Quan Phòng là Đấng đếm được sóng và cát biển. Đó là lúc để thấy mạng con người chỉ nằm trong một mảnh lưới mỏng, hai gang tay kế cận tử thần, ngạc nhiên vì thấy đám dân này không kém ngu xuẩn, hời hợt, đem mạng mình giỡn chơi trên một sự kiện vô đạo như thế. Họ thường xuyên gặp nạn đắm thuyền, hậu quả của tính buông trôi thả lỏng của mình.

Sau ba hay bốn ngày tại cảng Bandaric, chúng tôi lên đường Schiras, qua ngả lừa đi, chỉ cuốc bộ suốt đêm, không dừng. Ban ngày thì nghỉ ngơi. Cứ thế mà biến đêm thành ngày, thật bất tiện cho những ai không quen, vì ban ngày trời nóng như thiêu như đốt khó mà ngủ nghỉ nổi để suốt đêm còn tỉnh táo được.

Sau năm ngày, đúng hơn, năm đêm đi bộ, chúng tôi tới Calzeron là một thành phố nhỏ của xứ Ba tư, nhưng xem ra lại khá lớn, xưa người ta gọi thành này là Césarée.

Suốt quãng đường, chúng tôi chỉ biết leo những ngọn núi cao vời vợi và xuống một con dốc rợn rùng. Một vài chỗ, đường thật hẹp, hai hoặc ba người đi sánh vai nhau được là cùng. Một bên thì là dãy đá cao như với tận mây xanh, bên kia thì là một vực thẳm sâu như đến tận lòng địa cầu, mắt không nhìn thấu. Khách đường, bước chân sợ sệt, đi như bám vào vách đá e ngại bị rơi xuống vực sâu. Gần như suốt đường đi, chúng tôi chỉ biết có leo lên mà thôi. Sách Maccabée đã gọi đây là những vùng cao mà tướng Antiochus đã qua sau khi vượt sông Euphrate để đến xứ Ba Tư. Chúng tôi khổ sở rất nhiều trong cuộc hành trình này: không một mái nhà, không một bóng mát, nắng như thiêu đốt cả ngày, lại thêm vách núi dội sức nóng trở lại nữa. Đêm về, dù trời có mát hơn, nhưng lại buồn ngủ dữ dằn, không ai cưỡng lại nổi, tuy vậy chẳng ai dám để mặc đời mình cho may rủi, rồi cứ ngủ mà như tỉnh vậy.

Khí hậu tại Calzeron có phần dễ chịu hơn tại Bassora và Bandaric nên chúng tôi rất vui mừng đến được đấy, bắt đầu thở ra nhẹ nhàng và đến nỗi bỏ mặc chẳng lo đến chuyện sợ hãi lộn xộn gây gỗ hay trộm cắp mà những người Âu Châu – dân bản xứ gọi chung họ dưới tên «người Phăng» (2) – thường xuyên gặp phải trong xứ Ba Tư là xứ bình an và tự do này.

Tại thành phố này, chúng tôi nhìn được cái gọi là mùa chay của tín đồ Mahomed, mà họ gọi là Romadan hay là Romesan (3), kéo dài trọn một tuần trăng, nghĩa là một tháng trời theo điều răn kinh Alcoran (4) dạy. Họ kiêng ăn và kiêng uống suốt ban ngày. Một vài tín đồ nhiệt thành và sùng kính nhất trong đạo thì, một cách tỉ mỉ và dị đoan, họ đeo một tấm khăn mỏng hay miếng vải thưa trước mặt, vì sợ hít thở nhằm vài con muỗi hoặc vài giọt nước mưa rơi trúng nếu trời đổ hạt. Có kẻ còn đi xa hơn thế nữa khi chuyên chú giữ giới luật trên, không dám nuốt nước miếng xuống nữa, và họ giữ như thế lúc ngày bắt đầu. Các nhà thông luật của họ lúc cắt nghĩa giới răn trên đã coi như ngày bắt đầu, tức giờ giữ chay khởi sự, khi trời đủ sáng để ta nhận ra màu sắc của sợi chỉ treo trong gió. Cũng thế, theo luật giữ chay, ngày chấm dứt khi mắt ta không còn có thể nhận ra màu sắc của sợi chỉ đó nữa. Nếu các người Mahomed sùng tín kiêng khem khờ dại suốt ngày như vậy, họ cần phải bù trừ lại vào ban đêm: lúc họ vừa chớm hết nhận ra màu sắc thì họ được phép mở miệng, ăn uống, làm dạ tiệc suốt đêm, tiêu sài và hoang phí lộng lẫy hơn mùa nào cả trong năm. Vì kinh Alcoran dạy là trong thời kỳ ấy, mỗi người phải rộng rãi cho ai cần thì được mượn tiền bạc, lại càng có lý mà tiêu tiền cho chính mình để lo sống thoải mái. Do đó, người ta thấy là các yến tiệc dạ hội như vậy cũng quan trọng và cũng công đức không kém việc giữ chay ban ngày. Suốt đêm, người ta nghe tiếng người hát, trống, kèn, sáo và các nhạc cụ hầu qua giờ một cách thú vị.

Những thái quá trong lối giữ đạo của họ như thế kéo dài tới tảng sáng đến nỗi qua ngày hôm sau, họ mệt mỏi buồn ngủ gần như hết ngày. Và như sợ chưa đủ hương khói qua những yến tiệc ấy, họ lại cầu cứu tới cần sa á phiện, nên phần lớn thời gian trong ngày trôi qua trong cơn ngủ trưa. Nói chung, họ chẳng bỏ qua sự gì hầu làm giảm nhẹ kỳ chay tịnh.

Tuy nhiên, họ gặp cái bất tiện là vì mùa Romadan trễ lại mỗi năm 10 ngày, nên rơi vào mùa hè, ngày dài và nóng bức nhiều khiến việc ăn chay trở thành bất kham. Sự thực không phải mọi người đều giữ chay tịnh kỹ lưỡng đến thế và có kẻ nghĩ mình vẫn giữ chay dù vẫn ăn uống, miễn sao đừng ai trông thấy. Nhưng ai mà muốn giữ chay đúng như luật lệ nghiêm nghị thì phải khổ sở nhiều suốt mùa hè.

Người ta thấy rõ cái bất công trong cách giữ đạo của người Mahomed, đưa tín đồ đi từ thái cực này sang thái cực nọ, dù chẳng buộc họ làm sự gì xấu xa. Suốt đêm họ sống trong vô chừng vô độ, chẳng từ bỏ gì đối với cảm giác, rồi suốt ngày lại chìm trong thái cực ngu xuẩn và ăn không ngồi rỗi, đến độ chay tịnh của họ là để chuẩn bị ăn cho thỏa thuê hơn là việc hy sinh nhân đức và hữu ích cho việc giữ quân bình các đam mê.

Suốt thời gian ấy, người ta chỉ tạm gặp ít kẻ còn tỉnh táo mà làm việc, lý do là vì dân thợ vay mượn được tiền bạc dễ dàng. Bởi vậy, việc chay tịnh này đưa tới hai thái cực đều đáng nguyền rủa và tệ hại như nhau: ăn không ngồi rỗi và vô chừng vô độ, là nguyên do của nhiều xáo loạn và nhiều tội lỗi trong thời kỳ này. Người ta không thể bảo là do Thiên Chúa dựng nên, bởi chưng chẳng có nhân đức nào làm chuẩn (để đạt tới), (trong khi đó, đây lại là) mục tiêu duy nhất mà tôn giáo đích thực đề nghị ra. Chỉ nhìn vào duy cái lối thực hành này – được xem là nhân đức cao trọng nhất của các đồ đệ Mahomed – người ta đã có thể xét thấy các sai lầm và các sự thái quá của những kẻ đi theo giáo phái này rồi.

Ngày 10 tháng Năm, chúng tôi rời khỏi Calzeron để tới Schiras ngày 14, vào nửa đêm. Schiras hay Siras là một trong những thành phố đáng kể của toàn xứ Ba Tư, nằm ở vĩ độ thứ mười ba, trên dòng sông Bendimir, dưới chân một ngọn núi, từ đó trải dài một cánh đồng tuyệt đẹp có tới 10 dặm chiều ngang và rất phì nhiêu. Nơi đó mọc đủ thứ trái ngon ngọt của thế gian này, mà phần lớn đều giống như loại trái chúng ta có bên Âu Châu.

Thành phố rộng lớn hơn thành phố Orléans, đầy rẫy vườn tược, nhà nào cũng có một mảnh vườn. Nhờ đó, thành phố càng rộng rãi và càng dễ chịu thêm, nhưng người ở thì lại thưa thớt. Những mảnh vườn ấy cũng được làm gần như vườn chúng ta vậy, cái đặc biệt là có những lối đi trồng cây trắc bá, thân to lớn và cao ngất trời. Để tưới vườn thì có nước suối, nước cũng được dẫn theo lạch vào đến tận nhà ở để tắm rửa, một cách rất kỳ lạ.

Những dinh thự đáng kể nhất là các giáo đường Hồi giáo và các trường công cộng. Nhìn phía bên ngoài, các dinh thự này thật lộng lẫy, vì các bức tường và các tháp nhỏ nhỏ làm tháp chuông giáo đường Hồi giáo đều được lát tứ phía bằng loại gạch sơn vẽ đủ màu sắc, rực rỡ như loại đồ sứ đẹp nhất của chúng ta. Mọi viên gạch đều được sắp theo một thứ tự tuyệt hảo, trông rất ngoạn mục. Họ lát gạch thành bảng hiệu, thành chữ, và trang trí chữ lên mặt tiền các giáo đường và các trường học.

Chúng tôi tò mò đến thăm một nhà trường được xây cất rất đều đặn. Bốn phần chính của nhà trường tạo thành một hình vuông vức, toàn nhà được chia ra nhiều căn phòng nhỏ cho các học sinh. Người ta dạy chúng mọi thứ khoa học lành mạnh nhất. Các học sinh chăm chỉ học hỏi ngôn ngữ thuần tuý người Ba Tư, chúng cũng học cả tiếng Á Rập để đọc được kinh Alcoran trong nguyên bản. Nói tắt một lời, mọi thứ khoa học đều được trọng trong xứ này, bởi thế người ta nói được là nơi đây đào tạo nên những tinh thần tuyệt vời nhất hoàn vũ. Những người đã đối thoại với họ đều nhận là họ mang tinh thần hết sức lanh lợi, thanh thản và có khả năng vào những công việc đại sự. Họ có khuynh hướng đặc biệt về thi ca và toán học.

Tại Schiras, chúng tôi cư ngụ chỗ các cha dòng Cát Minh Chân-không mà bề trên là một người Pháp, thuộc giáo phận Limoge. Ngài đã tiếp đón chúng tôi rất niềm nở. Thời gian ở nơi các cha, đàm đạo với các ngài, chúng tôi học lại chuyện mà chúng tôi đã biết hồi ở xứ Thổ Nhĩ Kỳ rồi: chẳng có chi, hay rất ít, có thể làm cho đạo phát triển được với đám người theo kinh Alcoran, vì họ một mực gắn bó trong lòng tin của họ, không như nhiều người Kitô giáo đối với đức tin của chúng ta. Tuy nhiên các thừa sai không phải là vô dụng ở các nơi này, phải chờ lúc mà Chúa sẽ soi sáng cho đám người ngoại giáo đáng thương này.

Tại thành phố Schiras ấy, chỉ có vài gia đình Công giáo, tạo thành một Giáo Hội nhỏ, họ sống đúng là những Kitô hữu tốt lành giữa đám dân ngoại này. Chúng tôi rất vui mừng được đến thăm viếng họ. Các cha dòng, ngoài việc chăm lo đoàn chiên nhỏ bé ấy, còn giúp đỡ tinh thần rất nhiều cho các Kitô hữu người Âu Châu đi qua thành phố để theo đường Ormus. Các cha làm việc đạo đức với tất cả mọi sự tự do như trong một xứ Kitô giáo vậy. Nhưng theo ý kiến chung của các thừa sai đã già đi trong xứ này, cái hay lớn nhất mà người ta có thể làm được là hướng về các Kitô hữu ly khai, sống tràn lan rất nhiều trong xứ Thổ Nhĩ Kỳ và xứ Ba Tư. Người ta quả quyết riêng với chúng tôi là việc hiệp nhất với đức tin Công giáo của đức thượng phụ các người ly khai Nestôriô là điều gần như chắc chắn rồi. Ngài ở phía trên thành phố Tauris năm hay sáu ngày đường, nghĩa là một tháng đường bộ từ Hispaham. Để công việc này được xúc tiến, chỉ cần đến có hai hoặc ba tu sĩ.

Hoàn toàn là chuyện vinh dự cho Giáo Hội khi nâng đỡ những sứ vụ nơi xa xôi này. Các sứ vụ thừa sai ấy thường không đem lại ngay kết quả là những cuộc trở lại mà chúng ta hy vọng, và ít thấy sứ vụ nào được thành công lớn trong việc lo cho các linh hồn, khi người ta kiên nhẫn tìm nâng đỡ. Nhưng các thừa sai thì lại không hề bị nao núng vì khó khăn và các người Công giáo Âu Châu thì không hề nản chí lo giúp đỡ các sứ vụ ấy. Nếu không có gì thanh tao và cao trọng cho Giáo Hội hơn là lòng nhiệt thành đem đức tin tới các xứ ngoại giáo và mở rộng khắp nơi vương quốc của Chúa, thì cũng không có sự gì công chính hơn là làm việc tái thiết đạo trong các chốn Á Châu, nơi mà ngày xưa đạo đã thực phồn thịnh.

Trước khi chúng tôi đi Schiras vào nửa đêm, chúng tôi thấy được sự hoan hỷ của tín đồ Mahomed kết thúc mùa Romadan, hay là Mùa Chay, của họ. Nghi lễ được cử hành với mọi thứ phô diễn vui mừng không sao tưởng tượng nổi: người ta chỉ thấy toàn là ca vũ, toàn là tiếng nhạc vang vọng khắp phía. Mắt chúng tôi bỗng thích thú nhìn thấy trên ngọn núi nhỏ mà thành phố nằm dưới chân, hằng hà vô số những ngọn đuốc được thắp sáng lên do một số các vị «Mola» hay là các tu sĩ đạo Mahomed cư ngụ trên núi ấy theo cách sống ẩn tu. Những ánh lửa sáng ấy phần thì làm tăng niềm vui dân chúng, phần thì để đảm bảo rằng chay tịnh đã chấm dứt. Ngoài cái dấu hiệu ấy, họ còn một dấu khác chắc chắn hơn trên trời là người ta nhìn thấy mặt trăng, bởi vì mùa Romadan phải kéo dài từ con trăng này đến con trăng kế.

Chúng tôi ra khỏi Schiras ngày 20 tháng Năm, luôn luôn đi bộ trong đêm, và đến Hispaham ngày 11 tháng Sáu, trước lúc mặt trời lên. Chúng tôi đi xuống «caravancera» là nơi công cộng dành cho người qua đường cư trú, trong khi chờ đợi đức cha Beryte có thư trả lời của cha bề trên Dòng Augustin Bồ Đào Nha. Đức cha đã viết thư cho ngài để xin phép, trong thời gian chúng tôi ở thành phố này, được trú tại ngôi nhà của giám mục thành Babylone mà ngài là cha tổng đại diện. Ngài đã chấp thuận với lòng nhân từ và thanh lịch. Năm hay sáu ngày đầu tiên của chúng tôi là để đi chào hỏi các tu sĩ và các người Pháp quen thuộc tại Hispaham, cũng như ngài nhân viên Anh quốc và các kẻ lo việc trong Hãng hải thương Hòa Lan. Họ sống hào nhoáng và phung phí ở đó, mỗi người đều cố gắng cao rao đất nước và việc thương mại của nước mình.

Các nghĩa vụ ấy hoàn tất, vì chúng tôi cần có một thời gian yên vắng, chúng tôi đã sống tịnh tâm theo khả năng chúng tôi.

Ngay lúc chúng tôi bớt mệt một chút, chúng tôi dành thời giờ ra để lo chuyện trước tiên là tìm phương tiện tiếp tục cuộc hành trình mau lẹ nhất có thể. Hầu thực hiện được chương trình ấy, chúng tôi đàm đạo với các khách du hành lớn tuổi và kinh nghiệm nhất. Tất cả đều cho là nếu đường sang Trung Hoa có khó khăn thì cũng không phải là không thể được. Lòng khao khát đến nơi sứ vụ thừa sai đã khiến chúng tôi lấy cuộc hành trình theo nẻo đường bộ Candahar, Agra, Pathna, Niepal, Boutan. Ban đầu, người ta bảo đường này nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tin là mình thực hiện nổi nhờ vào ơn Chúa ban. Chúng tôi vui mừng sẽ là những người đầu tiên hy sinh đi mở một con đường mới hầu chinh phục các linh hồn (5).

Một tháng sau ngày chúng tôi tới đây, chúng tôi sắp sẵn để lên đường thì chúng tôi nhận ra rằng Chúa chấp nhận lòng thành của chúng tôi (mà thôi): lúc đó, không thể nào thực hiện được ý đã định vì chuyện bất ngờ là ba ngàn quân Hung Nô từ Yousbec xâm lăng vào Ba Tư, chiếm các nơi mà chúng tôi cần phải đi qua.

Tôi nghĩ phải ghi chú ra đây những gì chúng tôi biết được về con đường dẫn tới tận Trung Hoa. Giữa những thứ làm khó khăn cho việc đi lại này, ngoài những thứ bất tiện quen thuộc, là không bao giờ gặp thấy quán trọ, ít làng mạc, không có trạm liên giao, nguy hiểm cướp bóc, sa mạc phải qua và thiếu lương thực. Đường bảo đảm nhất là đường qua những dãy núi cao. Theo đường này, người ta không thể mang đồ nặng được, dù chẳng là bao đi nữa. Tất cả đều phải chuyển trên lưng vài con dê to. Ở đây, chúng là loại thú chuyên chở và cho sữa để khách đường dùng, và là lương thực an toàn nhất của họ. Các con dê này chỉ dùng ở vài dãy núi, vì có những núi quá hiểm trở khó khăn mà chẳng có con vật nào leo nổi. Tuy nhiên, có thể tìm được người thay vào là những người sống dưới chân núi, sinh sống bằng việc chở khách đường nào cần tới. Họ mang khách trong một tấm thảm trên vai họ. Ý kiến người ta bảo chúng tôi là cứ phải nấp cho kỹ trong tấm thảm, chớ có tò mò mà nhìn xuống đường cũng đừng nhìn xuống nơi đi qua. Bởi vì thường thường đường đi rất hiểm trở và khủng khiếp khi nhìn thấy, chỉ ngó qua thôi cũng đủ để khiến kẻ mạnh dạn nhất sợ run lên rồi. Hốt hoảng và lúng túng, họ sẽ làm người mang họ hụt chân mà rơi vào vực thẳm ghê hồn.

Biết là không thể đi được nữa vì quân Hung Nô ngăn cản, chúng tôi theo lời khuyên của bạn bè, đặc biệt của hai hay ba người Pháp mới trở về từ cùng tận Ấn Độ. Họ hiểu rất rành rẽ về các xứ mà chúng tôi sẽ đến. Chúng tôi quyết định theo ngài nhân viên Anh quốc sẽ đi Comoron vào tháng Chín tới, rồi từ đó sang Surate. Đối với chúng tôi, đây thực là dịp thuận tiện, vì đồng hành với người nhân viên này, là người rất liêm chính và lịch thiệp với người Pháp, chúng tôi không phải trả thuế lộ phí hay quan thuế tại Comoron là 10%. Và nhờ đó, chúng tôi được xuống tàu Anh quốc mà đi Surate nữa. (Còn tiếp)

LM. Giuse Đào Quang Toản dịch và chú thích

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube