Đức Cha Lambert Viếng Thăm Đàng Trong Lần Đầu (P2)

ĐỨC CHA LAMBERT VIẾNG THĂM ĐÀNG TRONG LẦN ĐẦU
Ký Sự của cha Vachet

Chương II
Tới Đàng Trong

Niềm vui lúc đến nơi.
Chúng tôi dễ dàng quên hết những hiểm nguy và mệt nhọc trong chuyến đi, nhờ niềm an ủi thấy mình vào tới một vương quốc nơi mà chúng tôi sẽ gặp một trong những công cuộc truyền giáo rực rỡ nhất của chúng tôi. Giây phút đầu tiên vui mừng đó đủ để trả cho chúng tôi những vất vả từ Pháp cho tới đây.
Ông Mô Sê, người tôi tá cao cả của Thiên Chúa, sau bao nhọc nhằn để chiếm lấy Đất Hứa, thì chỉ được nhìn thấy mảnh Đất Hứa ấy mà thôi. Và còn bao nhiêu người cao trọng, vì một dự đồ cũng như chúng tôi, đã từ bỏ sản nghiệp của họ, gia đình của họ, quê hương của họ và niềm hy vọng của họ, mà chẳng có được niềm vui đạt tới cùng đích lòng ước vọng của mình ? Có kẻ thì bỏ mạng trong những mảnh vụn vỡ của con tàu, có kẻ khác thì chết chìm vì tai nạn, người này thì bị bắt tù đầy và làm nô lệ, kẻ khác thì bị quân cướp tàn sát, hay bị thú dữ ăn thịt sau khi bị bão tố ném lên những hòn đảo xa vắng hay trên những bãi biển hoang vu.
Thực sự thì giữa những bất hạnh đó, họ không kém phần hạnh phúc trước mặt Thiên Chúa so với những kẻ đã thành tựu được cuộc hải hành của họ. Bởi chưng, thực tình là họ đã kết thúc cuộc đời của họ đang lúc thi hành những mệnh lệnh của Đấng Quan Phòng. Nhưng sau tất cả, cứ xét những sự việc theo bề ngoài và theo những cái lợi thực tế khi làm việc cho sáng danh Chúa Giêsu Kitô giữa những dân ngoại, tôi nói phải thú nhận rằng là một ân huệ đặc biệt cho chúng tôi thoát được từng đấy hiểm nguy và sau chuyến đi cả sáu ngàn dặm đường, vẫn còn khả năng làm những phận vụ tông đồ trên một phần đất xa lạ.

Vào đất Đàng Trong.
Suy nghĩ ấy an ủi chúng tôi vô biên, cho dù chúng tôi vẫn lo sợ cách chính đáng bị khám phá ra lúc đến nơi, và bị dẫn tới nhà vua hay các quan lại. Để tránh tai họa đó là tai họa có thể làm Giáo Hội yêu dấu này rơi vào cuộc bách đạo, chúng tôi chọn một nơi an toàn để cập vào bờ lúc ban đêm và một cách kín đáo. Một trong các linh mục người Việt đi đưa tin chúng tôi tới cho một vài giáo dân đầu mục hay. Ngày hôm sau, cha trở lại vào khoảng 10 giờ sáng, cùng với một thầy giảng và một kẻ giảng và hai người khác của một làng tên là Lâm Tuyền. Họ vui mừng không kém gì chúng tôi.
Những người dân đáng thương này chưa hề bao giờ thấy một giám mục ; hơn nữa, họ lại không có mục tử nào từ ngày cha Hainques và cha Brindeau qua đời. Họ như thấy hai vị mục tử quá cố đó sống trở lại qua con người chúng tôi. Từ chỗ đó, người ta có thể hiểu được tình cảm nào trong trái tim của họ.
Sau khi đã bàn luận với họ về điều phải làm, quyết định chung là chúng tôi hãy ẩn mình trong con thuyền suốt ngày hôm đó và vào quãng 7 giờ tối, chúng tôi sẽ rời thuyền đi xa biển một dặm đường tới nhà một giáo dân là người đã tới gặp chúng tôi. Các giáo dân khác có thói quen tụ họp lại nhà ông ta vào các ngày chúa nhật và các ngày lễ.
Nhưng trước tất cả mọi sự, nếu có thể được, phải lo liệu tránh hai điều phiền phức sau : phải tránh sao đừng để con thuyền của chúng tôi bị chận giữ tại hải quan, (vì người ta ắt sẽ biết chúng tôi là ai khi khám xét những đồ lễ của chúng tôi), và tránh sao đừng để quan trấn xứ [quan tỉnh trưởng] là người ngoại giáo, nghe nói đến chúng tôi. Chỉ có mình Thiên Chúa mới có thể bảo đảm chúng tôi khỏi tai họa này hay tai họa nọ, bằng một sự che chở đặc biệt đối với tất cả những giải pháp do sự cẩn thận nhỏ bé của chúng tôi đưa ra. Chính trong những tình huống này mà chúng tôi mới cảm nghiệm được sự trợ giúp tỏ tường từ Trời Cao. Quả vậy, thật đáng lo sợ trước biết bao nhiêu là con người mà chúng tôi có thể làm họ sinh nghi ngờ, cho dù chúng tôi dè giữ đến đâu đi chăng nữa.

Rời con thuyền.
Để rời thuyền cách âm thầm, theo lệnh của các thầy giảng, một vài con thuyền bầu của giáo dân ban đêm đã tới cạnh con thuyền của chúng tôi. Họ chất vào thuyền của họ các gói hành lý của chúng tôi và họ dễ dàng được xem như những ngư phủ đi đánh cá trở về. Người ta đặt lên con thuyền chúng tôi những thủy thủ xa lạ là những người sẽ không bị khám xét cũng không bị bắt giữ tại hải quan, cũng như các thủy thủ khác. Về phần chúng tôi, người ta cho chúng tôi đi đường bộ, Đức cha Bêrytê thì được khiêng đi trong võng có màn che, và cha Mahot và tôi thì đi bộ theo sau, ăn mặc theo kiểu người dân Đàng Trong.
Theo cách đó, chúng tôi vào nhà người giáo dân tốt lành ngày thứ nhất tháng chín năm 1671, khoảng hai tháng sau khi chúng tôi khởi hành từ Xiêm La. Tôi đã xem nhà đó như giáo xứ đầu tiên của Đàng Trong, tại vì chúng tôi gặp ở đấy một số đông đảo tín hữu khao khát các bí tích. Người ta tính được hơn 800 người làm thành đoàn chiên nhỏ này. Tất cả đều lần lượt đến lãnh nhận phép lành của giám mục của họ mà họ gọi bằng ngôn ngữ của họ là Cha Cả. Chúng tôi thì không thể nào giải tội cho họ được, điều mà chúng tôi rất lấy làm buồn tiếc. Tôi thì chẳng có một chút ý niệm nào về tiếng xứ Đàng Trong ; còn về phần Đức cha Bêrytê và cha Mahot, thì phải chờ hơn một tháng trời sau các ngài mới nói và nghe tiếng Đàng Trong cách đầy đủ. Để an ủi chúng tôi với họ, chúng tôi hứa với họ sẽ trở lại trong vòng hai tháng nữa lúc chúng tôi đã có khả năng giúp đỡ họ.

Tình trạng tôn giáo.
Lời nói trên của chúng tôi với lòng thành thực đã làm họ an tâm một chút. Nhưng chúng tôi không thể nào xin được họ rút lui đi và đừng tụ họp lại đông đảo. Lòng đói khát Phúc Âm nơi họ không cho phép họ rời xa khỏi những người từ rất xa xôi đến cho họ thưởng nếm hương vị ngọt ngào của Phúc Âm. Họ mong muốn ít nữa là trông thấy những người này, bởi vì những người này chưa thể nói chuyện với họ được.
Chẳng biết sao, tất cả những gì tôi nhìn thấy nơi họ đã khiến tôi có ý tưởng nào đó về Giáo Hội sơ khai : tất cả họ đối với tôi như chỉ có một con tim và một tâm hồn, họ tương trợ nhau như anh em, họ nâng đỡ nhau trong tất cả những sự cần thiết, họ hiểu biết rõ tất cả những gì liên quan tới đức tin và phong hóa của đạo thánh chúng ta, trừ ra những Điều Răn Hội Thánh mà cho tới lúc đó họ chưa từng nghe nói đến. Với một sự trung thành đáng ca ngợi, họ thực hành tất cả những gì họ học được từ các thầy giảng. Sự săn sóc và canh chừng của các thầy giảng đã giữ gìn họ trong sự trong trắng và trong niềm đoàn kết chặc chẽ với nhau.
Những trẻ em nhận được hoa quả đầu tiên của sứ vụ truyền giáo. Chúng tôi ban phép thêm sức cho trên 200 em với một vài người lớn mà các linh mục người Việt đã giải tội cho. Nhiều người ngoại xin được rửa tội, nhưng chúng tôi chỉ ban phép rửa tội cho những ai chúng tôi thấy đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, và những người khác thì được lưu lại cho tới khi nào họ có khả năng hơn nhờ thừa tác vụ của các thầy giảng. Tuy nhiên, vì Đức cha Bêrytê biết tầm quan trọng phải dạy dỗ chu đáo các kẻ ngoại tân tòng trước khi rửa tội cho họ, ngài nghĩ rằng không phải giao phó việc này cho riêng các thầy giảng. Vì cẩn thận và vì nhiệt thành, ngài để lại nơi này một thừa sai với cha Luca, linh mục người Việt, chăm lo cho những kẻ đã là Kitô hữu trong khắp các vùng này (mà con số lên tới 3.000 người, tính luôn cả các làng mạc lân cận) ; và cũng để hai ngài gặt hái lấy hoa quả mà Đấng Quan Phòng hứa ban trong một thời gian ngắn tới đây, nếu được vun xới. Bởi vì người ta có thể vui mừng rằng gần như không có người dân ngoại nào mà không muốn nghe giảng dạy giáo lý đức tin ; và những kẻ vị vọng nhất chắc hẳn không những đã nghe mà lại đã đón nhận đức tin với trọn tấm lòng, nếu như họ không bị ngăn trở vì một vài lợi lộc bất hạnh mà ơn thánh Chúa sẽ giúp họ thoát khỏi với thời gian.

Chương III
Tại vùng Nha Trang

Ông quan có đạo.
Một ông quan lớn là quản lí xứ mà chúng tôi cập bến. Ông và cả gia đình đều có đạo. Trên đường từ triều đình về thì ông nghe tin có Đức cha Bêrytê đến. Không chờ đợi gì thêm, ông liền rẽ xuống nơi chúng tôi trước khi về nhà mình, mà ở nhà, vợ con ông đang nóng lòng mong ông vì những công việc cấp bách. Trước hết, ông đến bái quỳ dưới chân vị giám mục. Và sau khi đã tỏ lòng tôn kính sâu thẳm của ông đối với ngài và với các vị giáo sĩ tháp tùng ngài, ông cám ơn ngài về những ân nghĩa ngài ban cho Giáo Hội Đàng Trong. Tiếp đó, ông nói với ngài rằng cha Hainques rất thường nói với ông về công trạng của ngài, rằng ông đã biết chức vị của ngài dù không hề thấy bản thân ngài, rằng ông không phải là không hay biết gì về chức phẩm của ngài trong Giáo Hội, về những ân lộc ngài đã bỏ lại bên Âu châu và về những gian khổ ngài đã chịu đựng để đến trong những xứ phương đông này. Ngoài ra, ông đến để dâng ngài tất cả những gì thuộc quyền hạn của ông và ông sẵn sàng phục vụ ngài tất cả những gì ngài có thể cần đến.
Sau cùng, ông ta thêm rằng ông quen biết cách rất riêng tư vị quan trấn thủ xứ này và ông nghĩ cần phải báo cho vị quan trấn ấy biết tất cả mọi sự.

Đắn đo lo lắng.
Lời nhắn nhủ trên làm chúng tôi ngạc nhiên. Bởi vì, ai lại đi thố lộ ra cho một vị quan trấn ngoại giáo là người mà theo phận vụ phải tấu trình lên nhà vua tất cả những gì ông hay biết được ? Thực sự, ông quan đã trấn an chúng tôi rằng vị quan trấn sẽ triệt để giữ bí mật cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi gần như không dám yên tâm tin tưởng như vậy, tại vì chúng tôi không thể cho rằng một kẻ ở chức vị cao lớn như thế lại muốn bỏ liều gia sản mình và bản thân mình vì những kẻ không quen biết và vì một tôn giáo ngoại lai. Gương mà người ta mới có đây về một vị quan trấn nọ hiện vẫn còn nằm trong tù ngục khốn khổ, bởi đã không báo tin cho triều đình biết một con thuyền người Hoa đến trong xứ, hẳn đã làm cho vị quan trấn này phải lo sợ. Thực vậy, để người Trung Hoa vào buôn bán tại Đàng Trong mà không báo tin thì chẳng đáng tội bao nhiêu, so với chuyện để một giám mục và mấy linh mục đến rao truyền đạo Thiên Chúa trong vương quốc, vào một lúc mà điều này vừa bị cấm đoán với những án phạt nặng nề.
Tuy nhiên tất cả sự ấy chẳng làm cho ông quan đó hãi sợ. Ông còn đưa ra những lý do mạnh mẽ nhằm thi hành ý định của ông đến đỗi các người vị vọng trong giới giáo dân đều bị thuyết phục, dù họ vẫn lo sợ. Chỉ có ông quan là tỏ ra cứng rắn, với một viên lãnh binh nọ là người đứng đầu một binh đoàn cả trăm người. Viên lãnh binh, với niềm tự tin xứng đáng là một người lính có đạo, dấu chứng một lòng hào hiệp quả cảm, đã cao giọng tuyên bố hầu khích lệ những ai nhút nhát rằng : « Ê, khi phải chết, thì có chi quan trọng ? »

Chuẩn bị gặp vị quan trấn.
Quyết định như vậy rồi, ông quan liền ra đi ngay để gặp vị quan trấn. Và sau khi đã khéo léo dò ý tứ vị quan trấn, ông quan chẳng giấu diếm vị quan trấn này sự gì. Tâm tình rộng mở đó đã lấy được lòng vị quan trấn. Thay vì cảm thấy phiền hà, vị quan trấn này đã vui thích đón nhận tin tức trên. Vị ấy còn hứa với ông quan trung gian rằng sẽ chẳng xẩy ra chuyện phiền phức nào cả miễn là chúng tôi lo liệu đừng tụ họp quá nhiều người và quá rầm rộ. Và để làm ơn và giữ lòng chân thành cho trọn, vị quan trấn ấy nói rằng muốn viếng thăm Đức cha Bêrytê, không phải tại nhà vị ấy, nhưng tại nhà ông quan.
Chúng tôi rất muốn tránh được cuộc viếng thăm trên để khỏi phải liều lĩnh mọi sự, nhưng đành phải tuân theo thôi. Tất cả mọi giải pháp mà chúng tôi tìm ra được trong trường hợp lỡ tai nạn nào xảy đến với Đức cha Bêrytê, là dấu kín một thừa sai và một linh mục người Việt hầu trợ giúp cho giáo dân cách bí mật, nếu chúng tôi bị bắt giữ.
Lo xa vậy rồi, ban đêm, chúng tôi đi võng che tới nhà ông quan cách nơi chúng tôi ở là 5 dặm đường. Sáng sớm thì chúng tôi tới nơi, chúng tôi dâng thánh lễ và Đức cha Bêrytê ban phép thêm sức cho 30 trẻ em. Phần còn lại trong ngày đó thì dùng để bàn thảo tìm phương cách nào củng cố và hoàn hảo hóa tình trạng tôn giáo. Vào buổi chiều, Chúa Quan Phòng ban cho chúng tôi một thầy giảng xuất sắc mà bà vợ đã vui lòng đồng ý cho chồng nhận chức vụ đó và thi hành các nhiệm vụ mà chính yếu là giảng dạy, rửa tội và xướng kinh trong các buổi hội họp giáo dân.

Gặp vị quan trấn.
Vị quan trấn thủ đến một mình vào nửa đêm trong lúc mọi người đang say ngủ, vị quan trấn ấy không muốn ai nhìn thấy ông. Buổi thăm viếng của vị quan rất thú vị nhất là vì chúng tôi đã quá lo ngại. Vị quan bảo đảm với chúng tôi về tình cảm tốt đẹp của ông và sự bao che của ông trong phạm vi bản xứ của ông. Vị quan nói với Đức cha Bêrytê rằng ông không dám dâng cho ngài một căn phòng trong dinh thự của ông, bởi vì ở đó có quá nhiều người. Nhưng nếu ngài muốn lưu lại ở trong địa hạt thuộc quyền hành chánh của ông, ông sẽ cấp cho ngài một ngôi nhà và một khu vườn có tường rào quanh cẩn thận. Vào lúc này, tốt nhất là ngài nên sống ẩn mình, cho tới khi nào có cơ hội tốt để thưa chuyện với nhà vua, và vị quan thấy đó không phải là điều khó khăn lắm. Nếu xảy ra chuyện người ta tiếp tục cuộc bách hại các người có đạo, chúng tôi sẽ có một nơi ẩn náu an toàn trong phần đất của vị quan trấn. Vị quan trấn nói :
« Tôi tin chắc rằng các ngài rao giảng đạo của Thiên Chúa thật, tôi nghĩ rằng tôi sẽ sung sướng nếu công việc của tôi không bó buộc tôi phải tuân theo tôn giáo của nhà vua tôi, nhưng tôi hy vọng sự việc sẽ thay đổi, và có thể ngày nào đó, tôi sẽ thấy trong vương quốc này có một sự tự do hoàn toàn để theo giữ đạo giáo của các ngài. »
Cuộc trò chuyện chấm dứt như vậy. Vị quan muốn đưa chúng tôi trở về nhà bằng voi hay ngựa, nhưng chúng tôi từ chối. Chúng tôi dùng lại phương tiện đã dùng để tới đây. Nhưng để chứng tỏ lòng thành của mình, chẳng nói năng gì, ít ngày sau đó, vị quan trấn gửi đến cho chúng tôi một giấy thông hành chính tay vị quan ấy viết để chúng tôi không bị ai khám xét. Giấy đó đã giúp chúng tôi vô cùng trong rất nhiều cơ hội.

Tới Nha Ru.
Ý định chính của Đức cha Bêrytê khi đến trong xứ Đàng Trong là sớm nhất có thể phải tới Hội An. Một phần, vì nơi đó số giáo dân đông đảo và nhiệt thành đã tạo nên một trong những giáo đoàn (Église) đẹp nhất đất nước ; một phần, vì chính tại khu vực trên là nơi cha Hainques và cha Brindeau đã từ trần. Chúng tôi chuẩn bị mọi sự để đến đó trước khi mùa mưa trở thành khó chịu hơn, dù mưa đã khởi sự lâu rồi.
Chúng tôi để lại một thừa sai trong xứ mà chúng tôi rời bỏ. Tất cả mọi người khởi sự lên đường cách lặng lẽ để tránh bị chú ý. Chúng tôi dừng chân chốc lát khi đi ngang qua xứ Nha Ru hầu yên ủi giáo dân tại đây. Bằng không, chắc họ sẽ kêu ca, nếu chúng tôi thích đến thăm xứ Phủ Mới hơn là thăm họ. Phủ Mới thì quan trọng hơn và rộng lớn hơn Nha Ru. Nhưng chúng tôi xin họ vui nhận rằng chúng tôi sẽ không dừng chân lâu tại Nha Ru vì mùa gió chướng đang tới rồi và cần phải chuẩn bị để tránh đi mùa gió.

Ông quan trấn thủ xứ Nha Ru.
Đã có tới gần 100 người dự thánh lễ do Đức cha Bêrytê dâng vào đêm thứ hai sau khi chúng tôi đến. Ông quan trấn thủ xứ này cho người đem võng che đưa chúng tôi tới nhà ông ta. Ông ta tiếp đón chúng tôi rất lịch sự cùng với bà vợ của ông và gia đình đông đúc của ông. Chúng tôi chỉ nói chuyện về Thiên Chúa với ông mà thôi, với ý định đề cập với ông về một vài chuyện bê bối trong cuộc sống của ông. Thay vì khó chịu khi nghe chúng tôi nói tới những chuyện khẩn thiết, ông lại khiêm tốn cám ơn những lời bảo ban của chúng tôi. Ông thành tâm nhìn nhận mình thiếu sự chỉ dẫn và nói rằng ông rất hoan hỉ được soi dẫn và hiểu thấu những lời dạy của luân lý Phúc Âm. Trong tinh thần đó, đêm hôm sau, ông tới nhà thờ biếu cho chúng tôi gạo, sáp ong và tiền. Nhưng ông được cảm hóa cách tuyệt vời khi chúng tôi nói với ông rằng Đức cha Bêrytê không lấy một thứ gì cả, rằng ngài đến không phải để nhận, nhưng để ban sự trợ giúp vật chất cũng như tinh thần cho những ai cần đến.
Tuyên bố trên khiến vị khách của chúng tôi phải dùng tới tài khéo léo của ông để biếu quà cáp cho chúng tôi, điều mà ông đã dự tính trước mà chẳng hề nói gì với chúng tôi. Bởi vì ông ta gặp chúng tôi hôm trước ngày chúng tôi lên thuyền, ông cho người kín đáo đem vào thuyền chúng tôi đường phèn, mứt, gạo hảo hạng và hơn 60 bánh sáp ong. Ông lại còn muốn cấp thuyền cho chúng tôi và trang trải mọi phí tổn chuyến đi tới xứ Nước Mặn nữa. Chúng tôi tới đó sau một ngày và một đêm, mặc dù bình thường phải bỏ ra bốn ngày trời cho quãng đường này.

Ký Sự của Cha Vachet

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube